Hoàng tử bé - Hãy nhìn thế giới lại một lần nữa
Hoàng tử bé - Hãy nhìn thế giới lại một lần nữa
“Hoàng tử bé” cũng là một câu chuyện chiến tranh theo đúng nghĩa đen, mọi thứ trong quá trình cuốn sách được viết ra không chỉ liên quan tới sự bắt đầu của cuộc chiến tranh mà còn là “sự thất bại kì lạ” của nước Pháp cùng với những trải nghiệm dưới thời chính phủ Vichy khi bị chiếm đóng.

Giữa tất cả những tác phẩm văn học Pháp trong hơn một thế kỉ qua, “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Exupery chắc hẳn là tác phẩm được yêu thích nhất. Điều này thật kì lạ, bởi vì ý nghĩa của cuốn sách – bao gồm mục đích, ý định và bài học của nó - thực sự vẫn còn rất khó để hiểu hết mặc dù đã hơn 75 năm kể từ khi cuốn sách lần đầu tiên được ra mắt. Thực sự thì khi nhìn lại những bình luận đầu tiên về cuốn sách, thật ngạc nhiên khi biết rằng nó đã không nhận được sự chào đón nồng nhiệt như là một cậu chuyện ngụ ngôn tuyệt vời, mà thay vào đó, nó khiến độc giả bối rối và khó hiểu. Trong số những nhà phê bình thời đó, chỉ có P.L. Traver -  với sự cân xứng đã khiến cả những người vô thần phải rùng mình, người đã viết nên một câu chuyện thần thoại tuyệt vời cho nước anh trong bộ truyện Mary Poppins của bà - là người đã thực sự nắm bắt được các chiều cạnh, tầm quan trọng của “Hoàng tử bé”.

 

Qua thời gian, sự tán thành của độc giả đã thay đổi kết luận trước đó, tất nhiên, một tác phẩm kinh điển thì vẫn cứ là kinh điển. Nhưng nó đã thay đổi kết luận mà không thay đổi quan điểm. Năm nay là năm đánh dấu sự nở rộ khi nó nhận được sự chú ý lớn, bao gồm buổi triển lãm đầy đủ những bức hoạ gốc của Saint-Exupery ở Thư Viện và Bảo Tàng Morgan, đặt tại New York. Nhưng chúng ta vẫn không tới đi được sâu hơn nữa trong quá trình thâm nhập vào bí ẩn chính: "Hoàng Tử Bé nói về điều gì?".

 

 

Ai cũng biết cốt truyện của “Hoàng Tử Bé”: một phi công rơi xuống một sa mạc, dối diện với khả năng sống sót rất thấp, gặp gỡ một người trẻ kì lạ, không phải một người đàn ông trưởng thành cũng không phải một cậu bé. Chuyện dần dần được hé lộ, chàng trai trẻ tuổi đến từ một hành tinh xa xôi, nơi cậu sống một mình cùng với một bông hồng. Bông hồng đã khiến cậu buồn khổ đến nỗi cậu đã đi theo một đàn chim đến những hành tinh khác. Cậu đã được hướng dẫn bởi một con cáo khôn ngoan và cẩn trọng, bởi thiên thần độc ác của sự chết chóc - con rắn.

 

Phải mất nhiều năm, và nhiều lần đọc, để độc giả bắt đầu hiểu được rằng quyển sách này là một câu chuyện chiến tranh. Không phải là truyện ngụ ngôn chiến tranh mà đúng hơn là một câu chuyện đạo đức, trong đó các cảm xúc trung tâm của sự mâu thuẫn – sự cô lập, nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn - được làm dịu đi chỉ bởi những lời nói thân thương và cả tình yêu. Nhưng “Hoàng tử bé” cũng là một câu chuyện chiến tranh theo đúng nghĩa đen, mọi thứ trong quá trình cuốn sách được viết ra không chỉ liên quan tới sự bắt đầu của cuộc chiến tranh mà còn là “sự thất bại kì lạ” của nước Pháp cùng với những trải nghiệm dưới thời chính phủ Vichy khi bị chiếm đóng. Nỗi xấu hổ và khó hiểu của Saint-Exupery về sự thất bại đó đã khiến ông sáng tác nên một câu chuyện cổ tích với những ý niệm trừu tượng trong tương quan đối lập với những tình yêu cụ thể. Trong đó, ông đã hát lên trong những âm điệu vô thức về sự mất mát của chiến tranh cùng với các nhà văn vĩ đại khác, từ J. D. Salinger – tác giả của cuốn truyện vĩ đại hậu chiến tranh, ‘Gửi Esme – cùng tình yêu và sự nghèo khó” cho chúng ta thấy rằng sự sụp đổ đạo đức chỉ có thể được cứu chữa bằng lời nói của một đứa trẻ sáng suốt – tới người đồng nghiệp của ông, Albert Camus, người cũng từ cuộc chiến tranh mà nhận ra sự cần thiết của việc tham gia vào cuộc chiến không hồi kết “giữa niềm hạnh phúc của mỗi con người và bệnh tật của sự vô nghĩa”, có nghĩa là việc tách cảm xúc thực ra khỏi cuộc sống thường nhật.

 

 

Giờ đây chúng ta đã biết chi tiết hoàn cảnh sáng tác của “Hoàng tử bé” nhờ vào cuốn tiểu sử mang tên “Saint-Exupery” của Stacy Schiff. Trốn khỏi Châu Âu để đến một nơi tha hương không mấy vui vẻ và chỉ sử dụng một thứ tiếng ở Bắc Mỹ, tham gia vào cuộc chiến xung đột nội bộ tuy nhỏ nhưng rất dữ dội với các nhóm người tha hương và chống đối khác (ông đánh giá sai về DeGaulle, người mà ông tưởng rằng đã đưa chính người dân nước Pháp chống lại người Pháp thay vì chống lại người Đức), Saint-Exupery đã viết nên câu chuyện cổ tích đậm chất Pháp ở Manhattan và Long Island. Bối cảnh sa mạc của cuốn truyện được lấy từ trải nghiệm của người phi công Saint-Exupery vào năm 1935 khi bị lạc gần một tuần ở vùng sa mạc Ả rập, cùng với những kí ức về sự cô đơn, ảo giác, cái chết cận kề (và một vẻ đẹp được giấu kín) ở sa mạc được hé lộ trong những trang sách. Câu chuyện tình yêu trọng tâm của Hoàng Tử và Bông Hồng bắt nguồn từ chính câu chuyện tình yêu đầy giông bão của ông và vợ, bà Consuelo, người sở hữu những đặc điểm của Bông Hồng được thể hiện trong truyện như những cơn ho, sự đành hanh, độc đoán và cả những lần hưng phấn bất chợt của cô nàng. (Schiff nói rằng, khi ông bị mất tích ở sa mạc vào năm 35, vợ ông đã công khai than khóc về sự mất mát của ông ở “hành tinh” của riêng bà, chiếc bàn ở quán Brasserie Lipp). Sa mạc và bông hồng - cuộc đời ông khi làm một người phi công dũng cảm và khi làm một người tình kì lạ - là nguồn cảm hứng của ông. Nhưng giữa hai trải nghiệm này, găm vào giữa chúng, chia cách chúng, là một đường biên, đó chính là cuộc chiến tranh.

 

Ở nơi sâu thẳm nhất trong tâm thức, ông cảm thấy sự mất mát của nước Pháp không chỉ là sự mất mát trong chiến sự mà là sự mất mát trong “ý nghĩa”. Sa mạc của sự thất bại kì lạ còn khó hiểu hơn cả sa mạc Libya, chẳng còn gì có thể hiểu được cả. Trận chiến của Saint-Ex là danh dự: ông đã bay cùng với đội máy trinh sát GR II/33 của không lực Pháp (Armee de l’Air). Và, sau thất bại cay đắng, ông trốn chạy khỏi Châu Âu giống như rất nhiều những người Pháp yêu nước khác, qua Bồ Đào Nha và dừng chân tại New York vào ngày cuối cùng của năm 1940. Nhưng, như bất kì ai đã từng sống trong thời kì ấy đều biết, điều khiến sự mất mát đó trở nên vô cùng đau thương là không chỉ quân đội mà toàn bộ nền tảng của nền văn minh Pháp đã sụp đổ với tốc độ chóng mặt, dưới sự giám sát của những vị thần.

 

 

Trong công cuộc tìm kiếm nguyên nhân của sự sụp đổ đó, những bộ óc thành thật đáng kính trọng nhất –  trong số đó có Marc Bloch và Camus – cho rằng lồi lầm thực sự nằm ở thói quen về sự trừu tượng của người Pháp. Truyền thống của nước Pháp đã và đang tiếp tục vận động, việc đặt những câu hỏi thực tế về những ví dụ cụ thể vào thế giới tương ứng trên những trang giấy mà ở đó những câu hỏi lý thuyết - các mô hình - là những điều được quan tâm nhất, lại làm những người thiết kế ra nó thất vọng. Một cách để đáp lại thảm hoạ chắc chắn là tìm ra một vài hệ thống trừu tượng mới, của những phạm trù quan trọng để thay thế những gì đã mất. Nhưng một cách đáp trả nhân văn hơn là tham gia vào một cuộc chiến không hồi kết chống lại những thứ trừu tượng tách chúng ta khỏi cuộc sống như nó vốn có. Không ai chỉ ra điều này đúng hơn Bloch:

 

Nhiệm vụ đầu tiên trong công việc của tôi (một nhà sử học, nhưng rộng hơn là người theo chủ nghĩa nhân văn) bao gồm việc tránh sử dụng những thuật ngữ nghe có vẻ to tát. Những người dạy lịch sử nên tiếp tục quan tâm đến việc tìm kiễn những giá trị thực đằng sau những điều trừu tượng và trống rỗng. Nói cách khác, họ nên dồn sự tập trung vào con người hơn là những công cụ.

 

Đây dường như là một bài học đạo đức kì lạ được rút ra từ một trải nghiệm về thứ gì đó kinh khủng như chiến tranh. Nhưng nó không chỉ đơn thuần là về tri thức, không phải là sự hiển linh của một kẻ nghiệp dư chưa từng tác chiến. Xét về cấp độ chiến thuật, quân sự đơn thuần, sự thôi thúc để sử dụng những thứ trừu tượng đồng nghĩa với sự thôi thúc để tôn sùng những cách giải quyết cứng nhắc và hệ thống, thay vì trở nên linh động và tháo vát.  Tuyến phòng thủ Maginot là một ý niệm trừu tượng đã thay thế chiến lược linh hoạt và những cảm tính thông thường. (Điều này gợi nhớ lại một bình luận của Picasso dành cho Matisse, khi người hoạ sĩ Pháp này đang lâm vào rắc rối năm 1940 và đã hỏi ông rằng: “Nhưng còn các tướng lĩnh của chúng ta, họ đang làm gì vậy?”: “Các tướng lĩnh của chúng ta ư? Họ là những bậc thầy trong Trường đại học Mỹ Thuật!” Picasso đáp lại, với thông điệp rằng loại người bị điều khiển bởi những công thức được học vẹt, sự thiếu vắng khả năng quan sát và chủ nghĩa ám ảnh về truyền thống như là những nghệ sĩ hàn lâm.

 

Từ một trải nghiệm vô nhân đạo và quá sức - một trải nghiệm đã biến cả nhân loại với một lịch sử và định mệnh vô cùng phức tạp thành một thuật toán rồi sau đó thành một nạn nhân – Saint Exupery muốn giải cứu con người chứ không phải những số liệu thống kê. Những số liệu thống kê có thể là bất cứ người nào trên hành tinh bị ám ảnh với việc tôn sùng “đếm”, đếm những vì sao nếu đó là một nhà du hành vũ trụ hay là lợi nhuận nếu đó là một doanh nhân. Cách để thưởng thức “Hoàng tử bé” đầy đủ nhất chính là coi nó như là một câu chuyện ngụ ngôn được mở rộng về thể loại và sự ngu ngốc của trừu tượng - cùng với đó là sức mạnh đặc biệt và sự chua chát đến từ việc Saint-Exupery kịch tích hoá sự đấu tranh chống lại sự trừu tượng không như là một vật thể triết học mà như là một câu chuyện về sự sống - cái chết. Cuốn truyện di chuyển từ thiên thạch đến sa mạc, từ cổ tích và hài kịch đến bi kịch kì bí để khẳng định một điều luôn tái diễn: Bạn không thể yêu hoa hồng nói chung, bạn chỉ có thể yêu một bông hồng mà thôi.

 

 

Cũng giống như cuộc hành trình của Saint-Exupery, cuộc hành trình của hoàng tử chính là cuộc hành trình tha hương, tránh xa trải nghiệm chung về sự gợi tình của một bông hoa đặc biệt. Hoàng Tử học được rằng để có trách nhiệm với bông hồng của chàng thì chàng phải coi nó như chính bản thân nó, kể cả sự yếu đuối và tình tính kiêu căng– phải, tất cả những sự tầm thường đó! – mà không bớt đi sự yêu thương chỉ vì nó quá yếu đuối. Sự hoan hỉ ngoan cố của trải nghiệm cụ thể có thể tìm thấy ở một thứ vừa đặc trưng lại vừa kì quái như hình ảnh mở đầu về một con trăn Nam Mỹ nuốt chửng một con voi, điều mà, theo như người dẫn truyện thì người lớn chỉ có thể thấy nó như một vật thể chung (Đây là điểm chung của Saint-Exupery và những người theo trường phái siêu thực ngưỡng mộ ông. Những bức vẽ của Rene Magritte và sự ám ảnh chung về những chiếc mũ của tầng lớp trung lưu, gợi ra rằng mỗi lần bạn nhìn thấy một chiếc mũ derby của giới trung lưu, rất có thể trong đó có một con trăn Nam Mỹ. Ảnh chụp X-quang của mọi chiếc mũ đều lộ ra một con trăn trên mọi cái đầu đội chiếc mũ đó. Đây có thể là cách ngôn của mọi buổi triễn lãm trường phái siêu thực.)

 

Những con người mà Hoàng Tử gặp trong cuộc hành trình đến Trái Đất đều là những người, theo như Bloch, thì chỉ còn là những công cụ. Người doanh nhân, nhà thiên văn học, và thậm chí người thắp đèn đáng thương, đều trở thành những nghề nghiệp của họ và trở nên mù loà trước những vì sao. Và một lần nữa, chỉ ở “Hoàng tử bé”, những dịch chuyển thiết yếu mà chúng ta tìm thấy ở Camus, được diễn tả lại dưới dạng một truyện ngụ ngôn thay vì một cuốn tiểu thuyết thực tế. Thế giới mưu toan làm chúng ta trở nên mù loà trước những sự vận hành của nó; và nhiệm vụ thực sự của chúng ta chính là nhìn thấy thế giới lại một lần nữa.

 

Trạm Đọc (Read Station) dịch

Nguồn: The New Yorker

Tags: