“Anh Khôi sinh năm 1942, tuổi con ngựa, còn tôi sinh đúng năm hai triệu dân Việt chết đói, năm 1945, tuổi con gà. Nhà tôi ở đường Trần Nhật Duật, ngay mặt tiền, nhìn thẳng ra đê sông Hồng, nằm giữa đoạn từ chân cầu Long Biên đến ‘cột đồng hồ’”...
Đó là những dòng mở đầu của “Linh ứng”, cuốn sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Ở tuổi ngoài 70, trong áng văn gần cuối cuộc đời, ông viết về gia đình và một thời đã qua của mình.
Với câu chuyện xoay quanh người anh ruột - liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi, tác giả đã dựng lại không khí Hà Nội xưa cũ và “một thế hệ đã sống rất đẹp cho đất nước”, với tất cả niềm vui, điều tốt đẹp, nỗi buồn lẫn sự thất vọng.
Đó là thời Hà Nội những năm 50, 60 của thế kỷ trước, khi đường Thanh Niên vẫn còn tên là đường Cổ Ngư. Tác giả hoài niệm về tuổi thơ yêu dấu ở ngôi nhà trên đường Trần Nhật Duật, về “những con đường đến trường cùng anh Khôi, khi tôi chỉ là thằng bé bảy tuổi, lớp Năm, còn anh Khôi mười tuổi, lớp Nhì”.
Đó cũng là thời của lý tưởng đẹp lạ lùng. Miền Bắc được giải phóng năm 1954, thực dân Pháp rút quân, anh Khôi vì khát khao cống hiến cho đất nước mà đi thanh niên xung phong, dù anh có một lựa chọn êm ấm hơn - du học ở Liên Xô.
Anh Khôi của tác giả là người khẳng khái, nghĩa khí, từng dính rắc rối vì ngăn cản người ta… đi xe ngược chiều. Khi đi xung phong, dù thiếu thốn, nhưng lúc thấy người ta khốn khó hơn mình, anh Khôi cũng cho họ cái xe đạp Thống Nhất “nhẹ như không”.
Năm 1967, anh Khôi viết đơn xin nhập ngũ, để hoà vào không khí hào hùng, sục sôi tiến vào chiến trường miền Nam, tiếp tục thành “thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh”.
Lúc lên chiến khu thăm anh và tiễn anh đi, tác giả sực nhớ anh mình không có nhiều tiền, liền đưa anh 30 đồng, giữ lại phần mình 5 đồng dành để tiêu trên đường về. “Tối mịt hôm đó, tôi đạp xe gần 200 km từ Hà Nội về đến xưởng cơ khí ở Thác Cát, Hoành Bồ, Quảng Ninh”, tác giả kể lại, “do không dừng nghỉ chân uống nước, xe đạp không bị hư dọc đường, trong túi tôi vẫn còn nguyên 5 đồng. Điều này đã khiến tôi dằn vặt suốt đời, lẽ ra, tôi phải đưa anh Khôi hết cả 35 đồng”.
Nguyễn Mạnh Tuấn là cây viết chuyên nghiệp và lành nghề, là một trong những người hiếm hoi trên văn đàn Việt Nam sống được nhờ ngòi bút. Thuở những năm 1980, ông viết những tiểu thuyết bán hơn 100 nghìn bản. Nhưng từ những năm 2000 trở đi, ông lùi về vị trí biên kịch cho các tác phẩm điện ảnh và truyền hình. Nói là “lùi về” vì tên tuổi biên kịch ít được chú ý, chứ Nguyễn Mạnh Tuấn vẫn viết những tác phẩm không hề xoàng, phim ẵm vài giải Cánh Diều Vàng, Mai Vàng.
Thể loại của “Linh ứng”, có lẽ nó nằm ở ranh giới giữa hồi ký và tiểu thuyết. Nhiều chi tiết trong sách là thật, nhưng sách chắc không hoàn toàn là “thật”. Bởi chuyện đời khi có bàn tay sắp xếp, can thiệp của người kể chuyện, sẽ dẫn được người đọc đến cái chân lý mà tác giả mong muốn. Nguyễn Mạnh Tuấn cũng từng chia sẻ về cách tiếp cận này khi ra mắt một tác phẩm trước đây.
Qua “Linh ứng”, Nguyễn Mạnh Tuấn cho ta biết chân lý gì về một thời đã qua? Người viết phải dẫn ra lời giải thích bỏ học đi thanh niên xung phong của anh Khôi, rằng “Nếu những ngày đất nước còn đầy khó khăn, còn đang nước sôi lửa bỏng vì hậu quả chiến tranh, đang cần mình, mà mình không đóng góp thì 10 năm sau, cơ hội đó không còn”.
Nhân vật Khôi, suy cho cùng, chính là biểu tượng của một thời đẹp đẽ thật sự đã tồn tại, cái thời người ta thương người không toan tính, sống hết mình vì lý tưởng, dù tình thương và lý tưởng đó phải va chạm, thậm chí tan nát trước thực tế, trước biến động.
Trong “Linh ứng”, một thời đã qua hiện về trong hoài niệm, khiến ta khắc khoải về lý tưởng người trẻ, về thời thế, về dân tộc. Và khi đặt hai thời đại cạnh nhau trong cuốn sách, nhà văn cũng khiến bạn đọc nhìn hiện tại bằng dư âm của quá khứ, từ đó không khỏi thắc mắc về cuộc sống hôm nay. Chẳng hạn, liệu tình người vô tư ở thế kỷ trước có còn hiện diện trong hiện tại? Còn không lý tưởng trong sáng, trái tim hướng về sự tốt đẹp của cộng đồng như anh Khôi?
Và liệu còn không, một thời đẹp đẽ hôm nay để mai sau ta có thể hoài niệm và nhớ thương khôn nguôi như Nguyễn Mạnh Tuấn?
Trong “Linh ứng”, đan xen với mạch truyện quá khứ là hành trình hiện tại đi tìm hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi bằng phương pháp ngoại cảm.
Các tiểu thuyết từng tạo tiếng vang lớn của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: "Những khoảng cách còn lại" (1980), "Đứng trước biển" (1982), "Cù lao Tràm" (1984).
Các dấu ấn của nhà văn trong lĩnh vực truyền hình, điện ảnh: Phim “Đồng tiền xương máu”; "Biển sáng", "Xa và gần", "Cơn lốc đen", "Lưới trời", "Sinh mệnh", “Lối rẽ trái trên đường mòn”, “Tử hình”... Ông đạt được nhiều giải thưởng như Cánh diều vàng, Giải thưởng truyền hình VTV.
Cuốn sách do First News phát hành. Trạm Đọc dành tặng mã ưu đãi LINHUNG10 giảm thêm 10% khi mua sách Linh Ứng do Tiki trading phân phối tại đây