Đau khổ tự nguyện có thể thay đổi cuộc đời bạn như thế nào?
Đau khổ tự nguyện có thể thay đổi cuộc đời bạn như thế nào?
Đau khổ tự nguyện chính là việc tự nguyện chịu đựng một hoặc nhiều hình thức đau khổ. Tại sao trên đời này lại có những người tự nguyện chịu đựng đau khổ như vậy? Câu trả lời chính là: Để cải thiện bản thân. 
Đau khổ tự nguyện là một hình thức thực hành Khắc kỷ cổ xưa đã có từ ít nhất 2000 năm trước khi Seneca đề cập đến việc thực hành này trong cuốn sách “Seneca - Những bức thư đạo đức” gửi Lucilius:

“Hãy dành ra một số ngày nhất định, trong thời gian đó bạn sẽ hài lòng với sự thiếu thốn và những thứ rẻ nhất, lộ trình và trang phục đơn giản, rồi tự nhủ: ‘Đây có phải là tình trạng mình lo sợ không?’” 

Nhưng trước khi thảo luận về nhiều lợi ích của đau khổ tự nguyện, chúng ta hãy xem bạn có thể tham gia vào bài tập Khắc kỷ này như thế nào. 

 

Có hai kiểu đau khổ tự nguyện chính: Cảm thấy khó chịu và từ bỏ niềm vui 

 

Một số nơi sẽ đề cập đến ‘nghèo tạm thời’, nhưng đó chỉ là sự kết hợp giữa việc cảm thấy khó chịu và từ bỏ niềm vui. 

Cảm thấy khó chịu khá đơn giản. Đúng như tên gọi, khái niệm này đề cập đến việc thay thế những tiện nghi thông thường bằng sự khó chịu. Ví dụ như: ngủ trên sàn nhà, tắm nước lạnh, nhịn ăn gián đoạn, không sử dụng điều hòa/máy sưởi, chỉ ăn những bữa rất cơ bản,.. và nhiều cách khác nữa để bạn cảm thấy không thoải mái. 

Bạn có thể làm bất kỳ điều gì được đề cập ở trên trong một vài ngày. Bạn có thể tự nhiên quyết định tắm nước lạnh hoặc ngủ trên sàn qua đêm. Thậm chí, bạn có thể cam kết thực hiện một trong những điều đó như một phần lối sống của mình, chẳng hạn như nhịn ăn gián đoạn mỗi ngày. 

Hoặc việc tự nguyện chịu cảm giác khó chịu nhất là việc bạn không gãi những chỗ ngứa trên cơ thể. 

Bạn muốn thực hành cảm thấy khó chịu như thế nào là tùy thuộc vào bạn, nhưng điều quan trọng là một khi bạn đã quyết định làm điều đó, bạn không nên rút lui. Nếu bạn chọn ngủ trên sàn qua đêm, đừng thức dậy vào lúc nửa đêm và lên giường; và chắc chắn không cho phép mình kiếm cớ để từ bỏ. 

Một cách giúp bạn chống lại nguy cơ từ bỏ là viết nó ra trước khi bắt đầu. Ví dụ, hãy viết ở đâu đó rằng: “Tối nay mình sẽ không từ bỏ việc ngủ trên sàn cho dù có khó chịu đến thế nào đi nữa”.

Từ bỏ niềm vui, thoạt nhìn, việc này có dễ dàng hơn việc cảm thấy khó chịu, nhưng thực sự từ bỏ niềm vui thực sự khó hơn nhiều. Bạn có thể áp dụng một số cách sau: Không uống cà phê và rượu, không ăn tráng miệng hoặc ăn vặt,... 

Năm 40 SCN ở Rome, gần như không có nhiều hình thức vui chơi giải trí như chúng ta có ngày nay. Do đó, để thực hành bài tập này trong thời hiện đại sẽ khó và phức tạp hơn nhiều. 

Sau đây là một số ví dụ về việc từ bỏ niềm vui trong thế kỷ 21: 

  • Không sử dụng mạng xã hội.
  • Không sử dụng các thiết bị phát trực tuyến, Youtube hoặc TV. 
  • Không chơi game. 

Thật dễ dàng để nhịn ăn và chịu đựng cơn đói khi bạn có thể đánh lạc hướng bản thân bằng cách sử dụng các nền tảng giải trí. Nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều để từ bỏ các hoạt động giải trí. 

Những hình thức giải trí này, không gì hơn, là sự xao lãng, cho dù là từ những vấn đề trong cuộc sống thực hay chỉ là cách giết thời gian. Trên thực tế, chúng chẳng mang lại giá trị gì cho cuộc sống của chúng ta nhưng chúng ta lại đang dành ngày càng nhiều thời gian cho chúng. 

Vì vậy, từ bỏ niềm vui bằng cách loại bỏ các hình thức giải trí hiện đại có lẽ là hình thức đau khổ tự nguyện hiệu quả nhất. 

Việc từ bỏ niềm vui có thể là hành động nhất thời, nhưng cách tốt nhất là cam kết thực hiện nó trong một số ngày nhất định. Ví dụ, trải qua ba ngày không có bất kỳ hình thức giải trí hiện đại nào.

Cũng giống như việc cảm thấy không thoải mái, bạn sẽ dễ dàng tuân thủ quy tắc hơn khi viết ra các quy tắc trước khi bắt đầu, chẳng hạn như “Mình sẽ không sử dụng bất kỳ hình thức mạng xã hội hoặc nền tảng phát trực tuyến nào trong ba ngày”.

Bạn cũng có thể kết hợp việc từ bỏ niềm vui và cảm thấy khó chịu nếu bạn muốn vượt qua giới hạn và hưởng lợi nhiều hơn từ đau khổ tự nguyện. 

 

Những lợi ích của đau khổ tự nguyện

 

Như đã đề cập ở đầu bài viết, mục đích của sự đau khổ tự nguyện, giống như các bài tập Khắc kỷ khác, là để tự hoàn thiện bản thân. Những lợi ích đó là: 

Tăng tính kỷ luật

Kỷ luật giống như cơ bắp. Nó có thể được tăng cường thông qua việc áp dụng và luyện tập. Vì vậy, kỷ luật được xây dựng bằng cách liên tục đưa ra những lựa chọn; đây chính xác là cách sự đau khổ tự nguyện tạo ra kỷ luật. 

Khi bạn đứng dưới vòi hoa sen, đối mặt với quyết định nên trải nghiệm vòi sen nước lạnh khó chịu hay vòi sen ấm áp dễ chịu, bạn không dễ dàng từ bỏ sự thoải mái để lựa chọn cảm giác khó chịu. 

Bằng cách chọn điều không thoải mái, kỷ luật của bạn được củng cố, lần sau khi bạn bị mắc kẹt giữa lựa chọn sự thoải mái và không thoải mái, bạn sẽ dễ dàng lựa chọn vế sau. 

Nếu bạn đang thắc mắc tại sao việc có thể chọn điều không thoải mái lại quan trọng, thì đây là câu trích dẫn dành cho bạn:

“Kỷ luật đồng nghĩa với tự do” - Jocko Willink

Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng nó thực sự rất có ý nghĩa. Mọi thứ tốt đẹp trong cuộc sống đều phải trả giá và cái giá đó thường là sự chăm chỉ. Trên thực tế, hầu hết những điều tốt đẹp trong cuộc sống đều đòi hỏi khả năng lựa chọn trì hoãn sự hài lòng thay vì thỏa mãn sự hài lòng ngay lập tức. Sự hài lòng bị trì hoãn giống như việc tập thể dục mỗi ngày để có thân hình cân đối, nó đòi hỏi kỷ luật, phải luyện tập chăm chỉ và bạn không thể thu được lợi ích ngay lập tức, nhưng về lâu dài thì nó đáng giá.

Sự hài lòng ngay lập tức sẽ là nằm dài trên ghế và thưởng thức một chiếc bánh, nó không đòi hỏi kỷ luật gì và bạn được thỏa mãn ngay lập tức, nhưng nó không cải thiện cuộc sống của bạn theo bất kỳ cách nào và không bao giờ có giá trị về lâu dài.

Rốt cuộc, chất lượng cuộc sống của một người lượng cuộc sống của một người trì hoãn thay vì sự hài lòng ngay lập tức, và nếu bạn có kỷ luật thì càng dễ nâng cao chất lượng cuộc sống. 

“Lựa chọn càng dễ dàng thì cuộc sống càng khó khăn. Lựa chọn càng khó khăn thì cuộc sống càng dễ dàng.” – Jerzy Gregorek

Tăng cường sự tự tin

Sự tự tin thực sự đến từ bên trong, cụ thể hơn là lòng tự trọng. Bạn càng có lòng tự trọng thì bạn càng tự tin.

Bằng cách tự nguyện chịu đựng sự khó chịu, bạn không chỉ nâng cao tính kỷ luật mà còn nâng cao lòng tự trọng của mình.

Đương nhiên, việc trải qua bất cứ điều gì căng thẳng hoặc không thoải mái, đặc biệt là khi bạn sẵn sàng, sẽ khiến bạn tự hào về bản thân, và điều đó đôi khi đủ giúp trở thành động lực to lớn để nâng cao lòng tự trọng.

Một phần quan trọng của sự tự tin là việc cảm thấy thoải mái với những điều không thoải mái. Đó là mục đích của đau khổ tự nguyện, nó mở rộng giới hạn vùng thoải mái của bạn để khiến bạn quen với việc không thoải mái hơn.

Giống như kỷ luật, sự tự tin cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống để đạt được những điều nhất định. Cho dù đó là nói chuyện trước công chúng, đề xuất tăng lương hay tiếp cận một người lạ hấp dẫn trong quán cà phê, sự tự tin thường là rào cản cho nhiều thứ.

“Bạn có được sức mạnh, lòng can đảm và sự tự tin nhờ mọi trải nghiệm mà bạn thực sự dừng lại để nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi. Bạn có thể tự nhủ: ‘Mình đã trải qua nỗi kinh hoàng này. Mình có thể đón nhận những gì sắp xảy đến tiếp theo.’ Bạn phải làm điều mà bạn nghĩ mình không thể làm được.” – Eleanor Roosevelt

Tăng khả năng phục hồi

Nửa sau câu nói của Eleanor Roosevelt gói gọn một cách hoàn hảo sự đau khổ tự nguyện có thể khiến bạn trở thành một người kiên cường hơn như thế nào: “Bạn có thể tự nhủ: ‘Mình đã trải qua nỗi kinh hoàng này. Mình có thể đón nhận những gì sắp xảy đến tiếp theo.’” 

Khả năng phục hồi cũng là một phẩm chất quan trọng cần có trong cuộc sống. Mọi cuộc đời đều có những thăng trầm. Khả năng phục hồi sẽ làm cho những khó khăn dễ chịu đựng hơn nhiều. 

Sự đau khổ tự nguyện sẽ khiến bạn nhận ra rằng mặc dù khó chịu nhưng nó không hề khủng khiếp chút nào. Bạn sẽ nhận ra rằng ngay cả khi gặp khó khăn về mặt tài chính, bạn vẫn sẽ ổn thôi, bởi vì bạn đã trải qua việc ngủ trên sàn, tắm nước lạnh và chỉ ăn những bữa ăn cơ bản nhất.

Hơn nữa, đau khổ tự nguyện cũng củng cố khả năng phục hồi tinh thần của bạn vì nó rèn luyện bạn trở nên thoải mái hơn khi ở bên ngoài vùng an toàn của mình.

“Bạn không phát triển lòng can đảm bằng cách vui vẻ trong các mối quan hệ của mình hàng ngày, mà bằng cách sống sót qua những thời điểm khó khăn và nghịch cảnh.” - Epicurus

Sự đau khổ tự nguyện cũng tạo nên khả năng chịu đựng căng thẳng của bạn. Để ví dụ về điều này, bạn có thể liên tưởng đến cơ chế hoạt động của vắc-xin.

Vắc-xin hoạt động bằng cách cho cơ thể tiếp xúc với một lượng nhỏ vi rút để hệ thống miễn dịch có thể học cách xử lý vi rút và làm quen với việc tiêu diệt nó. Do đó, sự đau khổ tự nguyện giống như một loại vắc-xin ngừa căng thẳng, tự chịu đựng một lượng nhỏ nó đúng cách, cơ thể bạn sẽ học cách xử lý nó tốt hơn.

Thay đổi sự ưu tiên

Đau khổ tự nguyện nguyện cũng có thể mang lại cho bạn một góc nhìn mới về cuộc sống bằng cách đặt bạn vào những cấp độ thấp nhất trong hệ thống phân cấp nhu cầu.

Hệ thống phân cấp nhu cầu hoạt động theo mức độ ưu tiên. Ví dụ: nếu bạn không được tiếp cận với oxy, bạn sẽ không quan tâm đến việc bị thất nghiệp; nếu sự an toàn của bạn gặp nguy hiểm, bạn sẽ không quan tâm đến việc được người khác tôn trọng.

Khi nhu cầu sinh lý không được đáp ứng, bạn sẽ không chú ý đến những nhu cầu khác.

Vì vậy, chỉ cần bạn còn nhớ cảm giác khi nhu cầu sinh lý của mình không được đáp ứng, bạn sẽ không quan tâm quá nhiều đến những điều kém quan trọng hơn trong cuộc sống, chẳng hạn như người khác nghĩ gì về bạn.  

Khi bất kỳ ai trải nghiệm cận kề cái chết, họ sẽ thoát ra khỏi nó với một góc nhìn hoàn toàn mới và ngừng quan tâm đến những điều không mang lại bất kỳ giá trị thực sự nào; những ưu tiên của họ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Sự đau khổ tự nguyện cũng có những tác động tương tự, nhưng rõ ràng là ở mức độ thấp hơn so với trải nghiệm cận kề cái chết.

Khám phá bản thân

“Con người chinh phục thế giới bằng cách chinh phục chính mình”. – Zeno

Bằng cách tự nguyện chịu đựng đau khổ, bạn sẽ hiểu thêm về bản thân và cách giải quyết những khó khăn này. Nói cách khác, bạn học được những gì tạo nên bản thân mình.

Với suy nghĩ này, bạn có thể nghĩ về những điểm yếu mới được phát hiện của mình và cách cải thiện chúng. Sự thật có thể khó chấp nhận, nhưng việc tìm hiểu thêm về bản thân sẽ không gây hại gì.

Ví dụ: nếu bạn biết rằng mình không thể cưỡng lại việc kiểm tra xem mình nhận được bao nhiêu lượt thích trên mạng xã hội, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang tìm kiếm sự xác thực từ mạng xã hội. Khi bạn biết những vấn đề này tồn tại, một tìm kiếm đơn giản trên Google có thể tiết lộ cách khắc phục hầu hết những vấn đề này.

Lòng biết ơn

Thông thường trong cuộc sống, thật khó để biết ơn những thứ mà bạn không thiếu. Và đây là lúc sự đau khổ tự nguyện sẽ phát huy lợi ích. 

Khi tắm nước lạnh và ngủ trên sàn, bạn sẽ nhớ nước ấm và tấm nệm êm ái biết bao. Và một khi bạn quay trở lại lối sống thoải mái của mình, bạn sẽ có sự trân trọng mới đối với những điều đơn giản trong cuộc sống. Cảm giác biết ơn này có thể góp phần đáng kể vào hạnh phúc của bạn trong cuộc sống.

“Đừng mơ sở hữu những gì bạn không có; thay vào đó hãy suy ngẫm về những phước lành lớn nhất trong những gì bạn có, và hãy nhắc nhở bản thân rằng mình sẽ nhớ những điều ấy biết bao khi chúng không còn nữa.” - Marcus Aurelius

- Trạm Đọc

- Theo The Stoic Sage

 

Tags: