Cuộc đời phía trước: Để học tập không còn là nỗi sợ hãi
Cuộc đời phía trước: Để học tập không còn là nỗi sợ hãi
Bước vào cuốn Cuộc đời phía trước, người đọc sẽ đối mặt với những câu hỏi đầy thách thức từ Krishnamurti về cốt lõi của việc giáo dục cùng những vấn đề liên quan khác.
Cuộc đời phía trước
(11 lượt)

Cuộc đời phía trước tập hợp nội dung từ các buổi diễn thuyết mà Krishnamurti dành cho những bạn trẻ đang con ngồi trên ghế nhà trường. Đây là cuốn sách đem lại nhiều suy ngẫm, trăn trở về sự nghiệp giáo dục, cũng như sự học tập. Học chính là khởi nguồn của đời sống, và việc học như thế nào để có thể sống với một tâm hồn tự do, rộng mở, và sáng tạo chính là những chủ đề mà tác giả quan tâm và chia sẻ cùng người đọc. 

 

 Nỗi sợ ngăn cản sự sáng tạo

 

Theo quan điểm của Krishnamurti, chức năng và nhiệm vụ của trí não là truy vấn và học hỏi. Nhưng cái truy vấn và học hỏi mà ông khẳng định không đơn giản chỉ là trau dồi hay tích lũy kiến thức mà nó sự rèn luyện năng lực tư tưởng sáng suốt và hợp lý, không ảo tưởng, bắt đầu từ những sự kiện chứ không phải từ những niềm tin và lý tưởng.

Không phải các bậc phụ huynh không biết điều đó, nhưng có nhiều người sử dụng sai phương pháp để kích hoạt trí não của trẻ. Tác giả đã đưa ra một số phương pháp sai mà theo ông điều đó chỉ làm tăng nỗi sợ hãi của đứa trẻ, thay vì kích thích sự ham học hay sự sáng tạo để có thể đạt được sự thông tuệ và sáng suốt. 

Nhiều cha mẹ cho rằng so sánh sẽ khuyên khích trẻ ham học nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược. Krishnamurti khẳng định ngay rằng, nó chỉ sinh ra sự thất vọng và khuyến khích lòng ghen tỵ hay sự ganh đua.

Với những lập luận sắc bén, thẳng thừng, tác giả cho rằng, sự giáo dục hiện nay đang dựa trên “sự cưỡng bách”. Sự cưỡng bách thể hiện dưới những hình thức như kỷ luật, so sánh, khen thưởng; những điều được-làm và không-được-làm mà người trẻ phải chịu từ cha mẹ, trường học, xã hội... Chính sự cưỡng bách đó tạo nên một nỗi sợ hãi vô hình xâm chiếm tâm hồn trẻ thơ, khiến việc học trở nên đáng sợ. 

Nỗi sợ ngăn chặn con người phát triển một cách tự do. Tác giả phân tích chi tiết những hình thái của nỗi sợ như, nỗi sợ khiến ta bám vào người khác và vào những  đồ vật như dây leo bám vào cây cối. Ông đưa ra lập luận: “Ta bám vào cha mẹ, vào chồng, vào con trai ta, con gái ta, vào vợ ta và vào của cải tài sản”; hay “Ta có thể có nhiều quần áo đẹp, nhiều đồ trang sức và nhiều của cải khác, nhưng bên trong về mặt tâm lý, ta vô cùng nghèo nàn. Nội tâm càng nghèo nàn, ta càng cố gắng tự làm giàu bên ngoài bằng cách bám vào người khác, vào địa vị, vào tài sản”. 

Đây là những lập luận “sắc như dao”, đã “vạch trần” vẻ ngoài hào nhoáng của xã hội hiện đại. Krishnamurti cũng khẳng định, con người ta không chỉ bám vào vật chất bên ngoài mà con bám những thứ bên trong như truyền thống. Theo ông: “đối với phần đông người lớn tuổi, và những người nội tâm nghèo nàn, trống rỗng, truyền thống luôn có vai trò vô cùng quan trọng”. 

Lý do để tác giả lập luận như vậy chính là con người chúng ta, những kẻ được tạo nên bởi nền giáo dục cưỡng bách đã không còn sự sáng tạo và chỉ biết tuân thủ rập khuôn nên truyền thống trở nên vô cùng quan trọng. Krishnamurti nói rằng, “truyền thống về những điều thiên hạ nói, truyền thống được trao truyền từ quá khứ, truyền thống không có sức sống…”

Và bởi vì nỗi sợ hãi tràn đầy tâm trí ấy, giáo dục khiến mỗi đứa trẻ đều trở thành một cỗ máy, không tâm hồn, không yêu thương, không sáng tạo. Trí não của trẻ giờ đây tựa như một ngôi nhà bị hàng rào dây thép gai vây kín. Với tình trạng đó, không có điều gì mới mẻ có thể lọt vào. 

Đưa ra đầy đủ những lập luận sắc sảo, mãnh liệt về vấn đề giáo dục, nhìn thẳng vào việc mất tự do sáng tạo, tác giả đã thể hiện một niềm trăn trở khôn nguôi đối với sự phát triển của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. 

Bằng sự nghiên cứu và suy nghiệm của mình, tác giả cũng đã đưa ra những giải pháp của riêng mình, để thay đổi thói quen “sợ hãi” và tạo dựng một thói quen tự do lành mạnh cho trí não. 

 

Sự thấu hiểu mang tới tự do trong tâm hồn

 

Krishnamurti cho rằng, chính sự thấu hiểu mới mang tính sáng tạo, chứ không phải nhớ lại. Thấu hiểu mới là nhân tố giải phóng, chứ không phải những gì các em chất chứa trong trí não. 

Khi trẻ có sự thấu hiểu một cách trực tiếp, tức là khi chúng tự mình thấy rõ ràng điều gì, thì sẽ không còn vấn đề nào nữa. Cho nên một lần nữa, khẳng định tầm quan trọng của việc thấu hiểu và sáng tạo, tác giả nói rằng điều quan trọng nhất là được yêu thương và biết yêu thương là gì. Học chính là để tự do, để hiểu được phẩm chất của yêu thương thật sự. 

Theo quan điểm của Krishnamurti, dường như phần đông chúng ta không yêu thương cũng như không được yêu thương. Ông đưa ra nhiều lập luận để dẫn dắt những người trẻ đi đến việc truy vấn tận cùng về tình yêu thật sự, chứ không cố gợi lên lòng yêu thương một cách giả tạo, mà mỗi đứa trẻ hãy cảm nhận nó. 

Nếu trẻ bị cưỡng ép bởi uy lực của người lớn, trẻ sẽ triệt tiêu chính trí não của mình, và vì thế chúng sống trong nỗi sợ hãi suốt đời, như một cái bóng luôn đep bám. Hãy để trẻ được tự do, được sáng tạo, được đồng cảm, yêu thương, độ lượng, thiện chí… Nên lấy đây là những điều cốt lõi của giáo dục thay vì đem thành tích, uy lực, ganh đua và đố kỵ trở thành mục tiêu.

Bước vào cuốn sách, người đọc sẽ đối mặt với những câu hỏi đầy thách thức từ Krishnamurti về cốt lõi của việc giáo dục cùng những vấn đề liên quan khác, như: lựa chọn ngành học, bằng cấp, sự cộng tác giữa phụ huynh và nhà trường, trách nhiệm kiếm sống, cái đẹp, phẩm chất của tình yêu… Và hơn hết, một lần nữa ông nhấn mạnh ý nghĩa cốt lõi của đời sống. Nó chính là tình yêu thương, sự tự do của tâm trí, sự tĩnh lặng của suy ngẫm. Sự học cũng như sự sống, luôn liên quan mật thiết với nhau.

Cuốn Cuộc đời phía trước của tác giả J. Krishnamurti. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc tại đây
Tags: