Độc giả yêu thích khoa học xã hội trên thế giới hẳn nhiên không xa lạ với Malcolm Gladwell- diễn giả cũng là cây bút nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ, nếu không muốn nói là trên toàn thế giới.
Là tác giả của các cuốn sách nổi tiếng: Những kẻ xuất chúng, Trong chớp mắt, Chú chó nhìn thấy gì, Điểm bùng phát, David & Goliath, hàng triệu độc giả ngưỡng mộ thường coi những cuốn sách của ông như phiên bản báo chí cao cấp của các bộ phim Bond hoặc Bourne, trong đó với những cuộc phiêu lưu chóng mặt ông sẽ đưa họ đi tham quan các vùng tri thức kỳ lạ. Gladwell thường giới thiệu cho độc giả những điều kỳ quặc trong lịch sử, những diễn giải theo chủ nghĩa xét lại quá khứ, những ranh giới của khoa học xã hội… tất cả được xâu chuỗi lại với nhau bằng một luận điểm đầy khiêu khích.
Tuy nhiên, trong cuốn sách Đọc vị người lạ - Talking to strangers, độc giả được tiếp cận một Malcolm Gladwell phong cách viết hoàn toàn mới lạ, so với tất cả các cuốn sách đã từng được xuất bản của ông: không có luận điểm khiêu khích nào.
Ở các chương mở đầu của cuốn sách, tác giả trả lời cho hai câu đố mà ông đánh giá là "tuyệt vời". Câu đố đầu tiên là: "Tại sao chúng ta không thể biết khi nào người lạ trước mặt đang nói dối chúng ta?". Để minh họa cho thực tế này, ông mô tả sự thành công của mạng lưới điệp viên lớn của Cuba đã được Castro thiết lập trên khắp phương Tây, đánh lừa ngay cả những sĩ quan tình báo Mỹ nhiều kinh nghiệm nhất.
Sự kém cỏi ngoạn mục của các cơ quan tình báo phương Tây cho đến nay vẫn là tin cũ, do họ đã hiểu sai về nền kinh tế Liên Xô kéo dài hàng thập kỷ, và báo động giả về vũ khí hóa học không tồn tại của Saddam Hussein, không phát hiện ra “đội chuột chũi” và điệp viên hai mang, và rất nhiều các hoạt động sai lầm khác. Vì vậy có lẽ không có gì quá ngạc nhiên khi họ bỏ lỡ vòng vây gián điệp của Cuba.
Và theo Gladwell: Câu trả lời hợp lý cho câu hỏi tại sao chúng ta không thể phát hiện ra người lạ đang nói dối là: Đôi khi chúng ta có thể làm được điều đó, đôi khi chúng ta không thể. Một số người giỏi nói dối hơn, một số người giỏi phát hiện lời nói dối hơn, một số người thì không biết gì cả. Nó phụ thuộc vào người lạ là ai, chúng ta là ai, và lời nói dối là gì.
Sau đó, Gladwell tiếp tục dẫn dắt độc giả chuyển sang câu đố thứ hai: "Tại sao những người biết người lạ lại bị lừa dối, trong khi những người khác không biết họ thì lại không bị lừa dối?". Để chứng minh, ông trích dẫn câu chuyện của Chamberlain, thủ tướng Anh thời trước Chiến tranh thế giới thứ hai, người tin rằng một vài kẻ đối đầu hỗn hào với Hitler có thể ngăn cản chiến tranh với Đức Quốc xã.
Các nhà lãnh đạo của các quốc gia tự do, đối mặt với một tên bạo chúa côn đồ, đặc biệt dễ mắc phải sai lầm này (Tổng thống Donald Trump hiện đang bận rộn với người bạn “thông minh” Kim Jong Un là ví dụ điển hình). Trong trường hợp của Chamberlain, gần như tất cả các cố vấn đều đồng tình với ông về điều đó. Chính khách cấp cao duy nhất tỏ ra hoài nghi là Winston Churchill. Và Churchill, Gladwell lưu ý, chưa bao giờ gặp Hitler.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa phản ứng của Churchill và của Chamberlain đối với Hitler không liên quan đến việc ai đã gặp ai. Churchill hiểu rõ hơn Chamberlain về lịch sử châu Âu, về hành vi của những tên bạo chúa, và nhìn rộng ra, Churchill giàu trí tưởng tượng hơn về sự sa đọa đi kèm với bản chất con người.
Trong Đọc vị Người lạ, Gladwell cho rằng một người lạ có thể là người mà chúng ta chưa từng để mắt tới, người mà chúng ta chỉ biết qua danh tiếng, người mà chúng ta đã gặp vài lần, người mà chúng ta đã nói chuyện một hoặc hai lần, thậm chí là người mà chúng ta biết khá rõ. Và sự mơ hồ này nhiều khi làm cho các chuyến du ngoạn trong cuốn sách của ông không tập trung.
Nhiều nhà phê bình thường cáo buộc Gladwell áp đặt sự phức tạp lên những thứ hàng ngày của cuộc sống, nâng những vấn đề nhỏ thành những câu hỏi hóc búa. Nhưng điều này không phải ngẫu nhiên, vì đây chính là phương pháp của khoa học xã hội đại chúng. Ở dạng “suy đồi và dễ tiếp thị nhất” của nó, khoa học xã hội chuyên lấy các tiên đề mà mọi giáo viên thế kỷ 19 biết đến và coi chúng như là kinh nghiệm hoặc hiệu ứng hoặc thành kiến .
Tin rằng "một con chim trong tay đáng giá hai con trong bụi" là ác cảm mất mát (hiệu ứng ám ảnh về mất mát) . "Đếm gà trước khi chúng nở" được coi là định kiến phóng chiếu. Nếu bạn thích thông tin có vẻ phù hợp với quan điểm của mình, thì khoa học xã hội cho rằng bạn mắc phải thiên kiến xác nhận…
Gladwell vừa là một “kẻ hút máu” vừa là một bậc thầy của kiểu gây khó chịu này. Một số quan điểm của Gladwell- được gọi là Gladwellisms - đã đi vào lời nói hàng ngày. Trong cuốn sách Điểm bùng phát , ông cho độc giả biết các khái niệm Người kết nối, Nhà thông thái, Yếu tố kết dính và Quy luật thiểu số. Và tất nhiên, quy tắc 10.000 giờ gây tranh cãi (trong cuốn sách Những kẻ xuất chúng) đã dạy độc giả biết rằng sự vĩ đại trong nghệ thuật và nhiều ngành nghề khác có thể đạt được sau khi cá nhân thực hành kỹ năng của mình trong 10.000 giờ — đồng thời biết nắm bắt cơ hội mà cuộc sống, xã hội mang lại để trở thành những người xuất chúng.
Tuy nhiên, trong cuốn sách Đọc vị người lạ - Talking to Strangers , “nhà máy sản xuất những khái niệm bất ngờ” của Gladwell đã bất ngờ đóng cửa. Việc thiếu những câu nói mới lạ khiến nhiều độc giả có cảm giác mệt mỏi khi đọc cuốn sách.
Thực tế, cụm từ được Gladwell sử dụng nhiều nhất trong cuốn sách là Mặc định sự thật (Default to truth). Đây là luận điểm được đưa ra bởi nhà tâm lý học Tim Levine, người đưa ra lý thuyết mặc định sự thật. Levine đã tiến hành một loạt các thí nghiệm khéo léo trên những sinh viên đại học để “khám phá” ra một sự thật phổ quát của con người: Tất cả mọi thứ đều bình đẳng, chúng ta thường tin rằng mọi người đang nói sự thật hơn là họ đang nói dối. Nếu chúng ta không mặc định sự thật, chúng ta sẽ khó tồn tại/ hoạt động trên thế giới này. Chúng ta không thể coi mọi cuộc chạm trán như một cuộc đấu trí: Liệu người này có đang nói thật hay anh ta đang cố gắng lừa dối tôi thật nhanh?
Được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh và kinh nghiệm của mỗi người, việc cho rằng sự trung thực của người khác chỉ đơn giản là một điều cần thiết cho các cá nhân trong xã hội. Một tác dụng phụ đáng tiếc, mà Gladwell rất coi trọng, là chúng ta không được trang bị đầy đủ để phát hiện những kẻ nói dối…
Gladwell bị nhiều người chỉ trích là: thường xây dựng các lập luận của mình từ các kết quả thống kê sơ sài mà ông đã thu thập được từ các tạp chí khoa học xã hội. Dữ liệu này được dùng để củng cố những giai thoại giúp bi kịch hóa một số sự thật chung về con người.
Điểm mới trong cuốn sách Đọc vị người lạ - Talking to Strangers là Gladwell không sử dụng “những thứ khoa học giả” này để chỉ ra bất kỳ bài học lớn nào. Cuối cuốn sách, ông chỉ khuyên nhủ độc giả chú ý đến hiện thực, về những gì chúng ta có thể và không thể biết — một kiểu khiêm tốn về nhận thức luận.
“Chúng ta sẽ không bao giờ biết toàn bộ sự thật,” ông viết, “Cách thích hợp để nói chuyện với người lạ là thận trọng và khiêm tốn”. Và một lần nữa ông nhắc lại: "Điều cần thiết ở chúng ta là sự kiềm chế và khiêm tốn."
Thay vì đưa ra các quy tắc, thành kiến và hiệu ứng như thường lệ, Gladwell đã chọn đưa ra lời đề nghị, yêu cầu mỗi người nhận ra rằng: chúng ta khó hiểu nhau như thế nào. Và thật khó có thể tưởng tượng độc giả Gladwell điển hình sẽ phản ứng như thế nào với cái nhún vai bất khả tri này.
Hà Việt - Trạm đọc ( Lược dịch từ The Atlantic)
Xin mời Bạn đọc tham khảo giá bán cuốn sách "Đọc Vị Người Lạ" và đặt mua online tại: