Những ngộ nhận về não trái, não phải
Những ngộ nhận về não trái, não phải
Người ta vẫn thường cho rằng não phải là chỗ của tính sáng tạo và tự do, đối nghịch với phần não trái mang “tính logic”, “phân tích”. Điều đó dựa trên cơ sở nào?

Hồi lúc còn đang học để trở thành một bác sĩ tâm thần, có ông giáo sư thông tuệ kia đặt trong văn phòng mình, trên cái tủ đựng hồ sơ, một cái đầu người bằng gốm có từ hồi thế kỉ 19 dùng cho môn tướng sọ (phrenology). Những đường kẻ đen đậm nét chia cái hộp sọ trắng loáng bằng gốm giống thật kia thành 20 phần, mỗi phần được đặt tên theo một đặc điểm tâm lí học – trí thông minh, sáng tạo, tính cá nhân, tính giữ bí mật, tính hiếu chiến, lòng nhân từ, sự tôn trọng, nỗi kinh ngạc và niềm hi vọng.

Khoa tướng sọ, sinh sôi nảy nở trong thập niên 1820 và 1830, cho rằng những phần mấp mô ở não bộ con người tương ứng với những đặc điểm khác nhau này và có thể đo lường được bằng cách ước định kích cỡ mỗi vùng mấp mô ấy (xem hình minh hoạ). Đến giữa thế kỉ 19, các nhà khoa học đã bóc trần ra được lí thuyết ấy.

Myths about Our Right and Left Brains

Vị giáo sư của tôi trưng mẫu điêu khắc này để gợi nhắc đến tính ngạo mạn trong chuyện cố gắng thông hiểu những đặc tính phức tạp trong tâm trí con người – chúng ta từng có lần tưởng rằng mình hiểu về bộ não rất nhiều, và ta thật sự chỉ nắm bắt được rất ít.

Tuy thế người ta vẫn cứ tiếp tục tranh luận liệu rằng các phần khác nhau trong não bộ có phải chịu trách nhiệm chính cho những đặc điểm tinh thần khác nhau hay không – và nếu phải thế, thì những đặc điểm nào ứng với những phần nào.

Một vài chức năng trong tâm trí con người đã được hạn định vào một chỗ nào đó – nổi tiếng nhất là những khu vực của Wernickle và Broca liên quan đến phần nhận thức và sử dụng ngôn ngữ. Nhưng nghiên cứu chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) đã cho thấy trong hầu hết những tác vụ phức tạp của đầu óc, thì não bộ kết hợp nhiều phần với nhau hơn người ta tưởng  – tức vận hành như một khối, liên quan đến nhiều bộ phận và mạng lưới khác nhau.

Dù vậy, người đời vẫn tiếp tục ngộ nhận – trong số đó có ngộ nhận liên quan đến những khác biệt giữa phần bên phải và bên trái của não bộ.

Hơn mười triệu người đã xem chương trình nói chuyện của Jill Bolte Taylor ở TED, bài nói chuyện nhan đề Stroke of Insight, và mỗi ngày lượt xem lại càng tăng lên nữa. Tuy vậy, nó đã dấy lên một vài vấn đề ngộ nhận kiểu như thế theo cách mới.

Câu chuyện của cô ta thật mãnh liệt và xúc động. Cô mắc phải chứng đột quỵ, và cuối cùng đã bình phục. Tuy nhiên cô kết luận rằng phần não phải đặt ta ở vị trí chạm được đến “nguồn sức mạnh sinh lực của vũ trụ”, và cho rằng để tìm kiếm bình an và Niết-bàn, ta nên chọn cách tránh xa phần não trái đi, vì phần đó tập trung vào cá nhân đơn lẻ, và lắng nghe “niềm an bình trong sâu thẳm tâm hồn” của bán cầu não phải.

Như tôi đã mô tả trong cuốn sách của mình, When Doctors Become Patients, những chuyên gia về chăm sóc và nghiên cứu sức khoẻ khi chính bản thân trở thành bệnh nhân, thì họ thường có được những bài học quan trọng để truyền lại cho ta, như họ có thể cảm nghiệm được thông qua “hai loại thấu kính” vô song – trong vai trò bệnh nhân lẫn một nhà khoa học hoặc một bác sĩ lâm sàng. Cô ta mô tả rất rõ ràng những bất lợi do đột quỵ gây nên, điều đó làm hết thảy chúng ta hiểu rõ hơn những thách thức mà hàng triệu người Mĩ phải đối mặt khi mắc phải chứng đột quỵ hoặc những triệu chứng thần kinh khác.

Tôi đồng ý với cô ta rằng chúng ta cần gắn kết với nhau cho vẹn tròn hơn nữa, và cần phải đi tìm hạnh phúc và an bình. Tôi không hoài nghi gì về những trải nghiệm của cô ấy về những thứ mà cô phải chịu đựng.

Nhưng giải thích của cô về những khác biệt giữa nào phải và não trái thì không chính xác, và còn củng cố thêm vài ngộ nhận.

Hồi thập niên 1960, Michael Gazzaniga và Roger Sperry nghiên cứu các bệnh nhân được các nhà phẫu thuật cắt mất đi đường liên kết giữa hai phần não bộ để giảm thiểu chứng co giật động kinh. Nghiên cứu này đề xuất ý rằng ở những bệnh nhân này, mỗi bán cầu não khi đó phải đảm nhiệm đặc biệt những tác vụ khác nhau.

Vậy là người đời nhanh chóng lãng mạn hoá cho rằng não phải là chỗ của tính sáng tạo và tự do, đối nghịch với phần não trái mang “tính logic”, “phân tích” và có tính chế ngự. Những con người cá nhân và toàn thể xã hội được mô tả hoặc là thuộc về não phải, hoặc là não trái. Những bậc đạo sư dạy người ta trợ lực hoặc thuộc trào lưu New Age đã quả quyết rằng cần giúp người ta phát triển phần não phải.

Tuy nhiên nghiên cứu chụp cộng hưởng từ chức năng gần đây, vốn minh hoạ hệ thống mạng lưới cực lớn các chi tiết trong não bộ  vận hành như một khối, đã gợi nhắc cho ta nhớ mình chỉ biết rất ít về não bộ.

Ở bộ não bình thường, không bị cắt bỏ các nối kết trọng yếu kia, thì hai phần trong não bộ vận hành chặt chẽ cùng nhau.

Tuy nhiên, ý tưởng về mỗi phần não bộ đảm nhiệm một đặc điểm nhất định vẫn cứ tiếp tục chứa đựng nét quyến rũ của mình. Một phần là chúng ta đang tiến vào thời đại thần thoại về hệ thần kinh (neuromythology) và thần kinh bản chất luận (neuroessentialism) – trong đó chúng ta tìm kiếm “những lời giải thích cho não bộ” về những hiện tượng trí não phức tạp. Ở quá khứ, người ta đề cập đến nhiều lí thuyết khác nhau từ chiêm tinh học đến Freud nhằm tìm ra lí giải và thường là để cố gắng giải quyết những vấn đề tâm lí học.

Ngày nay, ý tưởng về não phải và não trái dường như cắt nghĩa được một số xung đột và khó khăn nhất định của con người, nó đưa ra những lời giải thích sẵn có đó cho những đặc điểm chúng ta thích hoặc không thích về bản thân hoặc về người khác. Bộ não của ta hoặc những phần chủ đạo trong não bộ – chứ không phải bản thân ta – bằng cách này hay cách khác mới chính là thứ chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, việc đơn giản hoá bộ não theo kiểu quy về hệ nhị nguyên đơn giản – với một nửa này mặc nhiên tốt hơn nửa kia – đã lơ đi những tính phức tạp trọng yếu khác cũng như các thách thức cùng những điều bí ẩn khác, và sẽ làm nguy hại đến bản thân ta lẫn bộ não của ta.

Có lẽ bộ não con người là phần tạo hoá phức tạp và tinh vi nhất của Tự nhiên, nó đầy những bí ẩn làm ta cảm thấy hào hứng và có thể dẫn đến những nhận thức cùng những cách điều trị tốt hơn đối với một loạt các vấn đề khác nhau trong trí não.

Tôi ước gì hết thảy chúng ta đều chạm tới được cõi Niết-bàn chỉ đơn giản bằng cách tắt đi một bên não, nhưng thực tế phức tạp hơn gấp bội. Chúng ta không thể dập tắt đi một nửa bộ não – mà cũng không nên cố gắng làm vậy. Thay vào đó, điều quan trọng là phải hiểu được những nỗi căng thẳng cố hữu, những điều bất an và cả những điều bí ẩn về sự hiện hữu của loài người, về các mối tương giao giữa ta với người khác. Loài người tiến hoá cùng những ham muốn tranh đấu – không chỉ có tinh thần chan hoà và tình yêu, mà còn có lòng ghen tị, tham vọng và bản năng bảo vệ dòng tộc trước những kẻ xa lạ, v.v.

Chúng ta nên theo đuổi những mục đích về cuộc sống an bình hơn và về lối sống chan hoà với nhau, những điều mà cô Taylor tán thành, nhưng hãy cẩn trọng đừng nên đơn giản hoá quá mức não bộ của mình mà lờ đi khoa học. Chúng ta sẽ tiếp cận được các mục tiêu đáng giá ấy nếu nhìn ra được, chấp nhận và học cách đối mặt với những áp lực tranh đấu thường ngày, những thứ làm cho cuộc đời này không còn lí tưởng mà chỉ toàn cam go, khổ ải.

Khi tiến vào thế kỉ 21, lịch sử của ngành tướng sọ thế kỉ 19 vẫn còn có nhiều thứ dạy ta biết về chuyện ta hiểu bộ não con người nhiều đến cỡ nào, và ta cần phải cẩn trọng ra làm sao.

Trạm Đọc

Theo Psychology Today

Duy Đoàn chuyển ngữ/Chiecnon

Tags: