Lạc đà, Sư tử và Đứa trẻ: Ba lần biến hóa liên tiếp của tinh thần
Lạc đà, Sư tử và Đứa trẻ: Ba lần biến hóa liên tiếp của tinh thần
Con người sinh ra không hoàn hảo. Con người sinh ra không trọn vẹn. Con người được sinh ra như một tiến trình. Con người được sinh ra trên đường như một người hành hương.
Tự Do - Osho
(3 lượt)
Đó là nỗi thống khổ và cũng là cực lạc của con người thống khổ bởi vì họ không thể nghỉ ngơi, họ phải tiến về phía trước, luôn đi về phía trước. Họ phải không ngừng tìm kiếm, khám phá; họ phải trở thành bởi vì bản thể của họ chỉ nảy sinh thông qua việc trở thành. Trở thành là bản thể của họ. Họ chỉ có thể hiện hữu khi đang di chuyển. 

Tiến hóa là bản chất tự nhiên của con người, tiến hóa là linh hồn của con người. Và những ai luôn đánh giá thấp khả năng của bản thân thì vẫn chưa hoàn thiện; những ai nghĩ rằng mình được sinh ra trọn vẹn thì vẫn chưa tiến hóa. Khi đó, hạt giống vẫn là hạt giống không bao giờ trở thành cây, và không bao giờ biết đến niềm vui của mùa xuân, của ánh mặt trời và mưa, và niềm hạnh phúc ngất ngây khi nở rộ thành hàng triệu bông hoa.

Sự nở rộ đó là trọn vẹn, sự nở rộ đó là toàn bộ ý nghĩa của Thượng đế – nở rộ thành hàng triệu bông hoa. Khi tiềm năng trở thành hiện thực, chỉ khi đó con người mới hoàn thiện. Con người được sinh ra như một tiềm năng; đó là phẩm chất duy nhất ở con người. Tất cả các con vật khác sinh ra đều đã hoàn thiện, chúng chào đời cũng như khi chúng chết đi. Không có sự tiến hóa nào ở các con vật từ lúc chào đời cho đến khi chết đi: chúng cứ bình bình như thế, chúng không bao giờ trải qua bất kỳ sự chuyển hóa nào. Không có sự biến đổi triệt để nào từng xảy ra trong cuộc đời chúng. Chúng di chuyển theo phương ngang, việc đi lên theo chiều dọc không bao giờ xảy ra với chúng.

Nếu con người cũng di chuyển theo phương ngang, họ sẽ bỏ lỡ nhân tính, họ sẽ không trở thành linh hồn. Đó là điều mà triết gia Gurdjieff muốn nói khi nói rằng tất cả con người đều không có linh hồn. Hãn hữu lắm mới có một người có linh hồn. Bây giờ, đây là một tuyên bố rất lạ lùng, bởi vì suốt hàng bao đời, bạn được dạy bảo rằng bạn sinh ra với một linh hồn.

Gurdjieff nói rằng bạn sinh ra chỉ với tiềm năng trở thành một linh hồn, chứ không phải với một linh hồn thực sự. Bạn có một bản kế hoạch, nhưng bạn phải tiến hành kế hoạch đó. Bạn có hạt giống nhưng bạn phải tìm đất để gieo hạt, phải chọn mùa vụ, khí hậu phù hợp và thời điểm thích hợp để hạt giống nảy mầm và phát triển. 

Khi di chuyển theo phương ngang, bạn vẫn mãi không có một linh hồn. Khi phương dọc thâm nhập vào bạn, bạn trở thành một linh hồn. “Linh hồn” có nghĩa là phương dọc đã đi xuyên qua phương ngang. Hoặc bạn có thể nghĩ về con sâu, cái kén và bướm chẳng hạn.

Con người sinh ra là một ấu trùng. Tiếc thay, nhiều người đến khi chết đi vẫn còn là ấu trùng rất ít người trở thành sâu bướm. Ấu trùng mang tính tĩnh: nó không biết chuyển động, nó bị mắc kẹt tại một không gian, tại một nơi, tại một giai đoạn. Rất ít người phát triển thành sâu bướm. Sâu bướm bắt đầu di chuyển; có động lực tham gia vào. Ấu trùng tĩnh, sâu bướm động. Sự sống được khơi lên khi có chuyển động. Một lần nữa, nhiều người vẫn là sâu bướm: Họ tiếp tục di chuyển theo phương ngang trên cùng bình diện, theo một chiều hướng

Hãn hữu lắm mới có một người như Phật - hoặc Jalaluddin Rumi, Giêsu, Kabir – thực hiện cú nhảy lượng tử cuối cùng và trở thành bướm. Khi đó phương dọc tham gia vào.

Ấu trùng tĩnh; sâu bướm động, biết cử động bướm biết bay, biết các tầm cao, bắt đầu di chuyển lên trên. Bướm mọc cánh; những chiếc cánh này là mục tiêu. Chừng nào bạn chưa mọc cánh và trở thành một hiện tượng được chắp cánh, bạn sẽ không có linh hồn. 

Chân lý được nhận biết thông qua ba trạng thái: đồng hóa, độc lập và sáng tạo. Hãy nhớ ba từ này, chúng có ý nghĩa nền tảng rất lớn. Đồng hóa là chức năng của ấu trùng. Nó chỉ đơn giản tiêu hóa thức ăn, sẵn sàng để trở thành sâu bướm. Nó đang sắp xếp, nó là vật chứa. Khi năng lượng đã sẵn sàng ấu trùng sẽ trở thành sâu bướm. Trước khi chuyển động bạn sẽ cần một nguồn năng lượng lớn để chuyển động. Sâu bướm là sự đồng nhất, hoàn thiện; công việc đã xong.

Khi đó, trạng thái thứ hai bắt đầu: độc lập. Từ bỏ lớp vỏ ấu trùng. Lúc này không cần ở yên một chỗ nữa. Đã đến lúc khám phá, đã đến lúc phiêu lưu. Cuộc sống thực sự bắt đầu với sự chuyển động, độc lập. Ấu trùng vẫn phụ thuộc, bị cầm tù, bị xiềng xích. Sâu bướm đã phá vỡ xiềng xích, bắt đầu di chuyển. Băng đã tan, không còn bị đóng băng nữa. Ấu trùng là một trạng thái đóng băng. Sâu bướm là chuyển động giống như dòng sông.

Và sau đó là giai đoạn thứ ba: sáng tạo. Bản thân sự độc lập không có nhiều ý nghĩa. Nếu chỉ độc lập thì bạn vẫn chưa hoàn thiện. Thật tốt khi được thoát khỏi nơi cầm tù, nhưng để làm gì? Độc lập để làm gì? Tự do để làm gì?

Hãy nhớ, tự do có hai mặt: thứ nhất là tự do khỏi, và thứ hai là tự do . Nhiều người chỉ đạt được kiểu tự do thứ nhất tự do khỏi – cha mẹ, giáo hội, tổ chức, thứ này hoặc thứ khác, muôn kiểu cầm tù. Nhưng để làm gì? Đây là một kiểu tự do rất tiêu cực. Nếu chỉ biết tự do khỏi điều gì đó thì bạn không biết tự do thực sự, bạn chỉ biết khía cạnh tiêu cực của tự do. Bạn phải biết khía cạnh tích cực của nó – tự do sáng tạo, tự do hiện hữu, tự do bày tỏ, để hát bài ca của bạn, để nhảy điệu múa của bạn. Đó là trạng thái thứ ba: sáng tạo.

Khi đó, sâu bướm trở thành một hiện tượng được chắp cánh, một kẻ nếm thử mật ngọt, tìm kiếm, khám phá, sáng tạo. Cho nên mới có vẻ đẹp của bướm. Chỉ những người sáng tạo mới xinh đẹp bởi vì chỉ có họ mới biết được vẻ huy hoàng của cuộc sống: họ có mắt để nhìn, có tai để nghe và có trái tim để cảm nhận. Họ hoàn toàn sống động, họ sống hết mình. Họ đốt cháy ngọn đuốc của họ từ cả hai đầu. Họ sống mãnh liệt họ sống trọn vẹn. 

Hoặc chúng ta có thể sử dụng phép ẩn dụ mà Friedrich Nietzsche từng dùng. Ông nói rằng cuộc sống của con người có thể được chia thành ba lần biến hóa liên tiếp của tinh thần.

Ông gọi lần thứ nhất là “lạc đà”, lần thứ hai là “sư tử”, lần thứ ba là “đứa trẻ”. Những hình ảnh ẩn dụ giàu trí tưởng tượng… lạc đà, sư tử và đứa trẻ.

Mỗi người phải rút ra và đồng hóa di sản văn hóa của xã hội mình đang sống - văn hóa, tôn giáo, con người. Họ phải đồng hóa tất cả những gì có sẵn từ quá khứ. Họ phải đồng hóa quá khứ; đây là giai đoạn mà Nietzsche gọi là lạc đà. Lạc đà có khả năng tích trữ một lượng nước và thức ăn rất lớn trong cơ thể để chuẩn bị cho hành trình gian khổ băng qua sa mạc. Và đây cũng là hoàn cảnh của con người – bạn phải băng qua sa mạc, bạn phải đồng hóa toàn bộ quá khứ. Và hãy nhớ, chỉ thuộc lòng thôi sẽ không thể giúp... đồng hóa. Và cũng nên nhớ: Người ta phải thuộc lòng quá khứ là bởi vì họ không thể đồng hóa. Nếu đồng hóa, bạn sẽ tự do khỏi quá khứ. Bạn có thể sử dụng quá khứ, nhưng quá khứ không thể sử dụng bạn. Bạn sở hữu nó, nhưng nó không sở hữu bạn.

Khi đã tiêu hóa thức ăn, bạn sẽ không cần phải nhớ đến nó nữa. Thức ăn không tách rời khỏi bạn: nó đã trở thành máu của bạn, xương của bạn, tủy của bạn; nó đã trở thành bạn.

Quá khứ phải được tiêu hóa. Quá khứ chẳng có gì sai cả. Đó là quá khứ của bạn. Bạn không cần phải bắt đầu từ đầu, bởi vì nếu mỗi cá nhân phải bắt đầu từ đầu thì sẽ không có nhiều tiến hóa. Đó là lý do tại sao các con vật không tiến hóa. Chó vẫn là chó giống như hàng triệu năm trước. Chỉ có con người mới là loài vật tiến hóa. Sự tiến hóa này đến từ đâu? Có tiến hóa bởi vì con người là loài vật duy nhất biết đồng hóa quá khứ. Một khi quá khứ đã được đồng hóa, bạn mới tự do thoát khỏi nó. Bạn có thể di chuyển trong tự do và bạn có thể sử dụng quá khứ. Bằng không, bạn sẽ phải tự đi qua quá nhiều trải nghiệm; cuộc đời của bạn sẽ bị lãng phí. 

Bạn có thể đứng trên vai của cha ông, tổ tiên mình và cha ông tổ tiên họ. Con người tiếp tục đứng trên vai của nhau nên mới đạt tới chiều cao đó. Chó không làm được như vậy, sói không làm được như vậy; chúng dựa vào chính mình. Chiều cao của chúng là chiều cao của chúng. Còn trong chiều cao của bạn, Đức Phật đã được đồng hóa, Chúa Kitô được đồng hóa Patanjali được đồng hóa, Moses được đồng hóa, Lão Tử được đồng hóa. Sự đồng hóa càng lớn, bạn đứng ở vị trí càng cao. Bạn có thể nhìn từ đỉnh núi, tầm nhìn của bạn rất rộng lớn.

Hãy đồng hóa hơn nữa. Không cần giới hạn bản thân trong phạm vi những người xung quanh. Hãy đồng hóa toàn bộ quá khứ của tất cả các dân tộc trên thế giới; hãy là một công dân của hành tinh Trái đất này. Không cần phải giới hạn bản thân trong phạm vi của người Kitô giáo, người Hindu giáo, người Islam giáo. Hãy đồng hóa tất cả! Kinh Koran là của bạn, Kinh Thánh là của bạn, Kinh Talmud là của bạn, Kinh Veda là của bạn và Đạo Đức Kinh là của bạn – tất cả đều thuộc về bạn. Hãy đồng hóa tất cả, và bạn càng đông hóa, vị trí bạn đang đứng sẽ càng cao hơn để bạn có thể nhìn thật xa, với tầm nhìn bao quát những vùng đất xa xôi.

Nietzsche gọi giai đoạn này là lạc đà, nhưng đừng bị mắc kẹt ở đó. Bạn phải tiếp tục di chuyển. Lạc đà là ấu trùng, lạc đà là kẻ tích trữ. Nhưng nếu mắc kẹt ở giai đoạn đó và vẫn là lạc đà, bạn sẽ không biết được vẻ đẹp và phúc lành của cuộc sống. Khi đó, bạn sẽ không bao giờ biết được Thượng đế. Bạn vẫn bị mắc kẹt với quá khứ. Lạc đà có thể đồng hóa quá khứ nhưng không thể sử dụng quá khứ.

Trong quá trình phát triển cá nhân, sẽ đến thời điểm lạc đà phải trở thành sư tử. Sư tử xông lên xé xác con quái vật khổng lồ mang tên “ngươi chớ có”. Sư tử bên trong con người sẽ gầm lên chống lại mọi uy quyền.

Sư tử là một phản ứng một sự nổi dậy chống lại lạc đà. Lúc này, cá nhân đó khám phá ra ánh sáng nội tại của mình như nguồn gốc tối thượng của mọi giá trị đích thực. Anh ta nhận thức được nghĩa vụ hàng đầu của mình đối với khả năng sáng tạo bên trong chính mình, đối với tiềm năng sâu kín nhất của bản thân. Một vài người vẫn mắc kẹt ở giai đoạn sư tử: Họ tiếp tục gầm và bị kiệt sức trong tiếng gầm đó.

Thật tốt khi trở thành sư tử, nhưng người đó vẫn phải thực hiện một cú nhảy nữa – cú nhảy đó là trở thành đứa trẻ.

Bây giờ, mỗi người đều đã là một đứa trẻ. Nhưng người hiểu biết sẽ nói rằng tuổi thơ đầu tiên là tuổi thơ giả. Tuổi thơ đó giống như những chiếc răng sữa: trông như răng thật nhưng không hữu ích, chúng phải rụng đi. Sau đó, những chiếc răng thật mới mọc lên. Tuổi thơ đầu tiên là tuổi thơ giả, tuổi thơ thứ hai mới là tuổi thơ thật. Tuổi thơ thứ hai được gọi là giai đoạn đứa trẻ hoặc giai đoạn nhà hiền triết – nó có cùng ý nghĩa. Trừ khi con người trở nên hoàn toàn hồn nhiên, tự do khỏi quá khứ, tự do đến mức họ thậm chí không chống lại quá khứ… Hãy nhớ điều đó, người nào còn chống lại quá khứ là vẫn chưa thực sự tự do. Họ vẫn mang trong lòng những ác cảm, những oán trách, những vết thương. Lạc đà vẫn ám ảnh họ, chiếc bóng của lạc đà vẫn đeo bám họ. Sư tử có ở đó nhưng vẫn phần nào sợ lạc đà, sợ rằng nó có thể quay trở lại.

Khi nỗi sợ của lạc đà hoàn toàn biến mất thì tiếng gầm của sư tử dừng lại. Khi đó, khúc hát của đứa trẻ được sinh ra.

Tôi muốn bạn đi vào ba giai đoạn này một cách thật sâu sắc và thấu suốt, bởi vì chúng có giá trị vô cùng cùng to lớn.

Giai đoạn lạc đà, đồng hóa, giống như đứa bé trong bụng mẹ, nó không làm gì mà chỉ tiêu hóa, chỉ ăn thức ăn từ người mẹ, ngày càng lớn hơn, sẵn sàng cho cú nhảy cuối cùng là lao mình vào thế giới. Ngay lúc này không có công việc nào khác cho đứa bé: Suốt chín tháng trong bụng mẹ, nó chỉ ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn. Nó tiếp tục ngủ và ăn; nó chỉ có hai hoạt động này. Ngay cả sau khi được sinh ra, đứa bé cũng chỉ làm như vậy suốt nhiều tháng – ăn và ngủ. Dần dần, nó ngủ ít đi và ăn cũng ít đi. Nó đã sẵn sàng, sẵn sàng trở thành một cá nhân – và khoảnh khắc đứa trẻ sẵn sàng trở thành một cá nhân, sự bất tuân sẽ xuất hiện. Đứa trẻ bắt đầu nói không, lời nói có dần dần biến mất. Sự vâng lời chết đi, sự bất tuân được sinh ra.

Trạng thái lạc đà là trạng thái đồng hóa. Lạc đà không biết nói không. Lạc đà không quen với từ “không”. Nó chưa từng nghe từ đó và chưa được nếm trải niềm vui sướng của việc nói không. Nó chỉ biết nói có. Câu trả lời “có” của nó không thật sâu sắc, bởi vì câu trả lời “có” không thể nào sâu sắc nếu không biết nói “không”; nó tất yếu vẫn hời hợt. Người không biết nói không thì làm sao có thể thực sự biết nói “có”? Câu trả lời “có” của anh ta không có giá trị. Câu trả lời “có” của lạc đà không có giá trị. Lạc đà không biết điều gì đang xảy ra; nó tiếp tục nói “có” bởi vì đó là từ duy nhất nó được dạy. Vâng lời, tin tưởng - đây là những đặc điểm của giai đoạn được gọi là “lạc đà". Adam đã ở trong trạng thái này trước khi ăn trái của cây Hiểu Biết, và mỗi người đều trải qua trạng thái này.

Đây là một trạng thái tiền-tâm trí và tiền-bản ngã. Vẫn chưa có tâm trí. Tâm trí đang phát triển nhưng chưa phải là hiện tượng hoàn chỉnh; nó rất mơ hồ, tối tăm, mịt mờ. Bản ngã sắp xuất hiện nhưng vẫn đang trên đường; không có định nghĩa rõ ràng nào về nó. Đứa trẻ chưa biết bản thân mình là một cá thể tách biệt. Trước khi ăn trái cấm, Adam là một phần của Thượng đế. Anh ta vẫn ở trong bụng mẹ, anh ta vẫn vâng lời, vẫn nói có, nhưng không độc lập. Độc lập chỉ xuất hiện thông qua cánh cửa biết nói không; còn thông qua cánh cửa vâng lời thì chỉ có sự phụ thuộc. Cho nên, trong giai đoạn lạc đà này, có phụ thuộc, có bất lực. Người khác quan trọng hơn sự hiện hữu của chính bạn: Thượng đế quan trọng hơn, cha quan trọng hơn, mẹ quan trọng hơn, xã hội quan trọng hơn, tu sĩ quan trọng hơn, chính trị gia quan trọng hơn. Mọi người đều quan trọng ngoại trừ bạn; người khác quan trọng, bạn vẫn không có ở đó. Đó là một trạng thái rất vô thức. Phần lớn con người bị mắc kẹt ở đó; họ vẫn là lạc đà. Gần như chín mươi chín phần trăm con người vẫn đang là lạc đà.

Đây là chuyện rất đáng buồn – chín mươi chín phần trăm con người vẫn là ấu trùng. Đây là lý do tại sao có quá nhiều đau khổ và không có niềm vui. Và bạn có thể tiếp tục tìm kiếm niềm vui nhưng sẽ không tìm thấy, bởi vì niềm vui không thể được trao từ bên ngoài. Chừng nào chưa trở thành đứa trẻ – chưa đạt đến giai đoạn thứ ba – chừng nào chưa trở thành bướm, bạn sẽ không biết được niềm vui. Niềm vui không phải là thứ đến từ bên ngoài, nó là một tầm nhìn phát triển bên trong bạn. Nó chỉ xảy ra trong giai đoạn thứ ba.

Giai đoạn đầu tiên là đau khổ và giai đoạn thứ ba là phúc lạc, giữa hai giai đoạn này là trạng thái sư tử – có cả đau khổ lẫn vui sướng, hân hoan lẫn muộn phiền.

- Trích sách “Tự do - Như chim tung cánh” của Osho

 

Tags: