Những cuốn sách yêu thích của tác giả Zadie Smith
Những cuốn sách yêu thích của tác giả Zadie Smith
"Sự thật là tất cả những cuốn sách tôi đọc đều đã thay đổi cuộc đời tôi, từng cuốn trong số đó, ngay cả những cuốn tôi không thích. Sách là phiên bản ‘trải nghiệm’ của tôi. Tôi được tạo ra từ sách.”
Suy ngẫm về cuộc đời của mình với tư cách là một “độc giả bệnh lý” vào năm 2014, tác giả từng đoạt giải thưởng Zadie Smith đã viết: “Tôi thực sự không nhận thấy sự hấp dẫn của cách sống YOLO. Tôi muốn sống nhiều lần hơn. Những cuộc sống ngầm, giả định chạy bên dưới sự tẻ nhạt tương đối của chính tôi và có khả năng thỉnh thoảng xâm nhập hoặc thậm chí làm trật bánh nó. Tôi thấy thật khó để gọi tên một cuốn sách thú vị đến mức nó đã thay đổi cuộc đời tôi. Sự thật là tất cả những cuốn sách tôi đọc đều đã thay đổi cuộc đời tôi, từng cuốn trong số đó, ngay cả những cuốn tôi không thích. Sách là phiên bản ‘trải nghiệm’ của tôi. Tôi được tạo ra từ sách.”

Tác phẩm của Smith đề cập đến các chủ đề về chủng tộc, giới tính, bản sắc và mối liên hệ giữa con người với lối văn xuôi đẹp đẽ, những nhân vật kỳ quặc và lời thoại sáng tạo. Trong gần hai thập kỷ kể từ tác phẩm đầu tay “White Teeth” năm 2000, cô được ca ngợi là “một trong những tiếng nói văn học quan trọng nhất của thế hệ” và thường coi việc tận tâm đọc sách là một trong những ảnh hưởng lớn nhất đến việc viết lách cũng như cuộc đời cô.

Zadie Smith đã chia sẻ danh sách sách cần đọc với O Magazine, những lựa chọn của Smith bao gồm các tác phẩm kinh điển của Nabokov, Zora Neale Hurston và George Eliot. 

Trong cuộc phỏng vấn 'By The Book' trên New York Times năm 2016, Zadie Smith đã chia sẻ về thói quen đọc sách của mình và những cuốn sách yêu thích của cô.

1/ “Pnin” của Vladimir Nabokov

“Cuốn tiểu thuyết ngắn này rõ ràng là một cuốn sách về sự chế nhạo và biếm họa - Giáo sư Pnin là một trò đùa của một người đàn ông trong khuôn viên trường đại học. Ông là một người Nga di cư vụng về, nói tiếng Anh bập bẹ, dí dỏm, rất nhạy cảm và cảm thấy có tội với những điều nhỏ bé. Mọi người trong trường đều có thể gây ấn tượng với ông. Ông là một người mang đến niềm vui. Nhưng cốt lõi của cuốn sách là ý tưởng rằng có một Pnin đúng như những lời chế nhạo. Bạn được rủ rê cười nhạo ông ấy và sau đó bạn trở nên xấu hổ vì tiếng cười của mình. Đó là một cuốn sách tuyệt hay, vui nhộn, nhân văn, khám phá cuộc sống của một người đàn ông một cách tinh tế. Tôi nghĩ đó là cuốn tiểu thuyết yêu thích của tôi.” -ZS

2/ "High Windows” (tạm dịch: Trên ô cửa cao cao)  của Philip Larkin 

“Tất cả những gì về Larkin đều làm tôi thích thú, nhưng đây là một cuốn sách hay để bắt đầu. Lakin không viết về nhiều chủ đề nhưng phạm vi ông chọn rất quan trọng nên điều này không thành vấn đề. Những gì ông viết khiến bạn hiểu rằng cái chết là sự hủy diệt hoàn toàn và vĩnh viễn. Đây không phải là một điều tốt đẹp mà một nhà thơ nên mang đến cho bạn, nhưng nó vẫn đáng để biết đến. Ông muốn bạn tin rằng ý nghĩ về cái chết không gợi lên điều gì khác ngoài sự tuyệt vọng. Điều đó không hoàn toàn đúng. Larkin sợ những điều vô cực nhưng ông cũng có khả năng khiến cho những điều vô cực trở nên đẹp đẽ. 

‘Thay vì nói ra

hãy nghĩ đến những ô cửa trên cao kia

Những tấm kính hiểu được mặt trời

Và xa vời vợi

là bầu trời thẳm xanh

Không có gì

Không nơi nào

là vô tận’

Ông chính là thiên tài sử dụng các cụm từ ghép.” - ZS 

3/ “Brief Interviews with Hideous Men” (tạm dịch: Buổi phỏng vấn ngắn với những kẻ đê tiện) của  David Foster Wallace

“Wallace không dành cho tất cả mọi người, nhưng ông ấy dành cho tôi. Điểm mù trong những gì tôi viết là “cái ác mà đàn ông gây ra”. Tôi nghĩ tôi biết đôi điều về cách mọi người yêu thương, nhưng tôi không biết gì về hận thù, rối loạn tâm thần, sự tàn ác. Hoặc có lẽ tôi không đủ can đảm để thừa nhận điều đó. Wallace viết rất xuất sắc về những người đàn ông và phụ nữ gớm ghiếc cũng như nền văn hóa gớm ghiếc đã sản sinh ra họ. Lần đầu tiên tôi đọc Wallace, tôi đã khám phá ra một tài năng lớn hơn tôi rất nhiều. Văn xuôi của Wallace đã mang đến cho tôi nhiều niềm ghen tị cũng như niềm vui trong suốt những năm qua. Ông ấy khiến tôi có nhiều tham vọng hơn cho bản thân.” -ZS

4/ “Their Eyes Were Watching God” (tạm dịch: Họ đang dõi theo Chúa) của Zora Neale Hurston 

“Đây là một cuốn tiểu thuyết thấu hiểu tình yêu và sự tàn ác, chia cắt những con người lớn lao và những trái tim nhỏ bé, đồng cảm sâu sắc với những người bất hạnh không biết sống sao cho đúng đắn. Hurston là một nhà văn và nhà thơ trữ tình, thể loại này thường không phải sở thích của tôi nhưng có những tài năng đã trở thành ngoại lệ. Điều Hurston ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất chính là cô ấy tin vào sức mạnh biến đổi của cách kể chuyện, và cô ấy chấp nhận rủi ro với tình cảm mà ít nhà văn đương đại sẵn sàng thực hiện. Cuốn sách này bây giờ là một phần tính cách của tôi—tôi đã đọc nó không biết bao nhiêu lần rồi. Tôi không dựa vào tiểu thuyết để tìm kiếm anh hùng, nhưng tôi phải thừa nhận rằng Janie có ý nghĩa với tôi hơn bất kỳ nhân vật nào khác. Bằng cách nào đó, cô ấy đang hát bài hát của tôi.” - ZS

 5/ “Middlemarch” của George Eliot

“Một tác phẩm thiên tài. Nhưng quan trọng hơn - và từ quan điểm hoàn toàn cá nhân - nó đã được viết bởi một người phụ nữ. Điều đó có vẻ nực cười đối với các nhà văn nam, nhưng một người đàn ông không bao giờ phải đắn đo về giới tính của thiên tài. Eliot là tác giả nữ đầu tiên mà tôi đọc khi 15 tuổi và bà là người có thể đối đầu trực tiếp với Tolstoy. Kể từ đó, tôi đã biết được còn bao nhiêu thành tựu to lớn trong văn học thuộc về phái nữ.” - ZS

- Trạm Đọc 

- Theo: Radical Reads

 

Tags: