“Trà hoa nữ” (La Dame aux camélias) là một tác phẩm văn học thuộc hàng kinh điển của nền văn chương Pháp và không xa lạ với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Đây là tác phẩm đầu tay của nhà văn 24 tuổi - nhà soạn kịch Alexandre Dumas con (1824 - 1895), sở dĩ có chữ “con” kèm theo là vì ông có một người cha cùng tên, đồng thời cũng là một đại văn hào với các danh tác như “Ba chàng lính ngự lâm”, “Bá tước Monte Cristo”.
Dumas con từng bày tỏ rằng: “Tôi không thể tạo ra các nhân vật văn học khi chưa hiểu rõ về họ trong đời thực”. Và có lẽ, Trà hoa nữ được tạo nên bởi khởi nguồn từ mối tình của chính tác giả với một cô gái làm nghề kỹ nữ tên Marie Duplessis. Để rồi nó được thi vị hóa thành bản tình ca đầy xót xa nhưng cũng tuyệt đẹp giữa nàng Marguerite Gautier và chàng Armand Duval.
Một tình yêu nảy nở bất chấp địa vị
Marguerite Gautier là một nàng kỹ nữ vô cùng xinh đẹp đến nỗi ai lần đầu gặp nàng cũng không khỏi bật lên những rung động trong hồn mình, mỗi khi nàng xuất hiện trong nhà hát, từ khán giả cho đến cả diễn viên trên sân khấu đều phải thơ thẩn ngắm nhìn nàng. Marguerite được người đời gọi bằng cái biệt danh “Trà hoa nữ”, bởi nàng luôn gắn mình với hoa trà; trong một tháng, 25 ngày hoa trà màu trắng và 5 ngày màu đỏ với ngụ ý không thể tiếp khách. Còn Armand là một nhà tư sản trẻ tuổi, có bằng luật sư nhưng cất trong ngăn kéo và sống một đời sống nhàn rỗi theo phong cách ở Paris lúc bấy giờ.
Marguerite đã hớp hồn Armand ngay từ giây phút đầu tiên chàng nhìn thấy nàng và còn chưa rõ cô gái ấy là ai, thế rồi chàng trai này quyết tâm theo đuổi một kỹ nữ với vẻ ngoài hào nhoáng trong khi bản thân không phải là một đại gia để trở thành người tình của Trà hoa nữ. Vậy điều gì Armand có mà chinh phục được Trà hoa nữ nếu đó không phải là quyền năng từ của cải và danh vọng? Trước khi trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần lưu ý rằng những cô gái làm kỹ nữ không buôn bán ái tình, họ chỉ bán những cảm xúc dễ chịu và đóng vai người tình với người bỏ ra một số tiền xứng đáng mà thôi. Hơn nữa, kỹ nữ là người đã bị thể xác che mờ tâm hồn, những hoan lạc của đời sống ấy đã làm cho họ quên thế nào là tình yêu. Vì vậy, các nàng ấy đã cất tình yêu vào trong sâu thẳm hồn mình và chỉ đến khi có một chàng trai nào đến với một niềm yêu thuần khiết thì mới mở được khóa và có trọn linh hồn nàng kỹ nữ.
Armand là người duy nhất làm cho hạt giống tình yêu nảy mầm nơi Trà hoa nữ, bởi vì chàng đã vô cùng xúc động với tình cảm thành thật khi thấy Marguerite bệnh. Duy chỉ có chàng mới không bỏ đi khi thấy nàng ho ra máu và cầm tay nàng với ánh mắt lo âu đến tột độ, cũng chỉ có chàng luôn hỏi thăm sức khỏe nàng những ngày sau đó. Và phải biết rằng chàng sẵn sàng trở thành người chăm sóc trong những giây phút cơn bệnh hành hạ nàng nếu như được nàng cho phép.
Vì lẽ đó Marguerite biết rằng đây là người đàn ông mà mình có thể trao thân gửi phận với một tấm lòng trong sáng không một chút toan tính và lý do gì để chối từ một hạnh phúc quá đỗi chân thật. Tuy nhiên, Marguerite là Trà hoa nữ, là một nàng kỹ nữ, mà một cô gái coi đây là nghề của mình thì có ba hay bốn nhân tình cũng không có gì lạ. Bởi vì, một kỹ nữ thường có nhiều nợ nần, ngoài việc sống với những nhu cầu sinh hoạt cơ bản, còn phải có một lối sống sang trọng, xa hoa - đó là điều làm nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn đối với những ông bá tước. Nên để trang trải, các kỹ nữ bắt buộc phải có nhiều nhân tình và cũng vì chẳng có riêng một ai đáp ứng nổi những ham muốn bất tận của họ.
Nhưng điều này đã khiến chàng Armand sinh lòng ghen tuông, ngờ vực về tình yêu mà Marguerite trao cho anh, dù chỉ có anh mới được nàng cho chìa khóa nhà. Marguerite không bao giờ về nhà trước 11h đêm - có quy tắc này là vì nàng thường đi xem hát, xem kịch, tham dự những buổi tiệc tùng khiêu vũ với một nhân tình nào đó. Armand không đồng tình với cách nàng tiếp tục đời sống kỹ nữ, qua lại với nhiều đàn ông trong khi đã yêu anh. Nào là ông quận công xem nàng như hình ảnh con gái mình, ông bá tước N và bá tước G không ngừng chi tiền để mong nàng đáp lại dù chỉ là một bữa tối cùng ăn với nhau.
Armand dù đã được nàng giải thích nhưng vẫn tiếp tục hờn ghen, đúng là con người ta khi yêu dường như chỉ muốn người kia là của riêng mình mà thôi. Có mấy ai trên đời mà vui cảnh vợ chung, chồng chung? Một lần nữa, Armand thể hiện cái dỗi của mình bằng một lá thư với nội dung muốn đoạn tuyệt với Marguerite dù hai người chỉ mới yêu nhau có hai ngày. Rồi ngay sau khi thư được gửi đi, Armand rơi vào tự trách, chờ đợi sự phản hồi từ nàng, sẵn sàng quỳ xuống chân nàng xin lỗi. Và khi biết được nàng Marguerite yêu mình thật sự, hai người giãi bày với nhau về nỗi lòng mình. Đây là một bước khởi đầu mới cho chuyện tình của họ.
Tình yêu có đủ sức mạnh để chiến thắng ham muốn xa hoa và lòng tự tôn của con người
Marguerite và Arnmand quyết định rời khỏi Paris phồn hoa và đầy cám dỗ, để về thôn quê thuê một căn nhà (bằng tiền của ông quận công - người xem nàng như con gái) và sống những ngày yên bình, êm ả, phù hợp với thể trạng không được khỏe của nàng. Nhưng hiện thực đầy phũ phàng, không gì là dễ dàng đối với ai muốn có hạnh phúc. Marguerite - Trà hoa nữ đã quen với lối sống kỹ nữ, xuất hiện tâm trạng buồn chán khi xa ánh sáng nơi kinh kỳ, vắng âm thanh của những buổi tiệc, cuộc sống thôn quê không khỏi khiến nàng thấy tẻ nhạt. Nàng cố tìm lại niềm vui bằng cách tổ chức những buổi tiệc cùng các cô bạn gái, nhưng sau đó có một sự chuyển biến mạnh mẽ nơi Marguerite.
Nàng thấy rằng niềm vui thật sự của mình không nằm ở Paris, không phải do những người đàn ông khác mang đến, mà là ở ngay miền quê này và bên cạnh người thương là Armand. Vì vậy, nàng từ bỏ hoàn toàn lối sống của một kỹ nữ, sẵn sàng rũ bỏ quá khứ một cách dứt khoát, lật cuốn sách cuộc đời sang trang mới để viết lên những điều tuyệt đẹp thay vì chôn vùi xác thân trong những khoái lạc chẳng bền lâu và u tối. Nhưng khi nàng từ bỏ nghề kỹ nữ thì cũng đồng nghĩa với việc mất đi những khoản trợ cấp từ các ông bá tước. Còn Armand hiện không có nghề chính thức, hai người sẽ làm sao để sống đây? Rõ ràng, vật chất quyết định ý thức! Người ta có thể mơ mộng về túp lều lý tưởng hai trái tim vàng, nhưng thực tế sẽ làm họ tỉnh mộng vì khó mà hạnh phúc khi đói ăn, đói mặc. Chỉ tình yêu thôi thì liệu có đủ để hai người vui sống cùng nhau? Chắc là không, người ta không thể ôm nhau cùng chết đói và vẫn tỏ vẻ như mình rất hạnh phúc vì điều đó.
Marguerite và Armand không ngừng lo lắng về tương lai. Chàng có đôi lúc mặc cảm vì tài chính bản thân và bằng nhiều cách với mong muốn duy trì cho Marguerite một đời sống hào nhoáng như trước. Nhưng nàng nào có muốn thế, bởi Marguerite bây giờ chỉ muốn sống giản dị như bao cô gái bình thường khác, cảm thấy quá khứ không có gì phải luyến tiếc. Thà sống bên cạnh Armand mà hạnh phúc còn hơn quay về kiếp sống mà nàng nhận ra đầy tội lỗi. Marguerite đã bán đi xe ngựa, những chiếc áo đắt tiền và trang sức của mình để sinh hoạt hàng ngày, nàng không hề sử dụng hay mở lời xin tiền của Armand. Điều gì đã cảm hóa và thay đổi một nàng kỹ nữ nổi danh ở Paris với cái tên “Trà hoa nữ” để giờ đây nàng thốt lên rằng: “Chỉ có thể có một hạnh phúc, đó là tìm được một người đàn ông khá cao thượng để đừng tra hỏi em về trách nhiệm đối với cuộc đời em, và trở thành người tình của tâm hồn hơn là của thân thể em”. Mỗi ngày, nàng đi bộ cùng Armand, về nhà chơi nhạc, đọc vài trang sách, sức khỏe nàng cải thiện rõ rệt về thể chất lẫn tinh thần.
Định kiến xã hội chia rẽ một tình yêu thủy chung
Nhưng chao ôi, cuộc đời vốn công bằng nên nào có để yên cho ai hạnh phúc quá lâu mà không gửi đến một vài bất hạnh để thử thách và kiểm tra tâm hồn họ. Tin tức lan truyền, nàng Trà hoa nữ khép lại đời sống kỹ nữ để sống bên cạnh người tình là chàng trai trẻ Armand. Và tin đó cũng đến tai cha của Armand. Ông tức tốc lên Paris tìm con và gặp anh để nói chuyện, anh kiên quyết bảo vệ tình yêu của đời mình, không đồng ý lời khuyên của cha về việc từ bỏ mối tình mà ông cho là không có gì tốt đẹp. Thấy không thể lay chuyển con trai, ông nghĩ ra một cách: bí mật gặp gỡ Marguerite.
Đó là một cuộc gặp gỡ đầy thú vị bởi sự chua chát của cuộc đời, cha anh Armand đã dùng những lời lẽ không tôn trọng đối với Marguerite. Nhưng khi biết được những việc nàng làm từ khi yêu con trai mình, ông đã thật sự xúc động, cô gái này là một kỹ nữ nhưng đến với con mình không vì tài sản, danh vọng, mà bằng một tình yêu trong sáng nhất có thể. Tuy nhiên, thật đớn đau thay dù thông cảm nhưng ông vẫn khẳng định rằng xã hội sẽ không bao giờ tha thứ cho cô. Trời ơi! Định kiến của xã hội là cái gì, mặt mũi nó ra làm sao mà nó lại có uy quyền dập tắt một tình yêu chướm nở chưa bao lâu? Người ta sao lại có thể sẵn sàng độc ác khi khinh bỉ, chà đạp và không cho một cơ hội nào để cô gái trót là kỹ nữ có thể làm lại cuộc đời. Đôi khi họ tước bỏ cái quyền được sống, quyền làm người chứ chưa nói gì đến quyền được yêu của một cô gái bán hoa. Tôi bỗng chợt nhớ đến lời của cô Hương - nhân vật trong tuồng cải lương Nửa đời hương phấn, cô cũng là kỹ nữ: “Tôi vừa ngoi lên, rồi bị người ta đạp đầu xuống; tôi từ bóng tối bước ra ánh sáng, người ta xô tôi trở lại; tôi biết gương mặt tôi lem luốc, tôi muốn rửa mặt mà người ta bưng thau nước đổ đi”.
Cha Armand bảo rằng ông không thể chấp nhận một người con gái có xuất thân là một cô gái giang hồ về làm vợ con trai ông, vì điều ấy sẽ làm ô nhục cho dòng họ nhà anh. Hơn nữa, Armand còn một người em gái, cô ấy sắp dựng vợ gả chồng với một chàng trai là con một gia đình danh giá. Vì vậy, ông van xin cô, nếu thật sự yêu Armand, hãy làm một người cao thượng, hy sinh tình yêu của mình để cho tương lai của người cô yêu được xán lạn, gia đình anh vẫn giữ được tiếng sạch trong, em gái có được bến đỗ êm ấm. Người đời thường nghĩ rằng kỹ nữ là loại không có danh dự, không trí tuệ, không tình yêu, nhưng họ đã lầm nếu đem đánh giá đó gán cho Marguerite. Bởi nàng, khác tất cả cô gái khác làm nghề này, nàng đã thật sự biết yêu và vì thế, sẵn sàng nhận lãnh phần đau khổ để người mình yêu được hạnh phúc. Đó là sự cao thượng của một nàng kỹ nữ khi nàng hiểu thế nào là hạnh phúc chân thật. Và tình yêu là sức mạnh cải tạo tâm hồn nàng, ban thêm cho nàng vẻ đẹp không gì sánh bằng. Khi con người yêu một cách trong sáng, linh hồn họ được thuần khiết hóa và tràn đầy những phẩm hạnh đáng ngưỡng mộ.
Marguerite rời xa Armand mà không một lời giải thích, còn Armand từ đỉnh cao hạnh phúc rơi xuống vực thẳm khổ đau trở nên ngờ vực chính tình yêu của mình, lòng chàng bị xâm chiếm bởi những ý nghĩ ghen tuông và thù hận. Chàng ra sức trả thù nàng để rồi đau đớn đến tột độ khi trở về Paris cũng là lúc người yêu - Marguerite đã giã từ cuộc đời bởi căn bệnh mà quá khứ kỹ nữ đem lại cho nàng và những giày vò, đau đớn đến nghẹn ngào khi xa Armand. Người ta không còn quan tâm nàng là Trà hoa nữ, mà chỉ mong nàng mau chóng chết đi để bán đấu giá tài sản và thu lại những gì nàng đã vay. Ai sẽ còn nhớ và yêu thương một kỹ nữ từng một thời vàng son, giờ đây bị bao vây bởi bạo bệnh và bất hạnh?
Khép lại một chuyện tình dường như đầy thị phi trong mắt người đời, nhưng thật ra lại vô cùng cao cả và đáng để bất cứ một người nào với lòng trắc ẩn không khỏi ngưỡng mộ và xúc động. Hình ảnh nàng Marguerite và chàng Armand là một biểu hiện của sự khát khao được sống và được yêu, là một lời khẳng định về vẻ đẹp của tâm hồn thiện lương và cổ vũ tinh thần vượt lên nghịch cảnh của số phận. Loài người sẽ không thể tồn tại nữa nếu một sáng mai nào thế giới không còn tình yêu!
Và mong rằng mỗi người chúng ta hãy học cách khoan dung với chính mình để bản thân được thay đổi tốt hơn mà không bị quá khứ chưa đẹp giam hãm, khoan dung với người khác để lòng nhân ái nơi ta ngày càng rộng lớn hơn. Xóa bỏ định kiến ác nghiệt, nhìn nhau bằng mắt thương và môi cười, như Dumas con viết: “Thiên đường sẽ vui sướng trước sự hối cải của một người tội lỗi còn hơn cả khi tiếp nhận một trăm người lương thiện không hề phạm tội bao giờ. Chúng ta hãy nỗ lực làm cho thiên đường vui hơn và chắc chắn chúng ta sẽ được đền bù xứng đáng. Hãy để lại trên những ngã đường chúng ta đi lòng khoan hồng cho tất cả những kẻ mà dục vọng cõi đời đã làm hư hỏng. Và có thể họ sẽ may mắn được cứu thoát bởi một hi vọng thiêng liêng”.
Dẫu kết cục đong đầy nước mắt của chàng Armand và có thể của một độc giả nào đó, nhưng bạn có thấy hạnh phúc của nàng Marguerite là gì không?
Huỳnh Nguyên Phát