Dù là nhà vật lý học nổi tiếng, với tôi cha chỉ là cha!
Dù là nhà vật lý học nổi tiếng, với tôi cha chỉ là cha!
Michio Kaku là một nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng thế giới. Nhưng với con gái ông, Michio Kaku chỉ là một người cha.

Michio Kaku, sinh năm 1947 tại San Jose, bang California, Hoa Kỳ. Ông là một nhà vật lý lý thuyết, và là giáo sư tại Trường Đại học Thành phố New York và Trung tâm Cao học CUNY. Ông là cha đẻ của Lý thuyết dây (string field theory) – một bước đột phá tiến tới Thuyết thống nhất vạn vật.

Kaku còn là một tác giả với nhiều cuốn sách bán chạy, là nhân vật truyền thông và là khách mời quen thuộc trong các chương trình đối thoại và chương trình khoa học. Với công chúng trong nước, ông là một trong những người truyền tải thông tin khoa học được biết đến nhiều nhất. Ông và vợ, bà Shizue, sinh được hai con gái là Alyson và Michelle.

Con gái ông, bác sĩ Michelle Kaku là giám đốc của chương trình nội trú về thần kinh, và là Phó giáo sư khoa Thần kinh tại Trường Y khoa Boston. Cô và chồng hiện đang sống ở Boston, bang Massachusetts.

Bạn có thể đọc thêm:

Giới thiệu về cuốn sách: “Với tôi, cha chỉ là cha” món quà ý nghĩa cho ngày của cha

Giới thiệu về cuốn sách của nhà vật lý Michio Kaku: Michio Kaku - Tương lai của nhân loại: Biết trước là được vũ trang trước

Mỗi khi nhớ tới cha, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh ông đưa tay trái lên vân vê lọn tóc dài, xoăn nhẹ của mình, còn tay phải viết các phương trình lên không trung, trong khi ánh mắt thì vẫn đăm đăm vào khoảng không nào đó. Cha thường bảo tôi rằng: “Người ta trả lương cho cha để nghĩ. Đây là công việc tuyệt vời nhất trên thế gian đối với cha.” Cha luôn ở trong trạng thái đang nghiền ngẫm về vấn đề nào đó.

Hồi tôi học trung học, có lần ông đứng sau lưng nhìn tôi ngồi ôn bài để chuẩn bị cho Kì thi Regents chuẩn hóa của New York, cha tỏ ra bực bội. “Con gái, học thuộc danh sách mấy hòn đá để làm gì?” ông hỏi, ý chỉ đến quyển sách hướng dẫn ôn thi mà tôi đang ôn phần Khoa học Trái đất. “Từ khi nào mà con cần dùng mấy thông tin này chứ? Chẳng trách mà lũ trẻ giờ chẳng ưa khoa học mấy!”

Theo cách nghĩ của cha tôi, sai lầm nghiêm trọng trong ngành giáo dục chính là chương trình học chưa tạo được cảm hứng để học sinh theo đuổi các nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học. Đây cũng là lý do khiến ông tự đặt cho mình trọng trách để làm sao cho chị Alyson và tôi thấy được rằng các ngành khoa học có thể thú vị và thực tế đến nhường nào.

Ông thường cho chúng tôi đọc các cuốn sách khoa học dày cộp với nhiều minh họa sinh động như cuốn Bách khoa toàn thư về Tiểu sử Khoa học và Công nghệ với rất nhiều hình ảnh minh họa và ý tưởng tuyệt diệu, hấp dẫn hơn hẳn những thứ chúng tôi được học ở trường. Cha cũng mang về nhà những bộ dụng cụ khoa học tự chế – tôi đã rất ngạc nhiên khi chúng tôi có thể làm bóng đèn phát sáng chỉ bằng chút dây đồng và nam châm.

Nhà vật lý Michio Kaku bên con gái Michelle. Ảnh từ cuốn sách "Với tôi cha chỉ là cha"

Khi chị và tôi lớn hơn, cha vẫn tiếp tục mở mang cho chúng tôi thấy sự diệu kì của khoa học. Các thí nghiệm đơn giản cũng dần trở nên phức tạp hơn. Năm tôi học trung học, cha giúp tôi dựng buồng mây Wilson – một máy dò vật chất dùng để theo dõi sự di chuyển của bức xạ ion hóa.

Chúng tôi đi bộ khắp thành phố New York, tiến thẳng đến khu Lower East Side để mua đá khô và đến khu phố Tàu để tìm được người thợ đồng ý chế ra ống hình trụ đặc biệt bằng nhựa dùng cho buồng mây của hai cha con. Khi nhận được mẫu đồng vị phóng xạ gửi qua thư, chúng tôi lắp ráp mọi thứ lại với nhau. Và việc còn lại là ngắm nhìn các hạt ion hóa để lại các vết cong cong trên mảnh vải đỏ chúng tôi đặt sẵn trong buồng. Chúng tôi chụp lại chuyển động của chúng với máy chụp ảnh mới mua cho thí nghiệm. 

Giờ đây, khi ngẫm lại thì có lẽ việc giải thích cho mấy đứa trẻ chúng tôi những ý nghĩa phức tạp của các thí nghiệm đã giúp cha tìm ra cách giải thích khoa học cho đại chúng. Cách ông nói về các chủ đề khoa học trên truyền hình và các chương trình radio hiện giờ cũng tựa như cách ông từng giải thích mọi thứ cho chúng tôi. 

Cha luôn khuyến khích chị em chúng tôi trau dồi óc sáng tạo. Ông nuôi dưỡng tình yêu dành cho hội họa và làm gốm của chị tôi. Ông cũng kiên nhẫn ngồi xem tôi tập luyện đàn violin trong hàng tiếng đồng hồ, lắng nghe tôi chơi lại nhiều lần một đoạn nhạc mà chẳng thấy phiền hà.

Cha còn đưa hai chị em đi trượt băng vào mỗi cuối tuần, nhưng cuối cùng, chính ông cũng ham mê môn trượt băng này. Cả cha và mẹ đều mong muốn chúng tôi đi theo con đường mơ ước của riêng mình, dù nó có là gì đi nữa, miễn là chúng tôi nỗ lực bằng tất cả năng lực của chính mình. Có lần ông nói, “Kể cả con có đam mê với việc sưu tầm rác thì cũng không sao cả, nhưng tốt hơn hết thì con cần nỗ lực để trở thành nhà sưu tầm rác vĩ đại nhất từ trước đến nay.”

Khi chị gái tôi bắt đầu niềm đam mê với nấu ăn và nướng bánh, cha mẹ đã đầu tư hẳn các dụng cụ nhà bếp mới, giúp chị ấy sắp xếp những buổi tối nấu ăn ở căn hộ, và động viên chị đi thực tập ở những nhà hàng danh tiếng. Giờ thì chị Alyson đã trở thành một đầu bếp bánh ngọt thành công. 

Trong một khoảng thời gian khá dài, tôi đã cho là bản thân muốn đi theo ngành vật lý lý thuyết như cha. Nhưng trong quá trình học Đại học, tôi nhận ra mình thích thú với việc giao tiếp và giúp đỡ mọi người. Điều này thì không phù hợp cho lắm với lối sống ẩn dật của một nhà vật lý học. Thế nên tôi chọn một nhánh khác của ngành khoa học và theo học trường y, cụ thể là ngành Thần kinh học. Công việc của tôi hiện giờ là tạo động lực và giáo dục cho thế hệ tiếp sau. Thật may mắn, nhiều năm có được sự đồng hành của cha đã trau dồi cho tôi kinh nghiệm thực tiễn để ngắm nhìn những đam mê dần được khơi dậy.

Trạm đọc trích dẫn

Tags: