Kể từ năm 1993, tất cả những bìa sách ấy đều là thành quả của Chip Kidd, một trợ lý mỹ thuật luôn khẳng định rằng mình chẳng có chút phong cách nào, nhưng lại sở hữu bàn tay vàng của ông vua Midas. Chip Kidd cũng chính là người đứng phía sau nhiều thiết kế bìa sách mang tính biểu tượng trên toàn thế giới, mà điển hình là Jurassic Park và Superman.
Nhưng đối với ông, những câu chuyện của Haruki Murakami luôn giữ một vị trí hết sức đặc biệt. Trong suốt 25 năm cộng tác cùng nhau, giữa hai người đã hình thành nên một tình bạn thân thiết. Khi nhắc đến Murakami, Kidd ví von ông như một "Clark Kent phiên bản Nhật", vì sở hữu một phong thái rất dịu dàng, nhưng hành động lại cực kỳ mạnh mẽ.
Trong quá trình thiết kế các bìa sách của nhà văn người Nhật, Kidd có thiên hướng đi theo trực giác và cảm hứng của bản thân. Điều này khá mạo hiểm: Đôi khi ý tưởng đến nhanh như chớp, nhưng nhiều lúc ông cũng phải vật lộn để tìm nguồn cảm hứng cho mình. Trong bài viết này, hãy cùng Chip Kidd đi ngược lại dòng thời gian, để tìm hiểu câu chuyên phía sau những bìa sách cộp mác Murakami đã làm nên thương hiệu:
Con voi biến mất (1993)
Với bìa sách Con voi biến mất, tôi dĩ nhiên muốn thể hiện cho người đọc hình ảnh của một chú voi, nhưng lại không muốn một chú voi thực sự. Vì đó là bản chất của câu chuyện, và vì sự thực rằng chú voi đó đã biến mất. Cuối cùng, tôi quyết định tạo nên hình ảnh con voi từ hình ảnh của những thùng dầu. Thú thực là vào lúc đó, tôi cũng không hoàn toàn chắc chắn về những gì mà tiềm thức của mình đang liên tưởng.
Kể từ khi chỉ là một chú bé con, tôi đã có niềm hứng thú đặc biệt với Nhật Bản và manga nhưng chưa từng đọc một cuốn tiểu thuyết đương đại nào của đất nước này. Tôi rất thích góc nhìn của Murakami về Nhật Bản, nó vừa có tính hiện thực, nhưng lại có cả nét siêu thực trong đó. Nhìn lại bìa sách đã vài chục năm tuổi này, tôi mới nhận ra một điều rằng nó hoàn toàn chẳng có gì khiến cho người ta gợi nhớ về nước Nhật. Rất nhiều cuốn sách sau này mà tôi cộng tác với Murakami phảng phất một chút phong vị của xứ phù tang, nhưng cuốn sách này lại không như thế. Tôi rất vui vì mình đã thiết kế nên nó, nhưng nếu có cơ hội được làm lại Con voi biến mất, tôi chắc chắn sẽ không làm như xưa.”
Biên niên ký chim vặn dây cót (1997)
Bây giờ ngẫm lại, tôi cảm thấy thiết kế của Biên niên ký chim vặn dây cót khá tương đồng với Con voi biến mất, khi đều lấy cảm hứng từ những con vật làm bằng máy móc. Nhưng với cuốn sách này, tôi đã có một cách tiếp cận khác hẳn. Trong cuốn sách này của Murakami, nhân vật chính cứ liên tục nghe thấy tiếng kêu của con vật mà anh ta nghĩ là con chim vặn dây cót, nhưng anh ta chưa bao giờ thực sự nhìn thấy nó. Vậy nên tôi đã tới một cửa hàng đồ chơi ở LA, và nhờ cộng sự của mình chụp ảnh nó. Con chim đồ chơi đó rất nhỏ, nhưng cũng vì thế mà nó lại giúp tôi tuân theo đúng nguyên tắc cốt yếu trong thiết kế: Phóng to những thứ có kích cỡ tí hon sẽ thu hút sự chú ý của người xem, và hình ảnh sẽ trở thành gần như trừu tượng.
Sau đó, tôi nhờ sự hỗ trợ của Chris Ware, một tiểu thuyết gia hình ảnh phủ lên bức hình chụp được một lớp màng kim loại để tạo hiệu ứng ánh lên - cũng là một phép ẩn dụ về tiếng kêu chiêm chiếm của con chim (ít nhất với tôi là vậy). Ware cũng là người giúp tôi tưởng tượng cấu trúc của một con chim bằng máy để minh họa phần bìa trong. Khi bạn gỡ phần bìa rời bên ngoài cuốn sách ra, cũng là lúc bạn được tiếp cận với những bộ phận làm nên con chim ấy.
Nếu cho tôi được làm lại, không đời nào tôi lại thiết kế nên một tấm bìa như thế, vì cái tên Haruki Murakami quá nhỏ. Yếu tố quan trọng nhất trên mỗi cuốn sách của ông giờ đây không là gì khác, ngoài cái tên.”
Người tình Sputnik (2001)
Sử dụng một bức tranh minh họa của Nhật từ những năm 60, tôi muốn bìa sách của mình vừa màu sắc, lại vừa mang dấu ấn văn hóa của đất nước này. Mặc dù đây cũng là phong cách xuyên suốt của những trang bìa cộp mác Murakami, nhưng tôi không hề muốn bản thân mình lặp lại những thiết kế cũ mà mình từng thực hiện. Tôi luôn cố mang một tâm thế mới vào mỗi thiết kế của mình, bởi tôi biết Murakami cũng vậy.”
Kafka bên bờ biển (2005)
Tôi muốn có một phông nền đằng sau nhân vật, nên đã tạo ra hình ảnh của một bờ biển giả (thực chất là một tấm kính bị nhòa nét). Tổng thể tấm bìa tạo cho người nhìn một cảm giác bình lặng, nhưng đâu đó vẫn có chút khó chịu và kỳ dị, thậm chí là nguy hiểm. Với phần tiêu đề, tôi sử dụng một mánh cũ: sắp chữ theo đường vòng cung, khiến cho nhận thức của người đọc bị biến đổi và tạo ra cảm giác bất định. Mối liên hệ giữa phần hình và phần chữ có phần hơi mơ hồ và bí ẩn, nhưng khi kết hợp cùng nhau, chúng tạo cho tôi một ý tưởng hoàn toàn mới - cũng là điều mà tôi cực kỳ coi trọng.
Dù nằm trong chủ đề của tác phẩm nhưng tôi không muốn hình ảnh con mèo đập ngay vào mắt người đọc khi nhặt cuốn sách lên, nên đã chuyển nó sang bìa sau.”
Sau nửa đêm (2007)
Những sọc kính mờ như che phủ những gì thực sự đang ở bên trong, tạo cho ta một cảm giác bí ẩn và phần nào lạc hướng - đúng với những gì tôi muốn truyền tải. Một bìa sách xuất sắc phải là một hình ảnh khiến cho bạn phải tự hỏi có gì nằm phía sau nó, và khiến bạn muốn mở cuốn sách ra để xem nó thực sự nói gì.”
1Q84 (2011)
Câu chuyện của 1Q84 là sự hòa quyện của nhiều mạch truyện khác nhau, và nhân vật Aomame này tin rằng cô ta đang sống trong một thực tại song song. Mới đầu, tôi đã muốn phần bìa lót là hình ảnh của thành phố Tokyo lúc về đêm, nhưng nó quá bận rộn và sống động (ND: ý Kidd là bức hình đã quá nhiều chi tiết nên khi thiết kế bìa chồng sẽ rất rối mắt) nên cuối cùng chỉ lựa chọn một bức hình chân dung. Nghe có vẻ hơi “sáo”, nhưng hình ảnh một gương mặt chẳng bao giờ là lựa chọn sai lầm. Sau khi cuốn sách được ra mắt, có một vài tranh cãi về việc liệu cô gái trong bức hình có phải là Aomame ngoài đời thực không, nhưng đây chỉ là một bức hình minh họa mà thôi.
Cuốn sách này mang trong mình chút âm hưởng của Người tình Sputnik - với một gương mặt đối xứng ở bìa sau. Tôi biết các thiết kế của mình có những sự trùng lặp, nhưng nếu xem xét nó trên góc độ mỹ học, tôi nghĩ rằng ngoại hình của 1Q84 xuất sắc hơn tiền nhiệm của nó rất nhiều.”
Tsukuru Tazaki không màu và những năm tháng hành hương (2013)
Bốn người bạn trong nhóm này đều sở hữu những cái tên mang ý nghĩa màu sắc - Đỏ, Xanh, Trắng và Đen. Nhưng người thứ năm - cũng là nhân vật chính thì không như vậy. Cậu được gọi là Không màu và bị những người kia cho ra rìa mà bản thân không hiểu tại sao. Và cuốn sách này chính là hành trình đi tìm câu trả lời cho điều đó.
Bìa sách sử dụng hiệu ứng khoét cắt: Ở bìa ngoài, nó cho ta thấy hình ảnh của một bàn tay, nhưng khi gỡ phần bìa rời ra, bạn sẽ thấy những ngón tay thực chất là bốn đường ray tàu hỏa, còn đường thứ năm - cũng là đường không màu - đang đâm xiên vào những đường còn lại. Và đó cũng là những gì xảy ra trong cuốn sách, khi anh chàng Không màu đi tìm lại những người bạn kia để hiểu tại sao họ lại đối xử với mình như thế.
Một trong những điểm tôi yêu thích ở bìa sách này là hình ảnh những đường ray tàu xuất hiện ở mọi nơi trong cuốn sách: từ bìa trước, bìa sau tới phần gáy. Tôi đặc biệt tâm đắc phần “cửa sổ” (ND: ô vuông bằng nhựa trong) nằm trên gáy sách. Mang lại cho độc giả một cảm giác về không gian đa chiều là dụng ý của tôi khi thiết kế cuốn sách này, và giờ đây nhìn lại, sự trừu tượng của Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương mới thật tuyệt vời làm sao.
Dẫu cho trông nó thật lạ kỳ, các độc giả không phản hồi tiêu cực gì về nó. Cuốn sách đã dành vị trí đầu bảng ngay từ khi ra mắt trên bảng xếp hạng New York Times Best sellers, và tôi lấy đó làm tự hào bởi chừng nào tôi còn làm công việc của một gã thiết kế, thì đây vẫn là cuốn sách No.1 có vẻ ngoài kỳ dị nhất mà tôi từng thấy.”
Tạm kết
Và với tư cách là một họa sỹ thiết kế, Chip Kidd đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Như Murakami từng nói, cái cảm giác mà người ta có được khi nhìn vào những bìa sách thuộc hàng biểu tượng của Kidd, cũng chính là lời mô tả chuẩn xác nhất mà người ta có thể nói về văn chương của ông - một cảm giác vừa lạc lõng, vừa ấm cúng, mà không ai trên thế giới này có thể copy.
Theo Vulture
Vân Anh (biên dịch)