DÁM THA THỨ - Sự “trả thù” ngọt ngào nhất từ trái tim
DÁM THA THỨ - Sự “trả thù” ngọt ngào nhất từ trái tim
“Dám tha thứ” của là cuốn sách dành cho những ai đang tìm kiếm sự giúp đỡ để chữa lành từ sự phản bội đau thương và tìm kiếm một góc nhìn tâm lý về sự tha thứ.
Dám Tha Thứ (Tái bản 2021)
(26 lượt)

Khi một người làm tổn thương bạn một cách vô tình hay cố ý, bạn có thể cảm thấy chắc chắn rằng bạn sẽ không bao giờ quên được chuyện này. Ngay cả sau khi cơn giận tức thời qua đi, bạn vẫn ghi nhớ sự phản bội thay vì để nó mờ dần trong ký ức. Với bạn, tha thứ thật khó khăn vì nó luôn được hiểu là quên hết những gì đã xảy ra, nỗi đau mà họ gây ra không có gì to tát hay bắt buộc phải nối lại mối quan hệ trước đây của bạn. Trên thực tế, tha thứ đơn giản hơn rất nhiều, nó có nghĩa là chọn cách trút bỏ sự tức giận, tổn thương và mong muốn báo thù. Sức mạnh của sự tha thứ là một sức mạnh to lớn có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chính bạn. 

 Đôi khi, bạn nghĩ rằng bạn đã sẵn sàng để tha thứ nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Tha thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng “Dám Tha Thứ” - cuốn sách của Edward M.Hallowell sẽ giúp bạn làm được điều này. 

Thông thường, khi bị người khác làm tổn hại về vật chất hay tinh thần, chúng ta thường tức giận và trách móc những ai đã gây ra lỗi lầm với mình. Đó là một phản ứng rất tự nhiên. Chúng ta đưa ra muôn vàn lý do chính đáng để “ăn miếng trả miếng” với đối thủ và để trì hoãn sự tha thứ. Một trong những lý do này là chờ đợi những người làm sai hối cải trước khi chúng ta tha thứ cho họ. Tuy nhiên, sự chậm trễ như vậy chỉ gây nên những tổn thất, làm mất đi mối thân tình giữa người với người, làm mình chuốc lấy những bực dọc, phiền muộn và tước đi sự bình an và hạnh phúc mà chúng ta nên có.

Để hiểu rõ hơn, Hallowell cùng chúng ta thảo luận về các vấn đề cơ bản của sự tha thứ. 

Tác giả đưa ra một định nghĩa đơn giản về sự tha thứ đó là “giải phóng chính mình ra khỏi nô lệ của lòng thù hận.”. Bởi vì, nhiều người nghĩ rằng sự tha thứ chỉ mang lại lợi ích cho người kia - người làm tổn thương bạn - trong khi thực tế, người được lợi chính là bạn.

 

Tha thứ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà là sức mạnh. Nó cũng lành mạnh, dũng cảm, dễ lây lan. Và nó giúp bạn tự do. 

 

Tác giả cho rằng ai cũng cần được thứ tha, dù họ là ai, họ phạm phải lỗi lầm nhỏ hay lớn, để họ cảm thấy mình không mang đầy tội lỗi và sẵn sàng thay đổi một cách tích cực hơn. Mọi người cần được tha thứ, cho dù đó là cha mẹ bạn, hàng xóm của bạn, con chó của bạn, người đàn ông gây ra tai nạn cho bạn sáng nay hay tên tội phạm đã sát hại người thân của bạn. 

Nếu bạn đã từng nhận được sự tha thứ, bạn sẽ biết cảm giác nhẹ nhõm tuyệt đối ngay lập tức khi món quà đó được trao tặng. Nếu bạn đã từng tha thứ cho người đã làm tổn thương bạn, ngay cả khi họ không cầu xin bạn tha thứ, rất có thể bạn đã trải qua cảm giác nhẹ nhõm ngọt ngào tương tự. Tha thứ là một điều mạnh mẽ và là một trong những món quà lớn nhất mà chúng ta có thể cho đi.

Ngoài những lợi thế về thể chất, chẳng hạn như huyết áp thấp hơn hoặc hệ thống miễn dịch khỏe hơn, việc buông bỏ sự tức giận và mong muốn trả thù sẽ dẫn đến sự phát triển cảm xúc và mức độ hạnh phúc cao hơn. 

Chỉ có tha thứ mới thực sự làm con người trở nên tốt đẹp hơn, thấu hiểu nhau hơn và xích lại gần nhau hơn. 

 

Dám tha thứ cũng là một nghệ thuật, một kỹ năng mềm cần phải rèn luyện rất nhiều trong một xã hội với nhiều mối quan hệ phức tạp.

 

Trong cuốn sách self-help rất giàu lòng trắc ẩn này, với những ví dụ từ cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của tác giả, Hallowell trình bày một quy trình chi tiết bốn bước để đạt được sự tha thứ thực sự: cảm nhận nỗi đau khi bị đối xử sai trái; hồi tưởng và suy ngẫm về nỗi đau này; vượt qua sự tức giận và phẫn uất; và cuối cùng, từ bỏ cơn giận và tiến về phía trước.

Tiến sĩ Hallowell nói rằng bước đầu tiên để tha thứ là thừa nhận những gì đã xảy ra.

 

Tha thứ bắt nguồn từ tổn thương và điều chúng ta cần làm là đón nhận chúng, cảm nhận chúng. 

 

Sau đó, hãy nói chuyện với người mà bạn tin tưởng và cởi mở về việc bạn có thể cảm thấy bị tổn thương, buồn bã hoặc tức giận như thế nào. Hãy để cảm xúc của bạn bước ra ngoài và đừng xua đuổi chúng.

Quan trọng là đừng rút lui hoặc cô lập bản thân. Giữ kết nối với cuộc sống và cảm nhận nỗi đau, mặc dù không dễ chịu chút nào. Có một ai đó ở đó để lắng nghe, nỗi đau sẽ nhẹ nhàng hơn.

 

Khi bạn đã có cơ hội để trút giận, bạn hãy sẵn sàng để hồi tưởng và suy ngẫm về những điều đã xảy ra 

 

Trước hết, hãy tự hỏi bản thân: Bạn muốn nỗi đau này biến thành điều gì?

Sau đó, tìm “cái móc”, cái móc là thứ đang kìm hãm bạn — chính là phần của tội lỗi đang khiến bạn kìm nén sự tức giận và phẫn uất của mình; cảm thông với người đã làm tổn thương bạn.

 

Hãy nhớ rằng tha thứ không phải là công việc của sự dung túng. Đó là một sự phục vụ cho chính bạn — giải phóng bạn khỏi chất độc của lòng thù hận.

Tuy rằng bước thứ ba này rất khó, nhưng bạn không được bỏ qua,  bạn cần phải phân tích cơn giận của mình và nhìn nhận lại cuộc sống của mình thì mới có thể vượt qua sự tức giận và phẫn uất.

Trong bước này, hãy bẻ thẳng cái móc (thứ đang kìm hãm bạn) và loại bỏ sự tức giận đang khiến bạn không thể tha thứ. Lúc này, việc hòa giải có thể hữu ích.

Cùng với đó, hãy liệt kê và cảm ơn tất cả những điều bạn có.

Bạn có thể tưởng tượng về sự báo thù — chỉ cần đừng hành động theo nó.

Hãy nghĩ về tương lai của bạn. Hãy biết rằng bạn và những người thân yêu của bạn sẽ tốt hơn khi bạn loại bỏ được mọi suy nghĩ mang tính trả thù.

 

Bước cuối cùng là từ bỏ cơn giận và tiến về phía trước.

 

Tác giả sử dụng từ "từ bỏ" bởi vì cảm giác bực bội của bạn có thể vĩnh viễn không bao giờ biến mất nhưng bạn có thể không quan tâm đến nó nữa. 

Lúc này, hãy thừa nhận rằng cơn giận của bạn có thể quay trở lại.

Nếu cơn giận của bạn quay trở lại, hãy thực hiện lại quá trình này và tiếp tục tiến về phía trước.

Cố gắng giúp đỡ người khác kỹ năng tha thứ theo cách đồng cảm, đó suy cùng cũng là nỗ lực để vượt qua những yếu đuối của bản thân và làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. 

Không dừng lại ở đó, tiến sĩ Hallowell còn kể về những câu chuyện có thật trong cuộc sống của mình và những người xung quanh để minh họa cho sức mạnh của sự tha thứ. 

Tác giả cho bạn thấy sự thất vọng của chính ông về việc bị một chiếc xe trên đường chèn ép xe và chửi rủa. Để cơn nóng giận dịu xuống, ông quyết định tha thứ cho người tài xế đó vì nghĩ đến một điều tốt đẹp hơn: Ít nhất họ đã tránh được một tai nạn thảm khốc .

Trong một gia đình nhỏ, người chồng Polly đã quát tháo vợ mình trong cơn tức giận, nhưng người vợ đã quyết định thông cảm cho anh bởi vì khi một ai đó tổn thương, họ cũng có xu hướng làm tổn thương một người khác, nhất là những người họ yêu thương nhất, dù muốn hay không. Và điều chúng ta cần làm là hãy ở bên nhau, kiên nhẫn và sáng suốt để quyết định đúng đắn, để không phải cô đơn suốt quãng đời còn lại.

Đó còn là câu chuyện của hai vợ chồng cũ đã chấp nhận tha thứ cho nhau chỉ để nhớ về những kỷ niệm đẹp, và không che khuất những tình cảm trong họ,...để đứa con cũng cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc.

Thậm chí, người cảnh sát Henry sẵn sàng tha thứ cho một kẻ phản bội dù đó là một trong những điều khó thực hiện nhất nhưng lại không gì ý nghĩa bằng: Mở rộng trái tim để được chữa trị bằng sức mạnh của lòng yêu thương. 

Và có thể bạn cũng đang bị tổn thương bởi những hành động thiếu suy nghĩ của những người bạn yêu thương.

Hoặc có thể một điều gì đó thực sự khủng khiếp đã xảy ra, trong nhiều năm, đã ăn sâu vào tâm hồn bạn. Có thể bạn nghĩ mình cũng là một trong những người mà ai đó không bao giờ có thể tha thứ. . .

Tiến sĩ Hallowell cho thấy việc thiếu sự tha thứ đã cản trở một cuộc hôn nhân và nó đã khiến một gia đình tan nát như thế nào - ngay cả khi tất cả các thành viên trong gia đình từ lâu đã quên mất những mâu thuẫn trước đó, sự tha thứ cho bản thân đã biến một kẻ vô tình giết người thành một thành viên hiệu quả của xã hội ra sao. “Dám tha thứ” sẽ tiếp thêm cho bạn một sức mạnh,  một sự tự tin để dũng cảm thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự đau thương và hận thù.

“Dám tha thứ” của là cuốn sách dành cho những ai đang tìm kiếm sự giúp đỡ để chữa lành từ sự phản bội đau thương và tìm kiếm một góc nhìn tâm lý về sự tha thứ. Cuốn sách cũng giúp bất cứ ai đang muốn mở rộng trái tim mình nhiều hơn, bao dung nhiều hơn. Bởi, suy cho cùng, một khi chúng ta biết tha thứ, biết xóa bỏ lỗi lầm cũng là giây phút chúng ta giải thoát cho chính mình khỏi khổ đau, thù hằn. Cuộc sống sẽ ngập tràn sự bình yên khi sức nặng của tổn thương và tội lỗi đã được dỡ bỏ. Vì vậy hãy làm điều đó cho chính mình, hãy cho phép cho mình yêu thương và hãy là người tốt nhất mà mình có thể.

Cuốn Dám tha thứ của tác giả Edward M.Hallowell do First News phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc thêm tại đây.
Tags: