Nhiều cây bút tiếc nuối khi tập san Áo Trắng đình bản sau 31 năm
Nhiều cây bút tiếc nuối khi tập san Áo Trắng đình bản sau 31 năm
Ngày 25-10 tới đây sẽ là thời điểm phát hành số cuối của tập san Áo Trắng, kết thúc hành trình 31 năm trong vai trò là diễn đàn thơ văn cho các cây bút tuổi mới lớn “thử sức mình” khi muốn bước vào con đường văn chương.

Thông tin được một thành viên Ban giám đốc của NXB Trẻ xác nhận. Đồng thời, trên trang cá nhân của nhà thơ Trần Hoàng Nhân - một thành viên trong nhóm thực hiện Áo Trắng - cũng thông báo về việc giải quyết nhuận bút cho các tác giả có bài đăng trên Áo Trắng số cuối.

 Vào tháng 9-2020, trong dịp kỷ niệm tròn 30 năm ngày tập san Áo Trắng ra đời, nhà văn Đoàn Thạch Biền - người chủ biên và là linh hồn của Áo Trắng, người kết nối các cây bút từ nhiều vùng miền để lập nên những "Gia đình Áo Trắng" - đã thông báo sẽ không phụ trách tập san này nữa.

Dù vậy, việc tập san Áo Trắng đình bản được nhóm thực hiện trao đổi với nhà văn Đoàn Thạch Biền. "Tình hình thị trường khó khăn, nên một diễn đàn văn chương dù cần thiết cho nhiều cây bút như Áo Trắng bấy nay cũng đến lúc không duy trì được" - nhà văn Đoàn Thạch Biền trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại vào chiều 23-10.

Trong một năm qua với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, Áo Trắng vẫn tổ chức cuộc thi thơ lục bát 2021, kết quả sẽ đăng trong số cuối (số 5-2021), dự kiến phát hành từ tháng 7-2021 nhưng do dịch bệnh khiến giãn cách xã hội kéo dài nên ngày 25-10 mới phát hành.

Như vậy, Áo Trắng số cuối với chủ đề "Dân ca trong trí nhớ" sẽ là lời chia tay với tất cả bạn đọc, khép lại hành trình 31 năm tồn tại chỉ với tình yêu văn chương, tinh thần ươm mầm sáng tác và vô vị lợi.

"Sau số này, Áo Trắng tự đình bản. Vì dịch COVID-19, phát hành gặp nhiều khó khăn. Rất mong bạn đọc thông cảm" - lời thông báo ngắn ngủi của nhà thơ Trần Hoàng Nhân khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Nhà văn Bùi Anh Tấn viết trên trang cá nhân của anh: "Biết tin sách (tập san) Áo Trắng "tạm" đình bản? Buồn và tiếc cho vườn ươm văn chương của bao cây viết trẻ thành danh từ đây. Nhớ lần sinh hoạt với nhóm Áo Trắng Đà Lạt cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền. Thôi, thời thế thế thời… 4.0, phải thế".

 

Tác giả Huỳnh Ngọc Huy Tùng - người cho biết đã gắn bó với Áo Trắng từ hồi sinh viên, nay trước tin tập san đình bản đã cảm khái: "Nghe mà ngậm ngùi. Gắn liền với mình với bút danh Phong Lữ, Ngọc Huy, rồi tên thật Huỳnh Ngọc Huy Tùng từ thời sinh viên đến giờ. Thương chú Biền luôn nâng đỡ, ươm mầm cho những cây bút trẻ! Số cuối rơi nước mắt khi có bài thơ của mình rồi lại chia tay Áo Trắng".

Việc chia tay bạn đọc của tập san Áo Trắng cũng khiến nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình hồi tưởng mối nhân duyên với Áo Trắng từ khi bắt đầu bước vào nghiệp văn, để rồi sau đó là tác giả của nhiều tập truyện, của giải thưởng Văn học tuổi 20...

"Hoa Học Trò là nơi đầu tiên đăng bài mình, nhưng Áo Trắng mới là cái nôi đưa mình đến hôm nay", nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình viết trên trang cá nhân.

Cũng có ý kiến bày tỏ tiếc nuối cho cái manchette Áo Trắng đã thành thương hiệu trong hơn 30 năm. Có ý kiến nêu đội ngũ những người thực hiện nên tính xem liệu có cách nào duy trì tiếp diễn đàn văn chương này. Thậm chí nhà thơ Hồ Thi Ca không ngần ngại bày tỏ "Hy vọng sớm gặp lại Áo Trắng thân yêu!" như không muốn đây sẽ là cuộc chia tay mãi mãi.

Dù vậy, việc duy trì một tập san theo hình thức in ấn phát hành truyền thống trong điều kiện thị trường khó khăn như hiện nay là gánh nặng khó kham đối với Nhà xuất bản Trẻ - đơn vị đỡ đầu thực hiện Áo Trắng lâu nay.

Thông tin từ lãnh đạo Nhà xuất bản Trẻ cho biết Áo Trắng phát hành bấy nay thu không đủ bù chi, nên việc chi phí in ấn và đặc biệt là chi trả nhuận bút - dù chỉ ở mức tượng trưng - cũng thực sự là gánh nặng phải hạch toán đối với một đơn vị làm xuất bản.

"Ngày ấy, mình đã tập viết với ý nghĩ "mình cũng có thể viết vậy" mỗi khi đọc xong một truyện ngắn trên báo.

Thật đúng là nghé con không sợ cọp, những lá thư dày cộp gửi đi. Tất nhiên là chìm nghỉm trong thùng rác. May khi ấy toàn viết tay trên giấy thếp nên tèo kệ con mèo, gửi đi là xong, chẳng thèm nhớ mình đã viết gì và tất nhiên cũng chẳng thèm xấu hổ.

Nhưng rồi cái tên Gai Xương Rồng (Đà Nẵng) xuất hiện trên báo. Niềm vui còn lâng lâng thì mình nhận được thư tay của chú Đoàn Thạch Biền , người thực hiện Áo Trắng. Thư chú góp ý rất cặn kẽ và chu đáo, hẳn chú tội nghiệp một đứa học trò quê như mình.

Sau đó mình mới biết không phải riêng mình mà hầu như bạn viết nào viết cho Áo Trắng cũng nhận được những quan tâm của chú. Tập san Áo Trắng chưa đủ, nên Gia Đình Áo Trắng ra đời. Đó là một gia đình đông con nhất, đám con có một ông bố hiền queo, chân chất và tình cảm, ở đây đám con được thương quý như nhau.... Nhờ ở chung một gia đình mà các thành viên có cơ hội gặp gỡ giao lưu và quen biết thêm nhiều anh em bè bạn.

....

Chú nay đã già lắm, nhưng tình yêu thương chú dành cho đám trẻ nhỏ và Áo Trắng chưa bao giờ vơi. Áo Trắng dừng phát hành vài bận, rồi đổi mới... Chú đôn đáo lo lắng...

Nay nghe tin Áo Trắng dừng hẳn, mình thực sự buồn và thương đám em cháu mất một sân chơi.

Thanh xuân của mỗi người không bao giờ trở lại, nhưng nếu được ghi dấu ở nơi nào đó, khi nhìn lại mình vẫn thấy nó, thì thanh xuân ấy khó quên lắm, hằn sâu lắm và đẹp đẽ lắm...

(Trích chia sẻ của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình)

Tags: