Người cuối cùng của thế hệ định nghĩa lại văn xuôi Mỹ
Người cuối cùng của thế hệ định nghĩa lại văn xuôi Mỹ
Sự ra đi của "kẻ bi quan vĩ đại" nổi tiếng của nước Mỹ Cormac McCarthy cũng được xem như sự kết thúc của một thế hệ nhà văn đã định nghĩa lại văn xuôi Mỹ.

A.O. Scott trên tờ The New York Times viết: “McCarthy, giống như mọi nhà văn, thuộc về thời đại của mình, ngay cả khi ông đã cật lực làm việc để tạo ra những tác phẩm có thể tồn tại lâu hơn thời đại của nó”.

Còn theo tạp chí Times, McCarthy vẫn là "nhà văn của các nhà văn", số người hâm mộ của ông còn "vượt xa sự công nhận hay doanh số bán hàng". Các tác phẩm của ông đã được xuất bản tại Việt Nam gồm: Vượt lằn ranh, Thành phố vùng thảo nguyên, Những con tuấn mã, Không chốn nương thân.

 

Những nhà văn viết lại bộ gen của văn xuôi Mỹ

 

Theo nhà phê bình văn học A.O. Scott, Cormac McCarthy là một trong những nhà văn đã viết lại “bộ gen” của văn xuôi Mỹ, mở rộng phạm vi chủ đề của nó với những thay đổi về văn phong và cú pháp.

Scott có vẻ ngần ngại khi khẳng định rằng các nhà văn sinh vào nửa đầu thập niên 1930 đã tạo thành một thế hệ vĩ đại nhất trong văn học, nhưng khi xem xét những cái tên sau như: Toni Morrison (1931); Updike (1932); Susan Sontag, Philip Roth và McCarthy (cùng năm 1933); và Joan Didion (1934), ông nhận thấy sáu người đã tạo thành một tiêu chuẩn đáng gờm cho những nhà văn sau họ và cả chính họ .

Nhà văn Cormac McCarthy. Ảnh: Kurt Markus/The New Yorker.

Không phải vì họ giống nhau, mà vì mỗi người đại diện cho một sự nhạy cảm riêng và một giọng nói nguyên bản, một cá tính trên trang giấy không thể nhầm lẫn và không ai có thể bắt chước được.

Điểm chung giữa họ có lẽ là khả năng tổng hợp những ảnh hưởng từ các tiểu thuyết gia châu Âu vĩ đại của thế kỷ 19 cho đến những nhà tiên phong của thế kỷ 20 như “Moby-Dick” và Henry James, Hemingway, Faulkner và “Huckleberry Finn”. Tác phẩm của họ cho thấy sự khác biệt với các quy tắc của chủ nghĩa hiện thực Mỹ và các giáo điều của chủ nghĩa hiện đại quốc tế. Đôi khi, ở nhiều khía cạnh, ta còn thấy ở họ có sự kết hợp của cả hai. Họ không theo trường phái hay phong trào nào, thay vào đó, họ đã vẽ lại ranh giới của dòng văn học chính thống.

 

Người cuối cùng của một thế hệ

 

So với những người khác cùng thế hệ, McCarthy là một tài năng nở muộn, cũng là người cuối cùng trong số họ đạt được sự công nhận của giới phê bình, sự nổi tiếng và địa vị của một nhà văn lớn.

McCarthy không phải là một người ham đọc sách trong thời thơ ấu hay thời niên thiếu. Mãi tới lúc phục vụ trong Lực lượng Không quân Mỹ, McCarthy mới bắt đầu đọc nhiều và sau đó chuyển sang viết tiểu thuyết. Nhưng sách của McCarthy hầu như không bán được.

Bộ ba tác phẩm vùng thảo nguyên bao gồm: Những con tuấn mã, Vượt lằn ranh và Thành phố vùng thảo nguyên đã giúp tên tuổi của ông vụt sáng, một phần bởi vì nó đã khai thác một dòng thần thoại mạnh mẽ trong văn hóa đại chúng. Scott gọi đó là những tiểu thuyết cao bồi, chứa đầy chủ nghĩa khắc kỷ, nam tính, bạo lực không khoan nhượng và những gợi mở bi thương, gần như đa cảm về thiên nhiên, vùng đất và lịch sử Ấn Độ.

Cormac McCarthy ở tuổi 23. Ảnh: cormacmccarthy/Reddit.

Nhà phê bình văn học Howard Bloom ca ngợi McCarthy là “người thừa kế thực sự” của Herman Melville và William Faulkner. Sự thành công của ông trùng hợp với sự thay đổi trong cách viết về khu vực, thể loại và phong cách. Ông đã đi từ miền Nam sang miền Tây, từ biên giới của sự u ám đến biên giới của sử thi, từ rùng rợn đến tiên tri, từ Faulkner đến Hemingway…

No Country for Old Men, The Road và The Counselor là câu chuyện về thế giới sau tận thế được kết nối bởi những câu chuyện tội phạm hóc búa, tập trung vào sự dai dẳng của cái ác và sự sụp đổ của trật tự đạo đức. Điều này được định nghĩa khá rõ ràng là một cuộc khủng hoảng của chế độ phụ quyền, sự xói mòn quyền lực của những người cha và những người đồng cấp của họ, sự bất lực của chủ nghĩa anh hùng.

Phong cách mang tính bảo thủ này của ông còn gợi lên một mối liên hệ thế hệ khác giữa McCarthy và đạo diễn Clint Eastwood, người sinh năm 1930 và là sự pha trộn giữa chủ nghĩa bi quan siêu hình, sự hài hước nhẹ nhàng và phong cách đơn giản.

Cả hai dường như đều là người con cuối cùng của một thế hệ. Mỗi người trong số họ đều đã phát minh ra một cái gì đó mới. Eastwood đã thổi sức sống tươi mới vào những hình hài mệt mỏi, còn McCarthy để lại những nỗi ám ảnh về cái chết qua những tác phẩm của ông.

Tags: