Hạnh phúc của bạn có đang bị đem ra kinh doanh không?
Hạnh phúc của bạn có đang bị đem ra kinh doanh không?
Nền hạnh phúc quốc dân chuẩn ... tư bản chủ nghĩa: Dối lừa, chỉ có dối lừa

 

Trên đời này ai cũng muốn được hạnh phúc. Nhưng những yếu tố làm nên hạnh phúc vẫn là vấn đề các nhà tư tưởng đang tranh cãi không dứt và có thể sẽ chẳng bao giờ đi đến được kết luận thống nhất. Liệu hạnh phúc có hoàn toàn là một cảm xúc chủ quan, hay nó có thể được đo lường theo một cách nào đó? Liệu bạn có thể hạnh phúc mà hoàn toàn không nhận thức được điều đó? Có phải bạn chỉ có thể hạnh phúc khi không nhận thức được? Liệu có thể có cách nào thuyết phục một người rằng họ đang hạnh phúc dù thực tế là họ đang túng quẫn khốn cùng? 

Ngày nay, quan niệm về hạnh phúc dường như đã không còn là chuyện của từng cá nhân. Trong The happiness industry, tác giả William Davies chỉ ra rằng hiện nay một số lượng lớn các công ty đang tìm kiếm các “Trưởng Phòng Hạnh Phúc”, trong đó ở Google, họ luôn có một "Đồng nghiệp vui nhộn" để giữ cho tinh thần của công ty luôn đi lên. Có lẽ Ngân hàng Anh cũng nên xem xét việc thuê một anh hề. Các chuyên gia tư vấn hạnh phúc tiến hành làm công tác tư tưởng cho những người đã bị buộc phải di dời khỏi nhà trong diện qui hoạch để họ vui vẻ mà đi.

Hay như hai năm trước, hãng hàng không British Airways đã thử nghiệm sử dụng những chiếc "chăn hạnh phúc" trên các chuyến bay của mình. Chiếc chăn này có thể chuyển từ màu đỏ sang màu xanh khi các hành khách có tâm trạng thoải mái và hài lòng, điều này đã cho phép các tiếp viên hàng không trên chuyến bay dễ dàng quan sát những trải nghiệm của từng hành khách khi bay. Hiện nay một loại thuốc mới có tên gọi Wellbutrin ra đời hứa hẹn sẽ làm giảm bớt các triệu chứng trầm cảm xuất hiện khi một người mất đi người thân. Loại thuốc này được kiểm nghiệm rằng hoạt động rất hiệu quả đến nỗi Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ tuyên bố rằng nếu một người đau khổ kéo dài hơn hai tuần sau cái chết của một người khác có thể được coi là mắc bệnh tâm thần. Có thể thấy, sự ra đi của người thân trở thành một mối nguy hại đối với tâm lí con người.

Trong thời đại ngày nay, người ta quan niệm hạnh phúc đã trở thành chuyện của chung, trong hoàn cảnh sự sầu muộn đang lan tỏa trên phạm vi toàn cầu. Khoảng một phần ba người Mỹ trưởng thành và gần một nửa dân số Anh chia sẻ rằng đôi khi họ cảm thấy chán nản. Mặc dù vậy, hơn nửa thế kỷ sau khi tìm ra thuốc chống trầm cảm, không ai thực sự biết nó hoạt động như thế nào.

Việc gắng gượng làm những việc quá tầm có thể tăng cao nguy cơ mắc bệnh tim. (Trong khi đó, làm việc theo mô hình hợp tác tốt cho sức khỏe của bạn hơn.) Ngoài ra, có thể nói việc “thắt lưng buộc bụng” đã khiến cho con người dễ mắc bệnh và làm tăng số lượng người tử vong. Tại những đất nước có khoảng cách giàu nghèo quá cao như Mỹ hay Anh, các vấn đề sức khỏe tâm thần ở người dân nhiều hơn so với các nước mọi người sàn sàn nhau như Thụy Điển. Theo ước tính, bệnh tật, trốn việc hay có mặt chỉ để tính công khiên nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 550 tỷ đô la mỗi năm.

Sự cạnh tranh có thể là khởi đầu của các bệnh về thần kinh với cả người thắng lẫn người thua, nhất là đối với các ngôi sao thể thao. Mặc dù có trường hợp ngoại lệ như Donald Trump, nhưng bạn càng theo đuổi tiền bạc, địa vị và quyền lực, bạn càng cảm thấy nó cũng chẳng đáng để bạn cố gắng hết mình đến thế. Trong nền văn hóa lạc quan thái quá, người Mỹ có xu hướng đánh giá thấp sự thất vọng của mình, trong khi đó ở Pháp, người ta quan niệm rằng hạnh phúc rất giản dị nên thường không chia sẻ gì nhiều.

Hạnh phúc rất tốt cho nền kinh tế. Một công nhân vui tính làm việc năng suất hơn 12%. Do đó, ngành khoa học nghiên cứu cảm xúc con người - hay còn được gọi là giám sát, quản lí và chi phối cảm xúc - là một trong những ngành được phát triển nhanh nhất. Nghiên cứu thị trường mua sắm cũng tương tự. Hiện nay người ta sử dụng các chương trình rà soát cảm xúc trên khuôn mặt để biết được trạng thái cảm xúc của khách hàng. Ánh mắt càng rạng ngời càng khẳng định khách hàng đang chuẩn bị khởi động “nút mua sắm” trong não bộ.

Ngoài nguyên nhân xã hội, tâm lý học cũng đóng góp một phần của hạnh phúc. Sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, một số nhà tâm lý học kết luận rằng vấn đề không xuất phát từ các ngân hàng mà ở chính bộ não chúng ta. Wall Street đã đau đầu vì chất dẫn truyền thần kinh. Ở thương nhân có quá nhiều testosterone và trong máu các ông chủ ngân hàng phát hiện lượng cocaine cao. Một loại thuốc hứa hẹn giúp người ta đưa ra quyết định tốt hơn đã được phát triển dựa trên hình ảnh quét não bộ của các thương nhân.

Điều quan trọng trong thế giới tự mãn của chủ nghĩa tư bản không phải là điều bạn nghĩ hoặc làm mà là bạn cảm thấy như thế nào. Và vì người ta không thể lên tiếng tranh cãi về việc bạn cảm thấy thế nào, nên chủ đề này đã được loại khỏi mọi cuộc tranh biện. Cả đàn ông lẫn phụ nữ giờ đều có thể liên tục kiểm soát trạng thái cảm xúc của mình thông qua các ứng dụng theo dõi sự thay đổi tâm trạng của họ. Tính tàn bạo, độc đoán của chủ nghĩa tư bản cũ đã thai nghén ra sự ám ảnh về bản thân của chủ nghĩa tư bản kiểu mới. 

Điều mà Davies nhận ra là chủ nghĩa tư bản đang có xu hướng hợp nhất mọi phê phán. 

 

Những điều từng bị hoài nghi như cảm xúc, tình bạn, tính sáng tạo, trách nhiệm đạo đức giờ đều được áp dụng với mục đích tối đa hóa lợi nhuận.

 

 

Một nhà bình luận thậm chí đã tranh luận về việc các nhà sản xuất mang sản phẩm miễn phí tới khách hàng nhằm thu hẹp khoảng cách với khách hàng. Một số doanh nghiệp tăng lương cho nhân viên của mình như là một món quà, với hy vọng nhân viên biết ơn và nỗ lực nhiều hơn. Dường như không có gì mà không thể trở thành công cụ. Tuy nhiên, hạnh phúc chỉ là một kết quả, chứ không phải là một phương tiện để có quyền lực, giàu có hay địa vị. Từ Aristotle và Aquinas đến Hegel và Marx, con đường mà con người tự hoàn thành ước nguyện của mình xuất phát từ thực hành đức hạnh, và điều này xảy ra hoàn toàn vì con người theo đuổi hạnh phúc. Làm thế nào để được hạnh phúc là vấn đề chính mà đạo đức học giải quyết, nhưng "Tại sao phải hạnh phúc?" rõ ràng đang là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Tư tưởng truyền thống không tách rời hạnh phúc khỏi hoàn cảnh vật chất. Người ta chỉ có thể phát đạt trong điều kiện xã hội nào đó. Hạnh phúc ràng buộc hành động của chúng ta, chứ không đơn thuần là một trạng thái tinh thần. Một người nô lệ thường xuyên bị đánh đập đến thâm tím mình mẩy vẫn có thể tuyên bố rằng mình ở trạng thái hạnh phúc, nhưng điều này có lẽ là bởi vì ông ta không nhận thức được trạng thái nào khác cả. Theo quan niệm này, hạnh phúc không hoàn toàn chủ quan. Bạn có thể tự lừa dối bản thân rằng mình đang hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu coi hạnh phúc là tổ hợp của nhiều thứ tồn tại trong não bộ thì nó sẽ mang tính khách quan

 

Tiền không mua được hạnh phúc ư? Đó chỉ là suy nghĩ hão huyền - Ruth Whippman

 

Hạnh phúc đối với các nhà nghiên cứu thị trường và nhà tâm lý học doanh nghiệp là cảm giác hài lòng. Nhưng dường như hàng triệu cá nhân không cảm thấy hài lòng, và không có khả năng bị dỗ ngọt bởi công nghệ kiểm soát tâm trí khiến họ làm việc nhiều hơn hoặc tiêu tiền nhiều hơn. Bạn không thể đạt hạnh phúc thực sự nếu bạn là nạn nhân của bất công, sự bóc lột, đó là những gì các chuyên gia công nghệ có xu hướng bỏ qua. Và chính điều đó là lý do tại sao, khi Aristotle nói về môn khoa học nghiên cứu hạnh phúc, ông gọi nó bằng cái tên “chính trị”. Vấn đề này ít được các nhà khoa học thần kinh, các thiên tài quảng cáo và thương gia quan tâm, cũng vì thế mà nhiều công trình của họ không đánh đúng vấn đề

Trạm Đọc

Theo Guardian