Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc Thủ Đô” là một trong những hoạt động thiết thực, thúc đấy phong trào đọc sách và tìm ra những bạn trẻ ham đọc sách, có thể giới thiệu sách hay và lan tỏa niềm đam mê đọc sách tới mọi người xung quanh. Năm nay là năm đầu tiên cuộc thi này được tổ chức dưới sự hợp tác của các đơn vị: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) và Hội truyền thông thành phố Hà Nội. Trong thời gian nhận bài thi từ ngày 1/6/2016 đến hết ngày 15/9/2016, ban tổ chức đã nhận được hơn 1219 bài thi đến từ tất cả các quận huyện. Có rất nhiều bài dự thi có chất lượng tốt hay thậm chí là xuất sắc.
Đông đảo khán giả và các đơn vị truyền thông tham gia Lễ trao giải
Trải qua 3 vòng thi: sở khảo, chung khảo và phỏng vấn trực tiếp, ban tổ chức đã chọn được 2 Đại sứ Văn hóa đọc Thủ Đô tiêu biểu và 20 Đại sứ Văn hóa đọc Thủ Đô. Phát biểu tại buổi lễ, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông Hà Nội đã bày tỏ sự vui mừng trước thành công của cuộc thi năm nay và nhấn mạnh “Đại sứ Văn hóa đọc Thủ Đô là một chương trình thường niên và các em tham gia, đạt giải năm nay vẫn có thể tiếp tục tham dự ở những năm sau”.
Một trong những điểm nhấn không thể không nhắc đến của cuộc thi này là các thí sinh được đăng ký dự thi bằng hai ngôn ngữ: Tiếng Việt và Tiếng Anh. Nhờ vậy, ban tổ chức cũng như những giám khảo chấm bài đã rất thích thú khi phát hiện những ứng viên dù nhỏ tuổi nhưng có thể tư duy mạch lạc và sử dụng tiếng Anh thành thạo như tiếng mẹ đẻ. Giải thưởng Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô cũng đồng thời được chia thành hạng mục riêng cho hai ngôn ngữ này và theo cấp học phổ thông của hệ thống giáo dục.
Đại diện Ban tổ chức trao giải cho các Đại sứ Văn hóa đọc Thủ Đô 2016
Tại buổi lễ, sau khi trao giải thưởng cho những tập thể và các cá nhân xuất sắc, hai Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô tiêu biểu và bốn Đại sứ khác đã cùng MC Nguyễn Miền Biên Thùy trò chuyện và giao lưu cùng các vị khán giả. Em Nguyễn Vân Thùy Linh, một trong hai Đại sứ tiêu biểu đã thể hiện xuất sắc khả năng tư duy của mình cùng kiến thức và niềm yêu thích đối với môn Lịch sử. Cô bé học sinh lớp 9 trường THCS Ngô Sĩ Liên cho rằng “Chúng ta nên dành sự yêu thích đối với môn lịch sử cũng như đối với các môn học khác, hãy dành cho lịch sử một tình yêu bình dị và chân thành bởi lịch sử quả thực là một bộ môn rất hay và tốt đẹp. Khi học bất cứ môn học nào, chúng ta nên tìm thêm những cuốn sách liên quan đến môn học đó ngoài sách giáo khoa trên trường để bổ sung thêm kiến thức”.
Các Đại sứ giao lưu vui vẻ cùng MC Biên Thùy và các vị khán giả
Trò chuyện cùng phóng viên của Trạm Đọc, Thùy Linh cũng chia sẻ rằng tình yêu đối với việc đọc sách và lịch sử của mình bắt nguồn từ gia đình. Bản thân những thành viên trong gia đình Linh cùng bạn bè xung quanh em cũng rất yêu thích đọc sách và hào hứng với những sự kiện hay những buổi trò chuyện về sách. Trong bài dự thi của mình cũng như khi trò chuyện giao lưu với khán giả, Khánh Linh cũng rất hào hứng chia sẻ những ý tưởng để phát triển văn hóa đọc của mình như lập những hòm trao đổi sách trên phố đi bộ hay tổ chức những buổi tọa đàm về sách theo chủ đề và những ngày kỷ niệm.
Nguyễn Vân Thùy Linh trả lời lưu loát các câu hỏi giao lưu
Bên cạnh đó, Cao Mỹ Duyên, Đại sứ tiêu biểu còn lại gây ấn tượng mạnh mẽ bởi khả năng tiếng Anh không thua kém những trẻ em người bản xứ của mình. Ngay trên sân khấu, Mỹ Duyên trò chuyện một cách tự tin và trôi chảy bằng tiếng Anh cùng MC Biên Thùy. Câu chuyện về cách cô bé thu hút ngay chính người chị gái của mình thay vì dùng các thiết bị điện tử thì hãy đọc sách đã khiến cho những khán giả tại hội trường vô cùng thích thú bởi sự thông minh và dí dỏm.
Đại sứ Cao Mỹ Duyên tự tin trả lời bằng tiếng Anh
Tuổi nhỏ nhưng trí tuệ không nhỏ, khi nhận được câu hỏi của tiến sí Nguyễn Mạnh Hùng – giám đốc Công ty sách Thái Hà, người sắp có buổi thuyết trình về “Cơ hội cho Văn hóa đọc ở Việt Nam” tại Hội Sách Quốc Tế FrankFurt, Mỹ Duyên đã trả lời rất tự tin và nhận được lời khen của rất nhiều khách mời tại hội trường. Cô bé nói rằng sẽ giới thiệu dự án Sách Hóa Nông Thôn của anh Nguyễn Quang Thạch (Dự án vừa đạt được giải thưởng quốc tế của Unesco về Xóa mù chữ) khi được yêu cầu giới thiệu về văn hóa đọc ở Việt Nam, vì đây là một ví dụ rất tiêu biểu về người muốn truyền cảm hứng đọc sách và mang lại cơ hội đọc sách cho nhiều người khác. Các bạn Đại sứ khác trên sân khấu cũng đã mang đến những ý tưởng rất thực tế và hấp dẫn như giới thiệu về sự đa dạng của nền văn học Việt Nam với những tác phẩm nổi tiếng như Truyện Kiều.
Khép lại một cuộc thi thành công tốt đẹp, nhưng những nhiệm vụ của các Đại sứ Văn hóa đọc giờ đây mới chỉ chính thức bắt đầu. Rất nhiều những ý tưởng sáng tạo trên trang giấy sẽ được triển khai và tạo những ảnh hưởng cho sự phát triển Văn hóa đọc trong cuộc sống thực.
Chặng đường phía trước tuy còn rất dài, nhưng với những gì mà các Đại sứ Văn hóa đọc Thủ Đô thể hiện ngày hôm nay, chúng ta có quyền tin vào một thế hệ trẻ tri thức, một thế hệ đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Chung tay phát triển Văn hóa đọc
Thực hiện: Hải Quỳnh/Trạm Đọc