Nguyễn Bích Lan (sinh năm 1976 tại Thái Bình, hiện sống ở Hà Nội) được biết tới như một tấm gương tự học, một người đầy nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Chị là tác giả tự truyện Không gục ngã, đã dịch nhiều đầu sách ý nghĩa như: Cây cam ngọt của tôi, Được học, Triệu phú khu ổ chuột, Lời nguyện cầu từ Chernobyl và khoảng 40 đầu sách dịch khác.
Mới đây, chị phát hành tập truyện ngắn và thơ Sống trong chờ đợi (NXB Phụ nữ Việt Nam). Tên cuốn sách gợi tới câu chuyện của Nguyễn Bích Lan.
Khi 14 tuổi, Nguyễn Bích Lan gặp nghịch cảnh, phải ngừng đến trường. Các bác sĩ cho biết chị mắc một chức bệnh loạn dưỡng cơ. Lựa chọn duy nhất của chị là chờ y học tiến bộ, tìm ra phương thuốc chữa bệnh.
“Đất trời sụp đổ khi tôi nghe bác sĩ nói thế. Dù tôi muốn hay không, cuộc chờ đợi cũng đã bắt đầu!”, Nguyễn Bích Lan chia sẻ câu chuyện trên trang mạng xã hội.
Sau thời gian trống rỗng, loay hoay, chị nhận ra mình có nhiều thời gian, và bắt đầu tự học tiếng Anh, đồng thời học mọi thứ qua việc đọc sách. Chị học, đọc sách, dạy học, viết truyện, làm thơ, dịch sách.
Trong cuộc sống, ai cũng có lúc phải chờ đợi. Đợi một ai đó về, đợi một chuyến xe đi, đợi ngày chạm tới thành công, đợi qua đại dịch… Sống trong chờ đợi không phải điều dễ chịu, nhưng Nguyễn Bích Lan đã biến những năm tháng ấy trở nên ý nghĩa.
Giờ đây, thế giới vẫn chưa tìm ra phương thuốc chữa căn bệnh mà Nguyễn Bích Lan mang. Nhưng chị đã “bình thường hóa” thời gian chờ đợi của mình và tận hưởng cuộc sống.
Trong lời đầu sách, Nguyễn Bích Lan viết: “Suy cho cùng, con người sống trên đời này không phải để tích lũy của cải, cũng chẳng phải để tích lũy kiến thức, mà để tận hưởng hạnh phúc nếu có, vượt qua đau khổ nếu cần, và hoàn thành hành trình làm người trong cảm giác thanh thản”.
GS Phong Lê nhận xét về sách: “Cập nhật cuộc sống ở những tâm điểm dữ dằn gai góc nhất, lại vẫn có độ lùi để nhìn rộng một bối cảnh có đường viền của thời đại, cây bút Nguyễn Bích Lan, ở bất cứ truyện nào trong tập này cũng là người rất gắn bó với thời cuộc, thời sự… Tôi rất tin với lần lượt những gì đã viết, đang viết như trong tập truyện này, Nguyễn Bích Lan sẽ là một cây bút vững vàng thuộc thế hệ thứ tư của văn chương đương đại”.
Theo Zing news