Đối với nhiều khách du lịch Việt Nam, Hàn Quốc là một điểm đến hấp dẫn, không quá xa xôi mà vẫn cách xa khỏi cuộc sống thường nhật. Với những người Hàn sống trên đất Hàn Quốc, việc đi du lịch ở xứ sở này có lẽ không quá khác đời sống quen thuộc, nhưng người ta vẫn đi du lịch để thoát khỏi những mệt mỏi ngày thường. Đó là cảm giác mà những ghi chép trong cuốn sách Nơi tình yêu ngang qua của nhà báo phụ trách mảng du lịch Choi Kab-soo đem lại cho người đọc. Du lịch có sức mạnh chữa lành những tổn thương mà cuộc sống ngày thường gây ra.
Thực tế thì cuộc sống hàng ngày của người Hàn Quốc ở Hàn Quốc cũng giống như cuộc sống thường ngày của người Việt Nam ở Việt Nam, đều mệt mỏi bon chen cả. Tỉ lệ tự tử dẫn đầu thế giới là bằng chứng rằng đời sống ở Hàn Quốc thậm chí còn đáng sợ hơn nhiều. Các văn phòng ở Seoul thường sáng đèn đến tận khuya, để khách du lịch ồ à trước khung cảnh lung linh hiện lên trong máy ảnh, còn những con người ngồi sau những ô cửa rực rỡ ấy thì chỉ thấy sức sống bị vắt kiệt. Đã từng là một trong những con người ấy, làm việc mười mấy tiếng liền mỗi ngày ở nơi đắc địa nhìn xuống cảnh sắc Yeouido xanh mướt bên cạnh sông Hàn mà chẳng mấy khi rung động trước vẻ đẹp ấy, tôi hiểu cảm giác của tác giả Choi, hoài nghi về tất cả những việc mình đang làm, chán ghét tất cả những việc lặp đi lặp lại mỗi ngày.
Một đời sống như vậy bào mòn tâm hồn con người. Tâm hồn vào buổi sáng thứ hai khô héo “như cây lau đang chết dần chết mòn,” khô héo tới mức tưởng như không còn gì tiếc nuối nếu Trái Đất có diệt vong. Thời gian nhìn ra ngoài cửa sổ còn thiếu, thời gian tưới cây cũng không có, vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi tâm hồn bị bỏ bê tới mức khô kiệt.
Và đi du lịch là giải pháp mà Choi Kab-soo chọn để cứu rỗi tâm hồn mình. “Dù là ngồi trên tàu hoả xóc nảy, đọc lướt qua cuốn tạp chí, dù là ngủ gật trên xe buýt, ngắm nhìn những cụm mây qua cửa sổ máy bay, dù chỉ còn lại một mình trong phòng trọ ở một thành phố xa lạ, lắng nghe tiếng mưa rơi, dù là lang thang trên bãi biển hay đi vào núi sâu, chỉ cần không phải nơi đây thì đối với anh, đó đã là những chuyến du lịch, đó đã là hạnh phúc.” Có lẽ cũng là một cách chạy trốn, nhưng sau mỗi chuyến đi đến một nơi xa lạ, người ta quay trở lại thêm trân trọng những điều đang có, như căn nhà vẫn đang đợi chờ mình. Nếu chẳng được đi du lịch thì cùng căn nhà đó có thể trở thành một chốn giam cầm ấy chứ.
Những chuyến du lịch mang lại một cái nhìn mới, bởi chúng mở ra một cuộc sống rộng lớn hơn, cho con người xích lại gần nhau hơn. Cơ hội để gặp gỡ người xa lạ thì không thiếu, nhưng chỉ trong những chuyến du lịch người ta mới đủ trải lòng để tâm sự và lắng nghe tâm sự của nhau. Những con người xa lạ ấy ai cũng có một câu chuyện riêng để kể, từ nhiếp ảnh gia bỏ việc trở thành chủ quán trọ bên bờ biển, mỗi đêm đều ra biển chụp ảnh nhưng không bỏ phim vào máy, cho đến cô gái Nhật Bản đi du lịch từ Thái Lan đến Hàn Quốc, vừa đi vừa nguyền rủa người yêu cũ.
Dù là gặp nhau ở bãi biển Sokcho, ở biệt thự trên núi Deokyoo, trên tàu hoả đi Yeosu, hay trong một quán mỳ nhỏ ở đảo Jeju, dù là gặp gỡ cả mấy ngày hay chỉ trong khoảng thời gian đủ ăn một bát mỳ, những người khách đường đã được nối với nhau bằng những sợi dây vô hình kỳ diệu. Tâm hồn của mỗi người được tưới mát cũng là nhờ những điều kỳ diệu nho nhỏ như vậy.
Những bức ảnh có thể lưu giữ phần nào những điều kỳ diệu của việc đi du lịch, nhưng có rất nhiều điều phải tận mắt thấy mới hiểu được. Hơn ba trăm trang của cuốn sách ảnh Nơi tình yêu ngang qua vì vậy không thể thay thế những chuyến du lịch đưa bạn thoát khỏi cái chật hẹp của đời sống thường ngày, nhưng cũng đủ cho bạn một chuyến du ngoạn của cảm xúc, để rồi khi gấp sách lại bạn sẽ muốn lao vào những chuyến đi.
Thanh Huệ/Trạm Đọc