Hướng dẫn 5 bước để bạn xây dựng thư viện cá nhân
Hướng dẫn 5 bước để bạn xây dựng thư viện cá nhân
Tại sao đến bây giờ vẫn có những người thích xây dựng thư viện cá nhân của riêng mình?
Đối với một số người, sách rất đặc biệt. Cảm giác khi chạm vào, khi ngắm nhìn, thậm chí khi ngửi mùi của sách gợi lên nhiều cảm xúc tích cực ngay lập tức. Đối với hàng triệu triệu người mê sách, một ngôi nhà không có sách là một ngôi nhà không hoàn hảo. 

Nhưng ngay cả khi bạn không phải là người nghiện tích trữ sách thì vẫn có rất nhiều lý do để cân nhắc việc xây dựng một thư viện cá nhân. Một bộ sưu tập sách được quản lý tốt có thể đóng vai trò như một thư viện tham khảo, một ngân hàng kiến ​​thức về các chủ đề bạn cần tham khảo thường xuyên. Ngoài ra, thư viện còn kích thích sự tò mò. Có nhiều sách chưa đọc trong tầm tay sẽ thúc đẩy bạn đọc nhiều hơn, và gần như mọi người thành công xung quanh bạn đều khẳng định rằng đọc nhiều hơn là bí quyết thành công tốt nhất trên thế giới.

Cuối cùng, nhiều nhà tư tưởng đã chỉ ra rằng thư viện không chỉ củng cố kiến thức, mà còn là lời nhắc nhở bạn học hỏi mỗi ngày. Tác giả Nassim Nicholas Taleb khẳng định: “Sách đã đọc, dù là đọc ít, có giá trị hơn nhiều so với những cuốn sách chưa đọc.” 

Làm thế nào để bạn tạo ra bộ sưu tập sách hữu ích và truyền cảm hứng nhất có thế? Dưới đây là hướng dẫn 5 bước để bạn xây dựng cá nhân mang đậm dấu ấn của mình.

 

 1/ Kiểm kê lại toàn bộ sách bạn hiện có

 

Nếu bạn đang đọc bài này, có thể bạn là người yêu thích sách và đã sở hữu khá nhiều sách. Bước đầu tiên để biến những ngăn xếp hoặc kệ lộn xộn của bạn thành một thư viện cá nhân thực sự là nghiên cứu những cuốn sách bạn đã sở hữu và chúng nói gì về sở thích và mục tiêu đọc sách của bạn.

Bạn có thể bắt đầu tự kiểm kê  bằng cách lấy tất cả sách ra khỏi kệ và trải chúng ra sàn. Sau đó sắp xếp sách thành nhóm có ý nghĩa với bạn. 

Thông qua quá trình sắp xếp và phân loại này, bạn sẽ bắt đầu hình thành được bức tranh về sở thích đọc sách của mình cho đến nay. 

Nhìn vào danh mục mà bạn sở hữu lượng sách lớn nhất sẽ cho bạn thấy lĩnh vực, thể loại hoặc chủ đề mà bạn đặc biệt quan tâm. Điều này có thể định hướng việc mua và sắp xếp sách sau này của bạn. 

 

2/ Quyết định nên giữ cuốn nào, nên tặng đi cuốn nào

 

Khi bạn đã có được bức tranh rõ ràng về những gì mình có, bạn sẽ biết được mình muốn cắt bớt những cuốn sách nào khỏi bộ sưu tập của mình. 

Bằng cách này, theo thời gian, bạn có thể hiểu rõ hơn về sở thích của mình, đồng thời tạo không gian để thêm những cuốn sách mới. 

Nếu bạn là kiểu người khó cho đi bất kỳ cuốn sách nào, thì trước tiên hãy sắp xếp sách thành các nhóm ‘sách đã đọc’ và ‘sách chưa đọc’. Sau đó, nhìn vào những cuốn sách đã đọc, bạn có thể xác định: 

  • những cuốn sách yêu thích và muốn đọc lại một ngày nào đó (giữ lại); 
  • những cuốn sách bạn cảm thấy lúc đó bạn chưa hiểu nhưng bạn vẫn nghĩ đến và sẽ đọc lại (giữ lại); 
  • những cuốn sách mà bạn yêu thích vào thời điểm đó nhưng nó chưa thực sự đọng lại trong tâm trí bạn và bạn sẽ không đọc lại (cân nhắc việc tặng đi);
  • những cuốn sách bạn đã bỏ dở giữa chừng và bạn không muốn đọc lại (cân nhắc việc tặng đi).

Tất cả những cân nhắc về mặt thẩm mỹ và cảm xúc cá nhân có thể dẫn đến quyết định có nên tiếp tục giữ lại hay không, vì vậy bước này thực sự là một thách thức đối với bạn.

 

3/ Bắt đầu xây dựng thư viện cá nhân của bạn

 

Sau khi biết mình có những gì, mình thích những gì, bạn có thể lấp đầy những lỗ hổng trên giá sách của mình. 

Một cuốn sách nào đó, bản thân nó đã là một hướng dẫn tuyệt vời về những gì bạn muốn đọc tiếp theo. 

Bạn có thể đọc theo nhóm. Nếu bạn có hai hay nhiều hơn hai cuốn sách về cùng một chủ đề nhất định mà bạn muốn khám phá, bạn có thể cân nhắc thêm một vài cuốn về chủ đề này và đặt ra một dự án để thực sự hiểu được chủ đề đó. 

 

4/ Kết hợp giữa những lời khuyên và “duyên”

 

Bên cạnh việc lấy cảm hứng từ những cuốn sách hiện có, bạn có thể tham khảo thêm từ những đề xuất, cho dù đó là từ một người bạn biết sở thích của bạn hay chủ hiệu sách đặc biệt cùng gu với bạn. 

Tất nhiên, cũng hãy sử dụng internet để tìm những gợi ý. Bạn có thể tìm hiểu những nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách để được tư vấn về cách xây dựng tủ sách/ thư viện cá nhân.

Tuy nhiên, những cái “duyên” gặp gỡ cũng là những dịp giúp bạn tìm được những cuốn sách ưng ý. Nếu một bìa sách bỗng nhiên thu hút bạn khi bạn đi qua một hiệu sách, hoặc nhô ra khỏi giá sách trong thư viện, thì hãy đừng ngần ngại mà đọc thử nó.

 

5/ Sắp xếp có trật  tự

 

Không có một cách sắp xếp cụ thể nào cho giá sách của bạn, tuy nhiên bạn nên sắp xếp theo một trật tự nào đó, cho dù là theo bảng chữ cái, theo thể loại, theo màu sắc hay theo thời gian mà chúng gắn liền với cuộc đời bạn. 

Sắp xếp sách của bạn một cách cẩn thận là một cách tốt để đảm bảo bạn nhận được những lợi ích mà thư viện có thể mang lại cho bạn. Bạn có thể tạo chỉ mục được cá nhân hóa ở cuối sách khi đọc xong để giúp việc sắp xếp sách dễ dàng hơn. 

- Trạm Đọc

 

Tags: