Giá sách và văn hóa đọc
Giá sách và văn hóa đọc
Giá sách cao hay thấp luôn là câu hỏi khó đối với cả người mua sách và người làm sách. Cách nay hơn 10 năm, khái niệm “giá sách ảo” đã từng xuất hiện, nhưng với người làm sách thì giá sách hiện nay tuy cao so với thu nhập người dân nhưng “không ảo” mà phản ánh đúng giá trị thật của sách.

Cơ cấu giá một cuốn sách về cơ bản có thể chia làm 3 phần: Chi phí bản thảo (gồm bản quyền, nhuận bút, biên tập, xuất bản…), chi phí sản xuất (gồm vật tư, in ấn, đóng xén, hoàn thiện…), chi phí phát hành và truyền thông quảng cáo. Trong đó, chi phí phát hành và truyền thông quảng cáo được xem là cao nhất với mức có thể lên đến 40%-50% so với giá bìa, chiếm gần phân nửa giá sách ra thị trường. Chính vì thế, có một thời gian dài người ta hay cáo buộc các nhà phát hành lớn trong nước là thủ phạm đẩy giá sách lên cao. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đây là một sự hiểu lầm đáng tiếc bởi trong việc phát hành, chi phí phát hành càng cao thì giá trị của phát hành mang đến cho cuốn sách càng lớn và ngược lại. Nghĩa là giá trị mà nhà phát hành thu của người làm sách, của tác giả sẽ được đổi bằng dịch vụ có chất lượng cao mà nhà phát hành mang lại.

Lấy ví dụ nhà phát hành lớn nhất cả nước hiện nay là Fahasa, họ có trong hệ thống gần 80 nhà sách hầu như trải khắp tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Sách được đưa vào hệ thống phát hành này có thể đến tay bạn đọc tại mọi miền trên cả nước. Cách đây vài năm, một cô giáo về hưu xuất bản một tác phẩm, ban đầu cô chọn một nhà phát hành nhỏ do chi phí phát hành thấp. Thế nhưng, sau đó khi mà bạn bè, học trò của cô hiện đang sống và làm việc tại nhiều địa phương trên cả nước có nhu cầu mua sách, vấn đề trở nên rất khó khăn và cô đã phải chuyển qua phát hành thông qua các nhà phát hành lớn như Fahasa, Phương Nam để người quen có thể tìm được sách.

Đổi lại, để duy trì được khả năng cung cấp sách rộng lớn như vậy với các nhà sách hiện đại, chuyên nghiệp, những đơn vị như Fahasa cũng phải bỏ ra kinh phí rất lớn để duy trì hoạt động các nhà sách, nhân lực… Theo một ước tính không chính thức, trong doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm, Fahasa chỉ có thể đạt mức lợi nhuận chưa đến 10%. Đây cũng là lý do vì sao các nhà phát hành nhỏ có ưu thế bán sách giá rẻ nhưng bù lại chỉ có thể duy trì 1 đến 2 cửa hàng sách nhỏ tại các trung tâm, đô thị lớn mà không thể mở rộng quy mô hoạt động.

“Rào cản văn hóa đọc có phải là giá sách”, là câu hỏi đã được đặt ra từ khi xuất bản chuyển mình. Đó là một mâu thuẫn khi mà chất lượng sách ngày càng tăng cao, từ chất lượng thể hiện với giấy cao cấp nhẹ, xốp, ít hại mắt đến kỹ thuật in ngày càng đẹp, sắc nét, màu sắc chân thật; bên cạnh đó là nội dung phong phú, xuất bản sách dịch cùng lúc với thế giới…, nhưng đòi hỏi giá sách phải ngày càng giảm để phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân. Mâu thuẫn này gần như không có cách giải quyết, hay ít nhất cũng không nằm trong khả năng của người làm sách.

Ảnh minh họa


Vấn đề ở đây là sự đơn điệu trong viêc tiếp cận sách của người dân hiện nay. Ngoại trừ việc mua sách về đọc, họ không thể tiếp cận sách bằng con đường nào khác. Trong khi đó ở các nước, bên cạnh việc mua sách họ còn có thể đến với sách bằng nhiều hình thức khác, như đến với các hệ thống thư viện công cộng vốn phát triển rất mạnh. Còn ở ta, hệ thống thư viện đang lâm vào tình trạng khó khăn. Thậm chí ngay tại TPHCM, một trong những trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất nước, trừ thư viện lớn là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP thì hầu như không còn thư viện công cộng nào đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Có một số thư viện được đánh giá cao cũng chỉ mới dừng ở việc nỗ lực phục vụ, mở rộng hoạt động còn nguồn sách vẫn thiếu nghiêm trọng.

Hơn ai hết, những người làm sách đều nhìn thấy vấn đề nan giải trong chuyện giá sách. Nhiều đề án về giá sách đã được nêu ra như việc xây dựng một chương trình quốc gia trợ giá sách để xuất bản những tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, hầu hết các đề án đều chủ yếu giải quyết các phần ngọn chứ không đi vào phần gốc là gia tăng cơ hội tiếp xúc với sách cho bạn đọc.

Trước đây, sách điện tử (ebook) với giá thành cực rẻ (chỉ khoảng 5.000 - 10.000 đồng/bản sách) được hy vọng sẽ góp phần san sẻ cơ hội đọc sách cho những ai không đủ khả năng tiếp cận với sách giấy. Tuy nhiên, do thiếu sự đồng bộ, thiếu một kênh phân phối, phát hành mang tính tập trung nên đến nay ebook trong nước vẫn không thể phát triển như mong muốn, thậm chí còn có dấu hiệu suy thoái, sụt giảm.

Hiện nay, một trong những kênh phát hành sách được trông chờ nhiều là hệ thống phát hành sách trực tuyến (online). Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh của hình thức bán hàng online, sách cũng đang được phân phối thông qua con đường này. Với ưu thế không phải tốn kém mặt bằng, nhân lực như hệ thống phát hành sách truyền thống, các cửa hàng bán sách online đang dần thu hút bạn đọc nhờ nguồn sách đa dạng, khả năng phân phối rộng khắp và đặc biệt là giá sách rẻ hơn. Dù không thể thay thế được hình thức phát hành truyền thống nhưng phát hành online được đánh giá sẽ mang lại một lựa chọn khác cho bạn đọc để tiếp cận với sách.

Theo SGGP

Tags: