IPA đã lựa chọn 33 thành viên đại diện cho 33 quốc gia có sự đa dạng về địa lý và phân khúc thị trường để thực hiện phỏng vấn qua video. Trong số đó, 40% quốc gia đến từ châu Á, 27% châu Phi, 17% châu Âu và 17% đến từ châu Mỹ.
Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu” vào tháng 1/2020, thành viên của IPA tiếp tục hoạt động một cách thận trọng.
Đến tháng 3/2020, khi được cảnh báo đây là “đại dịch toàn cầu”, giới xuất bản chịu ảnh hưởng đáng kể bởi biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh, nhất là khi ở nhiều quốc gia, sách chưa được coi là mặt hàng thiết yếu.
Chuỗi cung ứng phải đối mặt hàng loạt thách thức: Nhiều xưởng in tạm đóng cửa, thiếu giấy in, đơn hàng ùn tắc, quá trình vận chuyển chậm trễ, nhu cầu mua sách giảm, các đơn đặt hàng quốc tế không thể thực hiện…
Thị trường xuất bản toàn cầu có sự phân chia giữa hai hướng đi khác nhau: Doanh thu giảm nhưng có dấu hiệu phục hồi và sụt giảm sâu khiến quá trình phục hồi diễn ra chậm.
Tại quốc gia có nền kinh tế kỹ thuật số kém phát triển, sức mua của người tiêu dùng có dấu hiệu giảm mạnh hơn, việc giới thiệu sách trên môi trường số gặp nhiều trở ngại, phát hành online không khả quan.
Chẳng hạn, tại Ai Cập, doanh số bán sách trong năm 2020 giảm đến 70%. Ngành xuất bản Ai Cập đứng trước dự báo chậm phục hồi trong vài năm tới. Hay như Maroc, doanh thu cũng giảm 70%, Jordan giảm 60%, UAE giảm 50%.
Mặt khác, nhiều quốc gia có sự giảm nhẹ về doanh số bán sách nhưng được dự đoán là sớm phục hồi đều có sẵn kinh nghiệm ứng phó sau khủng hoảng kinh tế, sở hữu thị trường sách nội địa lớn, nền công nghệ kỹ thuật tiên tiến, văn hóa đọc phát triển.
Ví dụ, Trung Quốc chỉ giảm 9% trong 6 tháng đầu năm 2020, 6 tháng cuối năm doanh số đã nhanh chóng tăng trở lại khi nhiều nhà sách được phép mở cửa. Tây Ban Nha giảm 22% nhưng có dấu hiệu phục hồi sớm nhờ đẩy mạnh phát hành online.
Cũng theo báo cáo của IPA, gần 60% quốc gia được phỏng vấn cho biết độc giả của họ tìm được niềm an ủi khi đọc sách trong mùa dịch. Đặc biệt, 20 trên tổng số 33 quốc gia đã thừa nhận khách hàng của họ có xu hướng đọc ebook và nghe audio book nhiều hơn.
“Chúng tôi chưa thể dự đoán xu hướng đọc sách kỹ thuật số sẽ tiếp diễn ra sao sau đại dịch. Song, việc chuyển đổi số trong xuất bản ở thời điểm hiện tại vẫn là chiến lược mới và hiệu quả giúp hạn chế thua lỗ”, trích nội dung báo cáo.
Tại Australia, 36% người được hỏi cho biết họ đã đọc sách nhiều hơn trong khi thực hiện lệnh giãn cách. Tại Anh, con số này là 41%.
Ngành xuất bản của những quốc gia này cũng mô tả sự tăng trưởng doanh số đáng chú ý của ebook và audio book do nhận được sự hỗ trợ từ Hiệp hội các nhà xuất bản trong nước về việc đẩy mạnh phát hành hai định dạng này. Đồng thời, việc đóng cửa thư viện cũng tạo điều kiện cho quá trình thử nghiệm mượn sách kỹ thuật số thay vì sách giấy.
Trong bối cảnh dịch bệnh, tiếp cận thị trường kỹ thuật số là một trong những phương pháp hữu hiệu để “săn” độc giả. Nhiều nhà xuất bản nhận ra tầm quan trọng của việc thúc đẩy các nhà bán lẻ trực tuyến từ trang web riêng và sàn thương mại điện tử. Hội chợ sách quốc gia và quốc tế có xu thế chuyển sang hình thức trực tuyến, kết hợp một số hoạt động trên môi trường thực địa.
“Trước đại dịch, hiệu sách, thư viện công cộng và sự kiện về sách là nơi để độc giả và người mua bản quyền khám phá tác giả và tựa sách mới. Giờ đây, những buổi giao lưu giới thiệu sách đã chuyển sang trực tuyến và đạt hiệu quả cao, thậm chí có thể làm lu mờ chiến lược tiếp thị và bán sách truyền thống”, báo cáo trên nêu.
Ebook và audio book tăng trưởng mạnh được đánh giá là xu thế của thời đại, cùng sự hạn chế tiếp xúc và việc chậm trễ quá trình giao sách giấy. Nhu cầu về sách giáo khoa kỹ thuật số có mức tăng trưởng đáng kể do học sinh phải học online tại nhà.
Chia sẻ với Zing, ông Jaime Rodríguez - Giám đốc công ty truyện tranh ECC Cómics, Tây Ban Nha - cho biết: “Chúng tôi thường xuyên trao đổi, tương tác với độc giả qua hệ thống kênh bán hàng, cung cấp nội dung ấn phẩm, thậm chí gửi bản PDF để độc giả có thể đọc mà không cần trả phí trong thời gian cách ly. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện chiến dịch hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe tới tác giả trong nước”.
Ngay từ đầu tháng 3/2020, IPA đã có những phiên họp trực tuyến lắng nghe ý kiến đến từ đại diện giới xuất bản của 70 quốc gia, nhằm sớm tìm ra biện pháp hỗ trợ.
Giữa những yêu cầu bắt buộc của việc phòng, chống dịch, IPA đã đưa ra quyết định hủy bỏ Đại hội các nhà xuất bản quốc tế lần thứ 33 để tập trung hỗ trợ thành viên chịu tác động ban đầu của Covid-19.
Chúng tôi thường xuyên trao đổi, tương tác với độc giả qua hệ thống kênh bán hàng, cung cấp nội dung ấn phẩm, thậm chí gửi bản PDF để độc giả có thể đọc mà không cần trả phí trong thời gian cách ly.
Ông Jaime Rodríguez - Giám đốc công ty truyện tranh ECC Cómics
Theo đó, sự chia sẻ, đoàn kết của giới xuất bản toàn cầu nổi lên như một sự hỗ trợ rất lớn về mặt tinh thần. IPA đã kêu gọi hợp tác xuất bản toàn cầu trong khủng hoảng, hỗ trợ liên minh tác giả, nhà xuất bản và nhà sách.
Không chỉ nhận được sự trợ giúp từ IPA, ngành xuất bản ở từng quốc gia cũng tìm ra cho mình những sáng kiến riêng như: Đề xuất chính phủ hỗ trợ ngân sách, số hóa toàn ngành, tổ chức những sự kiện thúc đẩy văn hóa đọc trong mùa dịch…
Cụ thể, ở New Zealand, Hiệp hội các nhà xuất bản của nước này đã sáng lập Liên minh sách (cơ quan điều phối bao gồm đại diện nhà sách, tác giả và giới truyền thông sách) nhằm tìm ra sáng kiến hỗ trợ phục hồi ngành.
Hiệp hội các nhà xuất bản Anh đã cung cấp đường dây trợ giúp để thành viên có thể gọi và nghe tư vấn miễn phí về chương trình của chính phủ, thuế, biện pháp đối phó đại dịch...
Viện sách Brazil, Liên minh các nhà xuất bản Brazil và Hiệp hội Thư viện Quốc gia Brazil đã cùng vận động tổ chức tài chính để có những khoản vay ưu đãi và hoãn thanh toán cho đơn vị xuất bản trong trường hợp không nhận được gói hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ.
Hiệp hội các nhà xuất bản Thái Lan đã vận động thành công chính phủ trong việc áp dụng khấu trừ tiền mua sách (đặc biệt là sách giáo khoa) vào thuế thu nhập cá nhân.
Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ gửi thư tới Quốc hội, kêu gọi sự ủng hộ từ chính phủ cho thư viện công cộng với khoản tài trợ 2 tỷ USD. Quốc gia này cũng khuyến khích người dân truy cập một trang web để đóng góp vào Quỹ hỗ trợ nhà xuất bản.
Hiệp hội các nhà xuất bản Indonesia hợp tác với thị trường trực tuyến (Tokopedia, Bukulapak…) để cung cấp cho thành viên khóa đào tạo online về việc phát triển ebook, bán hàng và tiếp thị sách trên môi trường số.
Bên cạnh đó, một số sáng kiến hay cũng được đề ra và thực thi: Canada tổ chức chương trình “Canada Read Aloud” (miễn lệ phí cho việc đọc một số đầu sách chọn lọc trực tuyến); Ấn Độ hợp tác với National Book Trust (đơn vị xuất bản trực thuộc Bộ Giáo dục) thực thi sáng kiến “Stay home - India with books”, cung cấp hàng trăm đầu sách ở định dạng PDF để mọi người cùng ở nhà đọc sách miễn phí.
Hiệp hội các nhà xuất bản Trung Quốc đã triển khai dịch và xuất bản 100 tựa sách và tác phẩm báo chí về nỗ lực ngăn chặn Covid-19 của quốc gia này. Đến nay, số ấn phẩm đó đã được phân phối tới 29 quốc gia.
Tại Hàn Quốc, giới xuất bản chung tay tổ chức chương trình tặng sách cho bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, 102 đơn vị xuất bản đã cùng quyên góp, mang đến 14.000 đầu sách cho bệnh nhân đang điều trị, giúp họ có những giờ phút thư giãn bên trang sách.
Theo Zing News