Malcolm Gladwell nói gì về cuốn sách mới nhất của mình?
Malcolm Gladwell nói gì về cuốn sách mới nhất của mình?
Lật lại điểm bùng phát
(1 lượt)

Hai mươi lăm năm trước, tôi xuất bản cuốn sách đầu tay với tựa đề “Điểm bùng phát: Làm thế nào những điều nhỏ bé tạo nên sự khác biệt lớn lao”.

Thời điểm đó, tôi sở hữu một căn hộ nhỏ trong khu dân cư Chelsea thuộc Manhattan, tôi ngồi ở bàn làm việc, nhìn ra sông Hudson phía xa xa và  viết lách mỗi sáng trước khi đi làm. Vì chưa bao giờ viết sách, tôi không biết phải làm sao cả. Tôi viết trong niềm phấn khích lẫn ngờ vực bản thân như mọi tác giả mới khác.

“Điểm bùng phát là nguồn gốc của một ý tưởng,” tôi dẫn lời, “và ý tưởng thì rất đơn giản.”

Cách tốt nhất để hiểu được sự nổi lên của các xu hướng thời trang, sự lên xuống của các làn sóng tội phạm, hoặc quan trọng không kém, là việc những cuốn sách vô danh trở thành kiệt tác bán chạy, hoặc sự gia tăng của tình trạng hút thuốc lá ở thanh thiếu niên, hay hiện tượng quảng cáo truyền miệng, hay bất kỳ sự thay đổi số lượng bí ẩn nào khác trong đời sống thường ngày là nghĩ về chúng như những đại dịch. Những ý tưởng, sản phẩm, thông điệp và hành vi cũng lan truyền giống như vi-rút.

Cuốn sách được phát hành vào mùa xuân năm 2000, và điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến quảng bá sách của tôi là một buổi đọc sách tại một tiệm sách nhỏ ở Los Angeles. Có hai người tới, một người lạ và mẹ một người bạn của tôi – chứ không phải bạn tôi. (Tôi đã quên mất tên bà.) Tôi tự nhủ, Đúng như mình dự đoán. Nhưng không phải thế! “Điểm bùng phát” giống như những đại dịch mà nó miêu tả – ban đầu chầm chậm, rồi sau đó như một cơn lốc. Đến thời điểm bản bìa mềm ra mắt, cuốn sách đã trở thành hệ tư tưởng của thời đại. Nó nằm chễm chệ trong danh sách bán chạy của New York Times suốt bảy năm liền. Tổng thống Bill Clinton giới thiệu nó là “cuốn sách mà ai ai cũng đang thảo luận”. “Điểm bùng phát” trở thành một cụm từ tiếng lóng. Tôi vẫn đùa rằng cụm từ này rồi sẽ được khắc trên bia mộ của tôi. 

Tại sao “Điểm bùng phát” lại chạm đến nhiều tâm hồn như vậy? Tôi không thực sự biết. Nhưng nếu phải đoán, tôi cho rằng đó là vì nó chứa đầy hy vọng, phù hợp với tâm trạng của một thời đại nhiều hy vọng. Thế hệ millennium mới đã ra đời. Tội phạm và các vấn đề xã hội đã giảm mạnh. Chiến tranh Lạnh đã qua. Tôi đã đưa ra trong cuốn sách của mình một công thức để thúc đẩy sự thay đổi tích cực – như tiêu đề phụ đã ngụ ý, là tìm ra cách để những thứ bé nhỏ tạo nên khác biệt lớn lao.

Hai mươi lăm năm là một chặng đường dài. Hãy nghĩ xem bạn của hôm nay khác với bạn của một phần tư thế kỷ trước ra sao. Quan điểm của chúng ta thay đổi. Thị hiếu của chúng ta thay đổi. Chúng ta quan tâm nhiều hơn tới chuyện này và ít hơn tới những chuyện khác. Trong những năm qua, thi thoảng tôi nhìn lại những gì mình đã viết trong “Điểm bùng phát” và tự hỏi làm thế nào mình có thể viết ra những điều như thế. Nguyên một chương nói về các chương trình truyền hình thiếu nhi Sesame Street Blues Clues ư? Tôi lấy những điều đó từ đâu vậy? Ngày đó, tôi thậm chí còn chưa có con.

Tôi viết thêm các cuốn “Blink” (Trong chớp mắt), “Outliers” (Những kẻ xuất chúng), “David and Goliath” (David và Goliath), “Talking to Strangers” (Đọc vị người lạ) và “The Bomber Mafia” (The Bomber Mafia: Giấc mơ, cám dỗ và đêm dài nhất trong Thế chiến II). Tôi bắt đầu kênh podcast “Revisionist History”. Tôi gây dựng cuộc sống với người phụ nữ mình yêu. Tôi có hai đứa con, bố tôi đã qua đời và tôi đã chạy bộ trở lại cũng như đã cắt tóc. Tôi bán căn hộ ở Chelsea. Chuyển ra ngoại ô. Tôi cùng một người bạn khởi sự công ty về âm thanh Pushkin Industries. Tôi nuôi một con mèo và đặt tên nó là Biggie Smalls.

Bạn có biết cảm giác nhìn lại bức tranh tổng thể về bản thân sau nhiều năm không? Tôi khó mà nhận ra người trong bức tranh đó. Vì thế tôi nghĩ có lẽ sẽ thú vị nếu đánh giá lại Điểm bùng phát, nhân kỷ niệm 25 tuổi đời của nó, để nhìn nhận lại những gì tôi đã viết từ cách đây rất lâu qua một loạt góc nhìn khác: Trong “Điểm bùng phát 2.0”, một tác giả sẽ trở lại với bối cảnh đã tạo nên thành công đầu tiên của mình.

Nhưng như thế, tôi sẽ một lần nữa phải ngụp lặn trong thế giới của những đại dịch xã hội, tôi nhận ra mình không muốn trở lại chủ đề mà tôi đã đề cập trong

“Điểm bùng phát”. Thế giới trong mắt tôi giờ đây đã khác. Trong “Điểm bùng phát”, tôi giới thiệu một loạt nguyên tắc giúp chúng ta hiểu được những biến chuyển đột ngột trong hành vi và niềm tin vốn tạo nên thế giới của chúng ta. Tôi vẫn cho rằng những ý tưởng đó hữu ích. Nhưng giờ đây tôi đã có những câu hỏi mới. Và tôi thấy mình vẫn không hiểu được nhiều điều về các đại dịch xã hội.

Khi đọc lại “Điểm bùng phát”, so sánh với dự án này, tôi thấy mình cứ sau vài trang đều dừng lại tự hỏi, Còn cái này thì sao? Làm sao mình có thể bỏ qua điều đó? Ở góc sâu thẳm nào đó trong tâm trí mình, tôi phát hiện ra mình chưa bao giờ ngừng cật vấn bản thân về cách tốt nhất để giải thích và hiểu các điểm bùng phát cũng như nhiều bí ẩn của chúng.

Vì thế tôi bắt đầu viết lại, từ một trang giấy trắng. Và “Lật lại điểm bùng phát” ra đời: một tập hợp những lý thuyết, câu chuyện và tranh luận mới về những mô típ đường đi kỳ lạ của các ý tưởng và hành vi trên khắp thế giới.

- Trích cuốn sách “Lật lại điểm bùng phát - Sự tác động không ngờ của thiểu số lên hành vi xã hội”

 

Tags: