Hiểm nguy của niềm kiêu hãnh non trẻ
Hiểm nguy của niềm kiêu hãnh non trẻ
Kiêu hãnh lựa một chút thành công nhỏ nhoi và hô biến nó trở nên to lớn. Nó mỉm cười với sự khéo léo và tài năng của chúng ta, dù cho cái mà chúng ta thể hiện chỉ là một dấu hiệu về những gì đáng lẽ sẽ xảy ra.
Vượt Qua Bản Ngã
(16 lượt)

Năm 18 tuổi, Benjamin Franklin thành công đã trở về thăm Boston, thành phố mà cậu đã  chạy trốn bảy tháng trước. Đầy kiêu hãnh và tự mãn, cậu khoác lên người bộ vest mới, một chiếc đồng hồ và một túi đầy tiền mà cậu định xòe ra cho những người cậu bắt gặp xem – gồm cả anh trai, người cậu đặc biệt muốn gây ấn tượng hơn cả. Mọi điệu bộ của cậu nhóc đều y hệt như một nhân viên xưởng in ở Philadelphia.

Khi gặp Cotton Mather, một trong những nhân vật được kính nể nhất thị trấn và là kẻ thù cũ, bản ngã non trẻ của Benjamin nhanh chóng được thổi phồng lên một cách lố bịch. Trò chuyện với Mather trong lúc đi bộ xuống hành lang, Mather đột nhiên kêu lên: “Cúi xuống! Cúi xuống!” Quá hào hứng thể hiện, Franklin đã đâm bổ ngay vào một cái xà có trần thấp.

Phản ứng của Mather thật chuẩn xác. Hãy coi đây như một lời cảnh báo nhé, chàng trai, đừng có lúc nào cũng ngẩng đầu cao thế,” ông châm biếm nói. “Cúi xuống, anh bạn trẻ, hãy cúi người xuống - khi cậu đi qua thế giới này – và cậu sẽ tránh được nhiều cú đòn để đời đấy. 

Những người theo đạo Thiên Chúa tin rằng kiêu hãnh là tội lỗi vì đó là sự dối trá – nó rót vào tai kẻ kiêu hãnh rằng họ giỏi hơn họ tưởng và con người họ giỏi hơn con người mà Chúa tạo ra. Kiêu hãnh dẫn tới ngạo mạn và khiến mọi người mất đi tính khiêm tốn cũng như sợi dây gắn kết với đồng loại. 

Bạn không nhất thiết phải là người theo đạo Thiên Chúa để hiểu được triết lý này. Chỉ cần bạn để ý đến sự nghiệp của mình thì sẽ hiểu rằng kiêu hãnh – ngay cả khi đã thành công thực sự – là một kẻ gây sao nhãng và dối trá.

Cyril Connolly từng có câu nói bất hủ: “Với những kẻ mà Chúa muốn hủy diệt, trước hết Ngài gọi chúng bằng cái tên ‘hứa hẹn’.” Từ 2.500 năm trước, nhà thơ bi ca Theognic đã viết cho người bạn của mình rằng: “Này Kunos, thứ đầu tiên mà Chúa ban cho kẻ mà Người định hủy diệt là lòng kiêu hãnh.” Lòng kiêu hãnh mài mòn công cụ mà chúng ta cần có nhất để thành công: tâm trí. Khả năng học tập, thích nghi, linh hoạt, xây dựng mối quan hệ, tất cả đều bị trì trệ bởi kiêu hãnh. Nguy hiểm hơn cả, điều này có thể xảy ra trong giai đoạn khởi đầu, hay trong quá trình phát triển – khi chúng ta có đầy tự phụ của một kẻ mới bắt đầu. Chỉ sau đó bạn mới nhận ra rằng cú đập đầu ấy chỉ là rủi ro nhẹ nhàng nhất.

Thật ngạc nhiên là một chút sức mạnh cũng có thể nhanh chóng khẳng định niềm tin sâu sắc rằng chúng ta siêu việt hơn bất kỳ ai, rằng may mắn và ưu ái là đặc quyền từ khi sinh ra và rằng một kỷ nguyên mới đang mở ra với thế giới. Chúng ta là người được chọn, giọng nói trong đầu vang lên như vậy. Giờ là thời điểm của chúng ta. Tra thêm dầu vào. Đổ nhiên liệu vào cỗ máy mà chúng ta vừa dựng nên

Kiêu hãnh lựa một chút thành công nhỏ nhoi và hô biến nó trở nên to lớn. Nó mỉm cười với sự khéo léo và tài năng của chúng ta, dù cho cái mà chúng ta thể hiện chỉ là một dấu hiệu về những gì đáng lẽ sẽ xảy ra. Nó chia tách những kẻ kiêu hãnh với thực tế – theo một cách tinh vi nhưng không quá khéo léo – để thay đổi ý niệm của chúng ta về đúng sai. Chỉ được đảm bảo một cách yếu ớt từ thành công và thực tế, những quan niệm mạnh mẽ này đưa ta thẳng tiến đến ảo tưởng, hoặc thậm chí tệ hơn.

Kiêu hãnh và bản ngã nói rằng:

“Tôi là một doanh nhân vì tôi tự mình khởi nghiệp

Tôi sẽ giành chiến thắng vì tôi đang dẫn đầu

Tôi là một nhà văn vì tôi đã xuất bản được một cuốn sách

Tôi giàu có vì tôi làm ra tiền

Tôi đặc biệt vì tôi được chọn

Tôi quan trọng vì tôi nghĩ mình xứng đáng”

Lúc nào cũng vậy, chúng ta luôn tận hưởng sự hài lòng giả tạo này. Tuy nhiên, mỗi nền văn hóa đều có những lời răn dạy để chống lại nó. Đừng đếm gà trước khi ấp trứng. Đừng đun nước trước khi bắt cá. Muốn học nấu thịt thỏ trước tiên phải bắt được thỏ, Đánh quá sức sẽ khiến bạn bị thương. Kiêu hãnh đi trước, thất bại theo sau.

Hãy gọi thái độ đó đúng với bản chất của nó: xảo trá. Nếu bạn đang làm việc và luôn tận tâm, bạn chẳng cần gian dối, cũng không cần phải gắng sửa chữa những sai lầm.

Kiêu hãnh là một kẻ xâm lược hống hách. John D. Rockefeller, khi còn là một chàng trai trẻ, đêm đêm đều tự độc thoại với chính mình. “Ngươi mới chỉ bắt đầu”, ông nói to hoặc viết vào nhật ký của mình. “Ngươi nghĩ rằng mình đã là một thương gia rồi ư? Hãy cẩn thận, không thì ngươi sẽ mất đầu – hãy bước đi chắc chắn, 

Khi mới bắt đầu sự nghiệp, Rockefeller đã gặt hái được một số thành công nhất định – ông kiếm được một công việc tốt. Ông để dành tiền. Ông có một vài khoản đầu tư. So với người cha suốt ngày say xỉn và bịp bợm, đây là một thành công không nhỏ. Ông đã đi đúng đường. Vậy nên ta có thể hiểu được tại sao sự tự mãn với thành tích đó – và việc ông đang đi đúng hướng – bắt đầu xâm chiếm. Trong khoảnh khắc thất bại, ông từng hét vào mặt nhân viên nhà băng đã từ chối cho ông vay tiền rằng: “Một ngày nào đó tôi sẽ là người giàu nhất thế giới cho xem!”

Có thể coi Rockefeller là người duy nhất trên thế giới nói được và làm được. Ngoài ông ra, có hàng tá kẻ ngu xuẩn đã nói điều tương tự và hoàn toàn tin vào nó, coi niềm tin vào viễn cảnh đó như một bước tiến để rồi chẳng đi đến đâu – một phần vì lòng kiêu hãnh chống lại họ và kêu gọi những người khác cùng làm điều đó.

Tất cả điều này lý giải tại sao Rockefeller biết ông cần chế ngự bản thân và âm thầm kiểm soát bản ngã của mình. Hằng đêm, ông tự hỏi mình: “Mày có phải là thằng ngốc không? Mày định để số tiền này thổi phồng mày lên sao?” (Dù đó chỉ là số tiền nhỏ nhoi.) “Hãy mở to mắt” ông tự nhắc nhở bản thân. “Đừng đánh mất thăng bằng.

‎Sau này khi nghiền ngẫm lại cuộc đời mình, ông nói rằng: “Tôi cảm thấy kinh hoàng về sự nguy hiểm của tính ngạo mạn. Thật đáng tiếc khi ai đó để cho một chút thành công tạm bợ phá hỏng anh ta, làm lệch lạc sự đánh giá và khiến anh ta quên mất mình!” Nó tạo ra một nỗi ám ảnh bệnh hoạn, thiển cận, làm lệch lạc tư tưởng, thực tế, sự thật và thế giới xung quanh ta. Ngay khi ta muốn nhận được phản hồi, giữ niềm khao khát và lập kế hoạch đời mình, lòng kiêu hãnh đã xóa mờ những nhận thức này. Hay nói cách khác, nó thổi phồng những phần tiêu cực khác bên trong ta: sự nhạy cảm, mặc cảm tội lỗi và khả năng bịa ra bất cứ thứ gì về bản thân. Trước những khó khăn phía trước mà ta có thể phải đối mặt, sự hào nhoáng và tính tự mãn là những đặc điểm mà ta chưa đủ khả năng để chịu đựng. Cái giá phải trả là vô cùng tàn khốc.

Chiến binh và người chinh phạt nổi tiếng Thành Cát Tư Hãn đã dặn dò các con trai và tướng lĩnh của mình trước khi qua đời: “Nếu các ngươi không thể kìm lại lòng kiêu hãnh của bản thân, các ngươi sẽ không thể lãnh đạo ai cả. Ông nói với họ rằng làm việc đó còn khó hơn thuần phục một con sư tử hoang dã. Ông thích dùng phép ẩn dụ về núi, rằng ngay những ngọn núi cao nhất cũng có muông thú mà khi chúng đứng trên đó, chúng còn cao hơn núi.

Chúng ta có xu hướng đề phòng những điều tiêu cực – những người ngăn cản ta theo đuổi giấc mơ hay nghi ngờ viễn cảnh ta vẽ ra cho chính mình.

Đương nhiên đây là một chướng ngại cần cảnh giác, dù đối phó với nó khá dễ dàng. Cái mà chúng ta ít trau dồi hơn – hoặc được dạy ít hơn – là làm sao để bảo vệ bản thân trước sự công nhận và hài lòng, những thứ sẽ sớm xuất hiện trên con đường ta đi nếu ta tỏ ra có tiềm năng. Ta không bảo vệ mình trước những người, những điều khiến ta thấy dễ chịu – hay thậm chí quá dễ chịu. Nhưng ta phải bảo vệ mình trước niềm kiêu hãnh và tiêu diệt nó ngay – nếu không nó sẽ giết chết điều ta khao khát. Chúng ta phải cảnh giác trước sự tự tôn và tự mãn hoang dại đó. Flannery O’Connor từng nói: “Sản phẩm đầu tiên của việc tự biết mình là sự khiêm tốn.” Đây là cách ta chiến đấu với bản ngã, bằng cách thấu hiểu chính mình.

Câu hỏi cần đặt ra khi bạn cảm thấy tự hào là: “Bây giờ tôi đang bỏ lỡ điều gì mà một người khiêm tốn hơn có thể nhận ra? Tôi phải tránh né hay chạy trốn điều gì bằng sự khoe khoang, điên rồ và thêm thắt bịa đặt này?” Tốt hơn hết là nên hỏi và trả lời ngay những câu hỏi này trong khi tiền đặt cược còn thấp, hơn là chờ đến sau này.

Điều đáng nói là: Chỉ vì bạn trầm lặng, không có nghĩa bạn không kiêu hãnh. Có thể bạn chỉ xấu hổ thôi. Chỉ vì bạn không tệ như người khác, không có nghĩa là bạn xứng đáng được vinh danh. Đó không chỉ là một dạng kiêu hãnh, mà thực tế khuynh hướng này tồn tại trong tất cả mọi người. Chúng ta đều đam mê nó, và dù ở mức độ nào thì thoát ra vẫn tốt hơn.

Việc bạn nghĩ mình thật giỏi cũng giống như việc nói thật to điều đó cho người khác nghe vậy. Vấn đề vẫn là niềm kiêu hãnh, và nó vẫn rất hiểm. “Điều mà ta tự hào nhất về bản thân sẽ là thứ hủy hoại ta,” Montaigne đã khắc câu nói đó lên trùm đèn treo trên trần nhà mình. Nó là một danh ngôn của nhà soạn kịch Menander, và phần sau của nó là: “Đừng nghĩ rằng mình phải trở thành ai đó.”

Chúng ta đang đấu tranh, và những người cũng đang tranh đấu mới là đồng môn của chúng ta – không phải là kẻ kiêu căng và cũng không phải người thành công. Chúng ta cần tự nhận thức bản thân và hiểu rõ thực tế trên con đường của mình. Chúng ta phải hiểu rằng vẫn còn cả một đoạn đường dài phía trước và còn vô số việc cần phải hoàn thành.

Sau khi bị va đầu vào thanh xà và nghe lời khuyên bảo của Mather, Franklin đã dành cả đời để chống lại sự kiêu hãnh, bởi ông muốn làm nhiều thứ trong đời và ông hiểu rằng kiêu hãnh sẽ khiến việc đó trở nên khó khăn hơn nhiều. Đó là lý do bất chấp những thành tựu vĩ đại trong nhiều lĩnh vực – tiền bạc, danh tiếng, hay quyền lực – Franklin cũng không bao giờ phải tự mình trải qua hầu hết “những nỗi bất hạnh của kẻ luôn ngẩng đầu quá cao”, hay nói đúng hơn là nỗi đau và khổ não mà sự lừa dối, tham lam và ích kỷ đi kèm với kiêu hãnh gây ra.

 

Tags: