Ngày đầu khởi nghiệp của Vanderbilt - tài phiệt đầu tiên của nước Mỹ (Phần 1): Bắt đầu khi mới 11 tuổi? 
Ngày đầu khởi nghiệp của Vanderbilt - tài phiệt đầu tiên của nước Mỹ (Phần 1): Bắt đầu khi mới 11 tuổi? 
Không có mấy manh mối cho biết thực hư tuổi thơ của Cornele thế nào. Điều người ta biết chỉ là một ảo tượng, một hình ảnh mơ hồ trôi nổi bên trên tuổi thơ thực sự.
VANDERBILT - Tài Phiệt Đầu Tiên Của Nước Mỹ
(10 lượt)

Ảo tượng ấy gồm những câu chuyện được người đàn ông là tương lai sau này của cậu bé ấy nhắc đi nhắc lại, được củng cố vững chắc nhờ những kẻ ái mộ thường xuyên kể lại và tô vẽ. Sự mơ hồ, khoảng cách xa xôi và việc nhắc đi nhắc lại không chỉ gây ra những hoài nghi về tính xác thực của hình ảnh ấy, mà còn dấy lên những ngờ vực về ý nghĩa thật sự của nó.

Ảo tượng ấy nói rằng: ngay từ hồi năm 1805, trong nhiệm kỳ tổng thống của Thomas Jefferson, cậu bé 11 tuổi kia đã bắt đầu sát cánh cùng bố trên chiếc thuyền hai buồm. Thế chỗ anh trai quá cố, cậu học cách điều khiển bánh lái, dựng và căng buồm, lèo lái thuyền theo hướng gió. Dần dà, cậu đã quen với con thuyền nghiêng rạp trong gió táp, cánh buồm thọc sâu vào sóng hay băng băng xuyên qua bão dông vần vũ. Chuyện kể rằng, buổi sáng nọ, cậu bé thức dậy và đón một ngày mà cậu chờ đợi đã lâu. Ông bố hứa thưởng cho cậu sau nhiệm vụ cực kỳ nặng nhọc là cày tơi cả ruộng khoai tây: Cornele sẽ được đưa anh bạn Owen đi trên thuyền hai buồm tới New York và chơi ở đó cả ngày. Cornele đón Owen và chạy xuống mép nước, ở đó ông bố đứng cạnh một đống rơm mà ông ta đã nhận chở tới thành phố. “Nào, Cornele, thuyền của con đấy”, Vanderbilt nhớ lại lời bố. “Bố đã chất lên thuyền quá nửa chỗ rơm, con và thằng Owen chỉ cần chất nốt chỗ còn lại, đưa đi và dỡ xuống bến tàu như bình thường, trên đường tha hồ mà chơi.” Ông bố quăng cho đứa con vài xu lẻ, rồi để mặc nó làm nốt việc. “Với một thằng con trai thì cái gì chả là trò vui”, về sau Vanderbilt cằn nhằn, “vụ đấy thì cũng hơi vui; nhưng tôi nhớ là tối ấy, chúng tôi mệt lử chẳng khác khi đi làm là bao”.

Nhưng câu chuyện ấy có ý nghĩa gì? Rằng một cậu nhóc 11 tuổi đã đủ đáng tin cậy đến mức vận chuyển một chuyến hàng qua vài dặm sóng nước mênh mông, đến một nơi giờ đây là thành phố lớn nhất nước Mỹ? Rằng cậu oán thán ông bố kiểm soát hoàn toàn cuộc đời mình? Có lẽ cả hai cách lý giải trên phần nào đó đã in đậm câu chuyện trong trí nhớ Cornele. Nhưng, sau tận hai thế kỷ nhìn lại, dường như câu chuyện cho ta thấy khoảng cách gần gụi với New York đã phủ bóng lên gia đình, thương nghiệp đã choán lấy đời họ, biến cả trò vui của một thằng nhóc thành cơ hội kiếm lời như thế nào. Đó là câu chuyện bị ẩn giấu về những miền hẻo lánh ở nông thôn nước Mỹ.

Ảo tượng ấy tiếp tục trải rộng. Nó kể rằng, năm sau đó, cha của Cornele ký hợp đồng nhận hàng từ một con thuyền vào bờ ở Mũi Sandy, bãi cát cửa sông chạy suốt từ New Jersey, bên ngoài Đảo Staten. Ông cắt đặt một số nhân lực, ba xe ngựa kéo và vài thuyền chèo để thực hiện công việc. Ông cử cậu con trai phụ trách xe ngựa khi vận chuyển hàng từ chỗ tàu đậu, qua bãi cát để chất lên thuyền ở mạn bên kia. Ông rời bến bằng sà lan, để Cornele tự dẫn đoàn xe ngựa và các xà ích vượt quãng đường dài tới bến phà ở South Amboy. Lúc cậu bé và cả đoàn tới nơi, cậu đã tiêu hết tiền vào thức ăn cho người và ngựa, nhưng ông chủ phà lại đòi 6 đô-la tiền phí qua phà. Cornele nhanh trí chạy tới một quán trọ và hỏi vay tiền chủ nhà, đề nghị sẽ để lại một con ngựa và hứa sẽ chuộc ngựa bằng tiền mặt trong vòng 24 giờ. Chủ quán trọ đồng ý. Họ qua phà, còn cậu bé trở lại để trả tiền cho ông chủ quán trọ.

Về sau, câu chuyện được kể lại như một ví dụ chứng tỏ tài tháo vát của Cornele, nhưng (nếu là thật) trong đó còn ẩn chứa những dấu hiệu của các vấn đề lớn hơn. Đơn cử, nhà Vanderbilt để Cornele nhúng sâu vào việc làm ăn đến nỗi mới 12 tuổi, cậu đã thấm nhuần nguyên tắc vay mượn dựa trên tài sản đảm bảo. Và toàn bộ mảng kinh doanh phá dỡ xác tàu càng tô đậm hơn nữa cái cách cảng New York định hình nên đời sống gia đình họ.

Còn một khía cạnh nữa trong câu chuyện ắt hẳn đã gây ấn tượng với cậu bé: năng lực tự quyết định giá cả của người chủ phà. Vốn là dân đảo, Cornele hẳn quá thấm thía quyền uy ấy. Sống cách Manhattan và đất liền một quãng đường thủy, ở cậu dần hình thành nên độ nhạy với khoảng cách nối giữa hai nơi, với vai trò của việc vượt sông, với tầm quan trọng chiến lược của phương tiện chuyên chở từ bờ này qua bờ kia. Hiểu biết sớm nhen nhóm trong trí óc đó sẽ giúp ích cho cậu suốt cuộc đời.

Nhưng khi đó, Cornele vẫn chỉ là một đứa trẻ. Có thể là cậu hiểu về thị trường hơn một đứa trẻ bình thường, nhưng cậu cũng là người đam mê hành động – động lực của cậu là “sự kiêu hãnh của hành động”, thứ mà một người bạn sau này cho là thành hình nhờ tuổi trẻ của Cornele. Đặc điểm đó đã kéo Cornele về với đường thủy New York, với tất cả những hoạt động cuồng điên: những thuyền trưởng và thuyền viên đi lại ngông nghênh; những hoa tiêu láo xược, bày trò giải trí trong khi chờ đưa thuyền ra lại biển; những tốp thủy thủ phóng túng - nhiều người trong số đó là người da đen - túm tụm vào các quán rượu hay say sưa loạng choạng dưới các thanh rầm néo buồm đâm tua tủa như xà cột trên Phố South. Đây là những gã trai tráng mà cuộc đời chỉ toàn là hành động. Vào tuổi thiếu niên, Cornele đã quá quen với khung cảnh này, vì cậu ngày càng chịu trách nhiệm lớn hơn với con thuyền hai buồm của ông bố. Khi cậu giong buồm vượt qua những tàu buôn tròn ủm hay những tàu hải quân thanh mảnh, khi cậu chuyện trò với các chỉ huy tàu dọc Phố South, cậu bắt đầu mơ về những cơ hội vượt ra khỏi khuôn khổ Đảo Staten ấy.

Đến cuối năm 1897, cơ hội dần trở nên ít ỏi. Hoạt động giao dịch tấp nập của thành phố đột ngột chững lại khi Quốc hội phê chuẩn luật Cấm vận, do Tổng thống Jefferson thúc giục trong một nỗ lực hão huyền nhằm ép buộc Anh Quốc dỡ bỏ hạn chế với tàu thuyền của Mỹ và ngừng bắt thủy thủ Mỹ đăng lính trong cuộc chiến dai dẳng giữa Anh và Pháp. Đạo luật nghiêm cấm tàu bè Mỹ đi tới cảng nước ngoài. John Lambert quan sát: “Trên cầu tàu, tuyệt nhiên không thấy một thùng, một kiện, một sọt hay bọc nào. Chỉ có vài thương nhân, thư ký, phu khuân vác và người lao động đang lững thững đi bộ, tay đút túi.” Tháng 3 năm 1809, cuối cùng Quốc hội đã bãi bỏ đạo luật, niềm hân hoan lan tràn New York, tàu bè lại sửa soạn lên đường tới những hải cảng xa xôi.

Sau khi James Madison nhậm chức tổng thống năm 1809, Quốc hội tiếp tục chắp nối ý tưởng sử dụng thương mại để gây sức ép lên Anh và Pháp - nhất là Anh, vốn bị Madison và hầu hết đảng viên Cộng hòa ghét cay ghét đắng. Trong khi đó, Hải quân Hoàng gia quét sạch tàu bè Mỹ bằng thái độ ngày càng hung tợn, bắt giữ phương tiện và thủy thủ theo các Sắc lệnh Cơ mật viện khét tiếng, bắt buộc những phương tiện trung lập phải tuân thủ các biện pháp phong tỏa để chế Napoléon của Anh Quốc. Một đội thuyền có thể kiếm bộn bạc bằng cách giong buồm đến các bến cảng châu Âu lục địa, nhưng kèm với rủi ro khủng khiếp tăng lên gần như mỗi ngày.

Trong một thế giới căng thẳng như thời chiến, chàng trai trẻ Cornele đã có một quyết định trọng đại. Đầu năm 1810, sau khi đưa khách và hàng vào thành phố, Cornele tản bộ dọc Phố South, đến gặp một thuyền trưởng cậu quen. Thuyền của vị này là thuyền buôn chạy tốc độ cao, sắp sửa thực hiện một hành trình liều lĩnh tới Pháp để chở vải lụa - một món xa xỉ sẽ bán được giá cao ở các cảng bị phong tỏa tại châu Âu của Napoléon. Mới 15 tuổi nhưng Cornele đã là một thủy thủ cao to khỏe mạnh và tháo vát; khi cậu xin một chân trên thuyền, thuyền trưởng đã đồng ý nhận cậu làm thành viên hải đội, kèm với phần chia tương xứng trong khoản bộn mà họ sẽ kiểm được. Hành động ấy đánh dấu một cái kết đột ngột cho quãng đời thơ ấu vốn rất mơ hồ của Cornele. Một khi đặt chân lên thuyền, cậu sẽ rời khỏi chốn chợ búa xô bồ, bước vào cuộc đời của “hành động đơn thuần vì hành động”. Cậu lái thuyền về nhà tối hôm ấy, quyết chí kể cho cha mẹ rằng cậu sẽ rời Đảo Staten mãi mãi.

“Chúng ta dường như đều mang trong mình hệ quả từ những ngẫu nhiên tình cờ xảy đến với tổ tiên ta”, nhà văn V. S. Naipaul viết, “như thể bằng nhiều cách thức, chúng ta đã được lập trình từ trước khi chào đời, phân nửa cuộc đời đã được vạch sẵn”. Với một cậu bé 15 tuổi xuất thân từ nông trại hồi năm 1810, rũ bỏ sức nặng của quá khứ là gần như bất khả. Cornele đã hành động quyết liệt khi ghi tên gia nhập con tàu phá vòng kiềm tỏa, nhưng cậu vẫn phải đối diện với một trở ngại đáng sợ: bà mẹ. Về sau, Cornele kể: Bà ấy “phát hiện ra và “tha thiết van nài con trai đừng đi”.

Những hiểm nguy vốn đã quá đủ để mẹ cậu kinh hãi, nào bão bùng, dịch bệnh cho tới nguy cơ bị bắt làm lính hải quân Anh. Quan trọng hơn, vợ chồng Phebe nương tựa rất nhiều vào cậu cả, vì Phebe vẫn tiếp tục sinh con. Cornele, với thói lạnh lùng tàn nhẫn đã thành truyền thuyết về sau, lúc này lại chịu nghe mẹ khẩn nài và hồi tâm chuyển ý. Cậu bất đắc dĩ nhờ bố “để xem ông có thể giúp cậu đàng hoàng rút khỏi công việc mà cậu đã hứa hẹn tham gia hay không”. Ông Cornelius cha lập tức đến gặp thuyền trưởng và dàn xếp mọi chuyện. Ấy là một quyết định may mắn. Về sau, Cornele biết được là quân Anh đã bắt giữ con thuyền ở Eo biển Manche ngay trên hành trình đó.

Sức nặng của quá khứ đã đẩy Cornele trở lại Đảo Staten, nhưng cũng khôn khéo xoay sự kiện đáng lẽ là bước ngoặt sang một hướng khác. Cornele quay lại thuyền hai buồm ở vị trí thủ lĩnh. Nhưng ở đây, cũng như nhiều thời điểm khác trong tuổi thơ của cậu, sự thật đã được đánh bóng. Theo một lời kể được nhắc đi nhắc lại, cậu nghe tin một thuyền hai buồm được rao bán ở Port Richmond và đồng ý mua lại với giá 100 đô-la. Phebe nhận lời cho con trai vay tiền nếu nó dọn sạch, cày xới và gieo hạt trên khoảnh ruộng rộng 8 héc-ta của gia đình, một mảnh ruộng mà theo nhà viết tiểu sử thế kỷ XIX W. A. Croffut là “cứng queo, cằn cỗi và nhiều đá đến nỗi chưa từng được xới lên bao giờ”. Và Cornele phải làm xong trước sinh nhật tuổi 16. Hai bên đồng ý thỏa thuận vào ngày 1 tháng 5, Cornele không có nhiều thì giờ. Cậu gom đám bạn lại và hứa hẹn một mùa hè bồng bềnh trên sóng nước cùng con thuyền của cậu, nào câu cá, giong buồm, nào di hí trong thành phố, hòng dụ tụi này giúp cậu hoàn tất công việc đúng hạn định. Mẹ cậu săm soi mảnh ruộng, tồi tới chỗ đồng hồ lấy ra 100 đô-la. Con trai bà hối hả đi xuống Port Richmond, xu leng keng trong túi, bụng bảo dạ sẽ không dùng thuyền tiêu khiển như đã kể với đám bạn, mà để kiếm lời.

 

Tags: