Nếu yêu, đừng cố biến đổi nàng!
Nếu yêu, đừng cố biến đổi nàng!
Vì thay đổi người bạn yêu có vẻ dễ hơn thay đổi chính mình.

Khi bạn bắt đầu điểm lại các sự việc, bạn sẽ thấy dường như người yêu hay người bạn đời của mình đã cố gắng muốn thay đổi rất nhiều điều về bạn. Họ chú ý cách bạn trì hoãn việc ở bên mẹ bạn. Họ mong muốn bạn ăn mặc táo bạo hơn. Ba lần gần đây họ nói muốn biết tình hình tài chính của bạn. Họ còn gợi ý muốn bạn quan tâm hơn tới bài vở của con cái và giúp tổ chức nhiều bữa tiệc tối hơn. Nghe thật chẳng dễ chịu gì. Nhưng, cũng phải nói rằng người yêu của bạn không phải là người duy nhất như vậy: nếu bạn thật lòng với chính mình, bạn cũng biết có cả tỉ thứ bạn muốn họ thay đổi.


Điều này có vẻ sai sai. Thôi thúc muốn thay đổi người yêu dường như đi ngược lại với tinh thần của tình yêu. Nếu chúng ta đang yêu và được yêu, đáng lẽ sẽ không có những cuộc trò chuyện về sự thay đổi mới phải? Chẳng phải tình yêu chính là sự chấp nhận đối phương một cách toàn diện, dù đó là những phút huy hoàng hay thời khắc đen tối sao?

Ý muốn thay đổi người yêu nghe thật chẳng phù hợp và khiến người ta thấy xáo trộn, vì rằng, đa phần chúng ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của một khái niệm lãng mạn về tình yêu. Theo đó, dấu hiệu chính ghi nhận tình yêu chính là khả năng chấp nhận một người khác về tổng thể, cả mặt tốt và xấu - và theo nghĩa nào đó, đặc biệt là mặt xấu của họ. Nói một cách đơn giản, theo triết học lãng mạn, yêu một người nghĩa là yêu chính con người của họ mà không có một mong muốn nào thay đổi họ. Chúng ta phải đón nhận cả con người họ để xứng với những cảm xúc chúng ta thừa nhận đã cảm nhận về họ.

Trong những thời khắc nhất định, tình yêu khiến chúng ta thấy thật cảm động vì được yêu bởi những điều người khác không nhìn thấy hay từng phàn nàn với chúng ta vì chúng. Dường như đó là minh chứng tối thượng cho tình yêu rằng những mặt phức tạp hơn của chúng ta cũng có thể khơi dậy sự yêu thích, khoan dung và thậm chí là ham muốn của người khác. Thông qua cuộc sống, chúng ta luôn nhận thức được rằng có những điều về chúng ta không được mọi người đón nhận – vì vậy chúng ta cố gắng bảo vệ chính mình hỏi những mỉa mai và phê bình. Thật phấn khích làm sao khi lúc đó người yêu đối xử với những thiết sót đó của chúng ta một cách hào phóng. Họ không cười bạn khi thấy sự nhút nhát của bạn trong các buổi tiệc - họ thật ngọt ngào khi cho rằng sự “kín miệng” của bạn là một dấu hiệu của sự thật thà chân thành. Họ không thấy xấu hổ vì những bộ trang phục kém thời thượng của bạn, vì với họ, sự chân thật và sức mạnh để bỏ ngoài tai những lời thiên hạ mới là quan trọng nhất. Khi bạn say khướt, họ buộc tội bạn uống quá nhiều; họ giúp bạn chà vào cổ, mang cho bạn chút trà và đóng kín rèm cửa giữ kín chuyện này.

Những lúc như vậy, một niềm tin mãnh liệt không may xuất hiện bao bọc tình yêu: ý nghĩ rằng yêu ai đó nghĩa là phải luôn chấp nhận họ từ mọi góc cạnh - và việc được yêu phải luôn có nghĩa là được chấp nhận dù bạn là ai hay làm gì. Theo lý tưởng lãng mạn này, mọi ham muốn thay đổi sẽ gây ra sự buồn phiền, khó chịu và sự chống đối sâu sắc. Dường như đó là bằng chứng rằng không thể có tình yêu khi phải thay đổi, hay nhất định có gì đó đã sai - rằng bạn nên chia tay…

Những cũng có một triết lý khác về tình yêu, chín chắn hơn và hợp lý hơn xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ. Nó cho rằng đầu tiên tình yêu phải là sự ngưỡng mộ những điểm tốt hay sự hoàn hảo của một cá thể khác. Tình yêu là sự phấn khích ta có thể cảm nhận được khi đối diện với điều gì đó mạnh mẽ, thông minh, tốt bụng, chân thật, dí dỏm, cao thượng ở ai đó. Người Hy Lạp cho rằng tình yêu không phải là một cảm giác mơ hồ. Yêu ai đó không phải một phản ứng hóa học kỳ lạ không thể diễn giải bằng lời nói. Nó đơn thuần là sự kính phục và ngạc nhiên trước một người vì sự đúng đắn và hoàn mỹ ở mọi góc cạnh của họ.

 

Vậy chúng ta phải làm gì với những nhược điểm, những vấn đề, khía cạnh không mấy tốt đẹp kia? Triết học lãng mạn bảo chúng ta phải đón nhận, thậm chí là nâng niu tất cả những điều đó. Chúng ta đã làm vậy với một vài điều: nếu không, mối quan hệ của chúng ta đã không thể khởi đầu tốt đẹp. Nhưng tới một thời điểm nhất định, chúng ta cũng chạm vào mức giới hạn của mình. Việc phải yêu ai đó vì tất cả con người họ, hoặc không thì nghĩ về chính chúng ta như những người xấu là đòi hỏi quá nhiều. Làm thế nào một người có thể không bao giờ muốn thay đổi bất cứ phần nào trong chúng ta khi họ đã đủ hiểu chúng ta? Phải chăng họ thiếu niềm tin vào tiềm năng thực sự của chúng ta? Bản thân chúng ta có thật sự không khao khát thay đổi và cải thiện mình sao? Vậy tại sao lại đổ lỗi cho họ vì họ muốn chúng ta làm điều mà từ sâu thẳm trong lòng chính chúng ta cũng muốn như thế?

Ở điểm này, lý tưởng về tình yêu của người Hy Lạp biến thành một ý tưởng, theo đó chúng ta khao khát “cải tạo” lại bản thân: giáo dục. Với người Hy Lạp, vì chúng ta đều không hoàn hảo, nên một phần trong ý nghĩa của việc khiến tình yêu trở nên sâu sắc hơn chính là mong muốn dạy và được dạy để thay đổi. Hai người nên nhìn nhận mối quan hệ như một cơ hội để không ngừng cải thiện bản thân. Khi những người yêu nhau dạy cho đối phương nhìn nhận về những sự thật không mấy dễ chịu của họ không có nghĩa là họ đang từ bỏ tình yêu của mình. Họ đang cố gắng làm điều gì đó đúng đắn cho tình yêu: làm cho người yêu của mình đáng được yêu hơn.


Chúng ta nên chấm dứt cảm giác tội lỗi chỉ đơn thuần vì ham muốn thay đổi người yêu, và không bao giờ nên bực tức vì đối phương muốn thay đổi mình. Cả hai việc, về mặt lý thuyết, là hoàn toàn hợp lý, thậm chí là rất cần thiết. Ham muốn giúp cho người yêu trở nên tốt đẹp hơn, thật ra, là một ý nghĩ hoàn toàn trung thành với sứ mệnh cốt yếu của tình yêu - là giúp cho đối phương trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ.

Thật không may, dưới sự thống trị của lý tưởng lãng mạn, phần lớn chúng ta vừa trở thành những người thầy tồi vừa là những học trò tồi. Đó là bời vì chúng ta không chấp nhận một điều vốn ra hợp lý (chưa kể là cao thượng) là có những điều chúng ta muốn dạy và có những khía cạnh chúng ta cần được dạy. Chúng ta chống lại chính cấu trúc của việc giáo dục người yêu, điều có thể giúp cho những lời phàn nàn trở thành khuôn đúc cho những bài học hợp tình hợp lý và được lắng nghe như thể đó là những nỗ lực đầy quan tâm giúp sắp xếp lại những tính cách rắc rối của chúng ta.

Thay vào đó, trong vai trò người học sinh, ngay khi đối phương có dấu hiệu lên giọng giảng giải (ví dụ như việc chỉ ra điều gì đó chúng ta lỡ lời nói quá to trong bữa tối, hay một thói quen cứ bất chợt lặp lại nơi công sở), chúng ta có xu hướng cho rằng mình đang bị “tấn công” và phản bội - và do đó, hoàn toàn không “rửa tai” lắng nghe lời chỉ bảo, lại còn phản ứng với giáo viên với đầy sự mỉa mai và gây hấn.


Do vậy, khi chúng ta có điều gì muốn dạy, vì chúng ta không chắc đối phương sẽ lắng nghe hay không (chúng ta dần có kinh nghiệm về cách những sự việc thế này thường diễn ra thế nào) hoặc nếu chúng ta có quyền nói, bài học đó thường mang đặt ở tông khó chịu bị thúc giục. Chúng ta là những người thầy bị làm cho sợ hãi, vì chúng ta nhận ra rằng bản thân đang gắn bó với những học sinh không muốn học, và trong quá trình này, họ đang hủy hoại cuộc sống của cả họ và chúng ta (phần lớn học sinh không có nhiều quyền lực như vậy trước người thầy như trong tình huống lãng mạn như vậy, đó là lý do thường thì chúng ta sẽ được dạy dỗ trở nên tốt hơn). Thời điểm đáng lẽ trở thành cơ hội truyền đạt một bài học đáng suy nghĩ trong một mối quan hệ ở mức trung bình lại trở thành một tràng những lời xúc phạm hét lớn lên, hạ nhục đối phương, để rồi gặp phải sự chống đối và tức giận từ phía học sinh. Chúng ta thường không áp dụng bất cứ phương thức nào thường thấy trong việc dạy trẻ hay cho một đồng nghiệp. Chúng ta biết sử dụng tài ứng biến phi thường, cứ mỗi lời chê lại có mười lời khen, cho bản thân có vô số thời gian… Nhưng trong lớp học của những người yêu nhau, chúng ta lại là những người thầy tệ nhất từng có. 

Tuy vậy chúng ta nên dừng phán xét những nỗ lực giảng giải còn thiếu sót này một cách quá hà khắc. Thay vì cho rằng mỗi bài học là một cuộc công kích cá nhân, như dấu hiệu của việc sắp bị bỏ rơi hay bị làm bẽ mặt, chúng ta nên tiếp nhận nó với đúng bản chất sự việc: nó chỉ ra rằng bạn có thể phải bận tâm về một điều gì đó – dù cho bạn không tiếp nhận điều đó một cách hoàn hảo (những người bạn của chúng ta không nghiêm trọng hóa vấn đề như vậy không phải vì họ tử tế hơn, mà vì họ không cần phải bận tâm về nó: họ sẽ chia tay chúng ta chỉ sau vài giờ cùng ngồi trong nhà hàng).

Chúng ta không bao giờ nên xấu hổ vì đã giảng giải hay cần được giảng giải. Lỗi duy nhất của chúng ta chính là đã từ chối khi có cơ hội học tập - dù nó có vụng về thế nào chăng nữa. Tình yêu phải do hai người cùng cố gắng nuôi dưỡng để tối ưu tiềm năng của nó – nó không bao giờ chỉ đơn thuần là một thử thách gắt gao để chúng ta tìm kiếm sự công nhận đối với những thiếu sót còn tồn đọng của mình.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo The Book of Life.