Khối tài sản của anh em nhà Koch lớn đến thế nào?
Với bố cục 3 phần là 3 giai đoạn phát triển rõ ràng: 1987 - 2000, 2000 - 2010, 2010 - 2018, mỗi phần lại chứa nhiều chương nhỏ tập trung phân tích một chủ đề, một sự việc trong mạch chính; cuốn sách của Leonard đã hình thành nên câu chuyện ấn tượng về một Trùm tư bản vô đạo kiểu cũ* với khởi đầu tập trung vào công nghiệp hóa dầu, phân bón và các sản phẩm tiêu dùng rồi bành trướng thành một đế chế tư nhân khổng lồ nằm trong top 0,1% các tập đoàn lớn nhất hành tinh.
*Tiếng Anh: Robber Baron, là phép ẩn dụ mang hàm ý chỉ trích. Ban đầu được dùng để chỉ những doanh nhân Mỹ cuối thế kỷ 19, vốn bị lên án về việc sử dụng những thủ đoạn vô liêm sỉ, vô đạo đức để làm giàu hoặc mở rộng khối tài sản của mình
Mở đầu câu chuyện của mình, tác giả đề cập đến một chi tiết mà ít người dân Mỹ nào chú ý hay biết đến, nhưng lại là kim chỉ nam dẫn dắt toàn bộ nội dung cuốn sách này: “Doanh thu hàng năm của tập đoàn Koch lớn hơn cả 3 gã khổng lồ là Facebook, Goldman Sachs và U.S Steel gộp lại”.*
*Tính tại thời điểm cuốn sách này được viết năm 2018
Leonard cũng chỉ ra rằng 2 cái tên đồng sở hữu là Charles Koch và em trai David Koch có khối tài sản lên đến 120 tỷ USD tại thời điểm cuốn sách ra đời (2018), tức lớn hơn cả 02 tỷ phú là Jeff Bezos, CEO Amazon và Bill Gates, người sáng lập Microsoft. Để rồi giờ đây, nếu bạn tìm kiếm cụm từ “gia tộc giàu nhất thế giới” thì bạn chắc chắn sẽ thấy cái tên Koch Industries trong TOP 3.
Niềm tin của Charles Koch vào thị trường tự do tuyệt đối
Trước hết, “Kochland: Đế chế Koch” là câu chuyện về Charles Koch, với đôi nét phác họa về thời thơ ấu và gia đình hiện tại của ông, bao gồm cuộc đấu tranh giành quyền thừa kế với em trai là David Koch. Tuy nhiên, rất ít thông tin chi tiết về mối quan hệ của Charles Koch với vợ hay con gái ông được đề cập.
Thay vì tập trung vào cá nhân Charles Koch và gia đình ông, Leonard chú trọng giải thích, phân tích triết lý điều hành của ông, cái mà ông gọi là “Quản lý dựa trên thị trường” (MBM - Market-Based Management).
Cách tiếp cận và phương châm của Koch được hiểu là ủng hộ một dạng thị trường tự do tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản, khái niệm đã được đề cập trong các bài viết của Frederick Hayek và Ludwig von Mises. Đối với Koch, thị trường tự do là đặc điểm cốt lõi trong cơ chế vận hành của tập đoàn Koch và được dạy - như một hệ tư tưởng - cho nhân viên mới của công ty trong các chương trình đào tạo kéo dài trong nhiều ngày.
Mỗi chương của cuốn sách đều cung cấp các thông tin làm rõ cách mà phương châm này được hình thành và phát triển theo thời gian, đặc biệt khi công ty phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Thách thức lớn đầu tiên liên quan đến Nhà máy lọc dầu của Koch là Pine Bend và liên hiệp các thành viên của Công đoàn công nhân Dầu mỏ và Hóa chất. Là một người theo chủ nghĩa thị trường tự do triệt để, Koch kiên quyết phản đối sự tồn tại của các công đoàn, tin rằng người lao động thực sự là những “doanh nhân độc lập” và không cần được đại diện bởi bất kỳ tập thể nào. Một cuộc đình công gay gắt của các công nhân (có thời điểm dẫn đến bạo lực), đã kéo dài gần một năm cho đến khi những người này bắt buộc phải đầu hàng. Có thể nói, đây như một phép thử để Koch xây dựng giải pháp đối phó với tất cả các thách thức tương tự xảy đến (như với công nhân tại Georgia Pacific) và tạo ra mô hình kiểm soát tuyệt đối người lao động và môi trường làm việc của họ sau này.
Triết lý “Quản lý dựa trên thị trường” của Koch khuyến khích các nhà quản lý và công nhân tìm cách tăng lợi nhuận bằng bất cứ giá nào. Như Leonard giải thích về sự cố môi trường tại nhà máy lọc dầu Pine Bend, bản thân chính quyền địa phương không thể can thiệp vào hoạt động sản xuất của Koch vì “Nhóm quản lý của Koch cho rằng chính quyền các tiểu bang không có quyền được biết những gì đã xảy ra bên trong hàng rào nhà máy của họ. Mọi cá nhân đều tuân theo quy tắc im lặng, không tiết lộ bất cứ thông tin nào”. Chính điều này đã dẫn đến các hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Pine Bend và nhà máy lọc dầu Corpus Christi, Texas. Sau đó, sự lên án gay gắt từ phía cộng đồng và mức tiền phạt khổng lồ đã khiến Koch phải tuân thủ các quy tắc về môi trường.
Gã khổng lồ của nền công nghiệp Mỹ
Nghiên cứu của Leonard cũng chỉ rõ rằng vì Charles Koch gần như nắm giữ quyền kiểm soát tuyệt đối trong tập đoàn Koch và luôn giữ bí mật, liên tục từ chối công khai các thông tin liên quan đến tập đoàn này, nên ông có thể đưa ra quyết định và ứng phó với rủi ro một cách linh hoạt.
Một số quyết định đầu tư và liên doanh của ông rất thành công, như việc mua lại nhà máy phân bón Farmland hay tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dầu mỏ và quỹ đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, một số quyết định khác như việc tham gia dự án năng lượng ở California và Purina Mills lại thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên, do Tập đoàn Koch vẫn thuộc sở hữu tư nhân, Charles Koch có thể thực hiện các kế hoạch của mình mà không phải lo lắng về yêu cầu lợi nhuận hàng quý phân chia cho cổ đông.
Để củng cố vai trò và quyền lực quản lý tổng thể của mình, Koch đã thực hiện những nỗ lực thu thập, nắm giữ thông tin thị trường nhằm đánh giá rủi ro kinh doanh hiện tại và các cơ hội đầu tư mạo hiểm trong tương lai. Chính nhờ đó, Tập đoàn Koch không chỉ sống sót mà còn phát triển thịnh vượng trong cuộc khủng hoảng tài chính - hay Đại suy thoái - năm 2008. Trong cuốn sách của mình, Leonard đã nhấn mạnh rằng “sự suy thoái tại Koch tuy nhanh chóng và với quy mô chưa từng có, nhưng thực chất không đáng kể so với phần còn lại của nền kinh tế.
Thậm chí, sau cuộc khủng hoảng này, tập đoàn Koch đã trở thành một đế chế siêu cường, có tầm ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống của người dân Mỹ. Sản phẩm của họ xuất hiện ở mọi nơi từ xăng dầu, đồ may mặc, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng đến tã lót cho trẻ em.
Kẻ giật dây chính trường
Trong nỗ lực truyền bá tư tưởng của mình về thị trường tự do, Charles Koch đã thành lập nhiều quỹ “phi chính trị” nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức theo chủ nghĩa tự do, bao gồm Trung tâm Luật & Kinh tế (Đại học George Mason), Viện Cato (Một tổ chức theo đuổi chủ nghĩa tự do tại Mỹ, có trụ sở chính tại Washington), Trung tâm Mercatus (Một think tank thiên về giáo dục, nghiên cứu về thị trường tự do tại Mỹ) và Hội đồng Trao đổi Lập pháp Hoa Kỳ (ALEC). Ngoài ra, ông cũng tập trung sử dụng quyền lực và tiền bạc nhằm tác động vào các quyết định của chính phủ Mỹ trong việc đưa ra các điều chỉnh nhằm vào lĩnh vực kinh doanh của Koch, bao gồm các đạo luật chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ không khí và các quy tắc bảo vệ người lao động.
Cùng với Exxon (tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Hoa Kỳ), Koch đã dành hàng triệu đô la để phản đối các quan điểm, đạo luật chống biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu. Trên thực tế, Charles Koch đã tài trợ cho một nhóm vận động có tên Người Mỹ vì Thịnh vượng (Americans for Property) nhằm phản đối đạo luật “giới hạn buôn bán” và luật Waxman-Markey (Đạo luật An ninh và Năng lượng sạch của Mỹ). Thêm vào đó Koch cũng liên kết với nhóm liên minh theo Phong trào Tiệc Trà (Tea Party movement, một phong trào chính trị phân quyền cánh hữu tại Hoa Kỳ nổi bật chủ yếu vì kêu gọi giảm nợ công quốc gia và ngân sách liên bang bằng cách giảm chi phí và thuế) để kiềm chế quyền kiểm soát của Đảng Dân chủ đối với Quốc hội và ngăn cản các chính sách của chính quyền Tổng thống Obama liên quan đến các đạo luật về tài chính, ngân hàng và y tế, chăm sóc sức khỏe.
—---------
“Kochland” là cuốn sách lớn thứ ba khám phá ảnh hưởng của Đế chế Koch, sau hai cuốn sách nổi tiếng trước đó là Sons of Wichita: How the Koch Brothers Became America's Most Powerful and Private Dynasty (Tạm dịch: Những đứa con của Wichita: Cách anh em nhà Koch xây dựng đế chế riêng và trở thành nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ) và Dark Money: The Hidden History of the Billionaires Behind the Rise of the Radical Right (Tạm dịch: Đồng tiền đen tối: Lịch sử ẩn giấu của các tỷ phú đằng sau sự trỗi dậy của phe cực hữu). Tuy nhiên, đây là tác phẩm đầu tiên cung cấp thông tin tường tận, đầy đủ về nguồn gốc quyền lực của anh em nhà Koch.