Góc nhìn AQ: Thoát khỏi kịch bản cuộc đời đã được lập trình
Góc nhìn AQ: Thoát khỏi kịch bản cuộc đời đã được lập trình
Cuốn sách “Góc nhìn AQ” là sự kết tinh từ những nguồn kiến thức sâu sắc, đa chiều trong suốt thời gian nghiên cứu của tác giả, đưa độc giả đến gần hơn với những giá trị sống đích thực.
Góc nhìn AQ
(15 lượt)
Phải chăng chúng ta đang bận rộn sống một cuộc đời đã được lập trình theo một chuỗi hành động như mã code lặp đi lặp lại? Cuộc sống với những hỗn độn, khó khăn thường khiến ta vội quên đi những khía cạnh sâu sắc vốn có của nó. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đi qua nhân gian này mà không có được những góc nhìn đúng đắn về cuộc sống, về những giá trị thật sự của kiếp nhân sinh? Cuốn sách “Góc nhìn AQ” của tác giả Trần Việt Quân “là một hành trình dẫn đến sự khám phá và nhìn nhận cuộc sống theo những góc nhìn có thể rất khác với bạn”, mở ra một chân trời tươi mới, bổ khuyết cho góc nhìn của bạn thêm đa chiều.

Trần Việt Quân là nhà sáng lập, cố vấn Hệ thống Trường Pathway Tuệ Đức & Xanh Tuệ Đức, CLB Dạy con 3 Gốc, sáng lập Viện Đào Tạo Bách Khoa (BKE). Với kinh nghiệm hơn 30 năm về Đông phương học, Nhân tướng, Quản trị Nhân sự & Điều hành, ông là diễn giả chuyên đề về nội lực, giá trị sống cốt lõi, xây dựng đội ngũ tại nhiều cơ sở giáo dục và doanh nghiệp khắp cả nước. Cuốn sách “Góc nhìn AQ” là sự kết tinh từ những nguồn kiến thức sâu sắc, đa chiều trong suốt thời gian nghiên cứu của tác giả, đưa độc giả đến gần hơn với những giá trị sống đích thực.

Tác phẩm được chia thành hai phần: Phần I – Nền tảng cốt lõiPhần II – Góc nhìn sâu với kết cấu logic, lần lượt phân tích, mổ xẻ các vấn đề phổ quát trong đời sống một cách sắc bén dưới góc nhìn rất khác: Góc nhìn phản biện, đa chiều, khai mở, vượt thoát niềm tin cố hữu.

Góc nhìn AQ: Cuốn sách không dành cho những ai sợ hãi thay đổi

 

Nền tảng cốt lõi – Bước đầu trên hành trình khai phá tri thức

 

“ Đừng vội tin – hãy nghi ngờ để tìm chân lý” – là “kim chỉ nam” xuyên suốt cuốn sách trong quá trình xây dựng lối sống và suy nghĩ chánh kiến, đạt đến cảnh giới cao nhất của tri thức nhân loại. “Tất cả mọi thứ xảy ra đều có nguyên do. Bạn làm một việc với niềm tin giới hạn hay niềm tin mạnh mẽ thì hai kết quả được tạo ra có thể hoàn toàn khác biệt”. Từ đó, “rất nhiều niềm tin đã được số đông hóa trở thành niềm tin chung của xã hội. Dường như ít ai nghi ngờ và kiểm chứng từng niềm tin này mà chúng ta thường có xu hướng thiết lập rất nhiều mảnh ghép đời sống của mình dựa trên những quan niệm xã hội đó”

Vậy có phải tất cả những gì chúng ta luôn tin ấy là những chân lí không bao giờ sai? 

Tác giả cho rằng nghi ngờ là bước đầu tiên cho hành trình đào bới và tiến sâu vào bản chất đời sống của mình. “Dù sao Trái Đất vẫn quay”- câu nói nổi tiếng của Galileo là một ví dụ điển hình của những niềm tin cố hữu mà một thời cả nhân loại đã tin theo. Sự nghi ngờ mà tác giả muốn nói đến trong cuốn sách này chính là nghi ngờ để tìm về sự thật, là sự phản biện, quan sát lại, là sự suy xét đến tận cùng mọi sự vật hiện tượng để tìm về bản chất cốt lõi, từ đó chúng ta học hỏi và phát triển đời sống của mình theo chiều sâu – trái ngược với nghi ngờ trên nền tảng thiếu hiểu biết như “nghi ngờ chồng không chung thủy, nghi ngờ con nói dối,… - tất cả những nghi ngờ này là nghi ngờ trên nền tảng mê mờ, ganh ghét, đố kỵ hay sợ hãi”.  Khi ta đã đặt những “bước chân đầu tiên”trong hành trình tìm chân lý, khi đã thoát khỏi sự trói buộc bằng những sợi dây “vô hình” trong niềm tin, tác giả dẫn dắt ta đi sâu vào các khía cạnh của cuộc sống, để mỗi người tự tìm thấy và chiêm nghiệm cho mình những bài học đắt giá.

 

Góc nhìn sâu – thay suy nghĩ – đổi cuộc đời

 

Để lí luận không chỉ là lí luận suông, thực tiễn không chỉ là thực tiễn mù quáng, tác giả đã phân tích, ứng dụng phương pháp học hiểu sâu vào 29 chủ đề thiết thực trong đời sống như: Lục giác tình yêu, Nghề làm cha mẹ, Bình đẳng giới,  Quan tâm chăm sóc (Hay là gánh nặng?), Sự giả dối của đồng cảm, Từ bi hay bi lụy, Phụ nữ bản lĩnh, Bàn về chữ “Hiếu”, Tư duy tích cực hay tư duy đúng đắn…

Những quan điểm tác giả đưa ra đều mang tính đa chiều, phản biện và sâu sắc. Điển hình như góc nhìn hoàn toàn “độc lạ” và có phần “đi ngược số đông” về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong bài giảng ngắn với tựa đề “Bí ẩn nghiệp quả giữa cha mẹ và con cái”

 “Khi con ra đời, danh xưng “cha mẹ” dần dần đồng hóa chúng ta với một thứ quyền lực có phân tầng thứ bậc. Ta cho rằng ta là người đưa con tới với cuộc đời này, là “thế hệ đi trước với nhiều kinh nghiệm hơn”, và con cái là “bản sao thu nhỏ” của chính mình, là một phần không tách rời với chính mình, nên ta áp đặt những kỳ vọng của mình lên con. Nhiều bậc cha mẹ thường xuyên nhân danh “tình thương” để hợp thức hóa những áp đặt, mong cầu và nhiều lúc là cả sự bạo hành bằng lời nói, cảm xúc, hành động với con, rằng tất cả điều đó là “vì con” và “tốt cho con” mà quên đi rằng, con và chúng ta là hai thực thể riêng biệt và mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái là mối liên hệ tương trợ nhau chứ không phải là áp đặt hay sở hữu”.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại khi nhiều gia đình mất dần sợi dây gắn kết cha mẹ và con cái, chúng ta đặt ra câu hỏi đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thực đáng buồn rằng nhiều đứa trẻ trầm cảm vì chính áp lực từ những người thân yêu trong gia đình. Một lần nữa ta quay về câu hỏi về sự nghi ngờ ban đầu. Rằng “Đừng vội tin – hãy nghi ngờ để tìm chân lí”. Rằng liệu câu nói “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” có còn đúng hoàn toàn hay không khi đứa trẻ chẳng hề dám nêu ra chính kiến của mình trong tất cả những vấn đề của bản thân chúng? Dạy con là một hành trình không bao giờ hết thách thức buộc cha mẹ phải nâng cấp phẩm chất của chính mình mỗi ngày. Bởi, “nếu không chuyển hóa, rất có khả năng chúng ta mãi là phiên bản cha mẹ “trẻ thơ” trong hành trình cần rất nhiều phẩm chất của sự trưởng thành này”.

 Khi ta đọc và chiêm nghiệm, ta nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa các bài giảng của tác giả, để ta càng đọc, càng ngẫm sâu, càng phá bỏ những niềm tin cố hữu để mở ra những nhận thức mới. Sự sở hữu và áp đặt âu chẳng phải là vì tình yêu sai cách – một tình yêu với hạt giống ba độc hay sao?  

“Khi trong ta đầy sức sống của hạnh phúc tự thân, ta biết yêu thương chính mình, biết sống cuộc đời tự do không bị ràng buộc bởi những định kiến hay suy nghĩ của người khác. Ta sẽ không lệ thuộc vào người khác, không nghiện cảm giác do người khác mang đến, không trói buộc hay giam cầm người khác trong ngục tù của mình. Hạnh phúc lúc này do chính ta quyết định, mà không phải do ai định đoạt. Dù người có tốt với ta, ở bên ta, quan tâm ta hay không, không quan trọng. Tình yêu trong ta vẫn như suối nguồn, cứ tuôn trào, tươi mát. Ta không mong cầu đáp trả”.

Tình yêu không phải là nắm giữ, tình yêu là sự sẻ chia. Thế nên, người biết yêu thật sự sẽ đặt tình cảm của mình tổng hòa trong tình cảm chung của cả gia đình, hàng xóm, với những người quen biết hay cả người không quen. Một người có tình yêu thương thực sự, là một người có lòng trắc ẩn. Nếu không, đó chỉ là sự ích kỷ nhân danh tình yêu.  

Sợi dây neo giữ chúng ta tồn tại trên cuộc đời này ấy chính là những quy chuẩn cộng đồng dựa trên lương tâm và trách nhiệm – đó là cách để chúng ta trở thành một cộng đồng phát triển và thống trị muôn loài. Tác giả đã dũng cảm khai thác một phần sâu sắc thuộc về nội hàm mang tính trừu tượng nhằm giúp độc giả - đặc biệt là những độc giả trẻ tuổi ngộ ra nhiều điều về nhân sinh.

Bạn có dám nghi ngờ những "chân lý" bạn đang tin tưởng? Góc nhìn AQ sẽ mở rộng góc nhìn của bạn!

 

Hạnh phúc trong tầm tay

 

Chúng ta đọc nhiều, nghe nhiều về hạnh phúc và làm sao để sống hạnh phúc. Trong Tiếng Anh có một câu rất hay “Less is more” – nôm na rằng “Người biết đủ là người hạnh phúc”. Chúng ta không cần quá nhiều để sống. Tác giả lấy ví dụ về dịch Covid 19 như sau: “Khi ấy các nhà máy, xí nghiệp, công ty, trường học đóng cửa, người dân phải ở một chỗ trong nhà, chỉ có một lượng nhỏ xe trợ cấp được ra đường làm nhiệm vụ. Do đó người ta không có nhu cầu sử dụng xăng dầu. Dầu khai thác liên tục không có nguồn tiêu thụ. Vì thế mà có thời điểm ở châu Âu, hễ ai đem về một thùng dầu là được tặng 37 đô la. Bạn có thấy trong suốt thời gian giãn cách, có những thứ hằng ngày ta tưởng là phải có nó thì mới sống được, nhưng thật sự nó không quan trọng như vậy. Thậm chí không có thì tốt hơn”.  Như vậy, cuộc sống vốn dĩ không cần quá nhiều thứ như chúng ta vẫn nghĩ. Ta mải mê trong vòng xoáy tiền tài, danh vọng, được một lại muốn có thêm hai. Con người thật kì lạ, chỉ muốn thêm mà không muốn bớt. Thay vì loay hoay kiếm tìm mọi cách phục vụ cho lòng tham của bản thân, hãy dành thời gian cho việc học để nâng cấp phẩm hạnh, vun bồi sự hiểu biết của mình. Càng học sẽ càng buông bớt những bám víu vật chất bên ngoài để quay vào nuôi dưỡng những phẩm chất bên trong cho mình và người khác. 

Có thể nói, “Góc nhìn AQ” của Trần Việt Quân giúp độc giả từng bước phá bỏ niềm tin cố hữu, mở rộng hiểu biết để có cái nhìn sâu về vũ trụ. Mỗi chúng ta chỉ là một hạt phân tử nhỏ bé trong hằng hà sa số ngôi sao, hãy sống sao cho không uổng phí, để khi ánh sáng ta vụt tắt vẫn để lại cho đời chút hương thơm. Tìm thấy chân lý và không ngừng mở lòng đón nhận sự khác biệt, mở rộng khả năng tiếp thu, ta sẽ “xóa bỏ giới hạn của những niềm tin cố hữu, mở ra chân trời của sự tự do và khai phóng”. Từ đây, ta chạm tới hạnh phúc. Từ đây, ta mở rộng trái tim để thấy lòng mình rộng lớn, thênh thang. Bởi, “cuộc đời không phải là đấu tranh, cuộc đời chính là tình bạn, chúng ta đều là anh em. Cội nguồn của hạnh phúc được tạo nên từ tinh hoa của sự tử tế. Người người tử tế, nhà nhà tử tế”. Hãy sống một cuộc đời nhiều ý nghĩa, bạn nhé! 

Theo Lan Phương