Hãy biết lúc nào thì
Hãy biết lúc nào thì "Đừng cố gắng, hãy từ bỏ"
Bền bỉ là tốt, từ bỏ là xấu - Liệu có luôn đúng?
Từ Bỏ - Quit
(100 lượt)
Chúng ta cho rằng bền bỉ và từ bỏ là hai cực đối lập nhau. Suy cho cùng, chúng ta luôn ở một trong hai tâm thế: quyết chí tiến lên hay từ bỏ hành trình. Bạn không thể làm cả hai cùng lúc, và khi đưa lên bàn cân thì quyết định từ bỏ rõ ràng là thua cuộc.

Bền bỉ là tốt, từ bỏ là xấu.

Lời khuyên của những nhân vật thành công nhất trong lịch sử thường mang cùng một thông điệp cốt lõi sau đây: Cứ một lòng một dạ theo đuổi điều gì đó và bạn sẽ thành công. Như Thomas Edison đã từng nói: “Điểm yếu lớn nhất của chúng ta nằm ở tâm lý muốn bỏ cuộc. Cách chắc chắn nhất để có được thành công là chỉ cần luôn cố gắng thêm một lần nữa”. Một thế kỷ sau, huyền thoại bóng đá Abby Wambach cũng lặp lại ý kiến ấy: “Bạn không chỉ phải có tinh thần cạnh tranh, mà còn phải có khả năng không bao giờ từ bỏ bất kể đối mặt với hoàn cảnh nào đi nữa”. Những lời khuyên truyền cảm hứng như vậy cũng được các nhà vô địch và huấn luyện viên thể thao vĩ đại khác trong lịch sử nhắc đến, như Babe Ruth, Vince Lombardi, Bear Bryant, Jack Nicklaus, Mike Ditka, Walter Payton, Joe Montana và Billie Jean King. Bạn cũng có thể tìm thấy những trích dẫn gần như giống hệt từ các huyền thoại thành công trong kinh doanh qua nhiều thời đại, từ Conrad Hilton, Ted Turner đến Richard Branson.

Bấy nhiêu người nổi tiếng, cùng vô số người khác, đã đồng lòng ủng hộ những biến thể khác nhau của câu nói: “Người từ bỏ không bao giờ thắng cuộc, và người thắng cuộc không bao giờ từ bỏ”. 

Rất hiếm khi ta bắt gặp một trích dẫn nổi tiếng nào ủng hộ quyết định từ bỏ, ngoại trừ câu nói được cho là của danh hài W. C. Fields: “Nếu lần đầu bạn không thành công hãy thử lại và thử lại lần nữa. Rồi từ bỏ. Cứ theo đuổi nó như một tên ngốc thì chẳng có ích gì”.

Fields không phải là một tấm gương mẫu mực. Từ những nhân vật của ông người ta luôn nghĩ về ông như một người thích chè chén, ghét con nít và chó, cố sống lây lất ngoài lề xã hội. Ví dụ về ông chưa đủ “nặng ký” để làm đối trọng của tư tưởng tôn thờ sự bền bỉ... mà thật ra Fields cũng không nói câu đó!

Ai cũng cho rằng một người thành công ở lĩnh vực nào đó tức là họ đã kiên trì theo đuổi nó. Đây là một tuyên bố về sự thật, nó luôn đúng khi ta nhìn lại quá trình phát triển đã qua của họ. Nhưng không có nghĩa là điều ngược lại – rằng nếu kiên trì theo đuổi điều gì đó, bạn ắt sẽ đạt được thành công – cũng đúng.

Khi nói đến tương lai thì đây không phải là một lời khuyên đúng đắn hay hữu ích. Đôi khi, nó có thể mang lại tai họa khôn lường.

Nếu bạn vốn có một giọng hát không hay, thì dù có kiên trì theo đuổi nghiệp hát lâu dài đến đâu, bạn cũng không thể trở thành Adele. Nếu bạn đã năm mươi tuổi mà lại đặt mục tiêu giành huy chương Thế vận hội bộ môn thể dục dụng cụ, thì dù nỗ lực hay bền chí đến đâu, bạn cũng không thể thành công. Nghĩ khác trong trường hợp này là một hành động ngớ ngẩn, chẳng khác nào đọc một bài báo nói rằng các tỷ phú có thói quen thức dậy trước 4 giờ sáng, rồi tưởng tượng rằng mình cũng sẽ trở thành tỷ phú nếu thức dậy trước 4 giờ sáng.

Chúng ta không thể lẫn lộn giữa nhận thức quá khứ với đoán trước tương lai, giống như sự nhập nhằng trong những câu cách ngôn nói trên.

Đôi khi mọi người bám chặt lấy một mục tiêu nào đó mà họ không thành công chỉ vì niềm tin rằng nếu kiên trì đủ lâu, họ chắc chắn sẽ thành công. Đôi khi họ chọn làm như thế vì cho rằng người thắng cuộc không bao giờ từ bỏ. Dù nghĩ theo cách nào thì cũng vẫn có rất nhiều người đang đâm đầu vào ngõ cụt, với tâm trạng bứt rứt vì nghĩ rằng bản thân họ có vấn đề, chứ không phải lời khuyên mà họ đang nhất mực tuân thủ là sai.

Thành công không nằm ở việc bám chặt lấy mục tiêu, mà nằm ở việc lựa chọn mục tiêu đúng đắn để gắn bó và từ bỏ mọi thứ còn lại. 

Khi mọi người xung quanh bảo bạn hãy từ bỏ, hiển nhiên vẫn có khả năng là bạn đang nhìn thấy điều gì đó mà họ không sao hiểu được, thứ cho bạn lý do đúng đắn để kiên trì, ngay cả khi những người khác chối bỏ lý do đó.

Nhưng khi cả thế giới đồng thanh hét lên rằng bạn phải từ bỏ mà bạn vẫn bỏ ngoài tai, thì có khả năng bền bỉ sẽ thành ra dại dột.

Chúng ta từ chối lắng nghe, chúng ta làm vậy quá thường xuyên.

Có lẽ một phần là vì từ bỏ luôn là một khái niệm tiêu cực đối với đa số mọi người. Nếu ai đó gọi bạn là kẻ bỏ cuộc, bạn có xem đó là một lời khen không? Câu trả lời là quá hiển nhiên.

Từ bỏ là thất bại, là thua cuộc, là đầu hàng. Từ bỏ là biểu hiện của sự yếu đuối. Những người từ bỏ là kẻ thua cuộc (dĩ nhiên, ngoại lệ ở đây là khi từ bỏ thói quen xấu như hút thuốc, rượu chè, nghiện ngập hoặc một mối hệ độc hại).

Bản thân ngôn ngữ cũng thiên vị sự bền bỉ, tiếng Anh mô tả những người kiên trì theo đuổi mục tiêu bằng những từ tích cực như dám đương đầu, không nao núng, trước sau như một, cương quyết, dám làm, táo bạo, không nản lòng, gan góc và cứng cỏi. Hoặc nói rằng đó là những người có nghị lực, sự can trường, khí khái, sự ngoan cường, hoặc sự kiên trì.

Ngược lại, hễ nhắc đến những người quyết định từ bỏ, ngay lập tức sẽ xuất hiện những từ mang tính tiêu cực, bộc lộ sắc thái rằng những người bỏ cuộc là kẻ thất bại và không đáng được ngưỡng mộ, như thụt lùi, trẻ con, cam chịu thất bại, trốn chạy, rút lui, trốn tránh trách nhiệm, yếu đuốibất lực. Họ bỏ cuộcbuông tay với mọi thứ, núng thế và dao động. 

Chúng ta coi họ là những người sống không có mục đích, thất thường, hèn nhát, được chăng hay chớ, không kiên định, dễ nản lòng, không thể trông đợi, không thể tin tưởng, thậm chí là không đáng tin cậy. Hoặc ta còn dùng một từ rất lệch lạc về chính trị như những kẻ lật mặt.

Nói như vậy không có nghĩa là không có từ mang thái tiêu cực nào dành cho sự bền bỉ (như cứng nhắc hay ngoan cố), hoặc từ mang sắc thái tích cực dành cho sự từ bỏ (như tỉnh táo hay linh hoạt). Nhưng nếu thử điền những từ vựng mang nghĩa tích cực và tiêu cực cho hai khái niệm này vào một bảng thống kê chia thành bốn ô, bạn sẽ nhận ra ngay rằng chúng thiếu cân đối. 

Sự thiên lệch về sắc thái tích cực khi nói về tính bền bỉ cũng không khác gì sự thiên lệch về sắc thái tiêu cực khi nói về những người quyết định bỏ cuộc. Không như sự bền bỉ (grittiness), không có nhiều từ mang nghĩa tích cực dành cho sự từ bỏ (quittiness), minh chứng rõ ràng nhất là bản thân từ quittiness còn không tồn tại trong từ điển.

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy ngôn ngữ thiên vị sự bền bỉ hơn việc từ bỏ là sự bền bỉ được đồng nghĩa với đức tính anh hùng (heroism). Ngoài ra còn có dũng cảm, gan dạ và không sợ hãi.

Khi hình dung về sự kiên trì, nhất là trong tình huống hiểm nguy, ta sẽ nghĩ đến một người anh hùng, một người đối diện với cái chết, nhìn xuống vực thẳm và vẫn kiên trì trong khi những người khác bỏ cuộc.

Ngược lại, ai từ bỏ sẽ là kẻ hèn nhát.

Trong một thế giới mà hầu hết mọi người đều xem kiên trì là con đường dẫn đến vinh quang và thành công, thì sự bền chí chính là siêu sao. Còn từ bỏ là nhân vật phản diện (một trở ngại cần phải vượt qua), hoặc thường thấy hơn là một nhân vật phụ (chỉ được nhắc tên chung chung ở cuối phim như “Tay sai thứ 3” hoặc “Người lính hèn nhát”).

Bài viết được trích lược từ cuốn Từ bỏ - Quit của tác giả Annie Duke do First News chuyển ngữ phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc thêm về cuốn sách tại đây
Tags: