"Phi lý trí": Chúng ta có thực sự hiểu các quyết định của mình?

Trong suốt nhiều năm, hệ tư tưởng của thị trường tự do đã chễm trệ đứng đó trên thế giới, uốn nắn các hoạt động chính trị kinh tế bằng giả thuyết cốt lõi của nó, đó là "bàn tay vô hình" của thị trường buộc nền sản xuất tạo ra giải pháp tốt nhất cho mọi vấn đề. Nhưng ngày nay, ngay cả Bill Gate cũng phải nói rằng cơ chế của nền tư bản là "không thỏa đáng" cho một phần ba nhân loại, và thậm chí Hillary Clinton cũng không ủng hộ Bill Clinton trong các hiệp định thương mại tự do những năm 1990.

 

Một dấu hiệu khác cho thấy thời thế thay đổi là cuốn "Phi lý trí" - nơi đưa ra những dẫn chứng và giải thích sự chuyển dịch này giữa những làn sóng văn hóa. Ở đây, Dan Ariely - một nhà kinh tế học của M.I.T (Học viện Công nghệ Massachusetts) nói với chúng ta rằng: "cuộc sống với ít những qui tắc thị trường và nhiều các chuẩn mực xã hội hơn sẽ thỏa mãn con người, sẽ sáng tạo, và vui vẻ hơn". Nhân tiện, hội nghị nơi ông có được cái nhìn sâu sắc này không phải được tài trợ bởi Cục Dự trữ Liên Bang - nơi ông làm nghiên cứu. Nó tới với ông ở Burning Man - một hội nghị phi chính phủ thường niên nơi mà tiền thì bị cấm tiệt. Ariely gọi nó là "nơi chu đáo, hòa đồng và thân thiện nhất mà tôi từng đến".

 

 

Rõ ràng là cuốn sách ranh ma và sáng suốt này không phải là về nền khoa học ảm đạm cứng nhắc. Những trang viết của Ariely là về kinh tế học hành vi - ngành nghiên cứu dựa trên thực nghiệm để khám phá ra cái mà con người thực sự đã làm khi họ thực hiện hành vi mua, bán, chuyển đổi công việc, kết hôn và đưa ra những quyết định khác trong đời thực. 

 

Ví dụ như để xem xem kích thích thay đổi thái độ tình dục như thế nào, Ariely và đồng nghiệp đã yêu cầu những người đàn ông trẻ trả lời một bảng hỏi - và sau đó yêu cầu họ trả lời nó một lần nữa - nhưng lần này là trong khi xem phim khiêu dâm. (Trong trường hợp về sau, câu trả lời của họ cho các câu hỏi về thị hiếu tình dục, bạo lực và sử dụng bao cao su đã trở nên kém đường hoàng hơn). Để nghiên cứu sức mạnh của sự gợi mở, nhóm của Ariely đã cho tình nguyện viên trải nghiệm một cơn đau nhẹ do điện gây ra, và sau đó mời họ những viên thuốc giảm đau giả có giá là 10 xu hoặc $2.50 (tất cả họ đều thấy cơn đau thuyên giảm, nhưng những người uống thuốc "xịn" hơn thì cảm thấy đỡ đau hơn rất nhiều!). Để xem xét cách mà các bối cảnh xã hội tác động tới sự trung thực, họ tạo ra một bài kiểm tra có đặc điểm là dễ gian lận, và sau đó họ quan sát những gì xảy ra nếu họ nhắc nhở mọi người về nguyên tắc đạo đức ngay trước bài kiểm tra. (Hòa ra là khi được nhắc nhở về bất cứ nguyên tắc đạo đức nào - điều răn Kinh thánh, hay "Hệ thống trung thực M.I.T" mà trên thực tế không tồn tại, thì việc gian lận của họ giảm xuống").

 

Những kiểu thí nghiệm nghiêm ngặt nhưng nghe chừng có vẻ ngô nghê này tạo cho chúng một phong cách thân thiện mà đầy bất ngờ, từ đó Ariely có thể thoải mái đi từ những phòng thí nghiệm mà mở ra những câu hỏi xã hội có tính bao quát đối với cuộc đời của chính ông (Tại sao ông lại mua một chiếc Audi mà không phải là một chiếc Minivan trong khi nó hợp lý hơn?). Ông ấy là người đồng hành có tính khí tốt - nếu ông nhắc tới bạn trong cuốn sách này, bạn sẽ được gọi với những từ "phi thường", "tuyệt vời", "thú vị" - và những gì ông ấy miêu tả cũng minh bạch như pha lê vậy. Nhưng "Phi lý trí" là một cuốn sách mang tính cách mạng hơn so với cách thức ôn hòa mà nó thể hiện. Nó là một bản tóm tắt giải thích tại sao khoa học ngày nay đối xử với mô hình "thị trường biết tuốt" như là một câu chuyện cổ tích.

 

Lý thuyết kinh tế thị trường cổ điển cho rằng hiểu biết con người là một tập hợp các giả thuyết. Đầu tiên, bạn là một cái tôi nhất quán và đơn nhất. Thứ hai, bạn có thể chắc chắn về việc cái tôi của mình muốn và cần gì, và có thể đoán trước được việc nó sẽ làm. Thứ ba, bạn nhận được một phần thông tin về cái tôi của mình từ cơ thể - đó là những sự thực khách quan như cơn đói, khát, đau và niềm vui từ đó giúp định hướng quyết định của họ. Nền kinh tế chuẩn mực, theo như Ariely viết, đã giả định rằng tất cả chúng ta - những kẻ được trang bị với cái tôi này - "biết tất cả những thông tin liên quan tới quyết định của chúng ta" và "chúng ta có thể tính toán được giá trị của những lựa chọn khác nhau khi đối mặt với chúng". Chúng ta, đối với những quyết định quan trọng, luôn lý trí, và đó là điều làm cho thị trường trở nên thật hiệu quả trong việc tìm kiếm các giá trị và phân bổ công việc. Mượn lời H. L. Mencken, hướng tiếp cận thị trường giả định rằng "những người dân bình thường biết được họ muốn gì và họ xứng đáng để có được nó."

 

Phi lý trí - Chúng ta có hiểu được những quyết định của mình?

 

Những gì mà các công trình tâm lý học, xã hội học và kinh tế học đã chỉ ra, theo như mô tả của Ariely thì cả ba giả thuyết này đều sai. Phải, bạn có một cái tôi lý trí, nhưng đó không phải là cái duy nhất mà bạn có, hay liệu nó có luôn hoạt động. Một bức tranh chính xác hơn là có rất nhiều phiên bản của bạn, kẻ sẽ đứng mũi chịu sào trong những bối cảnh khác nhau. Chúng ta không phải là những chiếc máy tính lạnh lùng phục vụ cho lợi ích của cái tôi - kẻ mà đôi khi trở nên điên khùng; chúng ta là những kẻ điên mà trong một số trường hợp đặc biệt thì trở nên lý trí.

 

Ariely nói ra những điều này không phải là để lật đổ lý trí. Thay vào đó, ông và những người nhà xã hội học đồng hành cùng ông, muốn thay thế mẫu "con người lý trí kinh tế" bằng một mẫu hình miêu tả chính xác hơn về những qui luật thực sự chi phối lựa chọn của con người. Ví dụ như trong chương về "Thuyết tương đối", Ariely cho rằng đánh giá hai căn nhà ở cạnh nhau cho ra những kết quả khác so với việc đánh giá ba cái - A, B và một phiên bản kém hấp dẫn hơn A một chút. Phiên bản A phẩy xoàng xĩnh khiến cho việc lựa chọn A trở nên dễ dàng hơn - không chỉ tốt hơn so với cái mà nó tương đồng mà thậm chí là tốt hơn cả B. Phiên bản gần giống của A không nên gây ảnh hưởng lên xếp hạng của bạn về hai căn này, nhưng nó đã làm thế. Tương tự như vậy, ông miêu tả "hiệu ứng miễn phí", cái mà các nhà tiếp thị đã khai thác để thuyết phục chúng ta mua thứ gì đó chúng ta không thực sự muốn hay cần để sưu tập quà "miễn phí". "MIỄN PHÍ cho chúng ta một khoản phí xúc cảm khiến chúng ta nhận thức cái đang được mời mọc có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị thực của nó" - Ariley viết. Không một thứ gì ở đây mà lý trí logic có thể dự đoán được.

 

Những gì mà một cái tôi lý trí nên làm, theo ông, là thiết lập hàng rào bảo vệ để quản lý mọi thứ trong rất nhiều những thời điểm mà lý trí không làm việc. (Mặc dù vậy, một người có thể hỏi rằng tại sao cái tôi lý trí lại nên làm việc mọi lúc, đây là một giả định mà Ariely đã không nghiên cứu sâu).

 

Ví dụ, như Ariely viết, chúng ta biết rằng cái phi lý trí của mình dễ dàng rơi vào vòng tay của sự thèm muốn những thứ mà chúng ta khả năng mua hoặc không cần đến. Vì thế, ông đề xuất sử dụng thẻ tín dụng - giúp thúc đẩy việc lên kế hoạch và kiểm soát bản thân. Ví dụ như sau khi xài 50$ mua sôcôla trong tháng này - thẻ tín dụng sẽ từ chối yêu cầu mua thêm socola của bạn! Trên thực tế, ông từng gợi ý về việc này cho một ngân hàng lớn. Tất nhiên, ông biết rằng ý tưởng của mình có thể cắt bớt của các ngân hàng Mỹ 17 tỷ đô-la mỗi năm từ lợi tức thẻ tín dụng của khách hàng, nhưng dẫu sao thì tiền cũng không phải là tất cả.

 

Trạm đọc (Read Station) tổng hợp

Tags: