Được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”, Hồ Xuân Hương là một trong số những nhà thơ nữ tiêu biểu có đóng góp nổi bật cho nền văn học Việt Nam. Bà là người thông minh, thích được làm quen và kết giao với nhiều bạn bè, nhưng lại có đường tình duyên khá lận đận, cả hai đời chồng bà luôn phải chịu số phận làm vợ lẽ và trở thành góa phụ.
Thơ của bà hầu hết được trình bày theo hai phong cách là thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt và được nhận định rằng thơ chữ Nôm có nhiều phần đặc sắc hơn chữ Hán. Ý tưởng trong thơ của bà cũng rất táo bạo, dù nó chứa đựng một vài điều cấm kỵ đối với lễ giáo đương thời. Cho nên, Xuân Hương được xem như hiện tượng kỳ thú của dòng thơ ca cổ điển Việt Nam khi tích cực đưa ra cái nhìn đối lập với truyền thống đạo đức, nhưng không vì thế mà tự trở nên suy đồi. Cùng với ngòi bút điêu luyện của mình, bà đã để lại cho đời không ít những tuyệt phẩm.
Những bài thơ tiêu biểu của nữ nhà thơ Hồ Xuân Hương phải kể đến là: Bánh trôi nước, Cái quạt, Đánh đu, Chơi hoa, Mời trầu… Các tác phẩm của bà tuy còn đang thất lạc ở nhiều nơi, nhưng hầu hết các kịch bản Nôm bằng miệng vẫn được truyền lại.
Thơ ca của Hồ Xuân Hương luôn thể hiện sâu sắc tiếng nói riêng của bản thân và được sáng tác theo một niêm luật chặt chẽ. Đặc điểm nổi bật trong thơ của bà là không bao giờ dửng dưng, lạnh nhạt mà chan chứa tình cảm. Bà luôn luôn đặt trái tim cháy bỏng của mình vào những bài thơ, nói đến bất cứ điều gì là nói bằng tất cả sự xúc động, và tình cảm chân thành của mình. Lúc giận dữ thì thét lên, mắng chửi cho thỏa nỗi lòng, khi yêu thương thì đằm thắm, ngọt ngào chạm đến trái tim.
Trong số những nhà thơ nổi tiếng thời cận đại không thể không nhắc đến Bà Huyện Thanh Quan. Bà tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, Hà Nội. Bà là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825), và là vợ của Lưu Nghị (1804-1847), người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Vì Lưu Nghị từng làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) nên người ta thường gọi vợ ông - Nguyễn Thị Hinh là Bà Huyện Thanh Quan.
Dưới thời vua Minh Mạng, bà được mời vào kinh giữ chức Cung Trung Giáo Tập để dạy học cho các công chúa và cung phi. Khoảng một tháng sau khi chồng mất, bà lấy cớ sức yếu xin thôi việc, rồi dẫn bốn con về lại Nghi Tàm và ở vậy cho đến hết đời.
Một số bài thơ tiêu biểu của Bà Huyện Thanh Quan gồm có: Qua đèo Ngang, Thăng Long hoài cổ, Cảnh chiều hôm, Chiều hôm nhớ nhà, Cảnh thu (2), Chùa Trấn Bắc. Chúng hầu hết là những bài thơ để tả cảnh thiên nhiên xinh đẹp ngất ngây, thơ mộng như một bức tranh thủy mặc, và mượn cảnh để diễn tả cái tình ẩn trong lòng một cách độc đáo.
Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ XX. Cô được mệnh danh là “Nữ hoàng thơ tình” với nhiều bài thơ đặc sắc như: Sóng, Thuyền và biển, Thơ tình cuối thu, Tiếng gà chiều,… Tên thật của cô là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở làng La Khê, xã Vạn Khê, tỉnh Hà Tây. Cô xuất thân từ một gia đình công chức, vì mẹ mất sớm và cha thường xuyên phải đi làm xa, nên Xuân Quỳnh được bà ngoại nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành.
Thơ của Xuân Quỳnh luôn tràn đầy những cung bậc cảm xúc khác nhau giống như cái cách mà cô luôn hết mình với cuộc sống. Những bài thơ khi thì hạnh phúc đắm say, lúc thì đau khổ suy tư của nhà thơ luôn tạo được cảm giác gần gũi với người đọc vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ mang trên mình ba chức danh là người mẹ, người vợ và là một nhà thơ. Trong đó các bài như: Sóng, Chuyện cổ tích về loài người đã vinh dự được đưa vào sách giáo khoa môn ngữ văn phổ thông của Việt Nam. Và các bài Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc rất thành công.
Trạm Đọc tổng hợp