Christopher Columbus: Kẻ chủ mưu hai mặt hay tượng đài anh dũng?
Christopher Columbus: Kẻ chủ mưu hai mặt hay tượng đài anh dũng?
Điều nổi lên trong cuốn tiểu sử này, một tài liệu bổ sung đắt giá cho kho văn chương về Columbus, là chân dung đáng kinh ngạc và đầy khám phá về một người có thể nói là nhân vật chính trong bi kịch Shakespear...
Columbus: Bốn Chuyến Hải Hành (1492-1504)
(38 lượt)
Trong 5000 năm lịch sử từng được ghi chép lại, hẳn hiếm có nhân vật nào làm nảy sinh nhiều tranh cãi đến thế. Cứ đến ngày thứ Hai của tuần thứ hai của tháng Mười hằng năm, những cuộc tranh cãi quen thuộc lại bùng lên. Christopher Columbus, người "vô tình" khám phá ra châu Mỹ, là một nhà thám hiểm nhìn xa trông rộng. Ông là điềm báo của nạn diệt chủng. Ông là vị cứu tinh của đạo Cơ-đốc. Ông là một chủ nô tàn bạo. Ông là một thủy thủ dũng cảm, một kẻ chiếm đoạt tham lam, một hoa tiêu bậc thầy, một kẻ chủ mưu hai mặt, người giải phóng những bộ lạc bị áp bức, và một kẻ hoang tưởng tự đại.

Trong cuốn “Columbus”, Laurence Bergreen, tác giả của nhiều sách tiểu sử, đã mở rộng phạm vi cho mọi phán xét nói trên. Ngay từ ban đầu, Christopher Columbus đã là một người cực kỳ thú vị – sáng suốt, táo bạo, thất thường, hoang tưởng, ái kỷ, nhẫn tâm và (cuối cùng là) buồn khổ sâu sắc. 

Một ông già hao mòn, tàn phế;

Bị đày tới bờ biển man rợ, xa, xa quê hương,

Giam cầm bởi biển, và đỉnh đồi tối tăm bất trị, mười hai tháng ròng thê lương,

Đau đớn, vất vả với khổ sai, ốm yếu, gần đất xa trời,

Ta rảo bước ven hòn đảo

Trút bỏ trái tim trĩu nặng...

Hỡi người lái tàu vô hình! Từ nay về sau bánh lái thuộc về Người;

...

Lược trích "Lời cầu nguyện của Columbus", Walt Whitman, 1871

Sinh ra ở Genoa, được biển cả nuôi dưỡng, Columbus đã giành được sự ủng hộ của hoàng gia Tây Ban Nha cho một chuyến hải hành thám hiểm với hy vọng tìm ra con đường đến châu Á theo hướng Tây. Ngày 12 tháng 10 năm 1492, ông đặt chân xuống đảo Bahamian, San Salvador, rồi giong ba chiếc thuyền về hướng nam để lần theo bờ bắc Cuba và Hispaniola.

Tin rằng mình đã đến được vùng lãnh thổ ngoài rìa Đông Á, Columbus đã quay về Tây Ban Nha trong khúc khải hoàn, nơi hoàng đế Ferdinand và hoàng hậu Isabella phong ông là “Đô đốc của Biển cả”, và trao cho ông toàn quyền định đoạt những lãnh thổ mà ông tuyên bố. Columbus sau đó đã chỉ huy thêm ba chuyến hải hành vượt Đại Tây Dương khác, trong các khoảng thời gian 1493-1496, 1498-1500 và 1502-1504. Trên hành trình, ông lần lượt kết thân và gây chiến với dân bản địa mà ông gọi là “người Ấn” (“Anh-điêng”), hai lần bị đắm tàu và thỏa mãn với một bộ sưu tập các tội danh nổi loạn, chống đối người Tây Ban Nha.

Columbus đã quay về Tây Ban Nha trong khúc khải hoàn, nơi hoàng đế Ferdinand và hoàng hậu Isabella phong ông là “Đô đốc của Biển cả”, và trao cho ông toàn quyền định đoạt những lãnh thổ mà ông tuyên bố.

Qua những trang sách, Columbus nổi lên như một kẻ vô cùng can trường, nhưng không phải một tượng đài anh dũng. Trong mối giao thiệp với hoàng gia Tây Ban Nha, ông là một kẻ ba hoa và quanh co đã thành bản tính. Thái độ của ông đối với người Anh-điêng hoàn toàn không cho thấy khuynh hướng gắn bó nào. Ban đầu, Columbus cho rằng họ là những người dễ tính, hiếu kỳ, hào phóng và dễ bảo. Nhưng khi bị phản bội bởi người Anh-điêng lẫn khách châu Âu – kể cả khi mối quan hệ giữa họ có vẻ thân tình, thì những cuộc bạo lực man rợ vẫn là nguy cơ dai dẳng.

Kẻ đáng sợ nhất tại quần đảo Antilles là “người Ca-ri-bê”, mà theo ghi chép của Bergreen là lũ ăn thịt người tàn ác, di chuyển bằng xuồng độc mộc từ đảo này sang đảo khác để tìm kiếm thịt tươi. “Chúng ăn thịt người, trẻ con lẫn người bị thiến – những người chúng nuôi nhốt và vỗ béo như gà trống thiến”, một người châu Âu viết lại. “Họ gọi chúng là lũ ăn thịt người” như thể chưa từng có ai nói rằng người châu Mỹ trước thời Columbus vốn xa lạ với sự áp bức và độc ác điên cuồng vậy.

Người châu Âu có động cơ là lòng ham muốn vinh quang, chinh phục, phụ nữ và hơn tất thảy là vàng. Khi người Anh-điêng có vàng, họ sẽ giữ khăng khăng; còn khi không có, họ sẽ săn lùng bằng được. Đối với những người Taino tại Hispaniola, Columbus quy định một hệ thống bộ lạc, đòi hỏi mỗi người trưởng thành phải giao nộp một lượng vàng nhất định, nếu không sẽ phải chịu đau đớn cho đến chết. Nhưng ông cũng hừng hực quyết tâm truyền bá đức tin Cơ-đốc. Vậy truyền đạo hay bóc lột? Cải hóa hay nô dịch? Hai mục tiêu đó đơn giản là đối chọi nhau.

Trong cuốn “Columbus”, Laurence Bergreen, tác giả của nhiều sách tiểu sử, đã mở rộng phạm vi cho mọi phán xét nói trên.

Trong một khoảng thời gian, Columbus đã hy vọng giải quyết được thế lưỡng nan này bằng cách nô dịch những người Ca-ri-bê hiểm ác và cải hóa những kẻ hiền lành hơn. Nhưng sự cải hóa đó có ý nghĩa gì? Một giáo sĩ viết rằng “vũ lực và thủ đoạn” là điều kiện cần để đưa Cơ-đốc giáo vào hàng ngũ người Anh-điêng, nhưng chẳng có tí hy vọng nào rằng họ sẽ tuân theo lễ nghi sau khi các lãnh chúa rời đi.

Năm 1499, bồn chồn vì tin báo từ những thuộc địa xa xôi, hoàng thân Tây Ban Nha đã trao quyền cho một thanh tra tư pháp nhằm buộc Columbus giải trình. Cuộc thẩm tra đã đưa ra bằng chứng cho thấy Columbus nghiêm cấm nghi thức rửa tội Cơ-đốc ở nhóm dân Anh-điêng, trừ khi có lệnh trực tiếp từ ông, nhằm đảm bảo giao nộp đầy đủ nô lệ. Ông được cho là vị đô đốc đã áp đặt ách cai trị khủng bố lên nhân dân thuộc địa Tây Ban Nha tại Hispaniola, phạt roi, tra tấn đến biến dạng hoặc hành hình mà không qua xét xử vì những lỗi nhỏ.

 

"Vũ lực và thủ đoạn" là điều kiện cần để đưa Cơ-đốc giáo vào hàng ngũ người Anh-điêng.

 

Một số luận điệu có lẽ đã bị những kẻ thù làm quá lên hoặc vu khống cho Columbus – nhưng sau khi bị bắt và giải về Tây Ban Nha trong xiềng xích, Columbus đã khóc lóc thú nhận với Ferdinand và Isabella rằng nhiều cáo buộc là đúng sự thật. Ông đã có được sự tha thứ từ họ, nhưng không bao giờ được chỉ định làm thống chế tại những vùng đất mình khám phá nữa.

Những người theo thuyết lịch sử tương đối hẳn sẽ hướng chúng ta nhìn xa hơn những hành động công kích này. Họ nhắc chúng ta nhớ rằng đây là một thời đại, khi mà con người bị những nguyên tắc đạo đức và lương tri khác chi phối. Nhưng thế là quá dễ dãi! Năm 1493, Ferdinand và Isabella đã lệnh cho Columbus “nỗ lực thu phục dân bản địa”“đối đãi tốt, thân tình với người Anh-điêng và tránh gây bất kỳ tổn thương nào cho họ”. Lối cư xử của ông hẳn là một sự nhạo báng đối với những chỉ thị trên.

Columbus hoàn toàn bị những người cùng thời lên án. Trong đó quá quắt nhất là Bartolomé de Las Casas, một linh mục đến từ Antilles vào năm 1502, người mà sau đó đã viết một thiên ai oán không hề kiêng nể với nhan đề “Ghi chép ngắn về cuộc hủy diệt người Anh-điêng”. Las Casas đã lên án những lời hứa hẹn dối trá và lòng tham không đáy của Columbus cùng dân thuộc địa theo phe ông, cũng như thuật lại chi tiết cuộc diệt chủng gần như triệt để dân số Hispaniola bản địa trong vòng 50 năm, kể từ khi người châu Âu đặt chân đến.

Columbus bị lên án như kẻ gây ra cuộc diệt chủng gần như triệt để dân số Hispaniola bản địa trong vòng 50 năm, kể từ khi người châu Âu đặt chân đến.

Trong chuyến hải hành thứ tư và cũng là cuối cùng, một cuộc thám hiểm đậm chất Homer từng được ghi lại trong sử sách, Columbus đã khám phá các vùng bờ biển Trung Mỹ, nền văn minh Maya, chiến đấu với những kẻ chống đối, lèo lái đoàn tàu vượt qua những cơn cuồng phong, bị bỏ lại trên bờ biển Jamaica suốt cả năm ròng, và bị dọa chết khiếp bởi một nhóm người Anh-điêng dự đoán chính xác thời điểm nguyệt thực.

Trở lại Tây Ban Nha vào năm 1504, ông suy sụp nhanh chóng. Columbus trở nên trầm uất, chán nản và cáu gắt. Ông làm bộ như một kẻ tử vì đạo và mặc cả bất thành với Vua Ferninand về những của cải và tước vị mà ông tin rằng mình bị từ chối vô cớ. Đau yếu vì bệnh gút, thấp khớp và có thể là sốt rét, ông đã qua đời vào năm 1506 ở tuổi 54.

Nếu Christopher Columbus chưa từng có mặt trên đời, Cựu và Tân Thế giới có lẽ vẫn được định sẵn sẽ xung đột với nhau, dù sớm hay muộn – mà theo như Jared Diamond trong cuốn “Súng, vi trùng và thép”, sự xung đột này sẽ luôn là thảm họa cho người dân bản địa châu Mỹ. Nhưng chính Columbus là người đầu tiên tạo ra mối liên kết vĩnh viễn giữa hai thế giới, và chỉ với lý do đó, ông đã trở thành một nhân vật cực kỳ quan trọng trong lịch sử. Bergreen viết: “Trước ông, Cựu và Tân Thế giới vẫn là hai lục địa, hệ sinh thái và xã hội xa cách, tách biệt; nhưng sau ông, vận mệnh của chúng đã gắn liền với nhau, dù tốt hay xấu đi.”

 

Nếu Christopher Columbus chưa từng có mặt trên đời, Cựu và Tân Thế giới có lẽ vẫn được định sẵn sẽ xung đột với nhau, dù sớm hay muộn.

 

Điều nổi lên trong cuốn tiểu sử này, một tài liệu bổ sung đắt giá cho kho văn chương về Columbus, là chân dung đáng kinh ngạc và đầy khám phá về một người có thể nói là nhân vật chính trong bi kịch Shakespear. Ông là một người đi biển xuất chúng và dũng cảm, người đã đặt cược mọi thứ vào hành trình theo đuổi một viễn cảnh tuyệt vời – “nhưng khi những chuyến hải hành ngày càng phức tạp”, Bergreen kết luận đầy thuyết phục, “ông cũng ngày càng kém sáng suốt và cực đoan hơn, cho đến khi ông dường như sống trong ảo ảnh vinh quang của mình nhiều hơn là hiện thực mệt mỏi mà các chuyến hải hành mở ra.”

Columbus không phải là kẻ duy lý khai sáng huyền thoại; ông chỉ là vị cứu tinh tự phong, kẻ tự gọi mình là “Columbus, kẻ gánh Chúa” và tin tưởng với sự thuyết phục tuyệt đối rằng ông chính là công cụ của ý chí thánh thiêng. Nhưng nếu Columbus là một tín đồ Cơ-đốc, ông đáng lẽ phải ngừng lại suy xét về câu hỏi tu từ ở dòng 8:36 của Kinh Thánh Mark (được biến đổi đôi chút cho phù hợp với hoàn cảnh):

“Người nào có được cả Tân Thế giới mà đánh mất linh hồn mình, thì phỏng có ích gì?”

 ------------------

Xem thêm tại đây.

 

Theo The New York Times

Hoàng Tuyến biên dịch