Trong phần chủ đề “In và phát hành sách Việt Nam - Tầm nhìn và định hướng phát triển” có hai tham luận đáng chú ý.
Là mô hình điển hình trong lĩnh vực phát hành sách trong những năm gần đây, ông Lê Hoàng – Giám đốc Công ty Đường sách TP HCM, cho biết sau 6 năm hoạt động, đường sách TP HCM đã trở thành không gian văn hóa đọc tiêu biểu tại HCM. Hàng ngày, Đường sách thu hút 2000- 3000 người đến tham quan mua sách, lúc cao điểm có cả vạn người tham dự. Về sự kiện trung bình Đường sách có 1 sự kiện/ ngày; là mô hình hoạt động được nhiều tỉnh thành trên cả nước mong muốn học tập và phát triển tại địa phương. Để phát triển hiệu quả mô hình này ông Lê Hoàng đề xuất Bộ TT&TT và Cục Xuất bản tổ chức một hội thảo về chủ đề xây dựng đường sách để các đơn vị tham dự cùng thảo luận, thống nhất mô hình, chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books, chia sẻ tầm nhìn xây dựng hệ sinh thái của công ty. Bên cạnh các đơn vị sản xuất nội dung, Alpha Books còn có thêm Delta Platform là đơn vị đảm nhiệm việc phát triển hệ thống phát hành, hệ sinh thái văn hóa đọc toàn quốc. Đặc biệt Trạm đọc hướng tới là nơi cung cấp thông tin chuyên biệt, kết nối độc giả không chỉ của Alpha Books mà của cả ngành xuất bản.
Để ngành Xuất bản, In và Phát hành sách có thể phát triển hơn nữa trong thời gian tới, ông Bình kiến nghị Luật xuất bản cần tạo ra được hành lang mới, không gian mới cho các đơn vị trong ngành. Đặc biệt các cơ quan chức năng cần lưu tâm vấn đề bản quyền, bởi với tình trạng vi phạm bản quyền trắng trợn như hiện nay, các đơn vị xuất bản công ty sách không chỉ thiệt hại về mặt kinh tế, mà còn không thể tìm kiếm được đội ngũ nhân sự có chất lượng cho đơn vị, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành. Vì khi lợi nhuận thấp, các đơn vị làm sách không thể trả được mức lương cạnh tranh để thu hút nhân sự có chất lượng cao về tổ chức. Bên cạnh đó, đây cũng là rào cản khiến các cá nhân, đơn vị khác không muốn đầu tư vào ngành sách, hình thành nên những liên minh thực sự lớn, tạo ra ảnh hưởng đáng kể cho xã hội.
VH