“Hà Nội lúc 0 giờ” - Cuốn sách mới nhất của nhà văn Bảo Ninh được xuất bản ở Mĩ
“Hà Nội lúc 0 giờ” - Cuốn sách mới nhất của nhà văn Bảo Ninh được xuất bản ở Mĩ
Tháng 3 vừa qua, nhà xuất bản Texas Tech University Press đã cho ra mắt tập truyện ngắn “Hà Nội at Midnight” của Bảo Ninh, kể về con người và cuộc sống của người dân Thủ đô trong những năm bị Pháp chiếm đóng.

Sau ba mươi năm yên ắng kể từ khi xuất bản “The Sorrow of War” (Nỗi buồn chiến tranh), Bảo Ninh cuối cùng đã cho phép xuất bản một tác phẩm mới bằng tiếng Anh. Bảo Ninh có lẽ là nhà biên niên sử chiến tranh hàng đầu của Việt Nam khi ông đã tham gia chiến đấu ở tuổi 17. 

Ấn bản "Hanoi at Midnight" được phát hành tạ Mỹ

Phụ trách dịch thuật cho cuốn sách là Quan Manh Ha, Giáo sư Văn học Mỹ tại Đại học Montana và nhà văn Cab Trần. Hai dịch giả đã làm sống lại toàn bộ ngôn ngữ văn chương đầy thi vị mà riêng biệt của Bảo Ninh, mang đến cho độc giả nước ngoài mười câu chuyện cảm động của thời kì kháng chiến ở Việt Nam.Tiêu biểu trong số đó là Rửa tay gác kiếm, 301, Lá thư từ Quý Sửu, Trại bảy chú lùn, Giang, Bằng chứng, Bí ẩn của làn nước, Ngôi sao vô danh, Hà Nội lúc 0 giờ, Gió dại…

Vẻ đẹp của cuốn sách đã được hé lộ từ những dòng giới thiệu của nhà xuất bản: “Xen kẽ với sự yên tĩnh và hiền lành là những cảnh quan bị bỏ hoang và những khu rừng trụi lá. Những dòng sông, con suối bị ô nhiễm, bầu trời bị chiến tranh tàn phá, không khí cay nồng nồng nặc mùi xác người đang phân hủy và tiếng gầm rú đinh tai của những chiếc trực thăng và máy bay ném bom lượn lờ trong bóng tối chiếm ưu thế trong bối cảnh những câu chuyện của Bảo Ninh."

Đan xen với những hình ảnh kinh hoàng ấy là những giọt nước mắt rơi trong những buổi lễ chia tay, khi tân binh phải xa người thân, khi cha mẹ sống trong lo âu và hy vọng khi con cái chiến đấu ở miền xa, khi những người lính chôn cất đồng đội với tất cả những ước nguyện chưa thành đã từng là gánh nặng cho những người đã ngã xuống. “Hà Nội at Midnight” mô tả những diễn biến phức tạp của chiến tranh và cách nó tái tạo các mối quan hệ của con người.”

Châu Giang

Tags: