1% mỗi ngày: không ngừng chinh phục bản thân là cuốn sách đầu tay trong đó Ngô Di Lân đã “sắm vai” một người anh, viết các bức thư truyền đạt kiến thức kinh nghiệm anh có được cho những người em – những độc giả tương lai sẽ đọc cuốn sách này.
Ngô Di Lân cho biết: Người trẻ dễ cảm thấy mông lung trên hành trình đi tìm bản thân. Đa phần là háo hức với những gì đang chờ đón họ ở phía trước, nhưng vẫn có chút tự ti, sợ hãi. Sẽ thật tuyệt vời nếu có một cuốn sách thấu hiểu được nỗi lòng của người trẻ, để các bạn cảm thấy dù mình đang ở đâu, gặp khó khăn gì, thì vẫn luôn có một ai đó bên cạnh và nói được tiếng lòng của họ.
Và anh mong rằng cuốn sách này sẽ giúp các bạn cảm thấy vững tâm hơn trên hành trình đi tìm chính mình, cũng như được tiếp sức mỗi khi gặp khó khăn trong đời.
Đọc thêm: Ngô Di Lân chỉ cách không ngừng chinh phục bản thân: 1% mỗi ngày
Đừng FOMO
C thân mến,
Cuối năm 2020, anh triển khai dự án coaching trên trang blog Self Conquest và sau đó đã dành gần 100h đồng hồ để coach cho các mentee là các bạn học sinh cấp ba và sinh viên đại học ở Hà Nội.
Dù có thể chưa đủ dữ liệu để đưa ra kết luận cuối cùng nhưng với những gì đã trải qua, anh cảm nhận rằng có quá nhiều bạn trẻ đang cảm thấy tự ti về bản thân.
Nói đúng hơn là các bạn ấy cảm thấy tự ti về giá trị của bản thân. Và theo anh thì căn nguyên, gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ các bạn có thói quen “định giá” bản thân dựa trên những thứ bên ngoài.
Đúng, mọi người có xu hướng đánh giá bản thân bằng việc so sánh mình với những người xung quanh. Dĩ nhiên ít đi ai so mình với những người kém hơn.
Em thử tự hỏi mình xem, lần cuối cùng em so sánh bản thân với một người ăn xin là bao giờ? Anh dám chắc là không bao giờ! Ngược lại, chúng ta cũng không so mình với Jeff Bezos hay Jack Ma. Cả tỷ người mới có một vài người như vậy.
Các bạn trẻ hay so sánh mình với những người họ quen biết mà giỏi hơn các bạn. Con bé này PGA 4.0; cậu bạn thân mới được nhận thực tập tại một nơi danh giá; anh kia đang làm ở công ty lớn lương hơn trăm triệu…
Thật ra nó cũng không phải là vấn đề nếu ta có thể kiểm soát được suy nghĩ của mình và đơn giản là cảm thấy mừng cho những người kia.
Nhưng không, đại đa số dùng những người đó làm cái mốc để so sánh, để cảm thấy mình hèn kém, để cảm thấy mình chưa “đủ”. Và đấy chính là lý do vì sao khái niệm FOMO (fear of missing out) lại đang phổ biến trong giới trẻ đến thế.
FOMO ám chỉ nỗi sợ hãi của việc bỏ lỡ một cái gì đó, thường là một cơ hội hay một trải nghiệm được đánh giá là hay ho. Nhưng em thử nghĩ xem, không ai có thể FOMO nếu không hằng ngày hằng giờ nhìn vào người khác.
Chúng ta dễ bị FOMO khi lướt Instagram và thấy bạn bè check in ở một nhà hàng sang chảnh nào đó, vì ngồi cà phê là nghe được các câu chuyện thành công từ việc đầu tư chứng khoán, vì luôn có những người thích khoe khoang thành tích của mình mọi lúc mọi nơi.
Dù vô tình hay cố ý thì họ đang khiến chúng ta thèm khát được như họ, em ạ! Và khi không được như thế thì chúng ta đau khổ: đau khổ vì mình bỏ lỡ mất cơ hội để trở nên giàu có và thành công hơn.
Nhưng em nghe anh này, dù bất dù vì bất kỳ lý do gì đi nữa thì khi ta tự so sánh mình với những người giỏi, giàu, thành công hơn là ta đang chọn dấn thân vào một trò chơi được thiết kế để mình nắm chắc phần thua, vì sẽ luôn có những người giỏi hơn mình, luôn có những cơ hội ta buộc phải bỏ lỡ.
Tại sao lại phải giày vò, tra tấn bản thân như vậy? So sánh với người khác hay bận tâm tới những cơ hội mà ta có thể bỏ lỡ chỉ khiến ta cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân mà thôi.
Lời khuyên chân thành của anh cho em là đừng như con chuột hamster cả đời chạy vòng vòng trong bánh xe không lối thoát. Giá trị của bản thân mình đến từ bên trong mỗi con người, và nó không phải là một con số. Mình chỉ cần tin vào điều đó, bám chặt lấy niềm tin đó là được. Bỏ ngoài tai, ngoài đầu tất cả những thứ khác.
Có thể là hơi ngạo mạn một chút nhưng anh dám mạnh dạn khẳng định rằng con đường nhanh nhất để cảm thấy hạnh phúc và bình yên là nhận thức được rõ giá trị của mình.
Những người rất thành công theo những chuẩn mực thông thường của xã hội chưa chắc đã cảm thấy được điều đó. Họ có thể có nhiều tiền, nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, nhưng vẫn thấy chưa đủ, vẫn FOMO, vẫn thấy mình còn chưa làm được gì đáng kể.
Người trẻ thường chưa có gì nhiều trong tay, thế nên không khó để hiểu vì sao chúng ta phải cảm thấy tự ti hay mặc cảm về bản thân. Nhưng chúng ta có tài nguyên quan trọng nhất - đó là thời gian. Chúng ta còn cả tương lai bao la đang đợi chờ phía trước. Chúng ta còn có khả năng định đoạt hạnh phúc trong cuộc sống của mình. Giữ vững niềm tin đó, em nhé!
Ngô Di Lân