Dưới đây là những gợi ý đọc cho các tác phẩm của Patricia Highsmith.
1/ Khi mới bắt đầu đọc
Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết xuất bản đầu tiên của Highsmith, “Người lạ trên tàu”, rất nổi tiếng. Hai người đàn ông, kiến trúc sư Guy Haines và Bruno giàu có bắt chuyện trên một chuyến tàu, chỉ để phát hiện ra rằng cả hai đều có những người trong đời mà họ sẽ rất vui lòng để loại bỏ nếu có thế.
Tất cả những điểm mạnh của Highsmith đều được thể hiện trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà, đáng chú ý nhất là khả năng đi sâu vào tâm trí và tâm hồn của những người Mỹ bình thường để khám phá những nhược điểm đạo đức của họ.
2/ Tác phẩm lãng mạn của Patricia Highsmith
“The Price of Salt” hay được biết đến nhiều hơn với cái tên “Carol” kể từ bộ phim chuyển thể năm 2015 với sự tham gia của Cate Blanchett, là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Highsmith. Câu chuyện tình yêu giữa hai người phụ nữ, nhà thiết kế bối cảnh đầy tham vọng Therese và bà nội trợ giàu có Carol, được hình thành khi Highsmith là nhân viên bán hàng tạm thời ở khu đồ chơi của cửa hàng bách hóa Bloomingdale's ở Thành phố New York. Khi thấy một khách hàng tóc vàng xinh đẹp mua một con búp bê, tác giả đã tưởng tượng ra một câu chuyện về cô ấy và bắt đầu viết “The Price of Salt” trong cơn sốt vài giờ sau ca làm việc của bà. Tác phẩm hoàn thiện sau đó đã bị nhà xuất bản từ chối và sau đó được xuất bản dưới danh nghĩa Claire Morgan. Cuốn sách này là một ngoại lệ trong các tác phẩm của Highsmith vì nội dung viết về tình yêu giữa hai người phụ nữ. Đầu tiên, nó không phải là một cuốn tiểu thuyết tội phạm và nó tập trung nhiều vào phụ nữ hơn nam giới. Thêm vào đó, nó có một kết thúc tương đối có hậu, điều bất thường không chỉ trong số những tác phẩm của Highsmith, mà còn khác thường đối với những tiểu thuyết viết về tình yêu đồng giới vào thời điểm đó. Tuy nhiên, đây vẫn là một câu chuyện hấp dẫn, sống động nhờ sợ gợi nhớ của bà về New York những năm 1950 và sự xung đột giữa các giá trị của tầng lớp trung lưu bảo thủ và khung cảnh phóng túng đang phát triển mà Highsmith biết rõ.
3/ Tác phẩm phản lãng mạn của Patricia Highsmith
Chủ đề lặp đi lặp lại xuyên suốt tiểu thuyết của Highsmith là ý tưởng rằng mối quan hệ với người khác có thể trở nên nguy hiểm. Sách của bà chứa đầy những mối quan hệ ẩn dụ, thường là hai người đàn ông bị mắc kẹt bởi mối liên kết cộng sinh nguy hiểm. Những cuộc hôn nhân theo nghĩa đen trong thế giới hư cấu của Highsmith cũng đáng sợ không kém, đặc biệt là tác phẩm “Deep Water” (tạm dịch: Vùng nước sâu). Cuộc hôn nhân của Vic và Melinda Van Allen là một trò chơi mèo vờn chuột, trong đó Melinda nhất quyết đòi ngoại tình nếu người chồng muốn cô tỏ ra tận tâm trong mối quan hệ. Cuốn tiểu thuyết cho thấy những cách mà sự bạo lực tinh thần trong trò chơi của họ có thể nhanh chóng biến thành bạo lực thể xác.
4/ Cuốn sách nói lên tiếng nói của thời đại
Highsmith là một người viết nhật ký suốt đời, và cuốn tiểu thuyết năm 1977 của bà, “Edith’s Diary” (tạm dịch: Nhật ký của Edith), là một khám phá hoàn toàn độc đáo về tâm lý của cách viết đó. Cuộc sống ở ngoại ô của Edith Howland đang dần tan vỡ; chồng cô đã bỏ cô, và đứa con trai trưởng thành của cô đang có xu hướng vướng vào những vấn đề xã hội. Cô sử dụng những dòng nhật ký hàng ngày của mình để tạo ra một cuộc sống song song cho chính mình, một cuộc sống hạnh phúc và thành đạt. Đây là một nghiên cứu tâm lý về sự bất hạnh, đôi khi gần như kinh dị khi Edith mất kết nối với thực tế. Nếu bạn đọc nó bây giờ, không thể thể không nghĩ về những cách mà công nghệ hiện đại khiến chúng ta cho thế giới thấy những phiên bản hạnh phúc hơn của mình. Nếu chúng ta nói dối đủ, liệu cuộc sống ta muốn có thành sự thật?
5/ Tác phẩm nên kiên trì đọc
Tất cả các tác phẩm kinh dị của Highsmith đều có thể được mô tả là “diễn biến chậm”. Trong những chương đầu, bà chủ yếu nghiên cứu về nhân vật, để người đọc hiểu rõ vè nhân vật. Nhưng “The Tremor of Forgery” (tạm dịch: Sự giả tạo mỏng manh) có thể là tác phẩm có diễn biến chậm nhất. Có thể là do trong cuốn sách có nhiều loại tội phạm và cách giải quyết, nhưng chủ yếu là vì đây là một cuốn tiểu thuyết về bản sắc và nỗi sợ hãi. Một nhà văn Mỹ bị bỏ rơi ở Tunisia, chờ đợi tin tức về công việc viết lách và từ bạn gái. Không vướng bận gì, anh đã viết một cuốn tiểu thuyết, gặp gỡ những người nước ngoài khác và thấy mình có lẽ không phải là một người đàn ông tốt như anh vẫn nghĩ. Cuốn tiểu thuyết hầu như không có cốt truyện này sẽ không phù hợp với tất cả mọi người.
6/ Nếu chỉ đọc một tác phẩm
“Ripley - Quý ngài tài năng” có thể sánh vai với “Đại gia Gatsby” của F Scott Fitzgerald như một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất về sự đổi mới của nước Mỹ. Tom Ripley là một kẻ lang thang tầm thường ở thành phố New York. Sau đó Herbert Greenleaf tiếp cận anh và đề nghị gửi anh đến Ý để thuyết phục đứa con trai ương ngạnh của mình, người con trai này đồng thời là người quen của Tom, quay trở lại Mỹ. Theo những gì Tom thấy ở thị trấn hư cấu ven biển Mongibello, cuộc sống của Dickie Greenleaf có vẻ rất ổn. Thực tế, Tom ước rằng đó là cuộc sống của mình. Trong bốn cuốn tiếp theo mà Highsmith đã viết, bạn sẽ được đắm chìm trong các chi tiết của chuyến du hành giữa thế kỷ. Rượu Gin vào giờ nghỉ trưa, những quán cà phê dưới ánh nắng, cuộc sống hiện lên qua những lá thư: tất cả đều là bối cảnh quá dịu dàng cho một câu chuyện giết người.
- Trạm Đọc
- Theo The Guardian