Hiểu thành ngữ “No bụng đói con mắt” theo khoa học thần kinh, tâm lý học, nhân chủng học để chế ngự nó
Hiểu thành ngữ “No bụng đói con mắt” theo khoa học thần kinh, tâm lý học, nhân chủng học để chế ngự nó
Theo cách hiểu truyền thống, “No bụng đói con mắt” là thành ngữ dùng để mô tả lòng tham, luôn khao khát có thêm và không bao giờ cảm thấy đủ. Cuốn sách “Chế ngự tâm lý ‘no bụng đói con mắt” sẽ đưa bạn vào cuộc hành trình khám phá các hoạt động phức tạp của tâm trí con người đằng sau tâm lý này. 
Chế ngự tâm lý - No bụng đói con mắt
(5 lượt)

Cuốn sách n vừa được phát hành bởi Alpha Books và được dịch giả Thảo Minh chuyển ngữ. Một sự thật thú vị: dịch giả Thảo Minh, tên thật là Phạm Minh Trung, là con trai của nghệ sĩ Chí Trung. Dịch giả Thảo Minh đã tham gia dịch nhiều dự án sách như: “Kỹ thuật tuyên truyền trong thế chiến”, “Cỗ máy thao túng – Mạng xã hội đã can thiệp vào cuộc sống của chúng ta như thế nào và chúng ta phải thích ứng ra sao”, “Lịch sử chưa kể về Ramen”, “Đời sống cà phê tại Nhật Bản”. “Chế ngự tâm lý ‘no bụng đói con mắt” chính là cuốn sách thứ 5 dịch giả Thảo Minh tham gia chuyển ngữ. 

Cuốn sách của tác giả Michael Easter sẽ khiến bạn phải dừng lại và suy ngẫm, tự hỏi tại sao mình không thể chống lại cảm giác thèm ăn, không thể cưỡng lại việc kiểm tra điện thoại liên tục. Nếu là fan của những cuốn sách kích thích tư duy và có khả năng thay đổi cuộc sống của bạn thì nhất định bạn không nên bỏ qua cuốn sách này. Nó sẽ đưa bạn vào một cuộc hành trình khám phá các  hoạt động phức tạp của tâm trí con người. 

 

Cuộc khám phá toàn diện về hành vi

 

Tác giả Michael Easter đưa chúng ta vào một cuộc hành trình tìm hiểu sự phức tạp của tâm trí, phân tích lý do tại sao chúng ta liên tục thèm ăn nhiều hơn, muốn có nhiều hơn, cho dù đó là thực phẩm, thời gian, tương tác xã hội.

Michael Easter không chỉ đơn giản xác định vấn đề, anh tiến thêm một bước nữa bằng cách đi sâu vào khoa học đằng sau những cơn thèm này. 

Easter giới thiệu cho chúng ta khái niệm về “vòng lặp thiếu thốn”, một chu kỳ khiến chúng ta vĩnh viễn không hài lòng và luôn khao khát nhiều hơn nữa. Vận dụng những nghiên cứu về khoa học thần kinh, tâm lý học và thậm chí cả nhân chủng học, Easter làm sáng tỏ cách vòng lặp này đã ăn sâu vào bản chất của chúng ta. 

Theo đó, “vòng lặp thiếu thốn” gồm ba phần: Cơ hội -> Phần thưởng không lường trước -> Hành động lặp lại mau chóng. Vòng lặp này là tác nhân khởi phát lớn nhất của tư duy “no bụng đói con mắt”. 

  • Phần đầu tiên của vòng lặp thiếu thốn là cơ hội. Đó là một cơ hội để chúng ta có được thứ gì đó có giá trị giúp cải thiện cuộc sống. Nhưng cơ hội này đi kèm rủi ro. Chúng ta có thể nhận được thứ gì đó có giá trị, chẳng hạn như tiền bạc, của cải, thực phẩm hay thậm chí là địa vị. Nhưng chúng ta cũng có thể không nhận được gì cả - hoặc thậm chí chúng ta có thể đánh mất cơ hội. 
  • Giai đoạn thứ hai của vòng lặp thiếu thốn là những phần thưởng không thể đoán trước. Sự tưởng thưởng của những hành động hằng ngày là thứ có thể dự đoán được. Tuy nhiên, những phần thưởng có thể đoán trước này dường như mang đến sự đơn điệu. Trái lại, những phần thưởng không lường trước thì sẽ khiến chúng ta bị cuốn hút khi biết bản thân sẽ được tưởng thưởng. Chúng ta sẽ bồn chồn, sốt sắng chờ xem liệu mình có nhận được thứ gì đó tốt đẹp nhau không. 
  • Giai đoạn thứ ba của vòng lặp thiếu thốn là hành động lặp lại mau chóng. Hầu hết các hành vi hằng ngày đều có một khởi đầu và kết thúc rõ ràng, và chúng ta không ngay lập tức lặp lại chúng. Mặt khác, các vòng lặp thiếu thốn mang tính lặp lại tức thời. Chúng ta nhìn thấy cơ hội, đôi khi được tưởng thưởng, và sau đó sẽ làm đi làm lại theo mọi mức độ chúng ta mong muốn. 

 

Giải phóng bản thân khỏi tâm lý “no bụng đói con mắt”

 

Cuốn sách không những đi sâu khám phá hành vi của chúng ta mà còn trang bị cho chúng ta các công cụ không chỉ để hiểu, mà còn để quản lý chúng một cách hiệu quả. 

Trong cuốn sách, tác giả Michael Easter có nói về chứng nghiện rượu của mình và cách anh thoát khỏi vòng lặp đó bằng cách thay thế nó bằng một chứng ‘nghiện’ khác. Và tại sao anh lại làm vậy?

Về cơ bản, để bắt đầu những thói quen tốt mới là rất khó, vì vậy, bạn nên tập trung vào những thói quen xấu. 

Thế giới hiện đại khiến chúng ta rơi vào rất nhiều thói quen xấu: ăn quá nhiều, uống quá nhiều, chi tiêu quá mức, lãng phí quá nhiều thời gian trực tuyến hoặc quan tâm quá nhiều đến những gì người khác nghĩ về chúng ta… 

Tất cả chúng ta đều có một số thói quen xấu mà chúng ta làm quá thường xuyên. Nhưng chúng ta thường bỏ qua những thói quen xấu và thích xây dựng những thói quen mới tốt như ăn loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng nào đó, thực hiện 9 bước nào đó để bắt đầu buổi sáng… 

Tuy nhiên, không quan trọng chúng ta xây dựng bao nhiêu thói quen tốt. Nếu chúng ta không xử lý những thói quen xấu của mình, chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ. 

Điều đó có nghĩa là, vượt qua những thói quen xấu thường dẫn đến những cải thiện lớn hơn trong cuộc sống so với việc thêm những thói quen mới tốt.

Cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn công cụ để tạo ra con đường riêng, dẫn đến những cải tiến lớn  hơn, bổ ích hơn và lâu dài hơn. 

Chẳng hạn, bất cứ khi nào bạn mất hơn một phút để đưa ra quyết định, nhiều khả năng bạn đang cố gắng tìm ra lý do biện minh cho việc thực hiện một giao dịch không cần thiết, hoặc giữ lấy một món đồ không thiết yếu. Những lúc như vậy, hãy áp dụng quy tắc “đồ nghề, không phải đồ vật” để định hướng thói quen mua sắm trong tương lai. Cách tiếp cận này khai thác cả ba hướng chúng ta có thể tận dụng từ vòng lặp thiếu thốn. Nó lấy đi cơ hội, những phần thưởng không lường trước và sự lặp lại mau chóng trong hành vi mua hàng thiếu suy nghĩ. 

- Trạm Đọc trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách bổ ích này

 

Tags: