Giải thoát khỏi đau khổ bằng cách nào?
Giải thoát khỏi đau khổ bằng cách nào?
Nỗi đau này đến từ đâu? Cơn tức giận, ganh tị, sự bất an, cảm giác khó chịu, niềm khổ đau tột cùng này… đến từ đâu? Bạn không vui trong tình yêu.

Thầy Thích Nhất Hạnh nói về việc đi vào phút giây hiện tại. Thiền sư Osho khuyên hãy nhảy múa và chơi với cuộc sống. Còn Krishnamurti, ít thần bí hơn, cho rằng ta nên chất vấn đến cùng mọi suy nghĩ và cảm xúc của mình.

 Nỗi đau này đến từ đâu? Cơn tức giận, ganh tị, sự bất an, cảm giác khó chịu, niềm khổ đau tột cùng này… đến từ đâu? Bạn không vui trong tình yêu. Bạn bất an với nghề nghiệp. Bạn giận dữ với con cái. Thế thì hãy ngồi xuống, liên tục đào sâu vào cảm xúc đó, và không ngừng quan sát mình. Nỗi đau sẽ không chấm dứt chừng nào bạn chưa thực hiện điều đó.

"Giống như cái cây sẽ chết nếu các cành và lá của nó bị cắt cụt nhiều lần, sự vô minh và đau khổ phải bị triệt hạ ngay khi chúng xuất hiện, thông qua nhận thức không ngừng và sự hiểu biết", Krishnamurti nói.

Có lẽ ít ai trên thế giới này sắc bén và tinh tường được như Krishnamurti. Ông như nhà thám tử, truy nguyên nguồn gốc, gọi tên, và phơi bày những ngóc ngách vi tế nhất trong khổ tâm của con người.

Phần lớn chúng ta là những thám tử xoàng, không chịu điều tra triệt để nội tâm mình. Ta vội vàng chộp lấy những câu trả lời dễ dãi. Ta dễ phán xét, định kiến, truy lùng theo lối mòn, không tập trung trọn vẹn, không đủ chân thành và cởi mở với những nỗi đau.

Theo Krishnamurti, khi bạn dám đi xa hơn trong quá trình quan sát mình, bạn sẽ nhìn ra những mối dây trói chặt tư tưởng và sự tự do của bạn - thứ sâu xa nhất cần bị "triệt hạ". Đó có thể là khao khát trốn thoát khỏi chính mình; mong cầu thành công; tính tham lam; mong muốn tìm kiếm một nơi nương tựa, một chốn an toàn để ẩn náu; nỗi cô đơn; …

Hãy tự biết mình và phiền não của bạn sẽ "rơi rụng như chiếc lá khô lìa bỏ cành cây đang sống". Chỉ cần tự biết mình, nghe thật đơn giản phải không? Như Krishnamurti từng nói: "Cánh cửa đã mở rồi, chỉ cần bước vào thôi".

Thực tại đã mở, nhưng nhiều người lại không muốn bước vào, họ không chịu ngồi xuống với chính mình, với cái nội tại, mà cứ nháo nhào hướng ra cái ngoại tại, để rồi liên miên tạo ra xung đột.

Khi Krishnamurti qua đời, Osho đã nhận xét ông là "người đã làm việc chăm chỉ nhất trong lịch sử nhân loại vì sự tự do của con người".

Với người trẻ, thì Jiddu Krishnamurti như tấm gương soi, mọi người nhìn vào ông và thấy được mọi mối bận tâm của mình. Những chất vấn của ông làm tỉnh thức những vết thương, để từ đó chúng biến mất, hết lần này đến lần khác…

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Tags: