Các bạn có thể đọc các bài viết khác của tác giả tại đây: JESSE Cười : Người Tây viết về xứ ta, Ngược chiều vun vút: Thế nào là một Việt Nam thực sự ?, Tự truyện của một trai Tây ở Việt Nam.
Nhiều người Việt Nam sống ở các thành phố lớn chắc sẽ có nhiều ý kiến về hàng chục ngàn anh chàng Tây ba lô đến Việt Nam mỗi năm và đôi khi hoà nhập vào cộng đồng expat (người xa xứ) đang sống và làm việc tại đây. Còn mấy cô nàng Tây ba lô thì sao?
Tây ba lô nữ đông gần như Tây ba lô nam và cũng có một số người ở lại và “thử sống". Nhưng rõ ràng đó là số ít, số gái Tây có mối quan hệ tình yêu với con trai địa phương còn ít hơn nữa. Tình hình này trái ngược các anh chàng expat hoàn toàn.
Nếu trong một chừng mực nào đó trai Tây và gái Việt “phải vài vừa lứa” thì gái Tây và trai Việt hình như vẫn sống hai bên biên giới khá khó vượt qua.
Tôi từng có lý thuyết về hiện tượng này, nói đúng hơn là lý thuyết về cách nhìn của người Tây ở Việt Nam, cách nhìn người Tây của người Việt. Ánh nhìn của đàn ông Tây (tức đa số đàn ông Tây không thích . . . đàn ông khác) rõ ràng hướng tới cô gái Việt khá mạnh mẽ, có thể nói nó chĩa vào gái Việt từ trước khi xuống máy bay. Và rõ ràng cách “chơi nhìn" này không chỉ đơn phương. Số chị em phụ nữ Việt Nam nhìn lại ngay từ đầu cũng không hề nhỏ vì nhiều lý do.
Còn lý thuyết của tôi là thế này, một trong những niềm vui lớn của trai Tây ở Việt Nam là họ trở thành trọng tâm của khá nhiều sự chú ý, đặc biệt là từ phía nữ giới, còn niềm vui của các gái Tây ở Việt Nam thì trái lại. Họ không còn là đối tượng của ánh nhìn nam giới như ở nước nhà nữa. Trai Việt, mặc dù lâu lâu nhìn hiếu kỳ nhưng vẫn tiếp tục thích nhìn gái Việt nhiều hơn. Thì ra, lúc mình tương đối vô danh thì cũng có lợi, không bị ai liếc nhìn thì có thể thở phào nhẹ nhõm, đi đi lại lại thoải mái hơn. Nhưng vì đó là chút lợi thế hơi tinh tế, không dành cho phần lớn người thích nhìn và thích được nhìn, gái Tây ở lại Việt Nam vẫn khá hiếm.
Tôi đưa cuốn “Gái Tây ế ở Hà Nội" của Caroline Shine vào danh sách này vì nó phản ánh tình trạng khá thú vị mới nói. Shine là cô gái Úc độ 35, 40 tuổi, là người có tâm hồn tự do đến Việt Nam du lịch và ở lại khoảng 2 năm. Trong khi ở đây cô ấy viết nhật ký tiếng Anh thành sách hồi ký. “Gái Tây ế ở Hà Nội" là bản dịch tiếng Việt được thực hiện một cách khéo léo của Linh Vũ.
Có thể nói sách có 3 mục đích chính. Một là khám phá những điều kỳ lạ lớn, những thú vui nhỏ của việc thích nghi với một môi trường hoàn toàn mới. Hai là nắm bắt không khí ở giới expat Hà Nội, bao gồm những thái độ rộng lượng và cởi mở, sai lầm và cả điên rồ, lưu hành trong đó mà chắc phần lớn người Việt chưa biết đến. Ba là ghi lại những trải nghiệm, cảm tưởng của Shine ở giới người Việt mà cô ấy tiếp xúc. Trong sách, “không gian cảm xúc” của họ được vẽ một cách cẩn trọng cùng với “không gian vật chất" - các căn phòng, nhà, ngõ và đường phố là môi trường sống của người dân Hà Nội.
Ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến hai mối quan hệ thú vị mà Shine nhắc đến trong sách. Thứ nhất là sự hấp dẫn lẫn nhau giữa Shine và một người đàn ông Việt Nam có tên Quân, là kiểu mối quan hệ xuyên biên giới giữa gái Tây và trai Việt thường bị ngăn cách. Nói thoáng qua có lẽ chuỗi tình tiết này nghe có vẻ mắc cười. Quân là tài xế xe ôm và Shine bị “cảm nắng" nặng mặc dù thừa biết tình cảm của mình khá vu vơ. Nhưng về sau, những điều xảy ra giữa hai nhân vật thì khá nghiêm túc và Shine kể lại một cách thấu đáo không những khiến người đọc hồi hộp muốn biết thêm mà còn có thể bắt mình dừng lại suy nghĩ.
Quân là một anh chàng người Việt hiền, cũng bình thường (trừ chuyện anh ấy hấp dẫn khủng khiếp trong mắt Shine). Hai người không nói chuyện với nhau được - Quân không biết tiếng Anh và Shine chỉ biết nói tiếng Việt bập bõm sau khi ở Hà Nội một thời gian - nên mối quan hệ phát triển gần như hoàn toàn trong im lặng, qua ánh nhìn, cử chỉ và nhiều khi chủ yếu trong đầu của người kể chuyện. Đúng là Quân đáp lại tình cảm của Shine một phần. Nhưng cả hai người, nhất là Shine, đều nhận ra từ đầu người kia không phải đối tượng tình yêu phù hợp. Cơ bản là, vì Quân đã có vợ rồi.
Cái tôi thích nhất ở mấy cảnh của “Gái Tây ế ở Hà Nội" kể về Quân là cách Shine mô tả chân thật cảm giác say sưa khi ở gần anh chàng đẹp trai và khó hiểu. Mấy cảnh này không có gì gợi cảm hay tục tĩu mà tông giọng của Shine vẫn rất thẳng thắn. Cô ấy dứt khoát không thi vị hoá tình hình, không làm lớn cảm xúc của mình.
Mối quan hệ xuất phát từ sự hấp dẫn lẫn nhau về mặt thể xác và chuyện này được phản ánh trong cách mô tả khá cụ thể. Và theo tôi đó chính là cái “cụ thể" thiếu trong nhiều sách tiếng Việt nói về tình yêu. Vì với phần lớn phụ nữ Việt Nam, mối tình không có dòng tình cảm rõ ràng (cứ nói có “mùi xác thịt” hơn tinh thần ngay từ đầu) vẫn là điều đáng nghi ngờ. Không gian màu xám giữa tình yêu lãng mạn và sự hấp dẫn giới tính nếu không muốn nói là bị tránh xa hoàn toàn thì vẫn được bôi hồng do khá nhiều tác giả địa phương. Còn Shine thì quyết tâm từ chối không nói vòng vèo về tất cả các sắc thái của sự khát khao ở nữ giới.
Còn bức tranh chân dung thứ hai đáng nói đến ở đây vẽ đường nét của một người expat khác hẳn Shine. “Ben” là trai Úc thông minh, béo phì vì mê ăn uống, và có vài ba định kiến về người Việt có thể khiến bạn đọc Việt Nam cảm thấy khó chịu. Không phải là anh ấy nói sai về sự vô tổ chức hay cách suy nghĩ thực dụng ở người Việt. Sống ở Việt Nam hơi lâu thì ai cũng biết có thật nhiều người Việt than vãn những điều tương tự và loay hoay vượt qua. Vấn đề là Ben vơ đũa cả nắm, nói với giọng mỉa mai quá mức, gần như bị ám ảnh bởi phía xấu của việc dạy học, sinh sống ở Việt Nam. Như nhiều người thuộc cộng đồng expat, anh ấy sống ở Việt Nam càng lâu thì càng dễ nổi nóng về chuyện nhỏ.
Cá nhân Shine kiên nhẫn với Ben, tiếp tục là bạn, mặc dù không tán thưởng quan điểm chua ngoa của anh ta. Còn với tác giả của “Gái Tây ế ở Hà Nội", những cuộc gặp gỡ với Ben là cơ hội để nói thẳng về một khía cạnh u ám của kinh nghiệm người expat ở Việt Nam. Đọc sách của Shine, tôi thấy rõ ràng là cái nhìn vỡ mộng của Ben gần như là cách tự bảo vệ chống lại một môi trường xã hội mà suy cho cùng cũng quá khó hiểu, thậm chí đối với một đứa sắc sảo như Ben và anh ấy cũng không đủ cởi mở để tìm hiểu thêm.
Shine đối phó với vấn đề tâm lý này mà cũng không thiếu sự thông cảm là một thành tích khá lớn vừa về mặt con người vừa về mặt văn chương.
Khả năng thông cảm, nỗ lực tìm hiểu, tiếp tục cởi mở là ba điều cô ấy cũng phải thực hiện đối với một số người Việt xung quanh trong mấy năm cô ấy ở Hà Nội. Trái với giả thuyết tôi nêu ở trên, không phải là người Việt xung quanh Shine không thấy gì đẹp hay “đáng nhìn" ở cô gái cao, da trắng đang đối mặt này. Vấn đề là họ thường hay phán xét cách sống của cô ấy từ một góc nhìn khá hẹp. Shine gần độ tuổi 40, chưa chồng con, hình như chưa bao giờ suy nghĩ nhiều về chuyện lập gia đình. Nhiều người địa phương biết điều đó thì không muốn hiểu thêm tại sao một phụ nữ thông minh, hấp dẫn có thể quyết định ở lại độc thân. Họ chỉ muốn biết, và thi thoảng hỏi thẳng, cô ấy có vấn đề gì.
Shine rõ ràng là người đến từ một nền văn hoá trong đó phụ nữ không lấy chồng, không sinh con là một sự lựa chọn cá nhân chính đáng. Người Việt lại có cách nhìn khác là điều cũng gây rắc rối cho cô ấy.
Ở điểm này chuyện thích nghi với một nền văn hoá mới kéo lòng thông cảm, lòng “tiếp tục tìm hiểu, cởi mở" của Shine, đến giới hạn của nó.