Điểm bùng phát (The tipping point) của Malcolm Gladwell xứng đáng là cuốn sách bestseller của New York Times bởi nó đã lí giải được nguyên nhân sâu xa của những “đại dịch”, những sự kiện bùng nổ suốt chiều dài lịch sử. Nghe đao to búa lớn, nhưng đại dịch ở đây thực chất vượt ra ngoài khái niệm bệnh tật thông thường. Đó có thể là sự sống dậy của một thương hiệu giày lỗi thời, là nạn giang mai bùng phát hay cũng có thể là tình trạng tội phạm ở thành phố New York.
Áp dụng vào marketing, bạn có muốn thương hiệu của mình nổi lên như một hiện tượng, hay vực dậy mạnh mẽ như thương hiệu giày kia hay không? Hãy đọc Điểm bùng phát và bạn sẽ có được cho mình câu trả lời.
Tác giả cuốn sách Điểm bùng phát là Malcom Gladwell. Ông là một nhà báo, nhà văn và diễn giả gốc Canada. Điều đặc biệt của tác giả này là khuynh hướng đào sâu khi viết và cách ông ứng dụng tâm lý học xã hội vào những tác phẩm của mình. Điều này được thể hiện ngay từ khi Gladwell còn nhỏ, ông thường xuyên được nhận xét là một học sinh có tư duy độc lập, độc đáo và đầy tham vọng. Những tác phẩm nổi tiếng của Malcolm phải kể đến như Điểm bùng phát, Trong chớp mắt, Những kẻ xuất chúng hay Chú chó nhìn thấy gì,…
Phải thừa nhận rằng cuốn Điểm bùng phát có cái tên ngắn gọn nhưng rất kêu. Điểm bùng phát được giải thích là một khoảnh khắc kỳ ảo khi một ý tưởng, một xu thế, hay một hành vi xã hội vượt qua một ngưỡng nhất định – những điểm bùng phát – và lan ra như một ngọn lửa hoang. “Ngọn lửa hoang” chính là hình ảnh so sánh rất chính xác cho những thứ nổi dậy sau điểm bùng phát.
Đi vào trọng tâm, cuốn sách nói về 3 nhân tố khiến bất cứ đại dịch nào bùng phát. Như đã nói ở trên, đại dịch không chỉ là bệnh tật, quy mô của nó rộng hơn thế rất nhiều. Covid-19 là đại dịch, sự nổi tiếng bất ngờ của Flappy Bird cũng là đại dịch, mọi thứ đều có tiềm năng trở thành đại dịch.
Nhân tố thứ nhất: Quy luật thiểu số
Trong phần này, tác giả cho rằng một đại dịch bùng phát là do sự quyết định của nhóm thiểu số người, và 3 gương mặt trong nhóm thiểu số đó là người kết nối, nhà thông thái và người bán hàng. Đây chính là những người có tầm ảnh hưởng, họ có thể tạo ra một làn sóng càn quét suy nghĩ của đa số những người còn lại.
Người kết nối có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống, khả năng phi thường của họ là kết giao bạn bè và tạo dựng các mối quan hệ. Họ có khả năng đem thế giới lại gần nhau hơn, họ truyền đi những thông điệp để gắn kết đa mặt của thế giới.
Nhà thông thái thì không quảng giao đến vậy nhưng họ vẫn nắm trong tay sức mạnh để khởi phát những đại dịch truyền khẩu. Họ không đi gắn kết từng người lại với nhau. Việc họ làm là khiến người khác tin tưởng, loan tin cho số ít những người đó rồi khiến họ phải mang điều đó đi kể cho phần còn lại của thế giới.
Người bán hàng sẽ giúp chúng ta thuyết phục thế giới tin những gì mà họ mơ hồ hay còn đang ngờ vực. Có thể thấy, trong chu trình khiến cho một thứ xuất hiện điểm bùng phát, nhà thông thái sẽ cung cấp dữ liệu, người kết nối sẽ phát tán thông tin, người bán hàng sẽ thuyết phục những người nghe thông tin ấy.
Nhân tố thứ hai: Yếu tố kết dính
Dưới góc nhìn marketing, khi chúng ta coi “đại dịch” là một sản phẩm, một ý tưởng thành công thì yếu tố kết dính chính là điều kiện cần thiết để châm lên ngọn lửa tại điểm bùng phát.
Trong phần này, tác giả minh họa cho sự cần thiết của yếu tố kết dính thông qua ví dụ về chương trình Sesame Street trên đối tượng là trẻ em thời bấy giờ. Nhân tố thứ hai được tác giả diễn giải từ tốn và chậm rãi, bạn sẽ dễ dàng hiểu được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.
Cốt lõi vấn đề, nhân tố kết dính chính là những chi tiết nhỏ trong bản thân một đại dịch. Những chi tiết này sẽ giúp đại dịch tự lan truyền mà không cần sự tác động của những yếu tố bên ngoài. Triết lý này có thể áp dụng vào kinh doanh. Sản phẩm, dịch vụ của bạn tốt thì sẽ gây ấn tượng được với người mua hàng và khiến họ tin vào sản phẩm đó.
Nhân tố thứ ba: Sức mạnh của hoàn cảnh
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, hoàn cảnh luôn là yếu tố cần thiết để bùng phát đại dịch. Một ngọn lửa cháy đượm ngoài sẽ càng bùng lên mạnh mẽ khi có sự cộng tác của thời tiết khô và một cơn gió lớn. Ngoài đầu tư vào sản phẩm, chúng ta cũng phải biết cách nắm bắt hoặc tạo ra “thiên thời, địa lợi” cho chính mình.
Bên cạnh 3 nhân tố cốt lõi làm bùng phát đại dịch, cuốn sách cũng đề cập tới những thí nghiệm khoa học và tâm lý mà tác giả đã thực hiện trong suốt nhiều năm. Ví dụ, tại sao số 7 lại là con số có ý nghĩa với con người, hay vì sao 150 lại là con số hợp lý nhất khi quản lý một nhóm.
Hiểu được những gì chia sẻ trong cuốn Điểm bùng phát, chúng ta sẽ biết cách để tạo ra một đại dịch, đồng thời nắm được phương pháp khoa học để ngăn chặn những đại dịch tương tự.
Xuyên suốt cuốn sách là các ví dụ thực tiễn nhằm giải thích cho các khái niệm và giả thuyết mà tác giả đặt ra. Tuy nhiên, một số ví dụ trong sách được nhận xét là có tính hàn lâm cao so với đa số người đọc. Những ví dụ này cũng đã xuất hiện hơn 20 năm về trước nên tính ứng dụng vào truyền thông hiện đại chưa cao.
Điểm bùng phát là cuốn sách cần có trong tủ sách của mỗi độc giả bởi các luận điểm được trình bày mạch lạc và cách giải thích hết sức logic. Chủ đề thiết thực, cấu trúc rõ ràng, ví dụ chi tiết cho một đề tài hấp dẫn, đừng bỏ qua Điểm bùng phát nếu bạn muốn thêm một bước nâng tâm tư duy.
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Những kẻ xuất chúng: Thành công có phải chỉ nhờ may mắn?
Quy tắc 10.000 giờ của Những Kẻ Xuất Chúng
Tư duy nhanh và chậm: CÁCH HAI HỆ THỐNG LÀM NÊN SUY NGHĨ VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA CHÚNG TA