Children’s Corners: ''Thiên đường sách'' cho trẻ em nghèo châu Phi
Children’s Corners: ''Thiên đường sách'' cho trẻ em nghèo châu Phi
Sinh ra và lớn lên ở châu Phi, nhiều trẻ em nơi đây phải gánh chịu thiệt thòi khi không đủ điều kiện đến trường. Cơ hội tiếp cận với sách và kiến thức trong mọi lĩnh vực của đời sống cũng thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Với mong muốn mang lại cho trẻ em ở "lục địa Đen" một tuổi thơ có ý nghĩa hơn, nhiều năm qua, tổ chức từ thiện chuyên phát triển thư viện có trụ sở chính tại Anh Book Aid International đã xây dựng tại đây nhiều không gian đọc sách sống động và hấp dẫn cho trẻ.

Theo các nhà điều hành Book Aid International, rất nhiều trẻ em châu Phi sinh ra trong những gia đình nghèo, bố mẹ phải vất vả lo từng bữa ăn qua ngày thì việc mua sách là điều xa xỉ. Trường học cũng hiếm khi có sách tham khảo và học sinh thường phải dùng chung sách giáo khoa. Thư viện địa phương là nơi duy nhất bọn trẻ có cơ hội tìm kiếm sách đọc thêm. Tuy nhiên, ở đây cũng thường chỉ có sách cũ và không có không gian riêng dành cho trẻ em. Nếu không được tiếp cận với sách, trẻ em khó có thể mở rộng tầm nhìn của mình thông qua giáo dục hoặc trải nghiệm niềm vui đọc sách.

Từ năm 2009 tới nay, Book Aid International đã tạo ra hơn 120 không gian đọc sách có tên "Children’s Corners" dành cho trẻ em ở khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara. Mô hình của tất cả Children’s Corners đều được xây dựng với không gian thân thiện, đặt trẻ em làm trung tâm khiến chúng có thể chìm đắm trong hành trình khám phá điều kỳ diệu của việc đọc sách. Mỗi không gian đọc đặc biệt dành cho thiếu nhi này có khoảng 2.500 cuốn sách được chọn lọc kỹ càng với nội dung đa dạng.

Book Aid International còn tổ chức những khóa đào tạo chuyên sâu dành cho các thủ thư, nhân viên hoặc tình nguyện viên địa phương làm việc tại Children’s Corners để có thể hỗ trợ các độc giả nhí tìm kiếm những cuốn sách phù hợp cũng như hướng dẫn, giải thích nội dung kiến thức cho các em trong quá trình đọc. Điều này giúp các em nuôi dưỡng niềm đam mê đối với sách.

Abdu Sseggane, một thủ thư tại Children’s Corners ở Zigoti (Uganda) cho biết: “Trước đây, cộng đồng có quan niệm rằng, thư viện chỉ dành cho người lớn tuổi. Không thể có chuyện một đứa trẻ đến thăm thư viện khi có những người lớn tuổi ở đó. Bây giờ chúng đã có một khu riêng biệt, có thể thoải mái đọc và thưởng thức. Sự ra đời của những không gian đặc biệt này giúp các em cải thiện kỹ năng đọc viết. Tôi thích làm việc với trẻ em và các khóa đào tạo đã truyền cảm hứng cho tôi. Trước đây tôi không biết phải làm gì trong thư viện. Hiện tại, tôi bận rộn với các lớp học vào thứ bảy với khoảng 40 học sinh. Các em thích đến đây đọc sách và trải nghiệm những khám phá mới mẻ trong thư viện".

Trong khuôn khổ chương trình nhân rộng mô hình không gian đọc sách cho trẻ nhỏ, Book Aid International đã triển khai thành công những thư viện có tên “Book Havens” (tạm dịch là Thiên đường của sách) đặt tại những địa điểm mang tính cộng đồng như trung tâm thanh thiếu niên, nhà thờ hay các khu sinh hoạt công cộng. Nhờ vậy, trẻ em nghèo có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với sách. Cynthia, 13 tuổi, sống tại một khu nhà nghèo ở Nairobi (Kenya) cho biết: “Em cảm thấy hạnh phúc khi tới Book Havens. Ở đó, trong không gian đẹp như thiên đường, em có thể tìm thấy nhiều điều tuyệt diệu”.

Trẻ em nhiều nước châu Phi thực sự yêu thích không gian đọc sách Children’s Corners.

Theo Jill Haynes, Trưởng dự án Children’s Corners của Book Aid International, những không gian đọc dành cho trẻ em nghèo châu Phi đã thực sự mang lại những thay đổi tích cực. Không gian mở của thư viện, những cuốn sách mới phù hợp về nội dung, hấp dẫn về hình thức đã cuốn hút một lượng lớn bạn nhỏ tới thế giới riêng này. “Đây quả thực là một kết quả vượt hơn cả mong đợi của chúng tôi”, Jill Haynes xúc động nói.

Không dừng lại ở đó, Book Aid International còn đang triển khai chương trình số hóa cho Children’s Corners. Mỗi không gian đọc sẽ nhận được 30 máy tính bảng và thiết bị đọc sách điện tử, được tải sẵn nội dung bằng ngôn ngữ địa phương. Các thủ thư cũng được đào tạo thêm khóa học về công nghệ để giúp trẻ em hiểu rõ hơn về các thiết bị điện tử. Với việc mở rộng chương trình này, trẻ em ở nhiều nước châu Phi không chỉ được đọc những cuốn sách hay mà còn có thể phát triển kỹ năng, kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, điều không thể thiếu trong thế giới hiện đại.

Theo Hà Nội Mới

Tags: