Năm cách xua tan nỗi đau
Năm cách xua tan nỗi đau
Cuộc sống đầy rẫy khổ đau nhưng nhiều người không nhận thấy điều này.

Học giả Ấn Độ vĩ đại Thánh Thiên chia sự đau khổ của con người thành hai loại: tinh thần và thể xác. Ngài viết: “Người giàu sang đau khổ trong nội tâm còn người nghèo khó đau đớn về thể xác. Vì hai loại đau khổ này, người trên thế gian thấy khốn khổ mỗi ngày”.

 Nói cách khác, những người ở trong hoàn cảnh giàu sang có thể được giải phóng khỏi nhiều khổ sở về thể xác nhưng họ vẫn phải trải qua đau khổ về tinh thần, chẳng hạn như căng thẳng trong công việc, lo lắng về sự cạnh tranh hoặc nỗi cô đơn khi ở đỉnh cao.

Mặt khác, những người ở trong hoàn cảnh nghèo khó phải chịu thiếu thốn thực phẩm và quần áo hoặc phải làm lụng vất vả. Mọi chúng sinh đều đang phải chịu sự hành hạ của một hay cả hai loại đau khổ này.

Cuộc sống đầy rẫy khổ đau nhưng nhiều người không nhận thấy điều này. Vì vậy, chỉ một chút thất vọng là họ liền đổ lỗi cho người khác và nguyền rủa số phận của bản thân: “Ông trời thật không công bằng! Tại sao tôi không may mắn như vậy? Tại sao tôi không bao giờ được nghỉ ngơi?”. Họ không hiểu rằng đây thực sự là bản chất của vòng sinh tử.

Vậy chúng ta có thể làm gì khi đối mặt với đau khổ? Phật giáo có nhiều câu trả lời, bao gồm các phương pháp sau đây. Ngay cả khi một số tập khí mọc rễ sâu đến mức không thể cắt đứt ngay lập tức và hoàn toàn nhưng nếu chúng ta kiên trì, đau khổ của chúng ta sớm muộn cũng sẽ tiêu trừ.

1. Hãy giúp đỡ chúng sinh, không phải chỉ riêng bản thân bạn.

Khi bạn cảm thấy khổ sở, điều đầu tiên cần làm là nhận ra nguồn gốc của đau khổ là sự bám chấp vào bản thân hay nói cách khác là sự ích kỷ. Để tiêu trừ đau khổ, chúng ta phải nhổ tận gốc nguyên nhân của nó.

Một phương pháp là nghiên cứu kinh điển và các luận giảng Phật pháp để chúng ta có thể chuyển hóa ích kỷ thông qua tinh thần lợi tha của Đại thừa. Có những người từng trải qua nhiều xúc tình phiền não nhưng sau khi nghiên cứu giáo lý Đại thừa và hiến mình giúp đỡ chúng sinh qua các hoạt động như từ thiện và tình nguyện thì sự đau khổ của họ biến mất.

Phương pháp tiêu trừ đau khổ bằng cách giúp đỡ người khác là hiệu quả nhất nếu bạn đã vun bồi lòng từ bi và bồ đề tâm, hay tâm nguyện vị tha giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ bằng cách trở thành một vị Phật. Nhưng ngay cả khi bạn chưa nuôi dưỡng những tâm này thì ít nhất có thể trưởng dưỡng thiện chí và đạo đức truyền thống.

2. Biến hạnh phúc và đau khổ thành con đường.

Có một phương pháp khác theo đó bạn có thể chuyển hóa khổ đau thành con đường. Mặc dù trải nghiệm có thể đau đớn nhưng nếu bạn thay đổi cách nghĩ, bạn có thể xem kinh nghiệm đó không phải là đau khổ mà là một công cụ.

Phương pháp này đã được giảng giải rất chi tiết trong Bài ca hạnh phúc của Thokmé Sangpo. Chẳng hạn, bản văn này chỉ cho chúng ta thấy:

Khi tôi bệnh tật, tôi hạnh phúc,

vì chướng nghiệp sẽ tiêu trừ nhờ bệnh tật.

Khi tôi khỏe mạnh, tôi vẫn hạnh phúc,

vì một cơ thể khỏe mạnh có thể làm việc thiện.

Khi tôi giàu có, tôi hạnh phúc,

vì tôi có thể cúng dường bậc Ứng Cúng và bố thí người nghèo.

Khi tôi nghèo khó, tôi vẫn hạnh phúc,

vì nó giúp tôi loại bỏ bám chấp vào tiền tài, vật chất.

Để thành công trong cuộc sống, bạn phải trải nghiệm khổ đau. Những người trí tuệ thực sự không bao giờ sợ hãi đau khổ mà thay vào đó biến mọi khổ nạn thành bệ phóng để giải thoát.

Một lần nọ, con lừa của một người nông dân bị rơi xuống cái giếng cạn. Dù rất lo lắng nhưng người nông dân không thể nghĩ ra cách nào để cứu con lừa. Cuối cùng, ông ta đành nghĩ: “Con lừa này đã già rồi và cũng đến lúc phải lấp cái giếng. Thật hao công tổn sức khi cứu con lừa ra”. Ông bèn nhờ hàng xóm lấy đất lấp cái giếng.

Con lừa nhanh chóng hiểu chuyện và rên rỉ trong hoảng sợ nhưng một lúc sau nó trấn tĩnh lại. Người nông dân nhìn xuống giếng và không khỏi ngạc nhiên trước những gì nhìn thấy: con lừa hất tất cả các xẻng đất đổ xuống và giẫm chắc chân lên. Chẳng bao lâu con lừa lên tới miệng giếng, rồi nó nhảy vọt ra và chạy mất.

Cuộc sống của chúng ta cũng tương tự vậy. Nỗi đau khổ cứ triền miên rơi xuống chúng ta. Nhưng cho dù có bao nhiêu đau khổ tấn công, chỉ cần rũ sạch như bụi đất, giẫm chắc chân lên và đừng bao giờ để nó chôn vùi bạn. Như thế, bạn cũng có thể thoát khỏi đau khổ của đại dương sinh tử luân hồi giống như con lừa đã thoát khỏi cái giếng kia.

3. Thực hành hoán đổi bản thân và người khác: cho và nhận.

Một phương pháp hữu ích khác để tiêu trừ đau khổ là hoán đổi bản thân và người khác. Ví dụ, nếu bạn bị ốm nằm bẹp giường, thanh danh của bạn bị lu mờ hoặc bạn rơi vào tình cảnh không một xu dính túi, bạn có thể lập ước nguyện này: “Có quá nhiều người trên thế gian này khổ sở như tôi. Nguyện đau khổ của họ chín muồi trên tôi và để tôi gánh chịu nó thay cho họ. Cầu cho họ có thể thoát khỏi đau khổ và có được hạnh phúc”.

Sau đó, với mỗi lần thở ra, hãy hình dung tất cả an bình và hạnh phúc của bạn biến thành khói trắng và đi vào tất cả chúng sinh. Với mỗi lần hít vào, quán tưởng tất cả đau khổ của họ thành khói đen và xâm nhập vào bạn.

Đây là cách tốt nhất để xua tan đau khổ. Nếu chúng ta có thể thực hành điều này mỗi khi chúng ta gặp đau khổ, thì đau khổ chúng ta nếm trải sẽ trở nên đáng giá. Qua thời gian và thực hành, việc tự cho mình là trung tâm của chúng ta sẽ giảm dần.

4. Vun bồi sức mạnh tinh thần.

Có sức mạnh tinh thần nghĩa là có thể chịu đựng được nghịch cảnh. Với phẩm tính này, bạn sẽ không dễ đầu hàng khi đối mặt với đau khổ. Tôi đã đọc một số tiểu sử của những người có tầm ảnh hưởng và thấy rằng lý do họ thành công là vì họ rất mạnh mẽ.

Ngay cả khi đối mặt với nghịch cảnh không thể chịu đựng được, họ vẫn dũng cảm giải quyết và không bao giờ bỏ cuộc. Ngược lại, một số người thất bại vì tâm họ quá mong manh, họ không thể chịu được ngay cả những cú đánh nhẹ - một sự thất vọng nhỏ nhoi cũng khiến họ chìm vào tuyệt vọng.

Vậy chìa khóa của thành công hay thất bại là gì? Tô Đông Pha, một chính khách kiêm nhà văn thời nhà Tống, đã nói: “Những vĩ nhân trong lịch sử không chỉ có tài năng vượt xa những người bình thường mà họ còn sở hữu một ý chí mạnh mẽ và kiên cường”.

5. Phương pháp cải thiện tâm trạng của Mipham Rinpoche

Có một phương pháp thực hành rất đơn giản trong Phật giáo Tây Tạng để xua tan đau khổ và nâng cao tinh thần của chúng ta.

Đầu tiên, nhìn thẳng vào không gian phía trước bạn, thư giãn tự nhiên mà không có bất kỳ bám chấp nào, để tâm bạn rộng mở khoáng đạt nhất có thể và sau đó hãy an trụ trong trạng thái này. Tiếp theo, trì tụng Tayata om tsomo milena deka tamo svaha bảy hoặc 108 lần. Thực hành này có thể cải thiện tâm trạng cùng mối quan hệ của bạn và làm dịu các phiền não.

Bạn không phải sử dụng tất cả phương pháp được mô tả ở trên. Vì mỗi người đều có sở thích khác nhau nên hãy chọn một phương pháp phù hợp nhất với bạn. Giống như đối với một số căn bệnh, một số người hợp với thảo dược hoặc châm cứu, một số lại hợp mát-xa, và một số lại phải tiêm thuốc. Dù bạn sử dụng phương pháp nào thì mục đích đều giống nhau - giảm bớt đau khổ.

Bài viết trích dẫn từ cuốn Bão giông mới là cuộc đời. Sách tập hợp những bài viết của nhà sư Khenpo Sodargye; mang những thông điệp gần gũi, giản đơn để người đọc có thể tự điều phục tâm, vượt qua những khổ đau của cuộc đời. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm tại đây

Tags: