Một sự kết thúc luôn là một sự khởi đầu
Một sự kết thúc luôn là một sự khởi đầu
Bài viết trích lược từ cuốn Đây là Ức cá hồi hay Pưu lill ký? của tác giả Tự Ngôn Lữ Quán, do DIMI Book phát hành.
Chạy về trên con đèo Prenn, lúc này, tôi mới có thể nhìn thấy những rừng thông bát ngát hùng vĩ. Những tán lá thấp thoáng, lấp lánh bởi những tia nắng chiếu xuyên qua... mang lại hơi ẩm trong lành giữa không khí mát lạnh của Đà Lạt. Tôi nhìn sang bên phải, nơi có khu du lịch thác Datanla nổi tiếng với hệ thống máng trượt đầy thú vị. Tôi nhớ lúc nhỏ đã từng trải nghiệm ngồi trên chiếc mảng trượt nhỏ dưới tay lái của ba. Tôi cảm thấy thích thú khi được chạy băng qua những khúc cua uốn lượn liên tục trên con dốc ngoằn ngoèo. Lần này tới đây, thời gian gấp rút, chưa có dịp quay lại. Nhất định lần tới, tôi sẽ cùng với những người bạn của mình khám phá khu này, chơi thật đã mới thôi. Chạy thẳng lên phía trên một đoạn, bên trái hướng đi về Lâm Đồng là khu du lịch thác Prenn, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố ngàn hoa.

Trở lại chuyện trên đường. Chúng tôi hướng tới thác Pongour, còn được biết đến với tên gọi khác là thác bảy tầng. Chúng tôi đi ngược về cây số 260 rồi chạy thẳng một đường là tới cổng. Vé vào cổng lúc đó khoảng 20.000đ, không hề mắc. Bốn đứa tôi tiếp tục băng qua cổng, đi xuống từng bậc thang để đến thác. Tôi có thói quen là trước khi tới địa điểm nào sẽ nghe ngóng thông tin điểm đến đó. Một phần vì sở thích cá nhân muốn biết thêm nhiều thứ, phần nữa là để kể lại giống như vậy nè. Tôi ngồi hóng, nghe người dân nói Pongour được mệnh danh là Nam Thiên Đệ Nhất thác, có nghĩa là thác nước hùng vĩ nhất trời Nam. Tên gọi này do vua Bảo Đại đặt khi đến đây vào thế kỷ trước. Thêm nữa, đối với người Pháp, Pongour có nghĩa là ông chủ vùng đất sét hay ông vua xứ Kaolin.

Ngoài ra, còn có một truyền thuyết gắn liền với con thác. Tôi có dịp hỏi thăm những người buôn bán, họ kể rằng, ngày xưa, khu vực này là vùng đất của người K'ho, do một người con gái xinh đẹp làm tù trưởng cai quản. Người con gái ấy tên là Kanai. Nàng có rất nhiều tài năng, đặc biệt là săn bắt và thu phục thú dữ trong rừng, tạo điều kiện cho người dân trong buôn có cơ hội phát triển. Nàng sở hữu bốn con tê giác to lớn khác thường. Chúng nghe lời nàng, dời non, ngăn suối, bảo vệ dân làng, giúp dân khai hoang nương rẫy, tạo dựng chỗ ở. Thế rồi, vào một ngày rằm tháng Giêng, nàng chỉ còn chút hơi thở. Bốn chú tê giác lo lắng, cứ quanh quẩn bên nàng. Chúng chẳng chịu ăn uống và cứ thế ra đi cùng nàng. Một thời gian sau, nhiều người trong làng vô cùng kinh ngạc khi thấy nơi nàng qua đời bỗng hiện lên một ngọn thác đẹp tuyệt vời. Nàng Kanai yên nghỉ ở một nơi mà không ở đâu có thể sánh bằng. Tóc của nàng hóa thành dòng nước trắng xóa, chảy dài như con nước mà chúng ta thấy ngày nay. Những tấm đá xanh rêu làm nền cho con thác chính là sừng của những chú tê giác hóa thành. Đây là biểu tượng cho sự đoàn kết và gắn bó của con người với thiên nhiên. Nếu có dịp đến đây vào rằm tháng Giêng, các bạn sẽ có cơ hội tham dự lễ hội của dân tộc K’ho. Lễ hội này được xem như lễ tưởng niệm nữ tù trưởng Kanai xinh đẹp. Đây là cơ hội cực kì tốt để bạn có thể trải nghiệm các phong tục tập quán, cũng như tìm hiểu bản sắc dân tộc.

Chúng tôi băng qua những bề mặt đá, rồi đi lên chiếc cầu gỗ nhỏ, bên dưới tiếng nước chảy róc rách, len lỏi qua những khe đá, xa xa thấp thoáng con thác hùng vĩ. Thật sự, tôi muốn nói cho bạn biết là từ khi đến đây cho đến lúc về, hầu như chúng tôi đều chọn sai thời điểm. Chúng tôi đến đây vào buổi trưa, trời nắng gắt, đặt chân trên những phiến đá sẽ bị phỏng. Tiến lại gần thác, tôi mới hiểu tại sao, người dân địa phương gọi là thác bảy tầng. Từ trên cao, thác chảy xuống qua bảy tầng đá bậc thang với chiều cao khoảng 40m, bao quanh là một khu rừng nguyên sinh rộng khoảng 2,5 ha, với rất nhiều cây cổ thụ và các loài động vật. Vẻ đẹp đặc biệt của dòng thác nằm ở hệ thống bậc đá bằng phẳng, xếp thành lớp không theo bất cứ một trật tự nào, xé nguồn nước thành hàng trăm dòng nhỏ, tạo thành những thảm nước tung bọt trắng xóa, thật hùng vĩ. Bên dưới thác là mặt hồ rộng thênh thang, yên bình, với rất nhiều tảng đá nhấp nhô giữa dòng nước. Thời điểm chúng tôi tới là lúc con thác cạn nước, dưới chân thác là một bãi đất rộng, tha hồ chụp hình ở phía trước con thác. Tôi ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, thấy chả khác nào bức tranh 3D với nhiều góc đẹp khác nhau. Tôi tranh thủ làm cho Thượng tiên vài tấm hình để lấy le với bạn bè. 

“Tạo kiểu sao cho đẹp man? Đứng như vậy được không?” cậu ta một tay bỏ túi quần, tay kia ra hiệu số 2. 

Tôi bĩu môi, xua tay. “Không đẹp tí nào. Tôi có thể thấy rõ cái bụng bự của ông đấy. Với lại, tư thế này trông phèn quá Đổi kiểu!” – tôi nói lớn.

“Thế kiểu này thì sao”. Thượng tiên khoanh hai tay, hất cằm lên trên như kiểu làm ngầu. 

Tôi nheo mắt tỏ ý khó hiểu. “Ông tính đấm ai ở đây à? Trước khung cảnh hùng vĩ phải đang như tận hưởng chứ. Mặt ông như muốn quánh với ai vậy. Mà tôi cũng thấy không ngầu lắm, chắc là do mặt ông hề quá nên nhìn khá trẩu. Há há! Đổi kiểu” – tôi bật cười, kêu thằng bạn làm lại.

"Vậy phải làm như thể nào? Ông chỉ tôi cái coi, chứ đứng đây nắng quá” – Thượng tiên bực dọc nói. Tôi đi tới chỗ cậu ta đứng, chỉnh lại tư thế. “Ông nên quay lưng lại, mặt đối mặt với con thác. Đánh một chân ra sau, tay đưa lên trời, giống như khi ông đang ném một thứ gì đó thật mạnh vào con thác. Như vậy, trông giống như một lời thách thức chinh phục thiên nhiên” – tôi gợi ý xong, đi ra chỗ máy chụp hình, canh nhiều góc độ khác nhau để có thể lấy nét một cách chân thật nhất.

Tiên tửu và Chí xì thấy chúng tôi bận rộn liền đi lại, ngó đầu vào máy chụp hình, Thượng tiên hí hửng nhờ vả: “Ê man. Chụp cho tôi và Chí xì một tấm thật đẹp nhé”.

Tôi quay sang nheo mắt nhìn hai đứa nó, rồi tập trung chụp. “Thế tôi có được nhận tiền công không đây?” – tôi dò hỏi, mắt không rời màn hình chụp.

“Ông sẽ nhận được một cái ôm ấm áp từ tôi” – Tiên tửu nở nụ cười thật tươi, dang rộng vòng tay.

Tôi nhoẻn miệng cười, rồi lạnh lùng đáp lại: “Cảm ơn nhé. Hai người có thể tự chụp”. Nói xong, tôi quay sang canh góc quay cho Thượng tiên. Tất nhiên, tên Tiên tửu không dễ dàng buông tha cho tôi. Cậu ta cứ đi lòng vòng xung quanh tôi, mè nheo phá đám, cho đến khi tôi gật đầu đồng ý. “Rồi, đứng vào đi. Nhanh chân lên nào. Trời nắng quá, không tôi lại đổi ý bây giờ” - tôi miễn cưỡng nói.

Sau khi làm vài… chục tấm hình cho hai đứa nó, tôi cũng định làm cho mình vài tấm mang về làm kỷ niệm. “Sẵn tiện chụp cho tôi nữa nha mấy man, về khoe ba má vui”, Tôi vui vẻ đi lại chỗ đứng. Quay sang chuẩn bị tạo dáng, thì thấy tụi nó lủi vào chỗ bóng râm ngồi.

“Ê, tụi bay giỡn với tao đấy à?” - tôi hét lớn chỉ tay về phía tụi nó. “Ra đây chụp cho tôi cái nào” - tôi căn nhằn. Lát sau, tên Tiên tửu chậm rãi lê từng bước ra. “Thế tôi có được nhận tiền công không?” - nó cố tỏ ra ngại ngùng, lặp lại lời tôi trước đó.

“Á à…! Thì ra mày chọn cái chết” - tôi vừa nói vừa móc điện thoại ra, lướt tới hình của tụi nó chuẩn bị ấn nút xóa. “Nói tạm biệt với tấm hình đi nào… Xóa!”

“Hỡi ơi, khoan… Sư huynh xin hãy dừng tay… Hề hề, tôi giỡn thôi mà. Man cứ thoải mái, muốn bao nhiêu cũng được” - Tiên tửu cười, chắp tay cầu xin.

“Chụp phải thành tâm đấy, nếu không là… Chíu chíu! Ủa, tấm hình đâu rồi kìa?” - tôi đưa điện thoại lên dọa nó.

Sau một hồi vật lộn giữa trời nắng, chúng tôi đành phải vô trong kiếm chỗ ngồi. Mồ hôi con chạy theo mồ hôi mẹ một lần nữa lại nối đuôi nhau xuất hiện, khóe mắt tôi thoáng chốc có chút cay cay. “Hay là mình lên trên đi. Ngay chỗ mấy bậc thang có mấy cái võng. Vô nằm, uống nước chút rồi về” - Tiên tửu nói.

Tôi nằm thư thái trên võng, tay cầm chai nước rồi đưa lên miệng tận hưởng. Tiên tửu nằm kế bên quay sang tôi nói:” Ê, nãy bé bán nước dân tộc kia dễ thương ha”.

“Từ, dễ thương lắm luôn. Nước da trắng muốt, nói chuyện dịu dàng đằm thắm. Chưa kể, khi cười rất đẹp” - tôi chưa kịp nói, thì Thượng tiên đã lên tiếng.

“Ở đây có mỗi Thượng tiên là chưa có một nửa của mình. Ông có muốn làm rể ở miền núi không?” - tôi cười hỏi.

“Thôi. Ở đây làm sao sống nổi cha”- Thượng tiên nói.

“Biết đâu ông ở đây sinh sống, rồi trở nên lực lưỡng như mấy ông Tây Nguyên thì sao. Ngày vác củi, đêm gánh nước từ trên núi xuống. Chẳng mấy chốc sẽ có sáu múi to bự” - Tiên tửu hí hửng nói.

“Tôi thích ăn một múi mà thôi. Sáu múi ăn không nổi”. Thượng tiên xua tay, lơ đi chỗ khác.

“Ừ, đây là địa điểm tham quan cuối cùng của chúng mình. Lát nữa chúng ta sẽ chạy thẳng về Sài Gòn. Dọc đường chỉ dừng chân uống nước, hoặc nghỉ ngơi dùng bữa mà thôi” - tôi nói.

“Vậy là chuyến đi này sắp hoàn thành những bước cúng cuồi rồi. Nhanh thật đấy” - Chí xì đang nằm võng, ngẩng đầu lên nói.

“Mấy hôm nay vui chơi đủ rồi. Chúng tôi quay trở về, lại tiếp tục với công việc và học tập. Hẹn các man vào chuyến đi tiếp theo. Giờ thì chính thức quay trở về nào” – tôi cười nói. 

Chúng tôi nằm nghỉ ngơi đến khoảng hai giờ, rồi xách xe chạy về. Chúng tôi đặt mục tiêu chạy xuống đèo Bảo Lộc trước khi trời tối. Thời tiết lúc về mát mẻ và trong lành hơn lúc khởi hành rất nhiều. Chúng tôi thong dong, từ tốn lái xe trên những cung đường đèo đầy nắng, gió ở những phút giây cuối cùng của chuyến hành trình. Và cũng vì thế, chúng tôi về tới Sài Gòn khá trễ, cụ thể là mười giờ tối. Tôi còn nhớ tới ngã ba Dầu Giây tầm gần bảy giờ. Chúng tôi còn ngồi nhâm nhi ăn tối, nên tiêu tốn khá nhiều thời gian. Bốn đứa chia tay nhau ngay góc đường Trần Hưng Đạo, sẵn tiện mua thêm chai sữa tươi ở Trần Đình Xu, nhâm nhi uống. Tiên tửu đưa Chí xì về nhà, còn tôi chở Thượng tiên về con hẻm quận 8 của cậu ta. Kết thúc chuyến hành trình dài bốn ngày ba đêm ở Đà Lạt của bốn đứa chúng tôi. Những con đèo xuyên qua núi rừng hùng vĩ, những hàng thông bát ngát và tiếng suối róc rách chảy qua khe đá. Hoa cỏ phảng phất hương thơm, hòa vào không khí se lạnh của Đà Lạt. Mọi thứ giờ đây đã trở thành ký ức tươi đẹp của tuổi trẻ. Ngay lúc này đây, tôi vô tình nghĩ tới, rồi bất giác bật cười với những ngày tháng hồn nhiên lầy lội lái xe, chạy ngang, chạy dọc, lấm lem bụi đường, không ngại nắng mưa của chuyến hành trình dài đầu tiên. Chuyến đi đó đã mở ra cho

chúng tôi nhiều chuyến đi khác tuyệt vời hơn trong tương lai. Có thể chúng tôi của sau này không có nhiều thời gian như trước, vì công việc không cho phép có thể đi dài ngày một cách thoải mái như trước. Đổi lại, chúng tôi sẽ đi bằng xe khách và… máy bay để tiện lợi hơn. Nhưng cho dù có như thế nào, miễn là chúng tôi có thể vui vẻ và tận hưởng bên nhau là được.

Đây là câu chuyện hồi ký đầu tiên của tôi nên chắc chắn có nhiều sai sót. Mong rằng, trong thời gian tới, tay nghề của tôi sẽ khá hơn, có thể miêu tả hành trình của mình một cách rõ nét và chân thật nhất.

Câu chuyện mở đầu cho series Ức cá hồi hay Pưu lill ký kết thúc tại đây. Tôi đang phân vân không biết đây sẽ là tên riêng của chuyến đi này hay tên chung cho cả series. Các bạn cùng đón xem chuyến đi tiếp theo nhé!

Bài viết trích lược từ cuốn Đây là Ức cá hồi hay Pưu lill ký? của tác giả Tự Ngôn Lữ Quán, do DIMI Book phát hành.

Tags: