Với buổi giao lưu - giới thiệu bộ sách Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương vào sáng 7/1, tác giả đã đưa bạn đọc du hành về một Sài Gòn - Gia Định thuở xa xưa của thập niên 1950.
Sài Gòn không của riêng ai
Trong vòng ba năm, nhà báo Cù Mai Công đã góp vào kho “tài sản” chữ nghĩa của Sài Gòn 4 tác phẩm, mới nhất là Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2 - tập sách dày gần 300 trang do First News và Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM phát hành.
Mở đầu buổi giao lưu, tác giả chia sẻ: “Sài Gòn không phải của riêng ai, vì vậy mỗi người đến đây không phải vì tác giả mà vì niềm yêu Sài Gòn mà đến. Khi chúng ta yêu ai, chúng ta thuộc về người đó. Vì chúng ta yêu Sài Gòn nên chúng ta cũng thuộc về Sài Gòn, cũng là người Sài Gòn rồi.”
Có lẽ ở đường sách TP.HCM hiếm có buổi giao lưu nào đặc biệt như với Cù Mai Công. Đặc biệt ở chỗ, tác giả không ngồi một chỗ để nói về quyển sách của mình, thay vào đó, anh đi đến từng ngóc ngách để trò chuyện, hỏi han bạn đọc - những người có cùng một niềm yêu mến với Sài Gòn.
Nếu bạn đọc đã biết đến Cù Mai Công qua các bộ sách về Sài Gòn: Sài Gòn by night, Sài Gòn một thuở: “Dân Ông Tạ đó!”, và gần nhất là Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương… hẳn sẽ không chút bất ngờ vì độ giản dị và “bụi bụi” của Cù Mai Công. Nhưng chính chất giản dị đó lại càng làm cho buổi giao lưu trở nên thân tình và hấp dẫn. Anh ngồi xổm ở khán đài, kể cho bạn đọc nghe những ký ức của một Sài Gòn rất xưa.
Theo Cù Mai Công, vùng đất Sài Gòn - Gia Định quá rộng lớn và thay đổi quá nhanh với những nề nếp văn hóa, lối sống vô cùng đa dạng và phong phú nên không ai dám tự nhận là mình hiểu hết về vùng đất này. Vì lẽ đó, anh và nhà văn, nhà nghiên cứu Phạm Công Luận nhiều lần nói với nhau: “Tụi mình và nhiều cây bút khác cố gắng chia sẻ hồi ức xưa từ góc nhìn nhỏ bé của mình, trước hết từ vùng đất mình sinh ra, lớn lên để cùng chung tay, góp sức cho một Sài Gòn xưa”.
Có lẽ vì vậy mà dù đã ra đến tập sách thứ tư về Sài Gòn, thậm chí là đang manh nha cho tập sách thứ năm, Cù Mai Công vẫn không dám nhận mình là nhà nghiên cứu. Với anh, càng viết, càng tìm hiểu về vùng đất này lại càng thấy kiến thức mình nhỏ bé.
Anh nói: “Tôi cảm thấy run sợ khi viết về Sài Gòn. Tôi hoàn toàn không khiêm tốn. Không phải riêng tôi mà rất nhiều người ở Sài Gòn khác cũng vậy. Không một ai dám xưng mình là nhà Sài Gòn học vì nó quá rộng lớn.”
Thước phim để tìm lại thời thanh xuân tươi đẹp giữa Sài Gòn rực rỡ
Trước Cù Mai Công, đã có rất nhiều nhà văn, nhà báo cũng dành thời gian viết về Sài Gòn, nhưng với Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương, bạn đọc sẽ thấy một Sài Gòn vừa lạ vừa quen với những cung bậc cảm xúc riêng biệt.
Cù Mai Công tiết lộ khi ra mắt Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương 1 vào cuối năm 2022, anh không dám kỳ vọng lớn lao về việc nó sẽ như một ghi chép về khảo cứu hay lịch sử mà chỉ mong mỏi đó như “một thước phim để mọi người tìm lại thời thanh xuân tươi đẹp của mình giữa một Sài Gòn rực rỡ, vừa như một chuyến du hành ngược thời gian để cùng tìm về một Gia Định trầm mặc, hoang sơ của những ngày đầu”.
Nói về lý do viết Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2, Cù Mai Công chia sẻ: “Tôi mon men lên Sài Gòn từ hồi bảy, tám tuổi và sống, làm việc ở trung tâm thành phố (Nhà Văn hóa Thanh Niên, tòa soạn báo Khăn quàng đỏ - Mực tím) hơn 40 năm. Sống đâu yêu đó. Và đã yêu thì ai lại không tìm hiểu. Nhưng tìm hiểu không chỉ để tìm hiểu, để nhìn lại quá khứ mà để yêu hơn, tin hơn một Sài Gòn - TP.HCM luôn tươi mới, hiện đại và nghĩa tình với nếp nhà Gia Định xưa: luôn trọng lễ nghĩa, tìm tòi cái mới và đặc biệt là yêu thương, chia sẻ.”
Với độ dày chưa chỉ hơn 500 trang nhưng hai tập Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương là vốn liếng của hàng ngàn tư liệu, hình ảnh được Cù Mai Công gom góp chuẩn bị suốt nhiều năm.
Mặc dù không tự nhận là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp nhưng Cù Mai Công luôn có những phát hiện mới mẻ và thú vị mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng khai thác được.
Độc giả Minh Tâm (66 tuổi, quận 6) chia sẻ: “66 năm sống ở Sài Gòn nhưng tôi rất lơ mơ, không biết gì nhiều về Sài Gòn. Nhờ đọc sách của anh Cù Mai Công tôi mới biết Sài Gòn của mình còn nhiều cái thú vị đến thế. Để ra mắt được cuốn sách này anh đã sưu tầm rất nhiều hình ảnh, tôi rất bất ngờ về sự công phu đó. Tôi nghĩ dân Sài Gòn mình phải biết một chút gì về Sài Gòn chứ không thể cưỡi ngựa xem hoa. Vì thế tôi rất biết ơn anh Công vì đã rất tâm huyết khi gom góp những hình ảnh, tư liệu này để tôi biết Sài Gòn mình đẹp đến thế.”
Tại buổi giao lưu, dạt dào trong những lời kể của Cù Mai Công là cảm giác hoài niệm xen lẫn yêu thương về vùng đất Sài Gòn. Có lẽ vì vậy mà những bạn đọc ghé thăm anh, trò chuyện cùng anh tại buổi giao lưu sáng nay không chỉ có những người bạn đồng niên, những cư dân rặt Sài Gòn mà còn biết bao gương mặt trẻ tuổi với mong muốn hiểu thêm, biết thêm về mảnh đất mà họ đang sống.
First News