Theo Hồi ký song đôi của Huy Cận thì năm 1936, Xuân Diệu gặp Huy Cận khi cùng học ở trường trung học Khải Định, Huế. Khi ấy Xuân Diệu đã học xong tú tài phần 1 ở Hà Nội, vào Huế học tú tài phần 2, năm thứ ba; Huy Cận vào học năm thứ nhất. Hai người nhanh chóng kết bạn tâm giao. Được một năm, Xuân Diệu quay ra Hà Nội học trường luật ở Đại học Đông Dương, tham gia viết báo Ngày Nay cho Tự lực văn đoàn, Huy Cận vẫn ở lại Huế học tiếp tú tài năm thứ hai. Tết năm Dần 1938, Huy Cận lần đầu tiên ra Hà Nội, làm quen với cảnh vật và văn nhân xứ Bắc rồi quay vào Huế.
Cũng trong năm 1938, nhà xuất bản Đời Nay in Thơ thơ, tập thơ mà những bài đầu tiên Xuân Diệu viết ở Quy Nhơn từ năm 1933, phần còn lại chủ yếu viết trong thời gian học ở Huế. Huy Cận cũng bắt đầu có thơ đăng trên báo Ngày Nay của Tự lực văn đoàn. Năm 1939, Huy Cận đỗ tú tài toàn phần, ra dạy tư hai tháng ở Vinh, đến tháng 10-1939 ra Hà Nội học trường Cao đẳng Nông Lâm. Xuân Diệu khi ấy vừa học luật, viết báo Ngày Nay, lại nhờ kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, người có chân trong Hội đồng quản trị trường tư thục Thăng Long, giới thiệu vào dạy văn học ở trường này, kiếm thêm chút đồng lương ít ỏi. Xuân Diệu và Huy Cận chuyển về ở tại căn gác nhà số 40 Hàng Than, Hà Nội, ở tầng dưới là nhà thơ Lưu Trọng Lư.
Vào thời điểm ấy, đôi bạn Xuân Diệu và Huy Cận quyết định đi vào con đường xuất bản!
Dưới thời thuộc Pháp, để thúc đẩy quá trình xâm nhập và lan tỏa chữ quốc ngữ nhằm đánh bại văn hóa chữ Hán, thủ tục xin thành lập nhà xuất bản với chính quyền khá đơn giản. Cá nhân có thể đứng tên xuất bản sách. Thậm chí nhà in cũng đồng thời là cơ sở xuất bản.
Sau khi đã xuất bản tập Thơ thơ và có thơ đăng đều đều trên báo, Xuân Diệu và Huy Cận cũng tạm được coi là bắt đầu có danh tiếng trên văn đàn. Hai người quyết định thành lập một cơ sở xuất bản mang tên Huy Xuân, ghép lại từ tên đệm của hai người (mà trong Hồi ký song đôi, Huy Cận gọi hẳn là “Nhà xuất bản Huy Xuân”). Kinh phí đầu tư cho nhà xuất bản này dựa vào tiền học bổng của Huy Cận ở trường Cao đẳng Nông Lâm và khoản tiền lương ít ỏi của Xuân Diệu đi dạy tại trường Thăng Long.
Xét theo niên biểu trong cuộc đời của Xuân Diệu và Huy Cận thì rất có thể dự án cho ra đời Nhà xuất bản Huy Xuân đã hình thành sau tháng 10-1939, trong khoảng thời gian những tháng cuối năm 1939, khi Huy Cận ra Hà Nội ở cùng với Xuân Diệu trên căn gác số 40 phố Hàng Than. Gọi là “nhà xuất bản” cho oai chứ có lẽ cũng không có nhân viên hành chính hay sổ sách gì (?).
Chắc rằng khi có ý định lập nhà xuất bản, cả Xuân Diệu và Huy Cận đều mong muốn sớm có sản phẩm. Sản phẩm đầu tiên đó chính là việc tái bản cuốn Thơ thơ của Xuân Diệu năm 1938.
ẤN BẢN THƠ THƠ 1940
Lựa chọn tái bản Thơ thơ 1938 là một quyết định khôn ngoan của hai ông chủ nhà xuất bản Huy Xuân. Lý do đầu tiên có thể là bởi vì tác giả của Thơ thơ là chính Xuân Diệu nên không phải lo đàm phán về tác quyền với tác giả. Cũng không phải mất thời gian tổ chức bản thảo ngoài việc sửa sang, biên tập lại một số chi tiết trong tập thơ.
Một lý do nữa có thể xuất phát từ điều tế nhị mà Huy Cận đã thuật lại trong Hồi ký song đôi tập 1, liên quan đến vấn đề tiền nong. Xuân Diệu có lần phàn nàn (trong những trang nhật ký) về mức trả quyền tác giả cuốn Thơ thơ quá thấp, có nhiều món trừ đầu trừ đuôi không hợp lý, chẳng hạn trừ số tiền những quyển “không bán được” trong khi thật ra là không còn dư một quyển nào cả; hoặc tiền quảng cáo trên báo Ngày Nay cho tập thơ được tính quá cao…
Khúc mắc lớn nhất chỉ là vấn đề tên hiệu của nhà xuất bản in trên bìa cuốn sách. Bản Thơ thơ lần đầu năm 1938 do nhà xuất bản Đời Nay của Tự lực văn đoàn xuất bản, Xuân Diệu đã nhận tiền tác quyền nên hiển nhiên, quyền tái bản nó phải thuộc về Tự lực văn đoàn, cụ thể là Đời Nay. Không rõ thời gian giữ quyền xuất bản này kéo dài trong bao lâu (tùy thuộc vào thỏa thuận giữa Xuân Diệu với nhà xuất bản Đời Nay), nhưng hẳn nhiên là sách lần đầu ra vào dịp cuối năm 1938, chỉ một năm sau đã tái bản thì phải được sự cho phép của Đời Nay.
Theo hồi ức của con trai Huy Cận trong bài Trái đôi Xuân Diệu-Huy Cận với Tự lực văn đoàn thì hai người đã tới gặp Ban trị sự của nhà xuất bản Đời Nay để xin phép và nhận được sự đồng ý, trong sự cảm thông chung của các thành viên khác trong Tự lực văn đoàn bởi vì họ quá yêu mến hai người Xuân Diệu và Huy Cận.
Có thể hình dung ra là ngay sau khi hình thành nhà xuất bản Huy Xuân vào quãng thời gian cuối năm 1939, Xuân Diệu và Huy Cận đã bắt tay ngay vào việc tái bản cuốn Thơ thơ.
Tập Thơ thơ tái bản lần đầu ra mắt đầu xuân năm Canh Thìn, khoảng đầu tháng 2-1940. Khác với ấn bản lần đầu do họa sĩ Lương Xuân Nhị coi sóc, bản Thơ thơ 1940 do họa sĩ Trần Văn Cẩn minh họa. Sách khổ bình thường, không phá cỡ như bản 1938, ngoài bìa đề tên tác giả, tựa Thơ thơ, Trần Văn Cẩn minh họa, đáy trang có hàng chữ HUY XUÂN XUẤT BẢN, hàng dưới đề Đầu xuân năm Canh Thìn và dưới cùng là hàng số 1940.
Bản phổ thông của lần tái bản Thơ thơ năm 1940 này in 2000 bản trên giấy Boufant. Bản giới hạn in 38 bản Vieux Annam đánh số từ A1 đến A38; hai bản Ingres đề chữ N.N.Q (có lẽ chỉ Ngô Nhật Quang, chủ nhà xuất bản Thời Đại, bạn của Xuân Diệu) và N.V.M (không rõ là ai); một bản Vergé Lafuma đề chữ D.C.
Chỉ xét về mặt chất lượng giấy thì bản Thơ thơ tái bản năm 1940 thua xa bản Thơ thơ năm 1938. Giấy không cứng, dày, cũng không có hoa văn in chìm. Cho dù cố gắng đến mấy thì với nguồn kinh phí hạn hẹp của hai ông chủ nhà xuất bản Huy Xuân, Thơ thơ tái bản năm 1940 chỉ có thể là một ấn phẩm bình thường, không thuộc loại sách đẹp như bản năm 1938.
Sự ra đời của bản Thơ thơ năm 1940 là một điều may mắn cho những bạn đọc đã không có cơ hội sở hữu bản Thơ thơ năm 1938, đánh dấu ấn phẩm đầu tiên tự in của hai nhà thơ đi làm công việc xuất bản.
HAI ẤN PHẨM “HỤT” CỦA HUY XUÂN
Thơ thơ 1940 đúng là ấn phẩm đầu tiên của Nhà xuất bản Huy Xuân và tiếc thay, cũng là ấn phẩm cuối cùng của Nhà xuất bản này.
Thật ra sau khi tái bản Thơ thơ năm 1940, nhà xuất bản Huy Xuân đã dự định ít nhất in hai tác phẩm nữa.
Tác phẩm thứ nhất là bản Tây Sương ký của Vương Thực Phủ do Nhượng Tống dịch với tên gọi Mái Tây. Huy Cận thuật lại vắn tắt câu chuyện này trong Hồi ký song đôi, tập 1, bài Một sự thua lỗ của nhà xuất bản Huy Xuân.
Theo lời kể lại của Huy Cận, một hôm hai ông chủ xuất bản Huy Xuân đang ở trên gác 40 phố Hàng Than, Hà Nội thì có một người ăn bận quần áo ta nhưng đi giày Tây đến gõ cửa xin gặp. Đó là Nhượng Tống, một người rất am hiểu văn học cổ Trung Hoa, sau này sẽ dịch in những tác phẩm nổi tiếng như Sử ký Tư Mã Thiên, Nam Hoa kinh, Mái Tây, Thơ Đỗ Phủ, Ly tao…
Nhượng Tống đến gặp hai người để bàn việc nhà xuất bản Huy Xuân giúp xuất bản bản dịch Tây Sương ký mà Nhượng Tống đã dịch thành Mái Tây. Nhượng Tống đọc cho Xuân Diệu và Huy Cận nghe một số đoạn dịch trong cuốn sách; cả hai người đều thấy đó là bản dịch hay, đặc biệt với những đoạn dịch thơ trong tác phẩm của Vương Thực Phủ. Ba người thống nhất sẽ xuất bản Mái Tây. Nhượng Tống nói cần ứng trước một số tiền để tiêu vì lúc đó đang túng bấn. Xuân Diệu liền đưa cho Nhượng Tống 90 đồng bạc Đông Dương, xem như mua bản thảo dịch (tương đương giá khoảng 10 tạ gạo ở thời điểm ấy). Nhượng Tống nhận tiền rồi vui vẻ ra về…
Vẫn theo lời kể của Huy Cận thì ít lâu sau, chừng đầu năm 1940, sau khi Xuân Diệu đã vào Mỹ Tho làm Tham tá nhà Đoan, một hôm Lê Văn Văng, chủ nhà xuất bản Tân Việt ở phố Nhà Chung đến gặp Huy Cận và hỏi mượn bản dịch Tây Sương ký của Nhượng Tống. Theo ông Lê Văn Văng thì bên Tân Việt cũng có một bản dịch Tây Sương ký và muốn mượn bản của Nhượng Tống để tra cứu thêm cho chính xác. Cả Xuân Diệu và Huy Cận đều quen ông Lê Văn Văng nên Huy Cận liền đưa bản dịch của Nhượng Tống cho Tân Việt mượn. Thế rồi mấy tháng sau thấy Tân Việt cho phát hành bản Mái Tây do Nhượng Tống dịch, đúng bản mà Nhượng Tống đã bán cho nhà xuất bản Huy Xuân. Vậy là nhà Huy Xuân mất không 90 đồng bạc Đông Dương...
Nếu câu chuyện này là xác thực thì Huy Cận đã nhầm ở một chi tiết quan trọng, là thời điểm ra đời của cuốn Mái Tây do Nhượng Tống dịch tại nhà xuất bản Tân Việt. Cuốn Mái Tây này không phải Tân Việt phát hành “vài tháng” sau thời gian đầu năm 1940 mà thực tế mãi đến đầu thu Nhâm Ngọ (1942), Tân Việt mới khởi in tại nhà in ASIATIC HANOI (từ trang đầu tiên đến trang 368) và phải đến giữa mùa đông năm Quý Mùi (1943) mới xong tại Đông Dương ấn quán Hà Nội. Như vậy là ít nhất phải hơn 2 năm sau khi Huy Cận đưa cho ông chủ Tân Việt mượn bản thảo dịch Mái Tây của Nhượng Tống (nếu quả thật có chuyện như vậy), Tân Việt mới bắt đầu in bản Mái Tây này.
Cuốn thứ hai mà nhà xuất bản Huy Xuân dự định xuất bản cũng vẫn là tái bản một tác phẩm khác của Xuân Diệu: Phấn thông vàng.
Đây là tác phẩm thứ hai của Xuân Diệu, vẫn do nhà xuất bản Đời Nay của Tự lực văn đoàn xuất bản quãng đầu năm 1939. Tác phẩm là tập hợp một số đoản văn, truyện ngắn mà Xuân Diệu đã đăng rải rác trên tờ Ngày Nay. Không biết có phải để cho sang hay không mà nhà xuất bản (với sự đồng ý của Xuân Diệu?) đã đề ngoài bìa và cả trang bìa lót của ấn phẩm này thể loại là “Tiểu thuyết ngắn”, trong khi thực chất nó chỉ là một tập bao gồm những đoản truyện. Sở dĩ gọi là đoản truyện bởi ngoài bài mở đầu Phấn thông vàng như một tuyên ngôn của tác giả về cái đẹp mong manh, còn lại trong tập này có bài đạt tới tầm cỡ của truyện ngắn nhưng cũng có bài chỉ là những ghi chép ngắn về một cảm xúc mơ hồ thoáng qua hay một suy niệm trầm tư nào đó.
Nhưng dự định tái bản Phấn thông vàng của nhà xuất bản Huy Xuân cuối cùng vẫn chỉ là dự định, có lẽ vẫn cùng nguyên nhân là hai ông chủ của nhà xuất bản này quá bận bịu với những công việc khác, ở những không gian khác nên không thể chăm lo cho việc xuất bản sách được. Cuối cùng thì Phấn thông vàng in lần thứ hai vẫn ra đời vào năm 1944 và không phải ai khác, do chính nhà xuất bản Đời Nay của Tự lực văn đoàn tái bản!
Sau này, Xuân Diệu và Huy Cận thường lấy một bản đặc biệt trong những ấn phẩm giới hạn của mình và đặt tên là Tác phẩm Huy Xuân, chứ thực tế không có tác phẩm thứ hai nào của nhà xuất bản Huy Xuân ra đời. Đó chỉ là những tác phẩm Huy Xuân đơn lẻ, như các ấn bản Huy Xuân của Lửa thiêng, Kinh cầu tự, Gửi hương cho gió…
Còn nhà xuất bản Huy Xuân chỉ có duy nhất một sản phẩm là bản Thơ thơ của Xuân Diệu tái bản vào năm 1940.
Nguồn Văn nghệ số 27/2021