Chuyện của tay
Chuyện của tay
Chúng ta nói gì khi nói về tay

1. Có một motif kinh điển xảy ra trong vô số bộ phim là cảnh cheo leo trên vách đá, hố sâu, cao ốc và 1 người cố nắm tay 1 người trong bờ vực của sự sống và cái chết. "Đừng buông em nhé". "Nắm chặt tay anh vào".

Tại sao lại tay, cảm giác cheo leo và nguy hiểm cận kệ đấy? Có lẽ, nó gợi lại một kí ức nguyên thủy của tổ tiên rằng con non luôn phải bám (cling) lấy mẹ để sống sót, và cảm giác bị tuột ra chỉ mong manh trong gang tấc. Một phút lơ đãng là mộ xanh cỏ.

Do bản chất sinh non, con người luôn phải chào đón thế giới này quá sớm: giống như bạn mới luyện Cấp độ 5, nhưng đã bị cho lên bàn 100 để đánh Boss. Phản xạ của chúng ta khi gặp nguy hiểm, nếu không bỏ chạy, thường luôn là bám lấy thứ gì đó: một con chó xồ ra, và bạn ôm chặt lấy cô ấy.

Nhưng một nỗi sợ kinh điển khác mà vẫn in đậm trong ký ức của người lớn (và phim kinh dị) là cảnh có 1 tay chòi lên từ gầm giường và bắm chặt lấy bạn. Một mặt, chúng ta sợ những bàn tay buông bỏ, mặt khác, chúng ta sợ những bàn tay không bao giờ buông.

Không có gì sợ bằng khi đi hội chợ, mẹ bảo nắm chặt tay, không bị lạc, và thoáng chốc, bạn không còn thấy bàn tay mình đang nắm đâu. Và cũng không có gì sợ hơn khi có những người không bao giờ chịu buông bạn ra (hoặc bạn không thể thả họ ra). Cùng là nắm chặt, nhưng một bên là sự an toàn, một bên là sự cầm tù (dù cái gì an toàn cũng là thứ sẽ cầm tù bạn).

2. Frozen là câu chuyện về cái tay. Đầu phim là chuyện công chúa Elsa phải rất vả để kiểm soát sức mạnh phun băng (như thể cái tay có ý chí của riêng mình và cần được khuất phục).

Cuối phim là chuyện nguồn gốc cái ác được chuyển từ bàn tay này sang bàn tay khác (cứ tưởng kẻ xấu là đôi tay kiêm máy tạo băng nhưng hóa ra là chàng hoàng tử kiêm sát thủ, Prince Hans – đồng âm với Hands).

Bài hát phải nghe nhiều đến phát điên – Let it go – cũng là vấn đề mà ai chơi gắp thú bông phải đối mặt: làm sao để buông ra. Nắm, bấu, níu là phản xạ tự nhiên (giống như trẻ con níu ti mẹ, bám tay mẹ) nhưng buông, thả, bỏ ra là thứ chúng ta cần phải được học.

(Vì thế mà sự bùng nổ của các lời khuyên dạy bạn cách thả ra, chứ không phải nắm lại: còn chấp niệm là còn đau khổ, biết buông bỏ nghĩa là giác ngộ).

Trải nghiệm đáng sợ nhất (nhưng buộc phải học) là phải buông một cái gì có (Người mẹ dứt đôi bàn tay đang níu chặt của đứa con để đẩy nó vào lớp một), nhưng thứ chúng ta mong mỏi nhất cũng là đừng bao giờ buông (Giữ em đi, và nói, yêu em).

Giống như học chơi xếp hình hay rút gỗ, học giữ và học buông là bài học chúng ta sẽ mãi cần học, từ bé cho đến lớn.

3. Cuộc đời cũng giống như đôi tay: bạn luôn phải hoài công cố kiểm soát nó. Một loạt các sản phẩm văn hóa như đan khăn, hạt tràng, khăn tay, thuốc lá, túi sách, túi áo và gần đây là Smartphone... cần phải được sinh ra để giữ đôi tay luôn bận rộn.

Cứ thử để tay bạn nguyên trên bàn trong 1 phút, bạn sẽ thấy giữ tay nằm yên khó đến thế nào. Tay luôn cần táy máy, giống như tâm trí bạn không thể ngừng nghĩ (và nhiều người nghĩ bằng đôi tay của mình).

Giống như bạn luôn cảm thấy có chỗ ngứa trong người nhưng không thể gãi (ngứa tay à), tay luôn cố giải phóng một vấn đề nào đó trong cơ thể mà nó không biết là gì. Giữ tay luôn làm việc là một cách giữ tay khỏi chạm vào cơ thể.

Mỗi khi lo lắng, như khi phỏng vấn hay thuyết trình, bạn không ngừng chạm tay lên mũi, lên tóc, lên đùi.. bởi những cái nhìn xa lạ và đầy đánh giá kia khiến bạn vô cùng căng thẳng. Vì thế một cách tạo hưng phấn khi Sex luôn là trói tay: một cách để tích tụ và đẩy cao áp lực trong cơ thể. Khi hôn, miệng và tay luôn chuyển động đồng thời. (Ê, đừng chạm vào chỗ đó).

Tay là một công cụ có đời sống của riêng mình: khi nào nên buông, lúc nào nên giữ, lúc nào nên để nó làm việc... Sống là sống với bàn tay và những câu chuyện của nó.

Đọc thêm: Hands: What We Do With Them – and Why

 

Tags: