Nỗi đau của sự thanh thản
Nỗi đau của sự thanh thản
“Trong nỗi buồn đau có tồn tại cả sự bình yên, thanh thản và xoa dịu.” - Soren Kierkegaard
Hạt Giống Tâm Hồn - Vượt Qua Dông Bão
(1 lượt)
Sau khi hết lòng chăm sóc người mẹ già yếu suốt những ngày cuối đời và vượt qua sự ra đi của bà ấy, một cô bạn của tôi đã chia sẻ: “Tôi nhớ mẹ, nhưng tôi muốn quên đi khoảng thời gian chăm nom mẹ”. Lời giãi bày sâu sắc và dễ hiểu của cô ấy đã nói lên một sự thật đơn giản và trần trụi về cuộc sống đầy xáo động và không thể kiểm soát của những người phụ trách việc chăm sóc người phụ trách việc chăm sóc người già yếu.

Đó chính xác là cuộc sống của tôi trong thời gian tôi chăm sóc người bà chín mươi sáu tuổi của mình. Suốt những năm tháng đó, mỗi ngày của tôi đều trôi qua một cách hỗn loạn, không thể đoán trước được. Tất cả đều bắt nguồn từ căn bệnh sa sút trí tuệ không thuyên giảm của bà nội tôi. Căn bệnh quái ác đó đã kiểm soát hoàn toàn thế giới của bà, đồng thời đẩy tôi vào một vòng xoáy đầy những cảm xúc thay đổi bất chợt, những trải nghiệm không thể tưởng tượng nổi và những quyết định hết sức đau đớn.

Mỗi sáng thức dậy, tôi không thể biết được mình sẽ phải đối mặt với những gì ngày hôm đó. Có thể tôi phải dọn dẹp và chùi rửa chất thải từ một cơ thể đã không còn khả năng kiểm soát chính mình hay một núi vụn thức ăn rơi vãi dưới sàn nhà – kết quả của một chuyến ăn vặt lén lút lúc nửa đêm. Hoặc có thể tôi phải chu du vào những vùng đất quái dị trong tâm trí bà để tìm kiếm những “đôi vớ biết đi” và vỗ về những người thân đã mất. Đó cũng có thể là lau dọn phòng khách và sống lại những câu chuyện xa xưa, được bà kể đi kể lại nhiều lần. 

Những ngày khác, công việc của tôi đơn giản là ôm lấy bà như ôm một em bé sơ sinh hoặc cùng bà lắng nghe kinh phúc âm cổ trên sóng phát thanh. Dù là gì đi nữa, mỗi ngày đều mang đến cho tôi những thách thức về mặt cảm xúc, tinh thần và thể chất rất khác nhau, tất cả đều vượt ngoài sức chịu đựng.

Với dòng cảm xúc ngổn ngang dồn dập ấy, có những lúc tôi chỉ muốn nằm vùi trên giường kéo chăn che kín mặt, rồi hét thật to để mọi thứ NGỪNG LẠI! Cầu nguyện bà được an nghỉ mãi mãi trong vòng tay của Chúa có nghĩa là tôi sẽ mất đi người bà thân yêu của mình, nhưng cũng có nghĩa là chấm dứt những khó khăn không lường trước được trong quá trình chăm sóc người già yếu diễn ra mỗi ngày. Liệu sự ra đi của bà sẽ khiến tôi thấy được xoa dịu hay đau đớn hay tội lỗi vì những lời nguyện cầu lặng thầm của tôi?

Những cảm xúc phức tạp của tôi đều rất cực đoan và đối nghịch nhau. Khi nhận trách nhiệm chăm sóc bà, tôi cũng bước lên một chuyến tàu lượn cao tốc, lúc lao lên cao, lúc lại bổ nhào xuống, tôi cũng không biết phải làm thế nào để chấm dứt nỗi quay cuồng đang choán lấy cuộc sống ngày một héo tàn của cả hai bà cháu tôi.

Phải nhìn bà ngày càng suy nhược là một trong những thử thách đau đớn nhất tôi từng trải qua. Mỗi ngày, bà lại rời xa tôi thêm một chút bởi chứng sa sút trí tuệ, chuyện này khiến tôi đau đớn đến tan nát cõi lòng. Bà không còn là người bà rạng rỡ, mạnh mẽ và tràn đầy sức sống mà tôi vẫn quen thuộc. Đôi mắt tinh anh của bà giờ trở nên lờ đờ khi bà phải vật lộn giữa hai thực tại liên tục thay đổi, bị co kéo giữa quá khứ và hiện tại. Việc không thể nhớ được những việc đơn giản như chuyển kênh truyền hình hoặc không thể nhấc chân tay lên để di chuyển là một nỗi đau hết sức giày vò. Phải chứng kiến giai đoạn mất mát này chính là việc khó khăn nhất.

Bà tôi đang dần rơi vào một vùng tăm tối và vô định. Nét hăm hở và tươi tắn của bà giờ bị thay thế bởi vẻ lừ đừ ngái ngủ và những câu nói líu ríu vô nghĩa. Đã lâu bà không còn đội tóc giả nữa. Tất cả những gì còn lại chỉ là mấy sợi tóc bạc ngắn cũn, dễ gãy và không thể che kín hết da đầu của bà. Thói quen trang điểm, làm móng và làm đẹp mỗi ngày với những món nữ trang lấp lánh trên tai và cổ của bà nay chỉ còn là một ký ức nhạt nhòa. Giờ đây, bà không thể đứng thẳng được nữa và thường gà gật ngủ trên chiếc ghế bà yêu thích gần như suốt cả ngày. Đôi khi, bà thậm chí không đủ tỉnh táo để hoàn thành một mẩu đối thoại ngắn thông thường hoặc chơi một ván bingo ngắn. Những hành vi lạ lùng này hoàn toàn khác với người bà lanh lẹ và thích tán gẫu mà tôi yêu thương. Bà trở nên lặng lẽ hơn, yếu ớt hơn và chậm chạp hơn. Thay vì đòi hỏi, giờ bà chỉ ủ rũ chấp nhận mọi thứ xảy đến với mình.

Tôi không biết chuyện nào tồi tệ hơn: phải nhìn cảnh bà mình dần rệu rã hay phải đương đầu với những đòi hỏi khắc nghiệt và sự bào mòn cảm xúc của chứng bệnh kinh khủng này. Mỗi ngày trôi qua đều là một thử thách và sự căng thẳng cũng như nỗi buồn đau ngày càng lấn át cảm giác bình an trong tôi. Gánh nặng khi phải đối mặt với con quái vật mang tên sa sút trí tuệ đang rút kiệt sức sống trong tôi. Không chỉ khiến cuộc sống của tôi quay cuồng trong nỗi bất an, con quái vật này còn khiến gia đình tôi bất hòa và chia rẽ. 

Một số thành viên chưa từng phải chăm sóc người già trong gia đình đã khiến chuỗi ngày khó khăn của tôi thêm tồi tệ. Tôi cảm thấy mọi hành động và quyết định tôi đưa ra thay cho bà đều bị xét nét và săm soi. Họ khăng khăng tin vào những lời thì thầm sai sự thật từ người bà đã không còn sáng suốt của tôi, việc đó khiến tôi khó chịu vô cùng. Theo cảm nhận của tôi, họ dường như chẳng hề quan tâm đến sức khỏe cũng như tâm trạng của tôi. Họ cho rằng nhu cầu được giải tỏa cảm xúc của tôi là tiêu cực và thiếu chín chắn. Tôi biết mình nên bỏ qua những lời chê bai và ánh mắt soi mói của mấy người họ hàng đó, vì họ hoàn toàn không biết gì về cuộc sống thực tế đầy hỗn loạn mà tôi phải chịu đựng.

Nhưng nhiều lúc, thái độ thiếu cảm thông của họ và nỗi giận dữ của tôi đã tạo ra một bức tường ngăn cách giữa hai bên. Có nhiều lần, tôi bị xem là ích kỷ vì muốn sống cuộc đời của chính mình. 

Liệu có sai không khi đưa bà vào viện an dưỡng và giành lại quyền kiểm soát với chính cuộc đời mình? Mọi sự lựa chọn tôi đưa ra đều sẽ ảnh hưởng đến bà. Nếu làm thế, dường như tôi đang hắt hủi bà, người đã nuôi nấng ba chị em tôi khi mẹ chúng tôi qua đời. Bà đã hôn chúng tôi âu yếm, cho chúng tôi chỗ ăn, chỗ ở và nuôi dạy chúng tôi nên người. Làm sao tôi có thể bỏ mặc bà, trong khi bà đã từng hết lòng yêu thương, chăm sóc tôi? Những câu hỏi này quay cuồng trong tâm trí tôi và khiến tôi áy náy, day dứt vô cùng. Tôi muốn sống cuộc đời mình, nhưng bà sẽ cảm thấy thế nào khi tôi làm thế?

Tôi cân nhắc những lựa chọn của mình. Nếu tôi chọn ở bên trông nom bà, bà sẽ được ở nhà và an toàn, nhưng tôi bị kiệt sức và không thể chăm sóc bà một cách tốt nhất. Còn nếu tôi đưa bà vào nhà an dưỡng, bà sẽ được chăm sóc và để mắt suốt cả ngày, nhưng đồng thời cũng thấy cô đơn vì thiếu vắng hơi ấm gia đình. Làm sao tôi có thể tìm được một cơ sở an dưỡng sẽ đối xử với bà thật tử tế như những gì bà xứng đáng được hưởng? Bà đang sống những ngày cuối đời, nên tôi không muốn quyết định nơi bà sống chỉ bằng cách xem xét các tiện nghi tại nhà an dưỡng.

Tôi muốn nhìn sâu vào tâm tư của đội ngũ nhân viên và đảm bảo rằng họ sẽ quan tâm, chăm nom bà như cách tôi làm. Tim tôi tan nát và nỗi giày vò khốn khổ này là có thật. Tôi cố gạt đi những cảm xúc yếu mềm và bắt đầu suy nghĩ logic nhưng vô ích. Tôi chỉ tìm được một giải pháp: đọc kinh cầu nguyện. Những bài kinh giúp tôi có thêm can đảm, sáng suốt và giải thoát tôi khỏi cảm giác tội lỗi. Tôi cố tìm sự thanh thản trong nỗi đau của mình và đã tìm được niềm an ủi trong những lời quen thuộc sau: “Cầu Chúa ban cho con sự bình thản để chấp nhận những gì con không thể thay đổi, lòng dũng cảm để thay đổi những gì con có thể và trí tuệ để phân biệt được hai điều ấy”. Đây có lẽ là con đường duy nhất giúp tôi tìm được sự an lạc và tự do trên hành trình đầy hỗn độn không thể kiểm soát được khi phải đương đầu với chứng sa sút trí tuệ và quá trình chăm sóc đầy gian nan theo cùng nó.

Trích lược từ cuốn Vượt qua dông bão của tác giả Amy Newmark thuộc bộ Hạt Giống Tâm Hồn do First News phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm về cuốn sách tại đây.
Tags: