Mục tiêu của Sanderson là huy động một triệu USD trong 30 ngày. Chỉ trong vòng 35 phút, nhà văn đã nhận được một triệu USD gây quỹ. Đến 24h cùng ngày, ông đã huy động được 15,4 triệu USD. Trang web gây quỹ Kickstarter cho biết đây là ngày thành công nhất trong bất kỳ chiến dịch nào mà họ từng thực hiện.
Thời gian để gây quỹ còn kéo dài tới hết ngày 30/3 và số tiền mà độc giả góp vào vẫn tiếp tục tăng. Đến sáng 27/3, Brandon Sanderson huy động được 34,4 triệu USD. Dự án huy động vốn từ cộng đồng này đã phá vỡ cột mốc gần 20,1 triệu USD do Pebble Time thiết lập năm 2015.
Dù bước đầu thành công, các nhà phân tích và bản thân Sanderson không coi loại hình tự xuất bản là vấn đề đối với ngành công nghiệp xuất bản hoặc lựa chọn đáng mơ ước của hầu hết nhà văn. New York Times nhận định đối với tác giả, tự xuất bản và hợp tác cùng nhà xuất bản để làm sách là hai con đường có thể cùng tồn tại, giúp mở rộng lựa chọn cho độc giả.
Kristen McLean, Giám đốc điều hành của NPD Books (chuyên theo dõi doanh số bán sách), cho biết ngày nay, các nhà xuất bản mong muốn tác giả cũng là “doanh nhân”. Điều này sẽ góp phần xây dựng tên tuổi của nhà văn và tiếp tục thúc đẩy doanh số bán sách của nhà văn ấy.
Theo McLean, dự án của Brandon Sanderson thành công bởi mối quan hệ độc đáo giữa nhà văn này với người hâm mộ. Sanderson cho biết ông đã bán được 20 triệu bản in, sách nói và sách điện tử, bao gồm Rhythm of War, một tiểu thuyết giả tưởng sử thi về liên minh con người chống lại cuộc xâm lược của kẻ thù.
Giống nhiều tác giả viết khoa học viễn tưởng và giả tưởng, Sanderson đã dành nhiều thời gian để tương tác, xây dựng mối quan hệ với độc giả của mình. Nhưng việc tự xuất bản trên quy mô mà Sanderson đang thực hiện là một đề xuất phức tạp. Hầu hết tác giả muốn viết sách chứ không phải điều hành một nhà xuất bản.
Thực hiện một cuốn sách cần có người biên tập, họa sĩ thiết kế và chuyên gia về luật, bản quyền. Công việc xuất bản cũng cần người đăng ký số ISBN, đọc lại bản thảo, người hiệu đính. Việc in hàng nghìn bản sách, sau đó lưu trữ và phân phối chúng, rất tốn kém và khó khăn.
Để thực hiện dự án sách, Sanderson đã thành lập công ty Dragonsteel Entertainment, sử dụng 30 nhân sự bao gồm giám đốc tiếp thị, nghệ sĩ ý tưởng, biên tập viên toàn thời gian và giám đốc nhân sự. Ông cũng có một nhà kho đựng sách.
Sanderson nhấn mạnh rằng ông không rời các nhà xuất bản truyền thống, một phần vì ông muốn chắc chắn rằng tác phẩm của mình tiếp tục hiện diện ở hiệu sách. Sách của ông từng được thực hiện bởi Tor (một thương hiệu của Nhà xuất bản Macmillan) và Nhà xuất bản Delacorte (đơn vị của Penguin Random House).
Nhà văn vừa gây quỹ hơn 33 triệu USD cũng không có kế hoạch sử dụng công ty của mình để xuất bản tác phẩm của tác giả khác. Điều khiến ông thành công là khả năng thu hút trực tiếp người hâm mộ của chính mình, những người không nhất thiết muốn mua tác phẩm của nhà văn khác qua kênh của Sanderson.
Một trong những mục tiêu của Sanderson khi thực hiện dự án này là ông muốn thử “chọc thủng một lỗ nhỏ trong sự thống trị của Amazon”.
Amazon bán hơn một nửa số sách in ở Mỹ, thậm chí còn chiếm thị phần lớn hơn trong phát hành sách điện tử và sách nói, chiếm 80% doanh thu của Sanderson.
“Nếu sự ảnh hưởng của Amazon đối với ngành công nghiệp xuất bản bị suy yếu, đó là điều tốt cho các nhà xuất bản”, Sanderson nói trên New York Times. Nhà văn không định đối đầu với Amazon, ông nói sàn thương mại điện tử này vẫn mang lại nhiều lợi ích, song về lâu dài có thể dẫn tới tình trạng độc quyền.
Nhà văn cũng chỉ ra nhược điểm của các nhà xuất bản truyền thống, đó là cung cấp ít sản phẩm và có ít lựa chọn cho độc giả. Với dự án gây quỹ của Sanderson, bạn đọc có thể chi từ 40 USD cho bốn cuốn sách điện tử đến 500 USD cho bốn sách ở tất cả định dạng.
Một số tác giả thỉnh thoảng tự xuất bản sách. Colleen Hoover, tiểu thuyết gia có ba cuốn sách lọt vào danh sách bán chạy của New York Times, tiếp tục tự xuất bản sau khi cô trở thành một tác giả ăn khách.
Hình thức tự xuất bản phổ biến ở mảng sách điện tử với các thể loại như lãng mạn, khoa học viễn tưởng hoặc giả tưởng.
McLean nói: “Có rất nhiều hình thức xuất bản lai tạp âm thầm diễn ra”. Giám đốc điều hành NPD Books cho rằng đó chỉ là cách mà các tác giả sành sỏi quản lý công việc kinh doanh của họ.
Hình thức gây quỹ cộng đồng không xa lạ với xuất bản trong nước. Từ năm 2014, nhóm Phong Dương Comics kêu gọi cộng đồng góp vốn xuất bản truyện Long thần tướng tập 1.
Kết quả, 711 người góp 330 triệu ủng hộ làm sách (mục tiêu của nhóm là 300 triệu đồng). Nhóm sử dụng số tiền đó để trả chi phí sản xuất sách, làm những ấn bản khác nhau, quà tặng tri ân người đã góp vốn. Các tập tiếp theo của bộ truyện tranh Long thần tướng cũng được xuất bản theo hình thức này.
Sau thành công của bộ truyện, một số sách khác cũng được xuất bản theo hình thức gây quỹ cộng đồng như: Xứ Đông Dương, sách ảnh Humans of Hanoi, truyện tranh Mật ngọt chết mèo, Sổ tay giáo dục gia đình (sách kỹ năng cho các bậc cha mẹ)...
Theo Zing News