Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Đọc sách cùng con là việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn!
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Đọc sách cùng con là việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn!
Khi trẻ đang ở độ tuổi ấu thơ, trải nghiệm đọc sách đầu đời vô cùng quan trọng. Nếu bạn là giáo viên, phụ huynh có học sinh, con em trong độ tuổi đó đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội vàng này.

Hình thành thói quen đọc sách cho trẻ trước 6 tuổi

Trong khuyến đọc, việc hình thành thói quen đọc sách cho mỗi cá nhân là cực kì quan trọng. Hình thành thói quen đọc sách cũng giống như hình thành bất cứ một thói quen sinh hoạt nào khác như đi ngủ và thức dậy đúng giờ, vệ sinh thân thể, chào hỏi xã giao... đều cần phải tiến hành ngay từ khi trước 6 tuổi.

Sau giai đoạn đó tuy cơ hội vẫn còn. nhưng nó sẽ hẹp đi rất nhiều và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đối với cá nhân con người đã trưởng thành, việc sửa đổi một thói quen xấu, hình thành một thói quen mới đều khó. Bạn thử nhớ lại và chiêm nghiệm xem người bạn đời sống cùng mình và bản thân bạn hiện tại đang có thói xấu gì, nó gây ra phiền toái cho cuộc sống hôn nhân, gia đình ra sao và người đó cũng như bạn ý thức về nó thế nào, đã sửa đổi được chưa.

Chắc chắn rằng việc ý thức về thói quen xấu và sửa đổi nó là cực kì khó khăn. Ví dụ bạn đã bao nhiêu lần nhắc nhở ông chồng không vẩy tàn lung tung khi hút thuốc? Bạn đã bao lần khó chịu vì ông chồng đi làm về là cởi tất vứt xuống sàn nhà hay trên mặt sofa? Tương tự, bạn đã bao lần cảnh báo vợ không nên để vương tóc trên sàn nhà tắm vì dễ gây tắc cống hay không nên nghịch điện thoại khi chơi với con hoặc giúp con học bài?

Việc cố gắng có được thói quen đọc sách khi đã rời trường phổ thông ở người lớn là một nỗ lực nhọc nhằn. Khi cầm sách lên cho dù với quyết tâm rất cao, rất có thể bạn vẫn sẽ cảm thấy đau đầu, mắt hoa, buồn ngủ, đau vai, mỏi cổ... Cơ thể bạn, bộ não bạn đã không quen với việc đọc sách. Trong hệ thần kinh của bạn không hề có một sự kết nối nào giữa cảm giác sung sướng, hạnh phúc và sự hiện diện của cuốn sách mà lẽ ra bạn phải được trải nghiệm từ thơ ấu.

Nếu như bạn có trải nghiệm ngọt ngào, thú vị với sách từ thời thơ ấu, thì cho dù có thời gian dài bạn mải công việc và không đọc sách, nhưng khi quay trở lại, bộ não và cơ thể cũng sẽ dễ dàng kết nối các kí ức về trải nghiệm ngọt ngào kia và việc đọc sách. Khi đó việc phục hồi thói quen đọc sách trở nên rất dễ dàng. Điều đó nói lên rằng khi trẻ đang ở độ tuổi ấu thơ, trải nghiệm đọc sách đầu đời vô cùng quan trọng. Nếu bạn là giáo viên, phụ huynh có học sinh, con em trong độ tuổi đó đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội vàng này.

Khi nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đọc sách cho con gái, một cậu bé đang chơi gần đó thấy thích cũng ngồi gần lại để nghe

Thói quen đọc sách là tài sản vô giá cho trẻ

Trong những thứ tài sản, quà tặng mà cha mẹ, thầy cô để lại cho học trò, việc hình thành cho trẻ tình yêu với sách và thói quen đọc sách từ nhỏ là thứ vô giá. Thói quen và cũng là niềm vui này sẽ theo trẻ suốt cả cuộc đời. Nó sẽ là nền tảng cho việc học tập, sinh hoạt trong suốt cuộc đời mỗi người.

Bằng việc tạo ra một người đọc sách và yêu sách, chúng ta đã góp phần vào việc hình thành một người công dân tốt, một con người có khả năng học hỏi tiếp thu cái mới để xây dựng cuộc sống, xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Đọc sách cùng con để con có tình yêu với sách và có thói quen đọc sách là việc mà cha mẹ nào cũng làm được không phụ thuộc vào trình độ, bằng cấp, nghề nghiệp, vị trí xã hội. Trong mắt trẻ, nếu cha mẹ dành thời gian cho con, yêu thương con thì sẽ không tồn tại khoảng cách nào do những thứ trên tạo ra giữa con cái và cha mẹ. Việc của cha mẹ chỉ đơn giản là xây dựng một không gian văn hóa - không gian đọc sách trong gia đình bằng cách xây dựng phòng đọc, giá sách, tủ sách cho con; dành thời gian đọc sách cho nghe hằng ngày; trao đổi trò chuyện với con về sách và hướng dẫn con sử dụng những gì đọc được vào cuộc sống. Bằng việc làm nhỏ bé, bình dị đó của mình, cha mẹ đã tạo ra ý nghĩa lớn.

Hãy đặt thêm một viên gạch lát đường

Một gia đình đọc sách thì giá trị tạo ra chỉ là 1 nhưng khi 10, 20, 100, 1000 rồi cả triệu gia đình đọc sách thì giá trị của nó không chỉ thuần túy là 1+1+2 hay 2x2x4... mà nó có thể là phép tính khổng lồ vì tác dụng cộng hưởng mà nó tạo ra. Xã hội là một chỉnh thể đan cài, tương tác của nhiều yếu tố, nhiều mối quan hệ hữu hình và vô hình phức tạp, vận hành theo những quy luật tất yếu, chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngẫu nhiên. Sự liên kết về giá trị, mục tiêu của 1 triệu gia đình đọc sách sẽ tạo ra một sức mạnh hữu hình và vô hình vô cùng to lớn.

Hiện nay, theo số liệu thống kê, dân số Việt Nam là khoảng 96 triệu người với 26 triệu hộ gia đình. Số liệu công bố trên các phương tiện truyền thông cho biết người Việt chỉ đọc khoảng 0,8-2 cuốn sách/năm, và chủ yếu là sách giáo khoa. Có thể số liệu này chưa hoàn toàn chính xác vì phương pháp tính còn thô sơ và chưa thực sự khoa học. Tuy nhiên hiện trạng lượng sách đọc trung bình của mỗi người dân trong năm ít là một sự thực khó chối cãi. Từ hiện thực này, ta hãy mơ ước và tưởng tượng rằng đến một ngày nào đó ta có 10-20 triệu gia đình có tủ sách ở trong nhà. Khi đó 20 triệu gia đình đọc sách sẽ tạo ra một sức mạnh và sự thay đổi lớn lao đến nhường nào.

Tất nhiên, “thành Rome đâu chỉ xây trong có một ngày”, câu chuyện 26 triệu gia đình có tủ sách trong nhà tưởng chừng như rất dễ và có thể làm trong nháy mắt nhưng thực tế không hề đơn giản. Các bạn hãy nhìn ra xung quanh xem ở đó có bao nhiêu ngôi nhà có tủ sách kể cả những ngôi nhà đẹp đẽ, to lớn, khang trang Bao nhiêu người thân, bạn bè của bạn đọc sách hàng ngày như một thói quen và trong nhà họ có tủ sách?

Nếu bạn đang sống hay sinh ra ở nông thôn, bạn hãy quan sát xem trong ngôi làng của bạn có bao nhiêu tủ sách gia đình, có bao nhiêu trẻ em hàng ngày được bố mẹ đọc sách cho nghe, bao nhiêu em được đắm chìm trong  thế giới của sách vở? Hay là bạn sẽ thấy trong các ngôi nhà sang  trọng, to lớn bề thế ấy sự xuất hiện của các đồ gỗ giả cổ hoành tráng, những chiếc tivi màn hình phẳng khổng lồ, bể cá cảnh và đặc biệt là những tủ rượu sang trọng, cực kì đắt tiền được đặt ở những vị trí đắc địa, dễ đập vào mắt khách đến thăm?

Tủ sách ở đâu và nó có vị trí thế nào trong những ngôi nhà ấy? Trẻ em trong những căn nhà ấy đang đọc sách hay chúi đầu vào các clip nhảm nhí trên youtube, chơi các trò chơi điện tử đậm màu sắc bạo lực?

Khi đọc sách của nước ngoài ta thường thấy những đoạn mô tả các gia đình đọc sách, thảo luận cùng nhau... Bao giờ nước ta sẽ có điều đó? Bao giờ việc nhân lên của tài sản luôn đi kèm với sự nhân lên của giá trị và văn hóa?

Bao giờ trẻ em sẽ lớn lên cùng văn chương, nghệ thuật, khoa học ngay từ lúc lọt lòng và suốt tuổi thơ được tắm mình trong đó? Điều đó phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của chính chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta phải hành động hàng ngày bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt như đọc sách cho con nghe đồng thời luôn hướng về mục tiêu lớn trong thầm lặng. Nói khác đi chúng ta hãy tập trung năng lượng tối đa để làm việc nhỏ với triết lý lớn.

Hãy nghĩ giản dị và thú vị rằng mỗi ngày bằng việc bản thân đọc một trang sách cho cọn, đọc một trang sách cho mình là bản thân chúng ta đang đặt thêm một viên gạch lát đường cho gia đình, cộng đồng và đất nước bước tới tương lai tốt đẹp hơn. 

Nguyễn Quốc Vương - Xây dựng tủ sách gia đình

Tags: