3 cách để bạn không còn cảm thấy vội vã, hối hả mỗi dịp cuối năm
3 cách để bạn không còn cảm thấy vội vã, hối hả mỗi dịp cuối năm
Bạn có thấy gần cuối năm và lịch làm việc của bạn không một khoảng trống?  Cuối tuần rồi mà bạn vẫn không được nghỉ ngơi? Bạn có cảm thấy áp lực khi phải hoàn tất mọi việc trước khi kết thúc năm không?

Nếu có, bạn đang ở trong guồng quay tất yếu của mỗi năm. Điều này xảy ra hằng năm, đặc biệt là trước mỗi kỳ nghỉ, thậm chí là kỳ nghỉ hè. 

Cuối năm, hay một kỳ nghỉ dài nào đó thường được xem là hạn chót ngẫu nhiên. Theo một cách nào đó, điều này là tự nhiên. Cảm giác hoàn thành công việc, đóng sổ kế toán, dọn dẹp công việc và cảm thấy mọi thứ đã đâu vào đấy trước khi bạn bắt đầu kỳ nghỉ dài có thể mang lại cảm giác tốt. Nó cũng mang lại một tác dụng tâm lý của một “khởi đầu mới” khi bước vào năm mới, điều này có thể thúc đẩy bạn dọn dẹp mọi thứ.

Tuy nhiên, việc vội vã để đạt được mục tiêu, hoàn thành các dự án và chốt ngân sách (hoặc bất cứ điều gì khác) có thể tạo ra một môi trường căng thẳng không cần thiết, không chỉ cho bạn mà còn cho những người xung quanh bạn. 

Ngoài ra, có có một áp lực khác chính là bạn phải sắp xếp mọi thứ cho mùa lễ hội hoặc kỳ nghỉ, tham gia vào các cuộc gặp gỡ với bạn bè, người thân như các buổi tất niên, tổng kết… 

Vì vậy, bạn cần có chiến lược, lựa chọn kỹ lưỡng và nên có hệ thống về những gì bạn nên làm và không nên làm.

 

Chiến lược tìm ra khu vực "Goldilocks" của bạn

 

Áp lực! Một số người ghét nó, trong khi những người khác lại phát triển mạnh mẽ dưới áp lực. Mặc dù mỗi người phản ứng với áp lực khác nhau, nhưng có một điều nhất quán: Áp lực là một phần trong cuộc sống làm việc hàng ngày của chúng ta.

Một lượng áp lực nhất định là tốt cho bạn vì nó giúp thúc đẩy bạn hành động và giữ cho bạn tập trung.

Khi trải qua một thử thách hay bạn quan tâm tới việc gì đó ở mức độ vừa phải, não bạn sẽ tiết ra noradrenaline và dopamine giúp bạn trở nên tỉnh táo, có động lực và sẵn sàng học hỏi.

Các nhà nghiên cứu  thường gọi điều này là khu vực “Goldilocks”. Đây là khu vực hiệu suất tối ưu, nơi một công việc hoặc việc học không quá khó khăn cũng không quá dễ dàng.

Giống như câu chuyện thiếu nhi “Goldilocks và gia đình gấu”, đây là nơi “vừa đúng”. 

Khu vực này tương đồng với khái niệm “dòng chảy” (flow) của Mihaly Csikszentmihalyi, trạng thái mà bạn trải nghiệm khi có mức độ kỹ năng phù hợp và thử thách vừa đủ. Nếu thiếu một trong hai yếu tố đó, bạn sẽ cảm thấy lo lắng, chán nản hoặc ở đâu đó giữa chúng.

Trạng thái flow có thể được mô tả như cảm giác bạn đang “ở trong khu vực” hay “trong nhịp điệu của mình”. Đó là khi bạn tìm thấy công việc gần như không tốn sức. Bạn đạt đến đỉnh cao này khi bạn làm việc với những thứ thử thách bạn, nhưng bạn cảm thấy đủ khả năng để vượt qua thử thách đó.

Mihaly nói: “Những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời chúng ta không phải là những thời gian thụ động, tiếp nhận, thư giãn… Những khoảnh khắc tuyệt vời nhất thường xảy ra khi cơ thể hoặc tâm trí của một người bị kéo giãn đến giới hạn của nó trong một nỗ lực tự nguyện để hoàn thành điều gì đó khó khăn và đáng giá.”

Khi bạn bước vào giai đoạn bận rộn này, hãy tập trung vào việc tìm ra dòng chảy của bạn và nhịp điệu phù hợp với bạn.

 

Hãy chọn lựa kỹ lưỡng các ưu tiên của bạn

 

Không phải mọi việc đều cần phải hoàn thành trước cuối năm. Bạn cần chọn lọc những việc cần được ưu tiên. 

Nếu bạn quản lý công việc hiệu quả, điều này có thể đơn giản như việc ghi ra tất cả những việc cần làm và sau đó phân loại chúng thành "việc cần làm", "việc có thể làm", và "việc không cần thiết". Chia công việc thành các phần nhỏ và dễ quản lý. Tiếp theo, hãy xem xét các nhiệm vụ, dù là trong cuộc sống cá nhân hay công việc, mà bạn có thể thuê ngoài hoặc phân công cho người khác.

Nếu bạn muốn thuê ngoài từ các bên thứ ba, hãy làm sớm vì đội ngũ hỗ trợ tốt nhất và những người này thường hết suất rất nhanh.

Nếu bạn phân công công việc cho người khác, hãy chắc chắn rằng yêu cầu của bạn là hợp lý. Đừng chuyển gánh nặng công việc để làm cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn nhưng khiến người khác phải khổ sở. Nếu bạn phân công công việc cho các thành viên trong đội, hãy thảo luận công khai về khối lượng công việc và các ưu tiên. Hãy nhớ, khi mọi người căng thẳng và vội vàng để đáp ứng các thời hạn không thực tế hoặc không hợp lý, đó là lúc sai sót xảy ra và chất lượng công việc bị giảm sút.

Tôi đã thấy nhiều ví dụ về công việc "khẩn cấp" trước Giáng Sinh nhưng thực ra không cần thiết cho đến cuối tháng Giêng. Vì vậy, nếu bạn phân công công việc, hãy cân nhắc. Bạn thực sự cần nó hoàn thành trước Giáng Sinh không, hay yêu cầu đó chỉ để giảm bớt áp lực cho bạn? Nếu công việc được phân công cho bạn, hãy xem xét nó trong bối cảnh những công việc khác đang diễn ra. Hãy tự hỏi, cái gì là quan trọng nhất? Nếu tôi hoàn thành công việc này, tôi sẽ phải dừng hoặc trì hoãn những việc gì khác?

Giao tiếp và đàm phán là rất quan trọng trong trường hợp này. Hãy trò chuyện với người lãnh đạo, đồng nghiệp và khách hàng của bạn về khối lượng công việc và kỳ vọng. Hãy trung thực về những gì có thể làm được và đàm phán các thời hạn thực tế và khả thi.

Tương tự, hãy giao tiếp với đội ngũ của bạn. Thảo luận về khối lượng công việc và thời hạn để đảm bảo mọi người cùng hiểu và đồng thuận. Hãy xem xét cách bạn có thể hợp tác và hỗ trợ nhau tốt nhất để chia sẻ gánh nặng trong giai đoạn bận rộn này.

 

Xác định ranh giới một cách có hệ thống

 

Ranh giới không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Chúng là những quyết định có chủ đích và bao gồm một quá trình có hệ thống để xác định những ranh giới bạn muốn thiết lập, có thể (khi cần thiết) thương lượng những ranh giới đó với những người bị ảnh hưởng bởi chúng, giao tiếp rõ ràng về các ranh giới và sau đó thực hiện các phương pháp để bạn có thể duy trì chúng.

Hãy thực tế và làm việc qua những ranh giới bạn muốn thiết lập. Hãy quyết đoán trong việc quản lý lịch trình của bạn. Tránh lãng phí thời gian hoặc trì hoãn; cả hai điều này đều không giúp bạn.

Bạn cần làm chủ nghệ thuật từ chối một cách ngoại giao nhưng dứt khoát. Đây có thể là một lời từ chối công việc thêm. Một lời từ chối tham gia sự kiện xã hội khác. Một lời từ chối tổ chức một sự kiện nữa. Đơn giản chỉ là, “Cảm ơn bạn rất nhiều vì lời mời/yêu cầu. Tôi rất muốn tham gia/được tham gia, nhưng tôi đã có những cam kết mà tôi không thể thay đổi.”

Hãy hiểu rõ giới hạn của bản thân. Đừng cam kết quá nhiều và tránh để kỳ vọng của người khác ép bạn vào một nghĩa vụ mà bạn không muốn thực hiện.

Là những người sống trong những cộng đồng, chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi người khác và có thể cảm thấy bị thúc ép phải tuân theo các chuẩn mực xã hội. Hãy thoải mái từ chối những lời mời, ngay cả khi bạn có thể tham gia, bởi vì bạn cần thời gian nghỉ ngơi. 

Hãy sẵn sàng để dành thời gian cho bản thân và nhu cầu của bạn. Dù là đi bơi, tham gia một lớp Pilates, hay dành thời gian ở quán pub hoặc quán cà phê với bạn bè, hãy tìm thời gian để làm những điều bạn muốn làm.

Đây cũng là thời điểm đặc biệt trong năm khi chúng ta có cơ hội kết nối, vì vậy hãy tìm những lúc để tận hưởng những khoảnh khắc đặc biệt đó.

- Trạm Đọc

- Tham khảo Michelle Gibbings (Tác giả cuốn sách “Sếp tồi”)

Tags: