Để trở thành người viết chân chính
Để trở thành người viết chân chính
Trong tất cả các lĩnh vực, đọc là tiền đề quan trọng để viết và sáng tác văn học cũng không phải ngoại lệ. Ngẫm lại quá trình viết của mình, nhiều cây bút lớn đều cho rằng, đọc chính là bước đi đầu tiên dẫn dắt họ đến con đường văn chương và thi ca. Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Stephen King từng khẳng định: “Nếu bạn không có thời gian để đọc, bạn sẽ không có công cụ để viết”.

Mối quan hệ giữa đọc và viết không phải là một phát hiện mới mẻ. Nó đã từng được đề cập tới từ nhiều thập kỷ trước trong những nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học. Trước hết, đọc sách sẽ giúp làm giàu kiến thức. Mặc dù những kiến thức thu thập được thông qua quá trình đọc sách chưa chắc đã có thể sử dụng ngay để phục vụ sáng tác, tuy nhiên, đây được xem như quá trình tích lũy giúp mở rộng tầm nhìn, tăng cường khả năng sáng tạo. Chính vì vậy, không chỉ những tác phẩm văn học, ngay cả những cuốn sách về khoa học, kinh tế hay quốc phòng đều có giá trị đáng kể đối với giới sáng tác

Lối sống và thói quen làm việc quy củ giúp Stephen King có mạch sáng tác đều đặn trong mỗi tác phẩm của mình.

Lợi ích quan trọng tiếp theo của việc đọc là làm tăng vốn từ vựng. Mỗi từ đều có nhiều nghĩa và cách sử dụng, chỉ thông qua việc đọc, bạn mới học cách sử dụng một từ theo nhiều cách, qua đó có thể diễn đạt ý tưởng của mình thông qua các từ và các cấu trúc câu khác nhau.

Đọc sách còn nâng cao khả năng tưởng tượng của mỗi người, giúp hình dung những tình huống xảy ra. Kiến thức thu được trong quá trình đọc sẽ giúp bạn trưởng thành về mặt nhận thức và tư duy logic khi phải phân tích các diễn biến khác nhau. Điều này đặc biệt quan trọng đối với quá trình sáng tác.

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với các tác phẩm khác nhau, quan sát nhịp độ, trạng thái, và phong cách viết của các tác giả khác cộng với quá trình phân tích, phê bình sẽ giúp người đọc rút ra được kinh nghiệm cho riêng mình.

Theo nhà văn Mỹ Stephen King: “Người ta học được rõ ràng nhất những gì không nên làm khi đọc một đoạn văn xuôi dở. Ngược lại, những tác phẩm hay sẽ giúp các nhà văn học hỏi về phong cách, cách kể chuyện duyên dáng, sự phát triển cốt truyện, việc tạo ra những nhân vật đáng tin cậy”.

Ông cũng đồng thời chỉ ra 8 lợi ích của đọc sách cho các nhà văn trẻ, gồm: Đọc cho phép bạn hiểu người đọc muốn gì – và bạn cần cung cấp cho độc giả của mình những gì; đọc mang lại những nguyên tắc cơ bản vững chắc trong cấu trúc câu chuyện và phát triển cốt truyện; đọc cho bạn cảm giác và có thể mở rộng ý tưởng của riêng bạn về văn phong cũng như các biện pháp tu từ; đọc sách mang lại cảm hứng và động lực để tiến lên trong công việc của chính mình; đọc là một cách tuyệt vời để lấy ý tưởng; đọc giúp bạn biết những ý tưởng nào đã được đồng nghiệp triển khai; đọc giúp bạn nhận ra được những bài học kinh nghiệm.

Điều cuối cùng Stephen King đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc là giúp các tác giả viết một cách dễ dàng hơn. “Quan điểm của tôi là, một nhà văn không có thời gian để đọc cũng giống như một nhạc sĩ không có thời gian để nghe nhạc hoặc một đầu bếp không có thời gian để ăn. Hai hoạt động này bổ sung cho nhau và cần thiết nếu bạn muốn viết tốt”, Stephen King chia sẻ.

Đồng quan điểm với Stephen King, nữ nhà văn có tiếng tại Anh Roz Morris cho rằng, đọc là một công việc không thể thiếu trước khi bắt tay vào sáng tác. Vì đọc là điều phải làm khi mới bắt đầu đi học, nên nhiều người dễ dàng nghĩ rằng chúng ta đã sắp xếp xong và không cần phải luyện tập kỹ năng này nữa. Tuy nhiên, biết đọc mà không đọc sách cũng giống như sở hữu ván trượt mà không trượt tuyết, hay có chiếc bánh sandwich yêu thích trong tay mà không ăn. Roz Morris ví đọc sách giống như nhìn vào kính thiên văn, giúp con người khám phá toàn bộ vũ trụ, có thể leo lên đỉnh núi cao nhất, lặn xuống biển sâu nhất.

“Đọc cả điều hay lẫn cái dở đều hữu ích. Nó không chỉ giúp bạn hiểu ra những điều không nên trong quá trình viết lách, đồng thời giúp bạn khám phá ra những thủ thuật mà các nhà văn phải mất nhiều năm liền tích lũy mới có được… Những gì đúc rút qua hàng ngàn cuốn sách sẽ dần thẩm thấu trở thành kinh nghiệm của chính bạn”.

“Để trở thành một nhà văn thực thụ, trước hết hãy là một độc giả chân chính”. Đây là quan điểm được rất nhiều cây viết đồng tình. Đúng như Stephen King đã viết: “Tôi thật khó tin rằng những người đọc ít hoặc hoàn toàn không đọc lại có thể cho ra những tác phẩm xuất sắc và mong đợi mọi người thích những gì họ viết. Hãy nhớ rằng, đọc chính là trung tâm sáng tạo trong cuộc đời các nhà văn”.

QUỲNH DƯƠNG

Theo Van.vn

Tags: